Thông tin chung: Công trình: Di tích Cổ Loa Địa điểm: huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, Việt Nam (21,113408°B 105,873206°Đ) Thiết kế kiến trúc: Quy mô: Khoảng 800ha Thời gian hình thành: Thế kỷ thứ 3 TCN Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ năm 2012) Cổ Loa là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ nằm tại vùng đất thuộc xã Cổ Loa, Việt Hùng, Dục Tú và Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội, trong một khu vực có diện tích khoảng 800ha. Cổ Loa xưa là kinh đô của nhà nước phong kiến Âu Lạc. Đây là nhà nước kế tục nhà nước mang tính truyền thuyết Văn Lang của các vua Hùng, được thành lập bởi Thục Phán (An Dương Vương, vua nước Âu Lạc, trì vì từ năm 257/208 TCN – 208/179 TCN). Nhà nước này đã thống nhất 2 bộ tộc Âu Việt - Lạc Việt và bảo vệ đất nước trước các cuộc xâm lược của nhà Tần (vương triều Trung Quốc, tồn tại năm 221 – 207 TCN), nhưng về sau sụp đổ do thất bại trước Triệu Đà (vua vương triều Nam Việt, miền Nam Trung Quốc, trị vì năm 207- 137 TCN). Vào thời Âu Lạc, Cổ Loa nằm vào vị trí đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng và là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và đường bộ. Từ đây có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng lẫn vùng sơn địa. Cổ Loa nằm ở tả ngạn sông Hoàng (sông Thiếp hay sông Ngũ Huyện Khê). Xưa kia, sông Hoàng là một sông nhánh lớn của sông Hồng, nối liền sông Hồng với sông Cầu, con sông lớn nhất trong hệ thống sông Thái Bình. Về phương diện giao thông đường thủy, Cổ Loa có một vị trí vô cùng thuận lợi tại đồng bằng Bắc Bộ thời bấy giờ. Cổ Loa thời đó là một vùng đồng bằng trù phú, dân cư đông đúc với nghề làm ruộng, đánh cá và thủ công nghiệp. Việc dời kinh đô của nhà nước Văn Lang từ Phong Châu, Phú Thọ về đây, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của quốc gia Việt cổ, giai đoạn người Việt chuyển trung tâm quyền lực chính trị, kinh tế từ vùng trung du bán sơn địa về định cư tại vùng đồng bằng, chuyển dần Đức tin từ sự độc tôn của vị Thánh chủ về tự nhiên là Sơn Tinh nay thêm cả Thủy Tinh. Thời kỳ Âu Lạc, kinh đô Cổ Loa trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự của cả nước, là một trong những đô thị cổ nhất thế giới. Cổ Loa tiếp tục là kinh đô của nhà Ngô (tồn tại năm 939- 965) dưới thời Ngô Quyền (vị vua sáng lập nhà Ngô, trị vì từ năm 939 - 944, một trong 14 Anh hùng dân tộc Việt Nam). Năm 938, ông là người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán, Trung Quốc trong trận Bạch Đằng nổi tiếng, chính thức kết thúc gần một thiên niên kỷ Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam. Năm 968, dưới thời nhà Đinh, kinh đô nước Đại Cồ Việt chuyển về Hoa Lư, Ninh Bình. Thành Cổ Loa dần suy tàn. Cổ Loa tồn tại mạnh mẽ trong khoảng 1200 năm (từ năm 257/208 TCN đến năm 968 sau Công nguyên), góp phần phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu nền văn hóa Đông Sơn, một nền văn hóa với trung tâm là khu vực đền Hùng và vùng đất dọc theo 3 con sông chính của đồng bằng Bắc Bộ: sông Hồng, sông Mã và sông Lam gắn với nhà nước Văn Lang của các vua Hùng và nối tiếp là nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương, trước khi bị ảnh hưởng của nền văn minh Hán. Nền Văn hóa Đông Sơn là sự phát triển liên tục và kế thừa từ các thời kỳ tiền Đông Sơn trước đó là Văn hóa Phùng Nguyên, Văn hóa Đồng Đậu và Văn hóa Gò Mun. Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ. Về mặt quân sự, thành Cổ Loa sự kết hợp 3 vòng thành cao, hào sâu không có hình dạng nhất định, các cửa thành bố trí rất khéo, không cửa nào nhìn thông sang cửa nào, đường đi lại trong thành quanh co khuất khúc khiến thành như một mê cung. Thành Cổ Loa vừa vừa thuận lợi cho tấn công vừa tốt cho phòng thủ. Nhờ ba vòng hào thông nhau dễ dàng, thủy binh có thể phối hợp cùng bộ binh để vận động trên bộ cũng như trên nước khi tác chiến. Thời đó, với vũ khí chỉ là gươm, giáo và cung tên, thành Cổ Loa là một công trình phòng thủ vững chắc vào bậc nhất trong lịch sử Cổ đại nước ta. Về mặt xã hội, với sự phân bố từng khu cư trú cho vua, quan, binh lính, thành Cổ Loa là một minh chứng về sự phân chia giai tầng xã hội rõ ràng hơn thời Vua Hùng. Về mặt văn hóa, là một tòa thành cổ nhất còn để lại dấu tích, Cổ Loa là một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt thời An Dương Vương. Cổ Loa còn là địa danh nổi tiếng về các triết lý Thần đạo Việt Nam. Khu di tích Cổ Loa bao gồm các di tích chính: Thành Cổ Loa (thành và hào; cổng thành và miếu; lũy và gò); Khu vực tưởng niệm An Dương Vương (đền Thượng; giếng Ngọc; đình Ngự triều Di Quy; am Mỵ Châu) và các di tích văn hóa khác (chùa Cổ Loa; đình, chùa thôn Mạch Tràng, chùa Cưu, chùa xóm Sằn...). Gắn với Khu di tích Cổ Loa là di tích các làng cổ và khu vực khảo cổ: Mả Tre; Đồng Vông; Bãi Mèn; Xuân Kiều; Đường Mây... Sơ đồ Khu di tích Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Thành Cổ Loa Thành Cổ Loa được khởi dựng trong vòng 3 năm, từ năm 257 đến 255 TCN. Việc xây dựng thành Cổ Loa thể hiện sức mạnh của nhà nước Phong kiến tập quyền Âu Lạc với một lực lượng quân sự hùng mạnh, cũng như việc tổ chức xã hội để có thể huy động lớn sức dân và các yếu tố công nghệ tiên tiến thời bấy giờ. Kinh đô Cổ Loa thời An Dương Vương thể hiện sự phát triển vượt bậc so với Kinh đô Phong Châu thời Hùng vương. Cổ Loa nằm trên vùng đất hài hòa giữa địa hình dương và địa hình âm. Địa hình dương là các gò đất dốc từ Tây Bắc xuống Đông Nam, từ cao độ (so với mực nước biển) 14m xuống 3m. Cao độ các thành đất 10-18m. Địa hình âm là các “đường nước tự nhiên" hay các lưu vực: Hệ thống ngoài thành gồm: Vực Dê - Đầm Chủ - Đầm Cả - Vực Tó - Đầm Vân Trì; Hệ thống trong thành gồm: mạng lưới nước từ cửa Cống Song vào thành Trung được ví von với hình ảnh “Năm ngón tay” và đường hào tự nhiên và hào đào thông với sông Hoàng ở Ao Chàm (phía Nam) và Vườn Thuyền Ao Mắm (phía Đông). Theo truyền thuyết thành Cổ Loa hình xoáy trôn ốc 9 vòng, chu vi 9 dặm (khoảng 14,5km). Song thực tế, từ ngoài vào trong chỉ có 3 vòng thành: Thành Ngoại, thành Trung và thành Nội. Thành Cổ Loa về chức năng là hoàng thành, quân thành và trung tâm kinh tế. Doanh trại quân đội đóng ở bên ngoài thành Trung, khu vực giữa thành Nội và thành Trung là nơi ở của các quan. Vòng thành Nội bao bọc nơi vua và hoàng gia ở. Cung cấm xây trên gò đất cao nhất. Bên trái cung cấm là điện Ngự triều (nay dựng đình Cổ Loa). Các luỹ và ụ đất bên ngoài thành là những công trình tiền vệ. Ngự xạ đài là nơi vua ngự xem bắn nỏ. Vườn Thuyền, Ao Mắm là nơi hàng trăm thuyền bè ra vào mua bán hàng hoá. Đầm Cả là quân cảng với 5 nhánh sông ăn sâu vào trong thành Trung và thành Nội. Chợ Sa nằm trên bãi Sa của sông Hoàng, là điểm buôn bán của đô thị Cổ Loa. Chất liệu chủ yếu ban đầu dùng để xây thành là đất. Do địa hình dốc từ Bắc xuống Nam, chênh cao đến 10m, mà lại muốn đào hào nước để thuyền có thể đi lại xung quanh, nên hào tại phía Bắc phải sâu, thành phải cao (so với đáy hào). Đây là nguyên nhân chính của việc thành đất bị sụp đổ nhiều lần. Sau này, phải gia cố thêm đá và gốm vỡ thành mới đứng vững. Đá được dùng để kè cho chân thành tại đoạn thành có chiều cao lớn. Đá kè là loại đá tảng lớn và đá cuội được chở tới từ các miền khác. Xen giữa đám đất đá là những lớp gốm được rải dày mỏng khác nhau, nhiều nhất là ở chân thành và rìa thành để chống sụt lở. Các cuộc khai quật khảo cổ học đã tìm thấy một số lượng gốm khổng lồ gồm ngói ống, ngói bản, đầu ngói, đinh ngói. Ngói có nhiều loại với độ nung khác nhau. Có cái được nung ở nhiệt độ thấp, có cái được nung rất cao gần như sành. Ngói được trang trí nhiều loại hoa văn ở một mặt hay hai mặt. Ngay sau khi xây thành, Thục An Dương Vương đã chiêu tập những thợ mộc giỏi để đóng thuyền chiến. Dân cũng được điều tới khai phá rừng xung quanh thành ruộng. Những hiệp thợ chuyên rèn vũ khí cũng được chiêu mộ để chế tạo vũ khí, đặc biệt là nỏ liên châu, mỗi phát bắn nhiều mũi tên. Thành Cổ Loa có diện tích khoảng 400ha, được tổ hợp từ: Vòng thành và hào; cổng thành và miếu cổng thành; hệ thống các gò, ụ đất phòng vệ… Vòng thành và hào Thành lũy Cổ Loa bao gồm hệ thống gò, lũy, hỏa hồi và hào nước. Thành Cổ Loa bố cục theo hướng Bắc – Nam, hướng ra sông Hoàng, được xây bằng đất. 3 vòng thành, chạy uốn lượn theo địa hình kết hợp với sông Hoàng vừa làm hào bảo vệ, vừa là nguồn cung cấp nước và giao thông thuỷ. Hào nước, rộng 35 - 55m. Ba, bốn thuyền sắp hàng ngang đi được. 3 hào nước dọc theo 3 vòng thành thông nhau qua đầm Cả ra sông Hoàng. Mặt ngoài lũy dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. 3 vòng thành có với tổng chiều dài 15820m, hiện chỉ còn lại 11840m, tương ứng với 74,8% tổng chiều dài của thành. - Thành Nội mặt bằng hình chữ nhật, khép kín, chu vi 1730m, nằm tại xã Cổ Loa. Thành có 18 ụ hỏa hồi (nơi đốt lửa báo động). Các đoạn lũy thành có bề mặt rộng 6 -15m, chân rộng 20 -30m, cao trung bình 5m so với mặt đất. Thành Nội có một cửa hướng Nam, hướng theo tòa kiến trúc Ngự triều Di Quy, nơi thiết triều của nhà vua. Hiện tại, lũy phía Đông, Nam và Bắc của thành Nội hầu như đã phá hủy. Chỉ riêng phía Tây còn một đoạn lũy tương đối rõ nét dài 220m. Các ụ hỏa hồi hầu hết bị phá bỏ. Hào thành Nội từ lâu đã bị các bờ đất đắp chia cắt thành các ao. - Thành Trung hình tự nhiên, khép kín, chu vi 6310m, nằm tại xã Cổ Loa, bao bọc thành Nội. Lũy thành có bề mặt rộng trung bình 10m, chân rộng 20m, cao 5,4m so với mặt đất. Thành Trung có các cửa Bắc, Tây Bắc, Tây Nam, cửa Nam đi chung với thành Ngoại và cửa Sòng phía Đông thông sang đầm Cả ra sông Hoàng. Thành Trung hiện còn giữ được 5554m. Lũy thành bị xẻ qua nhiều chỗ làm lối đi. Riêng lũy thành mặt phía Nam bị lấn chiếm gần hết để xây nhà. Phần hào có thể nhận thấy được vào mùa khô, mặt cắt chỉ còn 3-8m, nông cạn. - Thành Ngoại hình tự nhiên, khép kín, chu vi 7780m, bao bọc quanh thành Trung. Thành Ngoại có đoạn đắp, có đoạn vốn là gò đất tự nhiên. Lũy thành cao trung bình 3-4m, chỗ cao nhất là gò Cột Cờ tại phía Nam, khoảng 8m. Chân thành rộng khoảng 12- 20m. Ngoài cửa Nam là cửa chung với thành Trung, thành Ngoại còn có ba cửa: Cửa Bắc (hướng ra gò Vua), cửa Đông và cửa Tây – Nam, trong đó cửa Đông là cửa sông nối liền với Hoàng Giang. Điểm độc đáo là vòng tường thành Ngoại và Trung được đắp chập vào nhau tại hướng Nam, tạo thành một cửa ra vào chung cho hai vòng thành. Lũy thành Ngoại hiện còn 4742m, bị phá nhiều nhất ở phía Nam và phía Đông để làm đường sắt và làm đất thổ cư. Phần lớn chiều dài thành lũy không còn hào nước. Đầm Cả, nơi nối hào thành Trung với hào thành Ngoại hiện đang cạn kiệt. Ngay sông Hoàng Giang cũng bị thu hẹp lại chỉ như mương tưới tiêu nước. Vết tích các vòng lũy đất thành Trung, Cổ Loa, Đông Anh, hà Nội Cổng thành và miếu tại cổng thành: 9 cổng thành, hiện đã hoàn toàn biến mất. Mỗi cửa có một miếu xây trên mặt tường thành thờ quan coi cổng thành, hiện chỉ còn tồn tại 3 miếu tại cửa Bắc, Nam và Tây Bắc của thành Trung. Miếu tại cửa Bắc thành Trung, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Miếu tại cửa Nam thành Trung, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Miếu tại cửa Tây Bắc thành Trung, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Hệ thống các gò, ụ đất phòng vệ Bên ngoài lũy thành có nhiều lũy và gò tận dụng địa hình tự nhiên, ví dụ như: Gò Dục Nội, gò Vua, gò Đống Dân, gò Chuông, gò Cưu, gò Con Voi, gò Cột Cờ....Phần lớn bị sạt lở hoặc biến dạng do khai thác để trồng trọt và làm nhà. Khu tưởng niệm An Dương Vương Khu vực tưởng niệm An Dương Vương (đền Thượng; giếng Ngọc; đình Ngự triều Di Quy; am Mỵ Châu) và các di tích văn hóa khác (chùa Cổ Loa; đình, chùa thôn Mạch Tràng, chùa Cưu, chùa xóm Sằn...). Gắn với Khu di tích Cổ Loa là Khu vực di tích các làng cổ và Khu vực khảo cổ: Mả Tre; Đồng Vông; Bãi Mèn; Xuân Kiều; Đường Mây... Đền Thượng hay đền thờ An Dương Vương Đền thờ Thục An Dương Vương, thường gọi là Đền Thượng, chưa rõ được xây dựng từ bao giờ, chỉ biết công trình được sửa chữa lại vào năm 1687, đời Lê Hy Tông (vị vua thứ 21 của nhà Hậu Lê, trị vì năm 1675- 1705), vào năm 1895 và những năm gần đây. Đền gồm các công trình đặt theo 3 bậc thềm sân: Nghi môn ngoại, Nghi môn nội, Tiền đường, Phương đình, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu. Nghi môn ngoại đặt trên bậc thềm thứ nhất, cao 5 bậc so với nền đường phía trước, có hình thức như một cổng thành, 3 gian. Gian giữa có 2 tầng. Tầng trên là tháp có 2 tầng mái, 8 mái. Cổng chính giữa Nghi môn ngoại có hai con rồng đá uốn khúc, tay vuốt râu, nghệ thuật điêu khắc thời Lê. Sau Nghi môn ngoại là một sân rộng. Hai bên sân có hai hồ nước hình tròn, được cho là mắt rồng của thành Cổ Loa. Một hố luôn đầy ắp nước cho dù mùa hạn. Một hố luôn khô cạn cho dù mùa mưa. Nghi môn nội đặt trên bậc thềm thứ hai, cao 7 bậc so với bậc thềm thứ nhất, là một tòa nhà 3 gian, 2 mái. Hai bên Nghi môn nội có hai cổng nhỏ. Phía sau Nghi môn nội là sân trong phía trước tòa Tiền đường. Hai bên sân là hai tòa Tả vu và Hữu vu. Tòa Tiền đường đặt trên bậc thềm thứ ba, cao 5 bậc so với bậc thềm thứ hai. Tòa Tiền đường có mặt bằng hình chữ U. Tòa phía trước 5 gian, 4 mái, phía trước là một hàng hiên. 2 cánh chữ U hai bên là tòa 5 gian, bít đốc, 2 mái. Song song với tòa Tiền đường là hai tòa Tả mạc và Hữu mạc. Tại sân của tòa Tiền đường là tòa Phương Đình với 2 tầng mái, 8 mái. Tòa Hậu đường có mặt bằng hình “chữ công” hay hình chữ H, gồm tòa Bái đường, Thiêu Hương và Thượng điện. Trong tòa Thượng điện có một khám lớn bằng gỗ đặt ban thờ vua An Dương Vương. Trên ban thờ đặt tượng vua bằng đồng, đúc năm 1897, nặng 255kg. Phía bên phải Tiền đường là nhà Bia. Tại đây có 3 tấm bia đá khắc năm 1606. Phối cảnh đền thờ An Dương Vương - đền Thượng, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Nghi môn ngoại, đền thờ An Dương Vương, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Rồng đá phía trước Nghi môn ngoại, đền thờ An Dương Vương, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Hai giếng sau Nghi môn ngoại, đền thờ An Dương Vương, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Nghi môn nội, đền thờ An Dương Vương, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Nghi môn nội, đền thờ An Dương Vương, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội; nhìn từ phía trong sân Tòa Tiền đường, đền thờ An Dương Vương, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Ban thờ Thượng điện với tượng vua An Dương Vương, đền thờ An Dương Vương, Cổ Loa, Đông Anh,Hà Nội Nhà bia trong đền thờ An Dương Vương, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Bia đá cổ bên trong nhà Bia, đền thờ An Dương Vương, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Giếng Ngọc Giếng Ngọc nằm ngay phía trước đền thờ An Dương Vương. Giếng hình tròn, giữa đắp bờ tròn tạo thành giếng ngọc. Tương truyền, là nơi Trọng Thuỷ tự vẫn vì ân hận cho cái chết của Mị Châu. Nước giếng này đem rửa ngọc trai thì ngọc sáng đẹp bội phần. Giếng Ngọc trước cửa đền thờ An Dương Vương, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Đình Cổ Loa hay đình Ngự triều Di Quy Đình Cổ Loa được xây dựng trên nền của điện Ngự Triều Di Quy xưa, nơi vua Thục Phán thiết triều. Đây là ngôi đình được cho là chuyển từ nơi khác về, dựng lại vào năm 1907, thời Nguyễn. Phía trước đình là Tam quan. Đình có bố cục mặt bằng hình chữ “đinh” hay chữ T, gồm Đại đình và Hậu cung, Đại đình gồm 5 gian, 2 chái, 4 mái. Giữa đình có bức cửa võng chạm hình tứ linh (long, ly, quy, phượng) và tứ quý (đào, cúc, trúc, mai). Bức chạm khắc vô cùng tinh tế và được thếp vàng. Cạnh đình Cổ Loa là đền thờ Cao Lỗ. Theo truyền thuyết, Cao Lỗ vị tướng dưới thời vua Thục Phán, là người sáng tạo ra nỏ Liên Châu (một loại nỏ bắt được nhiều mũi tên cùng 1 lúc) và cũng chính ông là người chỉ huy cho xây dựng thành Cổ Loa. Để tưởng nhớ công ơn, người dân lập tượng và xây đền thờ ông. Đền thờ nhỏ, trong đền trưng bày nhiều mũi tên đồng mà các nhà khảo cổ học đã khai quật được. Sau đình Cổ Loa có chùa Bảo Sơn, còn gọi là chùa Cổ Loa, một ngôi còn giữ được nhiều cổ vật có giá trị từ thế kỷ 17 đến 19 như tượng, bia đá, chuông, khánh… Tam quan đình Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Tòa Đại đình, đình Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Bên trong tòa Đại đình, đình Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Ban thờ vua An Dương Vương và tướng Cao Lỗ trong Hậu cung của đình Cổ Loa Đền thờ Cao Lỗ, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Ban thờ Cao Lỗ trong Hậu cung đền thờ Cao Lỗ, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Tòa Bái đường, chùa Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Bên trong Thượng điện chủa Cổ Loa, Đông Anh, Hà NộiAm Mỵ Châu Bên trái đình Cổ Loa là am Mỵ Châu hay am Bà Chúa. Am nằm sau cây đa, được cho là đã nghìn tuổi. Đây là nơi thờ nàng Mỵ Châu, công chúa con vua An Dương Vương. Huyền thoại kể rằng, sau khi Mỵ Châu bị chém đầu, hóa thành hòn đá to trôi dạt về bãi Đường Cấm, ở phía Đông thành Cổ Loa, dân trong thành đem võng ra cáng về, đến gốc đa thì đứt võng, hòn đá rơi xuống, bèn lập am thờ ngay tại chỗ. Am có mặt bằng kiến trúc được bố cục theo dạng “tiền nhất, hậu đinh”, gồm các tòa Tiền tế và Hậu đường. Tòa Hậu đường gồm 2 khối nhà là Bái đường và Hậu cung. Tượng bà chúa Mỵ Châu trong Hậu cung là một hòn đá tự nhiên có hình dáng người cụt đầu. Am Mỵ Châu, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Tượng đá có hình dáng của một người cụt đầu – nàng Mỵ Châu, tại am Mỵ Châu, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Khu vực di tích các làng cổ và Khu vực khảo cổ Khu vực các làng cổ Từ khoảng 4000 năm trước đây tại bờ sông Hoàng đã xuất hiện những làng (Chạ) định cư. Cổ Loa ngày ấy mang tên Làng Chủ hay Chạ Chủ. Theo truyền thuyết khi xây thành Cổ Loa An Dương Vương đã cho dời dân chạ Chủ (Chủ - đất đồng đường - cao) xuống vùng đất trũng- làng Quậy (Quậy - vùng đất trũng - thấp) để lấy đất xây thành. Hiện tại các làng cổ chỉ chủ yếu tồn tại ở giá trị phi vật thể là chính (tên gọi, trong một số hoạt động văn hóa xã hội) còn các yếu tố vật chất, đặc biệt là công trình kiến trúc có giá trị không thật lớn. Theo kết quả điều tra, các công trình đình chùa tại các khu vực này chủ yếu là các công trình mới được xây dựng từ thế kỷ 17,18 trở lại đây. Các công trình nhà ở thì đa phần cũng đã được cải tạo và xây dựng lại với vật liệu và hình thức kiến trúc của những năm sau này. Vì vậy việc bảo tồn các làng cổ chỉ có thể tập trung vào một số khu vực nhất định, tại đây có các giá trị về bảo tồn lớn nhất là xóm Chùa và xóm Chợ (với tên gọi rất đặc trưng của một kinh thành). Khu vực khảo cổ Thành Cổ Loa là một địa điểm khảo cổ học mang tầm quốc gia, quốc tế. Tại Cổ Loa và khu vực xung quanh phân bố di tích dày đặc. Từ năm 1970 đến nay, trong phạm Di tích đã có nhiều địa điểm được khai quật, khảo cổ với diện tích từ vài trăm đến hàng ngàn m2, ở nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên (di tích Đồng Vông, Bãi Mèn, Đình Tràng); Văn hóa Gò Mun (di tích Đình Tràng); Văn hóa Đồng Đậu (di tích Tiên Hội, Xuân Kiều, Bãi Mèn, Đình Tràng; Văn hóa Đông Sơn hay văn hóa Cổ Loa (di tích Bãi Mèn, Đường Mây, Đình Tràng, Cầu Vực, Mả Tre, Xóm Hương, Xóm Nhồi; di tích mũi tên đồng tại đền Thường, xóm Thượng, Bãi Miếu). Riêng thành Cổ Loa đã được khai quật nhiều lần ở cả 3 vòng thành, một số kết quả cho thấy: Thành Cổ Loa thời An Dương Vương được hình thành và phát triển trên nền của khu vực dân cư đã cư trú ổn định và tập trung. Chợ Cổ Loa thời An Dương Vương cũng đã được nhận diện, đó là chợ Sa, ngày nay vẫn tiếp tục phồn thịnh... Hiện tượng sụt lở đất tại khu vực phía Bắc. Điều này liên hệ với truyền thuyết thần Kim Quy được Huyền Thiên Trấn Vũ sai xuống giúp An Dương Vương khắc phục hiện tượng “thành cứ xây xong lại đổ”; Thành dưới thời An Dương Vương được đắp theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: gia cố nền và đắp đất trên nền gia cố tạo nen lõi của thành; Giai đoạn 2: Mở rộng thành sang hai bên để tạo cho đủ chiều rộng thành; Giai đoạn 3: Đắp theo từng lượt có san và đầm chặt để tạo ra đoạn thành hoàn chỉnh. Sau thời An Dương Vương, thành Cổ Loa tiếp tục được đắp bổ sung, tu bổ. Người Việt đã xây dựng cả ba vòng thành Cổ Loa, bằng kỹ thuật của người Việt trước khi người Hán tới. Di vật khảo cổ bằng đá, gốm, ngói của các chi tiết kiến trúc cho thấy mức độ đầu tư xây dựng công trình theo cấp độ quốc gia; đồ đồng, sắt với các thể loại công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, đồ trang sức, tượng, vũ khí (hàng vạn mũi tên đồng), nhạc khí ... thể hiện trình độ văn minh thời bấy giờ. Tại đây phát hiện được các xưởng sản xuất thủ công luyện kim, đúc mũi tên đồng với số lượng lớn loại đá dùng làm khuôn đúc. Trong đó phát hiện trống đồng Cổ Loa loại I Heger với bộ di vật đồ sộ (tại Mả Tre năm 1982) được đánh giá là " Một trong những phát hiện khảo cổ vang dội nhất đến nay về thời đại kim khí Cổ Loa nói riêng và Việt Nam nói chung". Tại Cổ Loa đã phát hiện một số di tích mộ táng thuộc văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Một số hiện vật khảo cổ được trưng bày tại Nhà trưng bày cổ vật thành Cổ Loa, nằm đối diện đền Cao Lỗ. Khai quật lũy thành Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Hình ảnh một số di chỉ khảo cổ tại Cổ Loa Nhà Trưng bày cổ vật thành Cổ Loa, nằm đối diện đền Cao Lỗ, Đông Anh, Hà Nội Bên trong gian trưng bày hiện vật, Nhà Trưng bày cổ vật thành Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội Cổ Loa với các truyền thuyết văn hóa Cổ Loa gắn liền với nhiều truyền thuyết lịch sử và văn hóa: An Dương Vương định đô xây thành; Nỏ thần Kim Quy; Mỵ Châu – Trọng Thủy… Song trước hết, Di tích Cổ Loa gắn với hình thành triết lý Thần đạo Việt Nam. Thời Hùng vương, người Việt đã định hình được đức tin về dựng nước và giữ nước để truyền lại cho đời sau (thông qua các vị thánh Sơn Tinh, Thánh Gióng); Thời An Dương Vương, người Việt tiếp tục xây dựng triết lý về mối quan hệ giữa Nhà và Nước; giữa Gia đình, Dòng tộc, Cộng đồng và Quốc gia. Từ câu chuyện Cổ Loa, người Việt sẽ nhớ mãi câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “ Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu Trái tim lầm chỗ để trên đầu Nỏ thần vô ý trao tay giặc Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...” Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội là một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt Cổ. Đây là địa điểm đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử Việt Nam, việc di dời trung tâm của nền văn minh từ vùng sơn địa chuyển về vùng đồng bằng. Thành Cổ Loa là một quần thể kiến trúc kinh thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất và độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt. Đây cũng là địa điểm khảo cổ có giá trị nổi bật đánh dấu giai đoạn phát triển văn hóa khảo cổ quan trọng của Việt Nam. Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD Nguồn : https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_%C4%91%E1% BA%B7c_bi%E1%BB%87t https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BB%95_Loa http://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Toa-thanh-dat-som-va-quy-mo-nhat- Dong-Nam-A-12491 http://redsvn.net/chum-anh-tong-quan-ve-thanh-co-loa-toa-thanh-co-nhat-cua-nguoi-viet/ http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/1493 - Xem video giới thiệu công trình tại đây. Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây |