Đề Xuất Thống Nhất Chi Phí Xử Lý Chất Thải Rắn Sinh Hoạt

Đề xuất thống nhất chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt - Ảnh 1.

Cần nghiên cứu ban hành phương pháp, quy trình xác định quản lý chi phí dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương xây dựng, điều chỉnh đơn giá thống nhất - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5/6), ngày 3/6, Tạp chí Môi trường và Đô thị phối hợp với các đơn vị tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt".

Tham dự buổi tọa đàm có GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và KCN Việt Nam cùng các chuyên gia, nhà quản lý, các đơn vị trực tiếp thu gom, xử lý chất thải tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Luật BVMT) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực ngày 1/1/2022. Ngày 10/1/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định số 08/2022/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT (Nghị định 08). Luật BVMT cũng như Nghị định 08 có nhiều điểm mới hơn so với Luật BVMT năm 2014. Trong đó có quy định về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Tại buổi tọa đàm, Ban tổ chức, các diễn giả đã thông tin về các quy định mới trong Luật BVMT năm 2020 và Nghị định 08 liên quan đến chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thực trạng tính phí thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý chất thải tại Việt Nam; kiến nghị từ cơ sở trực tiếp thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Báo cáo của Công ty Môi trường đô thị các tỉnh, thành phố như: Lào Cai, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ và TPHCM đã đề cập rất nhiều vấn đề xung quanh đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

Cụ thể, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Lào Cai đã ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa bản đồ các tuyến thu gom, vận chuyển rác thải; giám sát công tác thu gom, vận chuyển rác thải và công tác phân loại rác tại nguồn; sử dụng phần mềm tin học để thu phí dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt bằng thiết bị di động thông minh theo một quy trình liền mạch, tích hợp hóa đơn điện tử.

Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai cũng chưa có chế tài xử lý đối với trường hợp không nộp hoặc nộp không đầy đủ tiền dịch vụ; đơn vị thực hiện công tác thu phí dịch vụ chưa được tính phần trăm từ số tiền thu được.

Tại TPHCM, giá dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt thiếu đồng bộ và chưa phù hợp. Do phân cấp cho UBND cấp huyện ban hành mức giá cụ thể của dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng cho đối tượng cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải tại địa phương nên dẫn đến mỗi địa phương ban hành một mức khác nhau, gây ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất trên toàn thành phố. Giá dịch vụ thu gom thủ công cao gấp 2 lần so với giá thu gom bằng cơ giới đã không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại để tăng năng suất, giảm lao động nặng nhọc cho công nhân.

Sau khi phân tích thực trạng về chi phí thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, các ý kiến trình bày tại tọa đàm đã đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể.

Thứ nhất, các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu ban hành phương pháp, quy trình xác định quản lý chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương xây dựng, điều chỉnh đơn giá nhanh chóng, thuận tiện. Đặc biệt, cần có quy định cụ thể về mức thu, tỉ lệ hỗ trợ, bù đắp từ ngân sách địa phương thống nhất trên cả nước với từng loại đô thị; quy định khoản bù trừ đối với trường hợp thất thu.

Thứ hai, có chế tài đối với những đối tượng không phân loại rác tại nguồn, không nộp tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Thứ ba, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan như: UBND các cấp, các cơ quan chức năng liên quan, tổ trưởng dân phố và đối tượng sử dụng dịch vụ.

Thứ tư,trong cơ cấu giá chi phí dịch vụ cần có tỉ lệ phần trăm thích hợp để bồi dưỡng cho người công nhân trực tiếp thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và để các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, giảm lao động nặng nhọc cho công nhân.

Từ những ý kiến tại tọa đàm, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam sẽ dùng làm căn cứ để xây dựng văn bản kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét sớm xây dựng, ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo tinh thần của Luật BVMT và Nghị định 08.

Thu Cúc

  • Tham khảo thêm

    Chất thải rắn cần được coi là một loại tài nguyên tái chế có hiệu quả

    Chất thải rắn cần được coi là một loại tài nguyên tái chế có hiệu quả
  • Tham khảo thêm

    Biến chất thải rắn thành nguồn tài nguyên tái tạo

    Biến chất thải rắn thành nguồn tài nguyên tái tạo
  • Tham khảo thêm

    Thủ tướng chỉ thị cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn

    Thủ tướng chỉ thị cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn

Từ khóa » Tái Chế Chất Thải Rắn Sinh Hoạt