Dây Thuốc Cá: Loại Thuốc Trừ Sâu Sinh Học Con Người Cần Cẩn Trọng
Có thể bạn quan tâm
Nội dung bài viết
- 1. Danh pháp khoa học
- 2. Mô tả dây thuốc cá
- 3. Phân bố, thu hái, bộ phận dùng
- 4. Thành phần hóa học dây thuốc cá
- 5. Công dụng của dây thuốc cá
- 6. Độc tính của cây
Từ lâu, con người đã dùng dây thuốc cá như một loại thuốc trừ sâu và để đánh bắt cá trong ao hồ. Đây là loại cây có độc. Tổ chức y tế thế giới xếp vào loại chỉ có hại ở mức độ vừa phải. Có ít báo cáo về độc tính của cây này trên con người. Tuy nhiên chúng ta cần biết và cẩn trọng khi sử dụng chúng trong đời sống. Bài viết này sẽ cung cấp một số những công dụng của dây thuốc cá và độc tính của nó.
1. Danh pháp khoa học
Tên tiếng Việt: dây thuốc cá, dây mật, dây cóc, dây cát, lầu tín
Tên khoa học: Derris elliptica Benth
Họ: Cánh bướm (Fabaceae)
2. Mô tả dây thuốc cá
Dây thuốc cá là một loại dây leo khoẻ có thân dài 7-10m, lá kép gồm 9-13 lá chét, mọc so le, dài 25-35cm, lá chét lúc đầu mỏng, sau dai dày, hình mác, đầu nhọn, phía dưới tròn. Hoa nhỏ, trắng hoặc hồng. Quả loại quả đậu, dẹt, dài 4-8cm, có lông.
3. Phân bố, thu hái, bộ phận dùng
Là loại thực vật mọc hoang hoặc được trồng tại các nước Đông Nam Á như Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và một số nước tại châu Phi. Thu hoạch cây sau hai năm. Bộ phận có tác dụng được thu hoạch nhiều nhất là phần rễ cây. Khi thu hoạch thì lấy hết các rễ nhỏ, vì rễ càng nhỏ lượng hoạt chất càng cao. Hoạt chất trong rễ cao nhất vào các tháng thứ 23-27 sau khi trồng. Trồng dây thuốc cá bằng dâm cành, trồng cách nhau 1m. Cây chịu ánh sáng mạnh nhưng ưa nơi mát.
4. Thành phần hóa học dây thuốc cá
Hoạt chất chính trong rễ dây thuốc cá là rotenone (hay tubotoxin). Rotenon là chất không màu, không mùi, hầu như không tan trong nước, tan ít trong cồn và ete, rất tan trong aceton, benzen. Dung dịch rotenone trong dung môi hữu cơ khi ra ánh sáng chuyển màu đỏ thành dehydrorotenon có độ độc bền vững. Tuy nhiên trong dung môi kiềm thì chất này không còn bền vững và gần như mất tác dụng.
Rotenone được phân loại là thuốc trừ sâu thực vật có độc. Hàm lượng rotenone trong dây thuốc cá thay đổi tuỳ từng loại từ 4-12%. Những loài mọc hoang dại chứa rotenone lên tới 13%. Rotenone bị phân hủy nhanh trong đất và nước từ 1 đến 3 ngày và chịu tác động bởi nhiệt độ cao. Tác dụng của rotenone mạnh gấp 4-10 lần nicotin. Ngoài ra trong dây thuốc cá còn chứa 10-12% nước, 2-3% chất vô cơ, đường, tinh bột, tannin và chất nhựa.
5. Công dụng của dây thuốc cá
5.1 Trong nông nghiệp
Từ lâu, người Châu Á đã sử dụng loại cây này trong đánh bắt cá. Rễ dây thuốc cá được giã nhỏ để giải phóng hoạt chất rotenone. Sau khi ném xuống nước, cá chết hoặc choáng váng sẽ nổi lên mặt nước. Trong nuôi trồng, phương pháp này thường được sử dụng để dọn sạch các ao nuôi cá trước khi đưa các loài cá mới vào nuôi. Một lượng nhỏ rotenone tồn dư trong thịt cá sẽ bị phân hủy khi nấu chín.
Ở Châu Âu và Châu Mỹ, dạng bột của loài cây này được dùng rộng rãi để trừ một số loại sâu gây hại cây trồng như ruồi xanh, ruồi cưa, sâu bướm, bọ trĩ, bọ cánh cứng nhỏ và bọ ve nhện, ruồi, muỗi, mối, mọt, dán, nhện… Khi được sử dụng làm thuốc trừ sâu, rotenone tồn tại trên cây trồng chỉ trong vài ngày. Vì vậy, nó được coi là một phương pháp tương đối an toàn cho các loại cây trồng thu hoạch ngắn ngày.
Ở nước ta, tại một số vùng người ta chỉ hái cây thuốc cá tươi, làm thành một vòng treo trên sừng những con trâu bị dòi hay có ký sinh.
5.2 Trong đời sống
Con người dùng rễ thuốc cá làm thuốc tẩy giun, tuy nhiên rễ loại cây này cũng ít được lựa chọn so với các loại thuốc tẩy giun khác. Ngoài ra còn dùng để chữa ghẻ dưới dạng thuốc mỡ.
6. Độc tính của cây
6.1 Độc tính cấp
Tổ chức Y tế Thế giới xếp dây thuốc cá thuộc loại chỉ có hại ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên rotenone khi được sử dụng với liều lượng lớn có thể gây tử vong cho người và các loại động vật có vú khác mặc dù điều này là rất hiếm. Lý giải cho điều này, các nhà nghiên cứu thấy rằng một lượng rotenone được phân hủy hiệu quả bởi gan.
Rotenone khi được bào chế dưới dạng cô đặc có độc tính cao. Các tác động trên cơ thể bao gồm viêm kết mạc, viêm da, đau họng, sung huyết. Nếu nuốt phải sẽ gây ra các tác động từ kích ứng nhẹ đến nôn mửa. Nếu hít phải có thể làm khó thở, sau đó là suy nhược và co giật. Liều gây chết người qua đường miệng ước tính từ 300 đến 500 mg / kg. Đối với hầu hết các động vật thí nghiệm, rotenone dạng bột mịn khi hít phải hoặc dạng dung dịch tiêm tĩnh mạch đều có độc tính cao hơn nhiều lần so với dùng đường uống.
6.2 Độc tính lâu dài của dây thuốc cá
Gây chậm phát triển và nôn mửa
Khi cho những con chuột ăn bột dây thuốc cá với liều 2,5-50 mg/kg trong 2 năm thì thấy chúng không có sự phát triển về thể chất. Các nhà nghiên cứu cho rằng với liều thấp nhất là 2,5 mg/kg rotenone có khả năng gây ức chế sự phát triển trên chuột. Những con chó được cho ăn bột cây này với liều thấp trong 28 ngày thì bị nôn mửa và tiết nhiều nước bọt. Trong sáu tháng tiếp theo chúng giảm tiêu thụ thức ăn và giảm tăng trọng. Khi chúng chết, người ta quan sát thấy rất nhiều tổn thương mảng xuất huyết ở ruột non.
Gây quái thai
Những con chuột mang thai được cho ăn 10 mg/kg cây thuốc cá đến ngày thứ 15 của thai kỳ. Một số lượng lớn chuột mẹ chết do độc tính của rotenone trong cây và thai của chúng cũng hấp thu rất nhiều độc tố. Nhóm chuột khác được cho ăn một lượng 5 mg/kg đã tạo ra một số lượng đáng kể con non bị dị tật xương. Ở liều 2,5 mg/kg không gây độc cho chuột mẹ hoặc ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai. Không có đủ thông tin để kết luận về khả năng rủi ro sinh sản cho con người.
Gây ung thư và độc ở nội tạng
Rotenone khi dùng ở liều 1,7 mg/kg trong 42 ngày làm gia tăng khối u tuyến vú trên chuột. Nhiễm độc mãn tính chất này có thể tạo ra những thay đổi ở gan và thận trên chuột.
Dây thuốc cá là loại cây được biết đến như một thuốc trừ sâu sinh học, có độc tính trên các loại cá và một số loại sâu. Rotenone là thành phần chính và cũng là thành phần gây độc chủ yếu của cây này. Chưa có nhiều báo cáo về tử vong do độc tính của cây thuốc cá trên người.
Các nhà khoa học cho rằng cơ chế bảo vệ của cơ thể là nhờ vào sự phân hủy tại gan và hấp thu chậm trong ruột. Tuy nhiên nếu hít phải hoặc uống phải một lượng lớn sẽ gây nôn ói dữ dội, sung huyết niêm mạc và có thể gây tử vong. Vì vậy con người nên cẩn trọng khi sử dụng loại cây này.
Bác sĩ: Nguyễn Vũ Thiên Duyên
Từ khóa » Tác Hại Của Cây Duốc Cá
-
Dây Thuốc Cá - Đặc điểm, Công Dụng Và Lưu ý Khi Dùng
-
Vị Thuốc Dây Thuốc Cá | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Dây Thuốc Cá - Công Dụng, Cách Dùng Và Lưu ý Khi Sử Dụng
-
Cây Thuốc Cá Trị Bệnh Gì? Cách Sử Dụng Trị Bệnh Phổi. Mua ở đâu?
-
Mất Mạng Vì Biến độc Dược Thành "thần Dược"! - Nguoi Dua Tin
-
Dây Thuốc Cá
-
Lá Cơi Loại Cây Duốc Cá, Làm Thuốc Và độc Tính Cần Lưu ý
-
Dây Thuốc Cá Trị Bệnh Gì? Cách Sử Dụng Trị Bệnh Phổi? Mua Bán ở ...
-
Cây Thuốc Cá Là Cây Gì Và Công Dụng đối Với đời Sống - Vietbeauties
-
Đánh Cá Bằng độc Dược – Wikipedia Tiếng Việt
-
Day Thuoc Ca - Dây Thuốc Cá - Tram BVTV Huyen Vinh Hung
-
Dây Thuốc Cá Trị Bệnh Gì? Cách Sử Dụng Cây Thuốc Cá Trị Ung Thư Phổi.
-
Sử Dụng Dây Thuốc Cá Chữa Ung Thư Phổi
-
Cây Thuốc Diệt Cá - Báo Sóc Trăng