Doanh Nghiệp Quan Tâm Tới Hoạt động Sản Xuất “4 Xanh”

doanh nghiệp
Doanh nghiệp đang kỳ vọng vào các giải pháp mới nhằm duy trì sản xuất, giữ chân người lao động. Ảnh DN cung cấp.

Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất TPHCM (Hepza) cho biết, đã xây dựng kế hoạch thực hiện theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch từ ngày 15/8-15/9, trong đó có việc tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn.

Theo đó, từ 15/8-30/8, Hepza sẽ tiếp nhận, tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch theo một trong 4 phương án.

Theo ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, sau hơn 1 tháng “cắm trại” tại nhà máy, tâm lý công nhân mong ngóng để được về nhà. Theo đó, phương án “4 xanh” sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất trong giải quyết đứt gãy chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động trong thời gian hiện nay.

Theo ông Thiện, hiện 80-90% người lao động của công ty đều ở những nhà trọ xung quanh công ty do đó thực hiện phương án "4 xanh" rất thuận lợi. Bên cạnh đó, người lao động rất có ý thức phòng dịch, sợ bị lây nhiễm bệnh nên họ sẽ tuân thủ tốt các quy định, cam kết mới (nếu có). Ban giám đốc công ty cũng đã yêu cầu Công đoàn chuẩn bị phương án đi chợ hộ, đặt thực phẩm đưa tới tận nhà cho công nhân.

Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT) cho biết, đang tính toán triển khai song song 2 phương án "3 tại chỗ" và "4 xanh". Theo đó, một mặt củng cố mô hình "3 tại chỗ" thêm một thời gian, mặt khác cho công nhân - lao động đăng ký về nhà và thực hiện các biện pháp kiểm soát để mở dần hoạt động. Phương án là chia xưởng sản xuất lẫn nhà ăn làm đôi, kiểm soát chặt khu vực thực hiện "3 tại chỗ", khu vực áp dụng mô hình "4 xanh" thì triển khai dần. APT đang đặt mục tiêu nâng tỉ lệ lao động tại công ty từ 30% hiện nay lên 50%, nếu đánh giá ổn sẽ nâng lên 70%-80% trong tháng 9 để "trả nợ" các đơn hàng.

Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp chủ trương của các phương án là tốt nhưng để thực hiện rất khó. Theo ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng ban HEPZA, hiện có một số doanh nghiệp đã bắt đầu đăng ký để thực hiện sản sản xuất trở lại nhằm giải quyết các đơn hàng tồn đọng và giữ chân lao động. Chủ trương của các phương án là tốt nhưng doanh nghiệp chưa thể thực hiện do vướng quy định của Chỉ thị 16 là “ai ở đâu ở đó”, dẫn tới việc tập kết người lao động từ nơi ở đến khách sạn/doanh nghiệp khó khăn.

Bà Tôn Nữ Nguyên Ánh, Trưởng Bộ phận Truyền thông và Đào tạo, Công ty CP Sài Gòn Food cho biết, triển khai và duy trì phương án “3 tại chỗ” từ ngày 15/7 đến nay, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vẫn ổn định, đảm bảo các quy định về phòng chống dịch. Doanh nghiệp cũng muốn tổ chức theo phương án “4 xanh”. Tuy nhiên, để theo dõi thông tin vùng xanh - vùng đỏ của hơn 2.000 công nhân là không thể. Doanh nghiệp cũng không thể triển khai ứng dụng công nghệ định vị người lao động để phát hiện họ đang thuộc ở vùng xanh - vàng hay đỏ vì vi phạm nhân quyền và phải đầu tư kinh phí lớn cho công nghệ.

Theo đó, doanh nghiệp đang tính toán, gấp rút hoàn thiện kế hoạch theo phương án 1 là tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).

Từ khóa » Tiêu Chuẩn 4 Xanh Là Gì