Đền Thờ Lê Hoàn: Nghìn Năm Kể Chuyện Lê Đại Hành Hoàng đế

Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt với Di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn xã Xuân Lập (Thọ Xuân). Đây thực sự không chỉ là niềm tự hào với người dân địa phương mà còn là niềm vui với người xứ Thanh. Về thăm di tích, chúng ta không chỉ được chiêm bái trong không gian thiêng của đền thờ. Mà còn tìm thấy những xúc cảm ngưỡng vọng trước công trạng, tài năng của vị hoàng đế nhà Tiền Lê nổi danh lịch sử.

Phá Tống, bình Chiêm, vang danh Đại Cồ Việt

Hơn 1.000 năm trước, làng cổ Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân) đã chứng kiến sự ra đời đầy kỳ lạ của cậu bé mà sau này được sử sách và hậu thế nhắc đến với cái tên Lê Đại Hành hoàng đế. Chuyện kể, khi bà Đặng Thị sinh con ở khu vực cồn cây giữa cánh đồng mênh mông. Thiếp đi sau cơn đau vượt cạn, khi tỉnh dậy người mẹ hoảng hốt khi thấy bên cạnh hài nhi là hổ đang quỳ. Tuy nhiên, hổ dữ lại không ăn thịt người, ngược lại như đang bảo vệ cậu bé. Khi lên 6 tuổi, do cả cha và mẹ đều không còn, cậu bé ấy được một gia đình phú cường ở làng Mía nay là xã Xuân Tân nhận làm con nuôi và đặt tên Lê Hoàn. Lê Hoàn được cha mẹ nuôi đối đãi như con đẻ, cho ăn học tử tế, thành người.

Với thiên tính binh lược hơn người, năm 18 tuổi, khi đang theo học tại lò võ Dương Xá (nay là làng Giàng, TP Thanh Hóa), Lê Hoàn đã gặp Đinh Liễn, con trai Đinh Bộ Lĩnh. Như một cơ duyên, Lê Hoàn đã theo Nam Việt Vương Đinh Liễn ra Cổ Loa làm bộ tướng dưới trướng, khởi đầu con đường binh nghiệp. Với tài thao lược, trí dũng hơn người, Lê Hoàn đã từng bước khẳng định mình, được vua Đinh Tiên Hoàng yêu mến, trọng dụng. Và khi nhà Đinh dẹp yên loạn sứ quân, thống nhất đất nước cũng là lúc chàng trai đất Xuân Lập được phong chức Thập đạo tướng quân, Điện tiền chỉ huy sứ (Tổng chỉ huy quân đội).

Lợi dụng biến cố của nhà Đinh, phía Bắc nhà Tống lăm le, phía Nam quân Chiêm không ngừng quấy phá, vận mệnh đất nước trước họa xâm lăng vô cùng cấp bách. Trong tình thế ấy, tướng lĩnh, quan quân trên dưới một lòng tôn Lê Hoàn lên làm vua. Và Thái hậu Dương Vân Nga đã khoác áo long bào của Tiên đế lên vai chàng trai đất Ái Châu. Ông lên ngôi hoàng đế năm 980, lấy niên hiệu Thiên Phúc. Vốn tài năng và quen xông pha trận mạc, ngay khi vừa lên ngôi, vua Lê Đại Hành đã nhanh chóng ổn định đất nước, tập trung lực lượng chống giặc ngoại xâm. Theo đó, mùa xuân năm 981, vị vua nhà Tiền Lê đã chỉ huy quân đội, trong vòng khoảng 1 tháng đánh tan ba đạo quân xâm lược nhà Tống. Về phía Nam, trước sự hống hách của quân Chiêm, năm 982, nhà vua lại thân chinh ra trận, tự thân làm tướng, trừng phạt Chiêm Thành, giành thắng lợi vang dội. Uy danh của hoàng đế Đại Cồ Việt khiến triều đình phương Bắc nể phục, quân Chiêm Thành khiếp sợ vì “thao lược bao trùm bờ cõi, ân uy vượt khỏi biên thùy”.

Không chỉ tài thao lược, trong thời gian trị vì đất nước, vua Lê Đại Hành còn thể hiện tài năng ngoại giao hơn người với đường lối lúc mềm mỏng, khi cứng rắn, lúc thực, lúc hư, tùy cơ ứng biến. Chính vì vậy, kẻ thù vừa kính, lại kinh, e ngại gây hấn. Ông được xem là người đã đặt nền móng ngoại giao cho nước Việt với các nước lân bang. Tương truyền, thể hiện sự nể trọng của mình, vua nhà Tống đã tặng vua Lê Đại Hành chiếc đĩa bằng đá trong như tuyết với chữ khắc chìm: “Giang Nam nhất phiến tuyết, trác khí vạn niên trân”, được hiểu là “Tỉnh Giang Nam có phiến đá trắng như tuyết, làm chiếc đĩa vạn năm trân trọng”. Về sau, chiếc đĩa ấy được nhân dân làng Trung Lập thường gọi là đĩa ngọc và gìn giữ cho đến ngày nay.

Với 24 năm ở ngôi, vua Lê Đại Hành với sự toàn tâm, toàn ý cho đất nước đã đưa nước ta không chỉ phát triển kinh tế, vững mạnh quốc phòng mà còn từng bước hoàn chỉnh bộ máy nhà nước từ triều đình phong kiến trung ương xuống địa phương, đưa nước ta lên hàng hùng mạnh nhất vùng.

Nghìn năm gìn giữ đền vua Lê

Tưởng nhớ công đức của vua Lê Đại Hành sau khi mất, nhân dân làng Trung Lập nơi vua sinh ra đã cùng nhau đóng góp lập ngôi miếu nhỏ trên nền đất của gia đình nhà vua xưa kia. Đến thời vua Lý Thái Tổ miếu đã được làm lại và thời vua Lê Thánh Tông (Hồng Đức) thì đền thờ được xây dựng với quy mô khang trang, rộng lớn, hậu thế ngày nay vẫn thường gọi tên đền thờ Lê Hoàn. Đền được xây dựng theo kiến trúc chữ “Công” trong Hán văn với 3 tòa: tiền đường, trung đường, hậu cung, liên kết vững vàng. Những đường nét hoa văn chạm trổ long, ly, quy, phượng; mái ngói mũi hài; bờ nóc gắn con giống…tất cả đều được làm thủ công, tỉ mẩn vô cùng tinh xảo khiến cho di tích vừa mang nét cổ kính linh thiêng lại vừa uy nghiêm, bề thế.

Trải qua hơn 1.000 năm được khởi dựng, duy tu và gìn giữ, đến nay di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn vẫn là một công trình kiến trúc cổ xưa để lại nhiều xúc cảm cho người dân và du khách đến tham quan. Đến thăm di tích, vẫn còn đó hệ thống cột xà vững chãi với thời gian, những hoa chạm khắc, phù điêu chạm trổ mang dấu ấn triều đại, tất cả vẫn sừng sững, bền bỉ tồn tại cùng thời gian. Trong di tích còn là hệ thống những hiện vật cổ: bát hương, đại tự, câu đối và các sắc phong qua các triều đại. Trong đó, tại đền còn lưu giữ 14 đạo sắc phong qua các triều vua Lê, Nguyễn. Đặc biệt, còn có chiếc đĩa cổ bằng đá trắng, tương truyền là vật tặng của vua nhà Tống. Cùng với đó là những đồ ngự dùng của nhà vua như chén, đũa…

Trong số những hiện vật quý giá tại đền thờ Lê Hoàn, còn có hai tấm bia đá cổ được dựng lên dưới thời Lê Trung Hưng. Một bia nhỏ dựng năm 1602 thời Hoằng Định khắc ghi ruộng đất hương hỏa thờ cúng vua nhà Tiền Lê. Tương truyền, dưới thời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông cùng với việc cho xây dựng đền thờ khang trang còn cấp cho địa phương 67 mẫu công điền để nhân dân trồng trọt, hương hỏa thờ cúng. Bia thứ hai là “Lê Đại Hành Hoàng đế miếu điện bia” khắc ghi công đức, sự nghiệp của đức vua Lê Đại Hành trong thời gian trị vì. Cả hai bia đá cổ đều được chạm khắc hoa sen tinh xảo, tỉ mẩn, vô cùng đẹp đẽ.

Về thăm di tích Quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn, bên cạnh việc chiêm bái vị vua nhà Tiền Lê, du khách cũng không nên bỏ qua việc ghé thăm khu lăng mộ mẫu thân nhà vua là bà Đặng Thị và nơi nhà vua sinh ra, ngày nay người dân vẫn gọi đó là “Nền sinh thánh”.

Với tấm lòng ngưỡng mộ vua Lê Đại Hành, nhân dân làng Trung Lập suốt hàng nghìn năm qua không chỉ gìn giữ di tích vô cùng nghiêm cẩn, mà còn duy trì những lễ tục độc đáo. Trong đó, có thể kể đến lễ “Tiến cốm”. Lễ “Tiến cốm” bắt đầu từ việc các triều đại phong kiến cấp cho làng Trung Lập 67 mẫu ruộng công điền dùng vào việc hương hỏa ở các lăng mộ, đền thờ vua Lê Đại Hành. Trong số ruộng công điền đó, người dân chọn ra dọc ruộng tốt nhất để gieo trồng thứ nếp thơm ngon, đặc biệt. Lúa nếp đến độ thì được gặt hái, làm cốm dâng lên vua. Lễ tiến cốm hàng năm không quy định ngày giờ cụ thể mà phụ thuộc vào sự phát triển của bông lúa ngoài đồng. Tuy nhiên, việc thu hoạch, chế biến cốm thì lại tuân theo những quy định nghiêm cẩn: đó phải là nam thanh, nữ tú chưa lập gia đình và những cụ già có uy tín ở địa phương… đại diện cho dân làng làm cốm dâng vua.

Nói về nét đẹp của những lễ tục mà người dân xã Xuân Lập duy trì trong việc thờ cúng tại đền thờ Lê Hoàn, ông Đỗ Huy Nhất – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lập tự hào: “Di tích đền thờ Lê Hoàn dù được quy hoạch khá rộng tuy nhiên, nhân dân xã Xuân Lập tuyệt nhiên không bao giờ cho phép trâu bò, đại gia súc đến gần phạm vi di tích, người dân nào để xảy ra sự việc sẽ bị xử lý theo “lệ làng”. Cùng với đó, là những quy định như người mà gia đình có tang cớ, phụ nữ đến tháng cũng tuyệt nhiên không vào trong di tích. Và sở dĩ, những hiện vật, cổ vật tại đền thờ Lê Hoàn vẫn được gìn giữ khá nguyên vẹn qua hàng trăm năm còn là bởi người dân Xuân Lập tự bao đời nay vẫn nhắc nhở nhau không bao giờ xâm hại hay lấy đồ ở di tích, đó được xem là luật bất thành văn”. Và cũng là một điều khá thú vị khi được biết, để tránh gọi tên đức vua Lê Đại Hành thì người dân Xuân Lập hàng ngàn năm qua thay vì gọi củ hành thì vẫn gọi đó là củ “hiềng”.

Và còn rất nhiều những phát hiện thú vị về lễ tục thờ cúng tại đền thờ Lê Hoàn của người dân Xuân Lập mà chúng đã biết khi đến, trò chuyện với họ. Qua đó, cảm nhận rõ nhất chính là sự ngưỡng vọng thành kính mà bao thế hệ người dân trong vùng đã dành cho vị vua được sinh ra nơi làng quê nghèo khó. Đó là niềm tự hào của vùng đất đã sinh ra vị vua sáng, đúng như hai chữ cổ “Thánh Minh” hiện còn lưu giữ tại di tích.

Thu Trang Nguồn: Văn hóa Đời sống

Từ khóa » Thuyết Minh đền Lê Hoàn