Về đền Lăng Tưởng Nhớ Vua Lê Hoàn

Đền Lăng thuộc xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, nằm dưới chân núi Cõi, nơi đây thờ vua Lê Đại Hành cùng hai con của ông là Lê Trung Tông và Lê Ngọa Triều. Theo ngọc phả, truyền thuyết… thì vị vua thứ nhất được thờ ở đền là Đinh Tiên Hoàng, Hoàng đế có công dẹp loạn cát cứ 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập ra triều đại phong kiến chính thống vào thế kỷ X.

  • Vắng như chùa Bà Đanh
  • Đền Lảnh Giang gắn liền với truyền thuyết dân tộc
  • Lạc vào đền Trúc Hà Nam
Đền Lăng thờ vua Lê Đại Hành cùng 2 vị tướng
Đền Lăng thờ vua Lê Đại Hành cùng 2 con của ông

Đinh Bộ Lĩnh đã cùng Đinh Điền, Đinh Bang về Bảo Thái xưa lập căn cứ, tuyển quân, huấn luyện binh sĩ. Dân địa phương truyền khẩu khu vực vua Đinh đóng quân, sau này lập đền thờ vua trên đỉnh núi Lăng.

Đặc biệt, việc phụng thờ Lê Đại Hành – Hoàng đế cùng hai con là Lê Trung Tông, Lê Ngọa Triều, bởi mối liên quan của Lê Hoàn với nơi này mà thư tịch, truyền thuyết và dấu tích đã thể hiện sâu đậm. Khởi đầu từ việc ông nội Lê Lộc đến định cư ở Bảo Thái (Liêm Cần nay). Sau khi cha mất, Lê Hiền bỏ làng vào Ái Châu lấy vợ họ Đặng rồi sinh ra Lê Hoàn vào ngày mồng mười, tháng Giêng, năm Tân Sửu. Đặc biệt, ngọc phả đã cung cấp những tư liệu quý về khoảng thời gian Lê Hoàn từ Ái Châu trở về quê cũ Bảo Thái, mở trường dạy học, tìm người cùng chí hướng. Ông đã kết giao với Nguyễn Minh là người làng Vực. Lê Hoàn khuyên Nguyễn Minh cùng ông đi phò Đinh Bộ Lĩnh dẹp nội loạn. Ở khu vực này có nhiều dấu tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Lê Đại Hành như khu Mả Dấu, khu Dàn Thề. Tương truyền ông nội của Lê Hoàn quê ở làng Bảo Thái có nuôi con hổ trắng ngày ngày cùng đi đổ đó ở cánh đồng. Một hôm ông đi đổ đó sớm, con hổ không nhận ra chủ, nên đã vồ ông, sau đó hổ cõng xác về đặt ở khu đất đầu làng, sáng hôm sau mối xông thành mộ, từ đó người dân nơi đây thường gọi là Mả Dấu.

Ngoài việc phụng thờ các vị hoàng đế triều Đinh, triều Tiền Lê, đền Lăng còn phối thờ hai vị nhân thần là ông Nguyễn Minh cùng vợ là bà Nhữ Đê phò Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn, và một vị thiên thần là Thiên Cương Đại vương. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện còn 36 di tích thờ Lê Hoàn phân bố ở 8 tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Đông (cũ), Sơn Tây (cũ), Thanh Hóa và Hà Nam. Cùng với đền Lăng, đình Ứng Liêm (xã Thanh Hà) cũng thờ nhà vua và đình Cẩm Du (xã Thanh Lưu) phối thờ đều ở huyện Thanh Liêm.

Đền Lăng - quần thể kiến trúc gồm tòa Tiền đường, Trung đường và Chính tẩm.
Đền Lăng – quần thể kiến trúc gồm tòa Tiền đường, Trung đường và Chính tẩm.

Du lịch Hà Nam về với Đền Lăng – quần thể kiến trúc gồm tòa Tiền đường, Trung đường và Chính tẩm. Tòa Tiền đường thiết kế mái cong, chồng diêm theo phong cách dân tộc. Hai vì gian giữa Tiền đường đậm đặc các mảng phù điêu chạm long, ly, quy rất sinh động. Trên trụ non đấu rế chạm mâm ngũ quả, nổi bật với đào, lựu. Một số mảng mê tạo phù điêu với hình tượng rồng chầu, phượng, hoa cúc tinh xảo. Để gánh 4 trụ non, nghệ nhân xưa chạm bốn con nghê ghé vai đỡ trụ. Trên bộ vì phía Đông có mảng chạm lý thú, đó là một con thú ẩn trong lá sen cách điệu; vì đối diện là hình con hổ ôm một cái đó lớn, bên cạnh một con hổ khác đeo chiếc giỏ ở cổ, như nhắc nhở về chuyện ông nội Lê Hoàn là Lê Lộc làm nghề đơm đó để sinh nhai. Trung đường và Chính tẩm chung một công trình kiến trúc, vị trí sau tòa Tiền đường, thức kiến trúc thượng rường, hạ kẻ. Điều đặc biệt là: chính điện của tòa Trung đường còn có bức cửa võng, gắn với câu đầu, cột cái. Công trình đục chạm công phu với cảnh lưỡng long chầu nguyệt tinh tế, nghệ thuật, tạo riềm trên, riềm hai bên với những băng lá sòi, những mảng long vân, phượng vũ có sức truyền cảm cao. Trung tâm của võng nổi bốn chữ “Thánh cung vạn tuế” trong khung tròn rất đẹp. Cửa võng được sơn son thếp vàng màu sắc óng ánh, ấm áp giúp cho công trình thêm hấp dẫn.

Theo kinh nghiệm du lịch Hà Nam tìm hiểu, bên trong đền Lăng còn khá nhiều đồ thờ tự, đều được sơn son thếp vàng theo phương pháp cổ truyền.

Với những giá trị nhiều mặt về kiến trúc, nghệ thuật, đặc biệt là sự phong phú của truyền thuyết dân gian và những địa danh, dấu tích liên quan đến một quãng đời quan trọng của Lê Hoàn, đền Lăng từ xưa đã nổi tiếng. Nhiều nhà khoa bảng như Bạch Đông Ôn, Khiếu Năng Tĩnh, Phạm Đình Kính, Vũ Huy Trác…, đặc biệt là Hoàng giáp Lê Trung (thế kỷ XVI) đã tới thăm viếng ngôi đền và để lại cho đời sau những vần thơ đề vịnh giàu chất hoài cổ và suy nghiệm.

Tags: phuong tien giao thong, diem du lich ha nam, dac san ha nam, khach san ha nam

Từ khóa » Thuyết Minh đền Lê Hoàn