Đề Cao "Sống Và Làm Việc Theo Hiến Pháp"

Tôn vinh giá trị Hiến pháp, pháp luật

Thưa Bộ trưởng, xin ông cho biết ý nghĩa của Ngày Pháp luật lần đầu tiên được tổ chức tại nước ta?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Theo quy định tại Điều 8, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Việc Quốc hội lựa chọn ngày 9/11 là Ngày Pháp luật vì vào ngày này cách đây 67 năm, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp năm 1946. Đây là một sự kiện chính trị-pháp lý có ý nghĩa đặc biệt, là dấu mốc quan trọng mở đầu con đường phát triển mới không chỉ của lịch sử lập hiến mà của cả dân tộc ta.

Chính vì vậy, ý nghĩa của Ngày Pháp luật trước hết là nhằm thể hiện tinh thần tôn vinh các giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong cuộc sống của mỗi con người và trong sự phát triển của quốc gia, sự hưng thịnh của dân tộc, đồng thời qua đó làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hoạt động của mọi người dân, mọi cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.

Năm 2013, năm đầu tiên Luật Phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu lực thi hành, cũng là năm đầu tiên, ngày 9/11 trở thành Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam và được tổ chức thống nhất trên quy mô toàn quốc.

Đây cũng là năm ghi nhận một sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị-pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi), bản Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Chính vì vậy, Ngày Pháp luật năm nay có ý nghĩa đặc biệt, vừa là sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý sâu rộng nêu trên, nhằm phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, đồng thời là tiền đề, là cơ sở để tổ chức Ngày Pháp luật trong những năm tiếp theo có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả thiết thực hơn.

Ở khía cạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế, Ngày Pháp luật chắc chắn cũng sẽ là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

Tiền đề đổi mới công tác giáo dục, phổ biến pháp luật

Chúng ta cần làm gì để Ngày Pháp luật thực sự ghi dấu ấn trong đời sống xã hội, góp phần vào việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiện nay, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Trong thời gian qua, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm và đã có kết quả đáng ghi nhận nhưng còn ít mô hình tốt có thể nhân rộng cho cả nước.

Ngày Pháp luật ra đời được coi là một dấu ấn, điểm nhấn quan trọng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân.

Đây sẽ là một trong những chế định quan trọng đặt tiền đề cho việc đổi mới tổ chức thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật, là một cách làm hay để góp phần thay đổi nhận thức, thái độ của cơ quan Nhà nước đối với nhân dân, hướng tới xây dựng hình ảnh một Nhà nước gần dân, vì dân, phục vụ nhân dân. Đồng thời, cũng nhắc nhở, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật. Điều này được coi là một trong những tiến bộ về tư duy rất quan trọng được thể chế hóa trong Luật PBGDPL nói chung cũng như quy định về Ngày Pháp luật nói riêng.

Nhìn rộng ra, trên thế giới, hiện có khoảng 40 quốc gia tổ chức "Ngày Pháp luật" hay “Ngày Hiến pháp” như một ngày hội hằng năm để  kỷ niệm ngày ký, ban hành Hiến pháp của nước mình.

Ở nước ta, vì có nhiều đối tượng thụ hưởng nên “Ngày Pháp luật” sẽ mang nhiều sắc thái khác nhau. Nhưng dù được tổ chức dưới hình thức, quy mô nào thì Ngày Pháp luật đều sẽ hướng tới đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, đồng thời, phê phán, loại bỏ các hành vi vi phạm pháp luật, nhằm thiết lập kỷ cương văn minh của xã hội ngay từ trong nếp nghĩ, cách sống của mỗi công dân, mỗi gia đình trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.

Do vậy, với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Ngày Pháp luật năm 2013 sẽ thực sự ghi dấu ấn với việc sau khi Hiến pháp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua.

Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung của Hiến pháp, chúng ta sẽ cùng bắt tay vào công việc rất lớn, đồ sộ và khó để cụ thể hóa một cách đúng đắn, đầy đủ các quy định của Hiến pháp thành các đạo luật.

Trước hết là các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước Trung ương và địa phương, cũng như các luật nhằm thực thi nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành pháp luật

Thưa Bộ trưởng, Ngày Pháp luật ra đời sẽ đóng góp như thế nào trong tiến trình tổ chức thi hành pháp luật và nâng cao nhận thức của người dân?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Trước đòi hỏi của quá trình phát triển kinh tế thị trường và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Chính phủ nhận thức ngày càng rõ hơn yêu cầu chuyển hướng chiến lược từ trọng tâm xây dựng pháp luật sang hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành pháp luật. Chính phủ coi đây là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay.

Chính vì vậy, từ góc độ Nhà nước, như tôi đã nêu trên, Ngày Pháp luật được tổ chức một mặt nhằm tạo bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vốn được coi là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng; mặt khác, Ngày Pháp luật còn có tác dụng nhắc nhở nhân dân tôn trọng, nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật, thực hành tự giác: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Đối với công chức, viên chức Nhà nước, Ngày Pháp luật là cơ hội để mỗi người tự soi mình, suy ngẫm để tự điều chỉnh ý thức và thái độ hành xử trong quan hệ với nhân dân sao cho xứng đáng với sự chờ đợi và đòi hỏi của người dân, của xã hội về một Nhà nước gần dân, vì dân và về một đội ngũ công chức “phụng công thủ pháp”.

Như vậy, bên cạnh mục tiêu trước mắt là tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Ngày Pháp luật còn đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, công bằng, thống nhất, phòng chống tội phạm, tham nhũng. Qua đó, xây dựng nền hành chính trong sạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động hành chính.

Sâu xa hơn, ở một chừng mực nào đó, Ngày Pháp luật còn góp phần đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý chí vươn lên vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng Ngày Pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật và nâng cao nhận thức của người dân.

Tinh thần thượng tôn pháp luật phải thể hiện suốt 365 ngày trong năm

Nhân dịp này, Bộ trưởng có thông điệp gì gửi gắm đến cán bộ làm công tác pháp luật và nhân dân về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật?

Bộ trưởng Hà  Hùng Cường: Để Ngày Pháp luật thật sự hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, để lại dấu ấn tích cực và được nhân dân ghi nhận, việc hành động theo tinh thần thượng tôn pháp luật không chỉ thực hiện trong ngày 9/11 mà còn trong cả 365 ngày trong năm của mỗi cơ quan, tổ chức.

Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp và những người làm công tác pháp luật cần gương mẫu, đi đầu trong việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, cần tích cực, chủ động đem kiến thức hiểu biết pháp luật của mình tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật, nhất là các quy định có liên quan mật thiết, gắn bó chặt chẽ với đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, tích cực tham gia vận động, thuyết phục nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật để mỗi người đều tự giác tìm hiểu pháp luật, tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật.

Với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp rất mong muốn các bộ, ngành, địa phương tham gia, hưởng ứng tích cực với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Qua đó, chúng ta không chỉ tổ chức thực hiện tốt Ngày Pháp luật trong năm 2013 mà còn cả trong những năm tiếp theo, bảo đảm tính thường xuyên, liên tục, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và hiệu quả, tránh phô trương, hình thức hoặc chạy theo phong trào.

Tôi tin rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Ngày Pháp luật hằng năm sẽ thật sự trở thành ngày tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, ngày hội của toàn dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(nguồn chinhphu.vn)

Tác giả: Lê Sơn

Từ khóa » Vì Dụ Về Sống Và Làm Việc Theo Hiến Pháp Và Pháp Luật