Di Tích Lịch Sử Dinh Độc Lập - Cục Di Sản Văn Hóa

Di tích còn được biết đến với nhiều tên gọi khác, như Dinh Norodom, Dinh Thống đốc, Dinh Toàn quyền, Hội trường Thống Nhất.

Dinh Độc Lập và những sự kiện lịch sử liên quan

Năm 1858, Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Năm 1867, Pháp chiếm xong 6 tỉnh Nam Kỳ (Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Ngày 23/02/1868, Thống đốc Nam Kỳ Lagrandière đã làm lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Dinh Thống đốc Nam Kỳ mới tại Sài Gòn, thay cho dinh cũ, được dựng bằng gỗ vào năm 1863 (cả dinh cũ và dinh mới đều ở khu vực di tích hiện nay). Dinh mới được xây dựng theo đồ án do kiến trúc sư Hermite phác thảo.

Kiến trúc này được xây cất trên một diện tích rộng 12ha, bao gồm một dinh thự lớn, với mặt tiền rộng 80m, bên trong có phòng khách chứa được 800 người và một khuôn viên rộng, với nhiều cây xanh và thảm cỏ. Phần lớn vật tư xây dựng dinh được đưa từ Pháp sang. Do chiến tranh Pháp - Phổ (1870) nên việc xây dựng công trình này phải kéo dài đến 1873. Sau khi khánh thành, dinh này được đặt tên là Dinh Norodom và đại lộ trước dinh cũng được gọi là Đại lộ Norodom, lấy theo tên của Quốc vương Campuchia lúc bấy giờ là Norodom (1834 - 1904). Từ năm 1871 đến năm 1887, dinh này được dành cho Thống đốc Nam Kỳ (Gouverneur de la Cochinchine) nên được gọi là Dinh Thống đốc. Từ 1887 đến 1945, các Toàn quyền Đông Dương đã sử dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc, nên được gọi là Dinh Toàn quyền (nơi ở và làm việc của các Thống đốc được chuyển sang một dinh thự gần đó).

Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, dinh trở thành nơi làm việc của chính quyền Nhật ở Việt Nam. Nhưng đến tháng 9 năm 1945, Nhật thất bại trong Thế chiến thứ II, Pháp trở lại chiếm Nam Bộ, dinh này lại trở thành trụ sở làm việc của Pháp ở Việt Nam.

Sau năm 1954, người Pháp rút khỏi Việt Nam. Đất nước ta bị chia cắt thành hai miền: miền Bắc là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, còn ở miền Nam chính quyền tay sai lập nên cái gọi là “Quốc gia Việt Nam” (sau thành Việt Nam cộng hòa). Ngày 07/9/1954, dinh được bàn giao giữa đại diện Pháp - tướng 5 sao Paul Ely, và đại diện quốc gia Việt Nam - Thủ tướng Ngô Đình Diệm.

Năm 1955, sau một cuộc trưng cầu dân ý, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại và lên làm Tổng thống. Ngô Đình Diệm quyết định đổi tên dinh này thành Dinh Độc Lập. Từ đó, Dinh Độc Lập trở thành nơi đại diện cho chính quyền cũng như nơi ở của tổng thống chính quyền tay sai và là nơi chứng kiến nhiều biến cố chính trị. Thời kỳ này, Dinh Độc Lập còn được gọi là Dinh Tổng thống. Theo cái nhìn phong thủy, dinh này được đặt ở vị trí đầu rồng, nên còn được gọi là Phủ Đầu rồng.

Ngày 27/02/1962, hai viên phi công thuộc Quân lực Việt Nam cộng hòa (Nguyễn Văn CửPhạm Phú Quốc) lái 2 máy bay AD6 ném bom làm sập dinh. Do không thể khôi phục lại, Ngô Đình Diệm đã cho san bằng và xây một dinh thự mới ngay trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của kiến trúc sưNgô Viết Thụ - người Việt Nam đầu tiên đạt giải Khôi nguyên La Mã.

Dinh Độc Lập mới (di tích hiện còn) được khởi công xây dựng ngày 01/7/1962. Trong thời gian xây dựng, gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm tạm thời chuyển sang sống tại Dinh Gia Long (nay là trụ sở của Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh). Công trình đang xây dựng dở dang thì Ngô Đình Diệm bị phe đảo chính ám sát (ngày 02/11/1963). Sau đó, ngày 31/10/1966, Nguyễn Văn Thiệu đã dứng ra làm chủ lễ khánh thành dinh… Cũng từ ngày này, Dinh Độc Lập mới xây trở thành trụ sở của chính quyền Việt Nam cộng hòa. Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu sống, làm việc ở dinh này từ tháng 10 năm 1967 đến ngày 21/4/1975.

Ngày 8/4/1975, chiếc máy bay F5E do Nguyễn Thành Trung lái, xuất phát từ Biên Hòa, đã ném bom vào dinh, nhưng gây hư hại không đáng kể.

Đúng 10 giờ 45 phút, ngày 30/4/1975, xe tăng mang số hiệu 843 của quân Giải phóng, thuộc Ðại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 230, Quân đoàn 2 dẫn đầu đội hình đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Ðộc Lập. Tiếp đó, xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính, tiến thẳng vào dinh. 11 giờ 30 phút cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận - Ðại đội trưởng chỉ huy xe 843 đã hạ lá cờ 3 sọc xuống, kéo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên trên nóc dinh. Cũng chính vào giờ phút đó, Tổng thống cuối cùng của chính quyền Việt Nam cộng hoà là Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền cách mạng. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước của quân và dân Việt Nam.

Từ ngày 16 đến ngày 21/11/1975, Dinh Độc Lập đã được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất hai miền Nam Bắc trong một đất nước Việt Nam thống nhất. Tiếp đó, các hội nghị hợp nhất các tổ chức quần chúng của cả nước (Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ) cũng đã được tổ chức tại đây. Để kỷ niệm các sự kiện chính trị đặc biệt này, Chính phủ đã quyết định đổi tên Dinh Độc Lập thành Hội trường Thống Nhất.

Ngày 25/6/1976, Bộ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký quyết định số 77A/VH-QĐ, xếp hạng Dinh Độc Lập là di tích lịch sử quốc gia.

Về quy hoạch và kiến trúc của di tích hiện nay

Khi thiết kế Dinh Ðộc Lập, vì muốn tìm một ý nghĩa văn hóa đặc biệt cho công trình, nên kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã lấy ý tưởng từ triết lý phương Đông cổ truyền và bản sắc văn hóa của dân tộc để thiết kế. Kiến trúc dinh là sự kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống phương Ðông.

Toàn thể bình diện của dinh làm thành hình chữ “Cát”, có nghĩa là tốt lành, may mắn; trung tâm của dinh là phòng Trình Quốc thư; lầu thượng mang ý nghĩa “Tứ phương vô sự/Bốn biển thanh bình” - lầu hình chữ “Khẩu”, với ý nghĩa đề cao giáo dục và tự do ngôn luận. Hình chữ Khẩu có cột cờ ở chính giữa tạo thành hình chữ “Trung”, như nhắc nhở muốn có dân chủ thì phải trung kiên. Nét gạch ngang được tạo bởi mái hiên lầu Tứ phương, bao lơn danh dự và mái hiên lối vào tiền sảnh tạo thành hình chữ “Tam”. Theo quan niệm “dân chủ hữu tam” (Nhân, Minh, Võ), ý mong muốn một đất nước hưng thịnh thì phải có những con người hội đủ 3 yếu tố Nhân, Minh, Võ. Ba nét gạch ngang này được nối liền nét sổ dọc tạo thành hình chữ “Vương”, trên có kỳ đài làm nét chấm, tạo thành hình chữ “Chủ”, tượng trưng cho chủ quyền của đất nước. Mặt trước của dinh thự - toàn bộ bao lơn lầu 2 và lầu 3 kết hợp với mái hiên lối vào cùng 2 cột bọc gỗ phía dưới mái hiên tạo thành hình chữ “Hưng”, ý cầu chúc cho nước nhà được hưng thịnh mãi.

Vẻ đẹp kiến trúc của dinh còn được thể hiện bởi hệ thống rèm hoa đá, mang hình dáng những đốt trúc thanh tao, bao xung quanh lầu 2. Rèm hoa đá được biến cách kiểu cửa của các cung điện Cố đô Huế, không chỉ làm tăng thêm vẻ đẹp của dinh, mà còn có tác dụng lấy ánh sáng mặt trời từ bên ngoài. Bên trong dinh, tất cả các đường nét kiến trúc đều dùng đường ngang bằng, sổ thẳng; các hành lang, đại sảnh, các phòng ốc đều lấy câu “Chính đại quang minh” làm ý tưởng cho các đường nét kiến trúc.

Sân trước của dinh là một thảm cỏ hình oval, có đường kính 102m. Màu xanh của thảm cỏ tạo ra một cảm giác êm dịu, sảng khoái cho khách ngay khi bước qua cổng. Chạy theo suốt chiều ngang của đại sảnh là hồ nước hình bán nguyệt. Trong hồ trồng sen và súng, gợi nên hình ảnh những hồ nước yên ả ở các ngôi đình, ngôi chùa cổ kính của các vùng quê Việt Nam.

Dinh có chiều cao 26m, được xây dựng trên diện tích 4.500m², diện tích sử dụng 20.000m², gồm 3 tầng chính, 1 sân thượng, 2 gác lửng, 1 tầng nền, 2 tầng hầm và một sân thượng cho máy bay trực thăng đáp xuống. Hơn 100 căn phòng của dinh, tùy theo mục đích sử dụng, được trang trí theo nhiều phong cách khác nhau, bao gồm các phòng khánh tiết, phòng họp Hội đồng Nội các, phòng làm việc của Tổng thống và của Phó Tổng thống, phòng trình ủy nhiệm thư, phòng đại yến... và các hồ sen bán nguyệt ở hai bên thềm đi vào chính điện, bao lơn, hành lang... Tất cả đều được thiết kế hết sức hài hòa, hợp lý.

Bên ngoài hàng rào phía trước và phía sau dinh là hai công viên cây xanh. Giữa những năm 60 của Thế kỷ 20, đây là công trình có quy mô lớn nhất miền Nam và có chi phí xây dựng cao nhất (150.000 lượng vàng). Các hệ thống phụ trợ bên trong dinh rất hiện đại, với đầy đủ hệ thống điều hòa không khí, phòng, chống cháy, thông tin liên lạc, nhà kho... Tầng hầm chịu được oanh kích của bom lớn và pháo. Các phòng của dinh được trang trí bằng nhiều tác phẩm tranh sơn mài, tranh sơn dầu, với chủ đề “non sông cẩm tú”.

Hiện nay, Dinh Độc Lập do Cục Quản trị II - Văn phòng Chính phủ quản lý. Đặc biệt, Dinh Độc lập chính là nơi ghi dấu thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, năm 1975.

Như vậy, trong lịch sử, Dinh Độc Lập là một chứng tích lịch sử đặc biệt quan trọng, nơi diễn ra và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử lớn, trực tiếp tác động đến tiến trình lịch sử nước nhà. Do vị thế đặc biệt của địa điểm này, di tích đã nhiều lần được đầu tư xây dựng, tôn tạo và trở thành một công trình xây dựng hoàn mỹ - sản phẩm của sự kết hợp hài hòa giữa công trình kiến trúc hoành tráng với cảnh quan, môi trường của khu vực xung quanh.

Với những giá trị lịch sử văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Dinh Độc Lập - nơi ghi dấu thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là di tích quốc gia đặc biệt (quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009).

Từ khóa » Dinh độc Lập Tiếng Trung Là Gì