Đêm Hôm ấy, Tôi Chọn Sống - Báo Phụ Nữ

Tôi đã từng muốn buông mình theo dòng nước sông Hương (Ảnh minh họa)
Tôi đã từng muốn buông mình theo dòng nước sông Hương (Ảnh minh họa)

Đất Huế của tôi có sông Hương, khúc sông chảy ngang bến Thề sâu nổi tiếng, tôi đã một lần lội xuống sông giữa đêm, làn nước đen sẫm màu cuộn xoáy quanh thân tôi, chỉ cần thả mình ra là lãng quên tất cả. Tôi không biết bơi. Đến bây giờ tôi vẫn thấy mình may mắn vì không chết đêm hôm đó.

Tự sát là một câu chuyện bi thảm và ám ảnh vì người ta mãi mãi không bao giờ biết rõ nguyên nhân nào, suy nghĩ gì đã thúc đẩy con người đến với cái chết. Trong những vụ tự tử kéo theo trẻ em, một người nghĩ thay, quyết định thay cho hai ba người; dẫn đến cái chết của nhiều trẻ không phải là sự lựa chọn tự thân mà bị bức tử.

Nghịch lý “buộc phải tự tử” đặt ra một vấn đề lớn, khiến cộng đồng phải nhìn mọi chuyện dưới một góc độ khác. Người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng vốn trọng tình, không muốn nói lời nặng nề về người đã khuất. Nhưng im lặng mãi cũng không lành mạnh, có thể kéo theo nhiều cái chết oan uổng khác nữa. Đã đến lúc không chỉ xót thương mà phải gọi đây là một kiểu phạm tội.

Nhìn lại, có thể thấy trong những vụ tự sát gần đây, nạn nhân đều bức bối vì mâu thuẫn gia đình. Vẫn là chuyện gia đình thôi: Thất vọng vì chồng hoặc vợ, không gánh vác nổi trách nhiệm gia đình, trầm cảm uất ức và không tìm thấy lối thoát ngay trong chính gia đình của mình… Con cái không còn là niềm an ủi nữa, mà bị gộp chung thành trách nhiệm, rồi bị biến thành nạn nhân.

Có thể những người ôm con theo cái chết của mình nghĩ mình rất thương con nên mới làm vậy, thà dứt tình một lần tử biệt còn hơn để con trẻ ở lại bơ vơ không người thương yêu, nuôi nấng. Nhưng đó là một kiểu tình thương lệch lạc, chặt đứt đường sống của con. Cách nghĩ ấy cơ bản nhất là không tôn trọng con trẻ. Cha mẹ nghĩ thay con, sống thay con, cảm nhận mọi chuyện thay con, từ đó tạo ra quán tính rằng mình thấy tuyệt vọng, tức là con cũng tuyệt vọng.

Mình muốn chết tức là con cũng muốn chết. Vẫn còn phổ biến suy nghĩ cho rằng con là của cha mẹ, như một kiểu “tài sản riêng” mà cha mẹ có quyền định đoạt, kể cả định đoạt sinh mạng, quên rằng đứa trẻ từ khi mới chào đời đã có quyền của nó, quyền được sống, được nuôi dưỡng chăm sóc, và cao hơn: được tự định đoạt đời mình.

Những mâu thuẫn phát sinh trong đời sống gia đình cũng đẩy nhiều người đến chỗ chọn cái chết để giải quyết mọi chuyện. Thấp thoáng đâu đó có suy nghĩ dùng cái chết của mình và của con như một cách trả thù đời.

Ngày đó, khi nghĩ tới việc khi biết tin mình chết, chồng mình sẽ vật vã khóc than hối hận, sẽ bị gia đình, hàng xóm láng giềng phỉ nhổ, sẽ phải trả giá cho cái chết của mình… tôi cảm thấy mình ít nhiều được an ủi.

Nhưng rồi liền đó, lý trí cũng cho tôi biết, thực tế, bên quan tài một người mất đi đôi khi chỉ có cha mẹ và các anh chị em ruột thịt, chỉ có nỗi buồn lạnh ngắt và đau đớn dằn vặt. Mũi tên trả thù đã đi chệch hướng, bắn vào chính trái tim người thương yêu máu mủ, như thể một người nhắm mắt lại mà buông dây cung, đó là bất lực, là phó mặc, là vô trách nhiệm.

Câu chuyện buồn về người cha ôm con gái nhảy xuống sông nói với chúng ta một điều: Khi gia đình mâu thuẫn, trục trặc, đổ vỡ, con trẻ là nạn nhân trực tiếp, có thể chịu những hậu quả khủng khiếp không lường hết được. Đại dịch còn chưa qua hết, tinh thần của mỗi người còn chịu tác động sâu xa, lâu dài, đây là chuyện cho thấy tế bào gia đình đang trong giai đoạn có thể bị nhiều vi-rút gây bệnh xâm nhập.

Khi cấu trúc gia đình lỏng lẻo dần, quan hệ gia đình không được chú tâm xây dựng gìn giữ, người lớn trầm cảm, thất bại, cô độc… những đứa trẻ sẽ đi về đâu?

Cấu trúc gia đình bền chặt khiến người ta thiết tha yêu thương, quý trọng sự sống của mình và người thân (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Cấu trúc gia đình bền chặt khiến người ta thiết tha yêu thương, quý trọng sự sống của mình và người thân (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Nhớ ngày cùng quẫn đến mức nghĩ cái chết là một sự giải thoát, ngày đó, con là lựa chọn sống của tôi. Khi mọi người không hay biết đến quyết định tự sát của tôi, đứa con trong bụng đạp dội lên một lời nhắc nhở. Trong vụ tự sát cách đây không lâu, người mẹ để lại thư tuyệt mệnh đại ý đây là lựa chọn của mình, không muốn vướng bận đến ai. Quả thật, khi người ta tự cô lập, cắt đứt hết tất cả những mối quan hệ, và cho rằng chỉ có bản thân mình chịu trách nhiệm về chính mình, người ta đã bước một chân ra ngoài miệng vực.

Lúc đó, nếu có được một lối mở, cho họ được giãi bày, được nắm níu vào một điều gì đó, cái chết sẽ không còn là lựa chọn duy nhất nữa. Tôi đã chọn sống vì con, vì sự có mặt của con là một kết nối rõ ràng với cuộc đời. Cuộc đời tôi có thể đang bế tắc, nhưng con đã cho tôi mượn một phần hơi ấm để tiếp tục sống, vì con.

Những câu chuyện buồn đau này nhắc chúng ta phải gieo hạt giống của hy vọng, vun trồng cây tình yêu cuộc sống trong chính trái tim mình, trong ngôi nhà của mình, để không ai trong gia đình phải rơi xuống vực sâu tuyệt vọng và lôi người khác theo.

Rồi luật pháp, xã hội, các nhà làm chính sách sẽ có những biện pháp cải thiện, nâng cao mức độ an toàn của môi trường sống, nhưng trước đó, thẳm sâu bên trong mỗi con người, cần duy trì một lựa chọn chắc chắn, mạnh mẽ trước mọi hoàn cảnh: Tôi chọn sống.

Hoàng Mai

Từ khóa » Dằn Vặt Bản Thân Trong Tình Yêu