TP.Yên Bái: Tỷ Lệ Chất Thải Rắn Sinh Hoạt được Tái Chế đạt Trên 60%

Từ năm 2014, Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái bắt đầu đi vào hoạt động đã thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho TP. Yên Bái và một phần nhỏ khu vực thị trấn huyện Yên Bình.

Hàng ngày Công ty đang thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải cho toàn bộ khu vực TP.Yên Bái và thị trấn Yên Bình với khoảng 130 tấn/ngày

Với công nghệ xử lý là sản xuất phân vi sinh và tái chế hạt nhựa, Nhà máy đã tái sử dụng làm phân vi sinh đạt 52% và tỷ lệ tái chế hạt nhựa chiếm 8,7%, còn lại là đốt và chôn lấp.

Ngoài khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được tái sử dụng, tái chế tại Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái, còn một lượng nhỏ chất thải rắn sinh hoạt khác được các hộ gia đình tự phân loại tại nguồn và tái sử dụng, tái chế hoặc bán cho các tổ chức, cá nhân thu mua phế liệu, đồng nát.

Sau khi phân loại rác, túi nilon sẽ được vào xử lý làm sạch trước khi sản xuất hạt nhựa

Hiện nay, hàng ngày Công ty đang thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải cho toàn bộ khu vực TP.Yên Bái và thị trấn Yên Bình với khoảng 130 tấn/ngày. Sau khi vận chuyển về Nhà máy đơn vị sẽ tiến hành phân loại rác thải để sản xuất phân vi sinh và hạt nhựa.

Một tuần Nhà máy thực hiện sản xuất hạt nhựa từ 2-3 lần

Chị Lò Thị Nương – Phân xưởng 2, tái chế nhựa Công ty Cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái cho biết: Sau khi chất thải nhựa được phân loại sẽ được đưa lên dây chuyền để chúng tôi phân loại một lần nữa, loại nào tái chế được sẽ đưa lên máy rửa sạch và đưa vào máy để tái chế thành hạt nhựa. Trước đây, lượng túi nilon nhiều ngày nào cũng sản xuất hạt nhựa, giờ mọi người cũng hạn chế sử dụng túi nilon giờ 1 tuần chỉ sản xuất 2-3 lần, trung bình mỗi tháng sản xuất từ 11 – 13 tấn hạt nhựa tái chế từ rác thải sinh hoạt.

Trung bình mỗi tháng sản xuất từ 11 – 13 tấn hạt nhựa tái chế từ rác thải sinh hoạt

Với công suất hoạt động của Nhà máy mỗi ngày có thể xử lý từ 250 – 300 tấn rác thải, tuy nhiên hiện lượng rác đưa vào xử lý mới chỉ đáp ứng khoảng 40% công suất của nhà máy.

Ông Nguyễn Hữu Yên Sơn – Trợ lý Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái cho biết: Nhựa là một trong những phế liệu, phế thải của rác thải sinh hoạt mang tính độc hại. Chất thải nhựa rất khó phân hủy nếu không có cách xử lý. Chính vì vậy, ngay từ khi thành lập nhà máy Công ty đã đưa việc xử lý nhựa, phế thải lên hàng đầu. Phế thải này nhà máy sẽ xử lý qua nhiều dây chuyền, sau khi phân loại sẽ đưa qua dây chuyền để xử lý túi nilon và sản xuất ra hạt nhựa cung cấp cho thị trường làm các sản phẩm như: Vỏ bao để đóng bầu cây, sản phẩm để làm chậu trồng hoa...Trong thời gian tới, Công ty mong muốn sản xuất ra túi nilon để người dân có thể dựng rác, sau khi sử dụng nhà máy lại thu gom và quay lại xử lý.

Phân vi sinh được Công ty sản xuất từ rác thải sinh hoạt

“Vừa qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có xây dựng các lò đốt rác. Hiện nay, lượng rác để nhà máy xử lý mới chỉ đạt khoảng gần 40% so với công suất. Với công suất hoạt động của Nhà máy, Công ty vẫn có thể tiếp nhận rác thải của một số huyện gần để xử lý. Do vậy, nếu đơn vị được tỉnh giao cho xử lý rác thải sinh hoạt của một số huyện lân cận thì Công ty luôn sẵn sàng vì công suất vẫn còn”, ông Nguyễn Hữu Yên Sơn nói.

Công nghệ xử lý sản xuất phân vi sinh và tái chế hạt nhựa, đã góp phần đưa tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được tái chế, tái sử dụng tăng lên

Đánh giá hiệu quả về xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.Yên Bái, đại diện lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho biết: Từ ngày Công ty Cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái thực hiện chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải cùng với việc tái chế sản xuất phân vi sinh và hạt nhựa đã giải quyết vấn đề môi trường rất tốt. Đồng thời, đã xử lý rác thải sinh hoạt cho thị trấn Yên Bình góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường do bãi rác thải gây ra. Cùng với đó, với công nghệ xử lý là sản xuất phân vi sinh và tái chế hạt nhựa, đã góp phần đưa tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được tái chế, tái sử dụng tăng lên.

Từ khóa » Tái Chế Chất Thải Rắn Sinh Hoạt