Đề Xuất Mở Rộng Các “vùng Xanh” để Duy Trì Hoạt động Sản Xuất

  • Công an Bình Dương nỗ lực góp sức thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”
  • Nỗ lực bảo vệ “vùng xanh” trong tâm dịch
  • Hà Nội thiết lập các “vùng xanh” ở địa bàn dân cư

Theo đó, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, trước mắt “DN xanh” được xây dựng với DN “sản xuất xanh” và “DN vận tải/logistic xanh” nhằm tháo gỡ khó khăn hiện tại về sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Đại diện Ban IV cho biết, “DN xanh” trước mắt gồm “DN sản xuất xanh” và “DN vận tải/logistics xanh”, tiến tới “DN du lịch xanh”, “DN hàng không xanh”, “trang trại xanh”... Theo đó, DN sản xuất xanh và DN vận tải/logistic xanh là DN có toàn bộ nhân viên, người lao động, lái xe… được tiêm vaccine, tuân thủ 5K… đảm bảo sản xuất và lưu thông hàng hóa. “Việc hình thành các loại hình DN sản xuất xanh, vận tải/logsitics xanh là nền tảng quan trọng để tới đây tiếp tục phát triển DN du lịch xanh, DN hàng không xanh, các trang trại xanh... để phục hồi những lĩnh vực kinh tế đặc biệt quan trọng này”- đại diện Ban IV nhấn mạnh.

Theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam, dịch bệnh đã làm cho hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Chính vì vậy, cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vaccine đối với ngư dân, các DN chế biến; tiếp tục có chính sách hỗ trợ tiền điện; có các hướng dẫn cụ thể hơn về y tế tại chỗ đối với khu vực kinh tế này, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi phát hiện có các ca F0, F1, tránh tình trạng bị đóng cửa toàn bộ nhà máy…

Đề xuất mở rộng các “vùng xanh” để duy trì hoạt động sản xuất -0
 Phát triển DN xanh để hướng tới sản xuất an toàn và lưu thông hàng hoá.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) Hong Sun cho biết, đối mặt với làn sóng đại dịch lần thứ tư, nhiều DN gặp thêm nhiều khó khăn hơn khi các dự án cần có chuyên gia, quản lý điều hành từ nước ngoài sang hỗ trợ bị đứt gãy, chuỗi cung ứng liên kết bị gián đoạn, thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài trở nên khắt khe hơn. KORCHAM đề nghị Chính phủ Việt Nam thực hiện tiêm phòng kịp thời cho các chuyên gia và cán bộ nhân viên đang làm việc tại các doanh nghiệp Hàn Quốc…

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng điều quan trọng nhất thời gian tới với ngành du lịch là làm sao mở rộng được các “vùng xanh” an toàn và biện pháp kết nối các vùng này với nhau. Cùng với đó, chuẩn bị, thí điểm cho việc mở cửa với thế giới khi Việt Nam tiêm đủ vaccine cho đa số người dân. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, TS Vũ Tiến Lộc đại diện VCCI cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội cho các DN phát triển sản xuất kinh doanh trên tinh thần an toàn trước dịch bệnh. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để ngày càng mở rộng, thiết lập các “vùng xanh” nhằm giúp DN tận dụng cơ hội, duy trì và phát triển được các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam Inoue Souichi đã đưa ra 3 kiến nghị, đó là, rút ngắn thời gian cách ly đối với những chuyên gia đã được tiêm vaccine để dễ dàng hơn trong việc tái nhập cảnh vào Việt Nam; hỗ trợ cấp giấy phép lao động với những người Nhật Bản đã được công ty cấp giấy chứng nhận làm việc tại Việt Nam; hỗ trợ rút ngắn thủ tục hành chính do còn nhiều dự án đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam đang chờ phê duyệt và được triển khai hoạt động.

Theo đó, để phát triển “DN xanh”, Ban IV đề xuất Chính phủ giao chỉ tiêu và trách nhiệm cho các địa phương về tỉ lệ DN xanh trên tổng số DN tại địa bàn. Trên cơ sở đó, chính quyền các tỉnh sẽ chủ động hơn trong việc tính toán, sắp xếp thứ tự ưu tiên, sử dụng hiệu quả nguồn lực vaccine để tổ chức tiêm cho người lao động ở các nhà máy, nhóm lái xe, nhân lực logistics tại các công ty vận tải, dịch vụ xuất nhập khẩu... nhằm tạo lập và phát triển các DN xanh.

Với DN vận chuyển, logistics xanh, Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan cấp QR code cho tất cả đối tượng hoàn thành tiêm phòng, giúp nhân công, lái xe, các nhóm chủ thể được tiêm đi lại, thực hiện công việc dễ dàng (kèm theo việc kết hợp 5K) mà không đòi hỏi các giấy tờ, yêu cầu thủ tục có tính hành chính như hiện nay.

Theo số liệu khảo sát nhanh của Ban IV với 9 hiệp hội sản xuất, chế biến (gồm nhóm gỗ, dệt may, da giày, bông sợi, nhôm, thép...), ước tính tới ngày 5-8, trung bình số nhà máy nỗ lực áp dụng được yêu cầu “3 tại chỗ” chỉ đạt khoảng 53,7% tổng số nhà máy. Tuy nhiên, khó khăn cho nhóm này vẫn tiếp tục hiện hữu bởi áp lực về chi phí duy trì ăn ở, sinh hoạt tập trung cho hàng trăm, hàng ngàn lao động tại một chỗ; áp lực về tâm lý khiến hàng loạt lao động bất hợp tác, bỏ việc; các thách thức và vướng mắc trong khâu thực thi để duy trì và bảo đảm sự an toàn trước dịch bệnh...

Đặc biệt, đã có gần 5% trong số các nhà máy áp dụng “3 tại chỗ” phải dừng hoạt động trong mấy tuần qua, vì có công nhân trở thành F0, hoặc dù chưa có ca F0 nào nhưng do các yêu cầu mới của tỉnh hoặc do khó khăn phát sinh về lao động, về cung ứng đầu vào đầu ra vẫn phải dừng hoạt động.

Về cung ứng, vận tải lưu chuyển hàng hóa, 100% DN, hiệp hội được hỏi tại các tỉnh, thành cho biết việc cung ứng hàng hóa diễn ra đặc biệt khó khăn trong đợt bùng dịch lần này, do các yêu cầu mới về phòng, chống, dịch bệnh nhưng trên hết là do các yêu cầu khác nhau giữa các tỉnh, yêu cầu khác nhau giữa tỉnh với hướng dẫn từ trung ương. Giao thông vận tải hàng hóa sụt giảm mạnh về hiệu suất trong 2 tháng qua do tắc các cung đường để chờ xét nghiệm, kiểm tra giấy tờ, phân luồng, hay do lái xe thành F0, F1, F2...

Từ khóa » Tiêu Chuẩn 4 Xanh Là Gì