ĐỊA LÝ ĐỊA PHƯƠNG BÌNH THUẬN - Website Của Trường Tiểu Học ...
Có thể bạn quan tâm
A. NỘI DUNG
ĐỊA LÝ ĐỊA PHƯƠNG
ĐỊA LÝ TỈNH (THÀNH PHỐ)
Việc học tập địa lý tỉnh (thành phố) sẽ giúp cho các em có những kiến thức cơ bản, khái quát về thiên nhiên, con người và các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra ở địa phương mình.
Qua học tập địa lý tỉnh (Thành phố), các em sẽ có khả năng nhận biết, phân tích một số hiện tượng địa lý ở ngay nơi mình sinh sống, có những hiểu biết về môi trường thiên nhiên và hoạt động của con người.
Những kiến thức về địa lý tỉnh (thành phố) cũng sẽ phần nào giúp các em vận dụng vào lao động sản xuất tại địa phương mình.
BÀI 1: TỰ NHIÊN VÀ HÀNH CHÍNH TỈNH BÌNH THUẬN (2 tiết)
A. MỤC TIÊU
- Hiểu và phân tích được vị trí địa lí, các đặc điểm chính về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Bình Thuận.
- Đánh giá được ý nghĩa của vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận.
B. THÔNG TIN
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÍ, PHẠM VI LÃNH THỔ VÀ SỰ PHÂN CHIA HÀNH CHÍNH
1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ
Bình Thuận là tỉnh ven biển cực Nam Trung Bộ với tọa độ địa lí nằm trong khoảng từ 10033’42” đến 11033’18” vĩ độ Bắc và từ 107023’41” đến 108052’42” kinh độ Đông. Phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Đông Bắc giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai, phía Tây Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phía Đông và Đông Nam giáp Biển Đông với bờ biển dài 192km; diện tích 7.813km2 (chiếm 2,38% diện tích cả nước)
Các huyện, thị xã, thành phố: huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân, Phú Quý, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết.
Ngoài khơi có huyện đảo Phú Quý cách thành phố Phan Thiết 120km. Trung tâm tỉnh cách thành phố Hồ Chí Minh 200km, cách thành phố Nha Trang 250 km, có quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam chạy qua nối Bình Thuận với các tỉnh phía Bắc và phía Nam của cả nước, quốc lộ 28 nối liền thành phố Phan Thiết với các tỉnh Nam Tây Nguyên, quốc lộ 55 nối với trung tâm dịch vụ dầu khí và du lịch Vũng Tàu.
Với vị trí trên, bên cạnh mối quan hệ kinh tế truyền thống với địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Thuận sẽ có điều kiện mở rộng mối quan hệ giao lưu phát triển kinh tế với các tỉnh Tây Nguyên và cả nước. Sức hút của các thành phố và trung tâm phát triển như thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nha Trang đã tạo điều kiện cho tỉnh đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, tiếp thu nhanh khoa học kĩ thuật.
2. Sự phân chia hành chính
2.1. Quá trình hình thành tỉnh
- Phủ Bình Thuận được nhà Nguyễn thành lập vào năm 1697.
- Năm 1832 gọi là tỉnh Bình Thuận với hai phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận.
- Năm 1976, Bình Thuận, Ninh Thuận và Bình Tuy sáp nhập thành tỉnh Thuận Hải.
- Năm 1992, Thuận Hải được tách ra thành hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
2.2. Các đơn vị hành chính
STT | ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH | Số xã, phường, thị trấn | DIỆN TÍCH (km2) |
1 | Thành phố Phan Thiết | 14 phường, 4 xã | 206 |
2 | Thị xã La Gi | 5 phường, 4 xã | 183 |
3 | Huyện Tuy Phong | 2 thị trấn, 10 xã | 794 |
4 | Huyện Bắc Bình | 2 thị trấn, 16 xã | 1.825 |
5 | Huyện Hàm Thuận Bắc | 2 thị trấn, 15 xã | 1.287 |
6 | Huyện Hàm Thuận Nam | 1 thị trấn, 12 xã | 1.052 |
7 | Huyện Tánh Linh | 1 thị trấn, 13 xã | 1.174 |
8 | Huyện Đức Linh | 2 thị trấn, 11 xã | 535 |
9 | Huyện Hàm Tân | 2 thị trấn, 8 xã | 739 |
10 | Huyện Phú Quý | 3 xã | 18 |
TOÀN TỈNH | 127 (19 phường, 12 thị trấn, 96 xã) | 7.813 |
(Nguồn: Tổng điều tra dân số năm 2014 – Cục Thống kê Bình Thuận
II. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
1. Địa hình
Đại bộ phận lãnh thổ (phần đất liền) của Bình Thuận là đồi, núi thấp; đồng bằng ven biển nhỏ, hẹp ngang kéo dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, phân hóa thành 4 dạng địa hình chính: núi thấp (40,7%), gò đồi (31,7%), đồng bằng phù sa (9,4%), đồi cát và cồn cát ven biển (18,2%). Ngoài khơi có một số đảo, trong đó có 10 đảo của huyện đảo Phú Quý. Địa hình cao ở phía Tây và Tây Bắc, nghiêng, thấp dần về phía Đông Nam và Tây Nam; kéo dài theo hướng Đông Bắc-Tây Nam, song song theo hướng gió mùa Tây Nam.
Trên địa bàn tỉnh có một số núi cao như: B’nom M’Hai (1.642m), B’nan Srung (1.545m) và B’nom Danglu (1.339m) ở Đức Linh; Hỏa Diệm (1.533m) ở Tuy Phong; Núi Ông (1.302m) ở Tánh Linh. Một số nhánh núi nhô ra sát biển tạo nên các mũi La Gàn (Tuy Phong), Mũi Nhỏ (Bắc Bình), Hòn Rơm (Mũi Né - Phan Thiết), Khe Gà (Hàm Thuận Nam).
2. Khí hậu
Tỉnh Bình Thuận nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, là vùng khô hạn nhất cả nước, nhiều gió, nhiều nắng; có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10), mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau); nhiệt độ trung bình hàng năm là 26,50C -27,50C; lượng mưa trung bình là 800-1600 mm/năm, thấp hơn trung bình cả nước (1.900 mm/năm). Trong một năm có 2 mùa gió chính: gió mùa Tây Nam thổi từ tháng 5 đến tháng 11; mùa nắng gắn với gió mậu dịch thổi theo hướng Đông Bắc – Tây Nam từ khoảng tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, yếu tố thời tiết cũng bất thường, có năm mưa đến sớm, có năm mưa đến muộn, dao động giữa tháng 4 và tháng 6, lúc này xuất hiện gió Đông Nam (nồm).
3. Thuỷ văn
Nhiều sông suối bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh thuộc Lâm Đồng đã chảy qua Bình Thuận để ra biển. Tính chung, các đoạn sông qua Bình Thuận có tổng chiều dài 663km, trong đó có sông Cà Ty (76km), sông La Ngà (74km), sông Quao (63km), sông Lòng Sông (43km), sông Phan (40km), sông Mao (29km) và sông Luỹ (25km). Các sông có trữ lượng thuỷ năng khoảng 540 nghìn KW (chủ yếu ở sông La Ngà). Ngoài ra, các sông cũng là điều kiện để xây dựng các công trình thuỷ lợi (đập dâng, hồ chứa) như: hồ Cà Dây, hồ Sông Quao, hồ Đa Mi,…Hiện nay, hệ thống thuỷ lợi đang được nối mạng khắp các vùng trong tỉnh nhằm đảm bảo tốt điều kiện sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân ở tất cả các địa phương.
Bình Thuận có hai hồ tự nhiên lớn: Biển Lạc ở huyện Tánh Linh (280ha), Bàu Trắng ở Hoà Thắng, Bắc Bình (90ha).
4. Tài nguyên đất
4.1. Các loại đất chính
Với diện tích 785.462 ha, Bình Thuận có các nhóm đất chính: đất cát, cồn cát ven biển và đất mặn phân bố dọc theo bờ biển từ Nam Tuy Phong đến Hàm Tân, diện tích là 146.500 ha (18,3% diện tích đất toàn tỉnh), với loại đất này có thể phát triển mô hình trồng các loại hoa màu như: dưa, hạt đậu các loại…; trên đất lợ có thể làm muối hoặc nuôi tôm nước lợ; đất phù sa với diện tích 75.400 ha (9,43% đất toàn tỉnh) phân bố ở vùng đồng bằng ven biển và vùng thung lũng sông La Ngà, diện tích đất này trồng được lúa nước, hoa màu và cây ăn quả…; đất xám có diện tích là 151.000 ha (19,22% diện tích đất toàn tỉnh), phân bố hầu hết trên địa bàn các huyện, thuận lợi cho việc phát triển cây điều, cao su, cây ăn quả và các loại cây có giá trị kinh tế cao. Diện tích còn lại chủ yếu là đồi núi, đất đỏ vàng, đất nâu vùng bán khô hạn…; những loại đất này sử dụng vào mục đích lâm - nông nghiệp.
4.2. Hiện trạng sử dụng đất của Bình Thuận (năm 2014)
LOẠI ĐẤT | Tổng số (ha) | Cơ cấu (%) |
Tổng số | 781.282 | 100,00 |
*Đất nông nghiệp | 677.470 | 86,71 |
Đất sản xuất nông nghiệp | 312.967 | 40,06 |
Đất lâm nghiệp có rừng | 360.139 | 46,10 |
Đất nuôi trồng thuỷ sản | 2.867 | 0,37 |
Đất làm muối | 996 | 0,13 |
Đất nông nghiệp khác | 501 | 0,06 |
*Đất phi nông nghiệp | 78.825 | 10,09 |
Đất ở | 7.762 | 0,99 |
Đất chuyên dùng | 54.593 | 6,99 |
Đất tôn giáo, tín ngưỡng | 252 | 0,03 |
Đất nghĩa trang, nghĩa địa | 2.203 | 0,28 |
Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng | 13.972 | 1.79 |
Đất phi nông nghiệp khác | 43 | 0,01 |
*Đất chưa sử dụng | 24.987 | 3,20 |
Đất bằng chưa sử dụng | 7.193 | 0,92 |
Đất đồi núi chưa sử dụng | 14.872 | 1,90 |
Núi đá không có rừng cây | 2.923 | 0,37 |
(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bình Thuận năm 2014)
5. Tài nguyên biển
Bình Thuận có bờ biển dài 192km với 3 cửa biển: Phan Thiết, La Gi, Tuy Phong là điều kiện rất thuận lợi cho khai thác và nuôi trồng thuỷ sản. Với vùng lãnh hải rộng 52 nghìn km², Bình Thuận là một trong bốn ngư trường lớn của Việt Nam với trên 500 loài trong đó có 60 loài có giá trị như: mực, tôm hùm, sò các loại, cá thu, mú, hồng, nục, bạc má,…Trữ lượng khai thác đánh bắt hải sản đạt 240.000 tấn hải sản, là điều kiện chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Sò điệp là đặc sản của biển Bình Thuận, tập trung ở 4 bãi chính là: La Khế, Hòn Rơm, Hòn Cau và Phan Rí, cho phép đánh bắt 25-30 nghìn tấn/năm.
Là một tỉnh ven biển, khí hậu quanh năm nắng ấm, nhiều bãi biển sạch đẹp, cảnh quan tự nhiên và thơ mộng, giao thông thuận lợi, Bình Thuận đang là một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.
6. Tài nguyên rừng
Theo kết quả kiểm kê hiện trạng rừng năm 2014, diện tích đất rừng của tỉnh là 294.458 ha với nhiều loại gỗ quí như: trắc, cẩm lai, sao và đủ các loại gỗ từ nhóm I đến nhóm VIII. Diện tích rừng tự nhiên là 256.359 ha với tổng trữ lượng gỗ trên 17750,05 mét khối và trên 107 nghìn cây tre, nứa phân bố chủ yếu ở các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc. Các kiểu rừng chủ yếu: kiểu rừng gỗ lá rộng, kiểu rừng rụng lá, kiểu rừng hỗn giao lá kim chiếm ưu thế; kiểu rừng hỗn giao và tre nứa thuần loại. Điều đáng lưu ý là hiện nay đang diễn ra tình trạng giảm diện tích rừng giàu, rừng trung bình và tăng diện tích rừng hỗn giao tre, nứa và rừng trồng nguyên liệu.
7. Khoáng sản
Bình Thuận có nhiều khoáng sản và đa dạng về chủng loại:
- Dầu khí đang được xem là thế mạnh kinh tế mới của tỉnh Bình Thuận, với nhiều mỏ dầu có trữ lượng lớn đã được phát hiện cách đất liền 60km; có 3 mỏ dầu Rạng Đông, Sư Tử Đen và Rubi đang khai thác. Hai mỏ: Sư Tử Trắng và Sư Tử Vàng chuẩn bị khai thác. Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đang quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp dầu khí tại Bình Thuận để hình thành trung tâm dự trữ dầu mỏ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và xuất khẩu.
- Đất sét công nghiệp: một trong những mỏ có trữ lượng lớn nhất của Việt Nam (trữ lượng khoảng 20 triệu tấn), có độ trương nở gấp 20 lần đất sét thường làm gốm sứ; đây là nguyên liệu cho công nghiệp quốc phòng, công nghiệp hóa-dầu, công nghiệp thực phẩm (có trong dầu ăn) và mĩ phẩm; mỏ đất sét này tập trung ở Tuy Phong với vài trăm ha.
- Các mỏ Titan (nguyên liệu cho công nghiệp quốc phòng, phế liệu cuối cùng là giấy nhám) tập trung ở Bắc Bình, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam.
- Nước khoáng thiên niên bicarbonat: hơn 10 mỏ trữ lượng cao, chất lượng tốt (trong đó có cả mỏ nước khoáng nóng 700C) có thể khai thác trên 300 triệu lít/năm. Trong đó, 2 mỏ đang được khai thác và kinh doanh đó là Vĩnh Hảo và Đa Kai.
- Cát thuỷ tinh: 4 mỏ ở Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Hàm Tân với trữ lượng trên 500 triệu m³, chất lượng đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu, phù hợp để sản xuất thuỷ tinh cao cấp, kính xây dựng, gạch thuỷ tinh.
- Đá xây dựng và đá trang trí ở Tà Cú (Hàm Thuận Nam) trữ lượng 45 triệu m3, núi Nhọn (Hàm Tân) trữ lượng 30 triệu m3.
- Zircon: 4 triệu tấn dẫn đầu cả nước về trữ lượng này.
* Câu hỏi:
1. Xác định vị trí địa lí của tỉnh Bình Thuận trên lược đồ.
2. Mô tả đặc điểm về địa hình của tỉnh Bình Thuận.
3. Trình bày đặc trưng của khí hậu, sông ngòi của tỉnh Bình Thuận.
4. Nêu đặc điểm về các loại tài nguyên khoáng sản của tỉnh Bình Thuận.
Bài 2: KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BÌNH THUẬN
I. DÂN SỐ VÀ SỰ PHÂN BỐ DÂN CƯ:
1. Dân số:
Dân số của Bình Thuận năm 2014 có 1.207.398 người, chiếm 1,34% dân số cả nước. Toàn tỉnh có 34 dân tộc. Trong đó dân tộc Kinh chiếm nhiều nhất: 93,0%, kế tiếp là dân tộc Chăm: 2,9%, dân tộc Hoa: 1,1%, dân tộc Cơ Ho: 0,9%, còn lại các dân tộc khác. Với qui mô dân số trên, tỉnh Bình Thuận có số dân đứng thứ 29/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; đứng thứ 7/14 các tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ; đứng thứ 4/7 tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ.
Bảng số liệu tình hình gia tăng dân số tình Bình Thuận giai đoạn
2009 – 2014:
Năm | Dân số (Nghìn người) | Tỷ lệ tăng tự nhiên % |
2009 | 1.167.023 | 1,0 |
2010 | 1.176.913 | 1,0 |
2011 | 1.184.538 | 1,0 |
2012 | 1.191.616 | 1,0 |
2013 | 1.199.532 | 1,0 |
2014 | 1.207.398 | 1,0 |
Dựa vào bảng số liệu, nêu nhận xét tình hình gia tăng dân số tỉnh ta.
2. Sự phân bố dân cư:
Mật độ dân số tỉnh Bình Thuận là 155 người/km2. Mật độ không cao so với toàn quốc, chiếm 1,34% mức trung bình cả nước. Dân cư tập trung đông nhất ở Phan Thiết, đặc biệt ở Phú Quý có mật độ dân số là 1526,2 người/km2 ; các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh dân cư thưa thớt, mật độ dân số khoảng 81,0 người/km2.
Bảng số liệu tỷ lệ dân số thành thị và nông thôn tỉnh ta giai đoạn 2009-2014:
Năm | Mật độ dân số (người/km2 ) | Phân theo loại hình cư trú | |||
Thành thị | Nông thôn | ||||
Tổng số (nghìn người | Tỷ lệ % | Tổng số (nghìn người | Tỷ lệ % | ||
2010 | 150,3 | 462,67 | 39,32 | 714,08 | 60,68 |
2012 | 152,2 | 468,52 | 39,32 | 723,10 | 60,68 |
2014 | 154,2 | 474,61 | 39,31 | 732,79 | 60,67 |
Dựa vào bảng số liệu, nêu nhận xét và so sánh tổng số người cư trú ở thành phố và nông thôn.
3. Lao động có việc làm theo chuyên môn kĩ thuật
Trong tổng số 593.392 người từ 15 tuổi trở lên có việc làm, chỉ có 63.991 người đã qua đào tạo, chiếm 10,8% lao động đang làm việc. Như vậy, nguồn nhân lực của tỉnh trẻ và dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kĩ thuật còn thấp. Con số này đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho những cố gắng nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực lao động phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.
II. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA – GIÁO DỤC – Y TẾ:
1. Về Văn hóa: Bình Thuận có nhiều công trình kiến trúc của đạo Phật và văn hóa Chăm như chùa Cổ Thạch (Tuy Phong), chùa Tà Cú (Hàm Thuận Nam) tháp Pô-Sha-Nư (Phan Thiết).
2. Về Giáo dục:
Từ khi chia tách tỉnh (1992) đến nay, trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, ngành Giáo dục Bình Thuận đã không ngừng phát triển toàn diện, đáp ứng cơ bản nhiệm vụ GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá của địa phương
2.1. Về phát triển qui mô các cấp học, ngành học
Qui mô phát triển mạng lưới trường lớp học không ngừng được mở rộng và cơ bản phủ kín các vùng miền trong toàn tỉnh; hệ thống giáo dục được xây dựng khá hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học; cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư đáng kể, tỉ lệ trường học kiên cố hoá ngày càng cao.
2.2. Tình hình cơ sở vật chất kĩ thuật
Nhờ có các chủ trương đúng đắn của ngành và địa phương cùng với các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, ngành đã chủ động đầu tư tập trung xây dựng phòng học, tăng cường thiết bị dạy học tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp dạy - học ở các trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Đến nay, toàn ngành có 7.067 phòng học văn hoá; trong đó: mầm non: 1.327, tiểu học: 3.331, THCS: 1.625, THPT: 784. Số máy vi tính dùng để dạy tin học là 2.905; trong đó: THCS: 1.228, THPT: 1.667. Số máy projector là 266; trong đó: THCS: 72, THPT: 194.
Về xây dựng trường chuẩn quốc gia: Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh đã có 152 trường đạt chuẩn quốc gia: Mầm non có 16 trường; Tiểu học có 82 trường; THCS có 45 trường; THPT có 9 trường.
2.3. Công tác phổ cập giáo dục
Tỉnh Bình Thuận đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục Tiểu học và Chống mù chữ vào năm 1999. Năm 2007, được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS.
Qua 20 năm xây dựng và phát triển, sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh đã không ngừng phấn đấu về nhiều mặt, tạo chuyển biến tích cực về quản lí giáo dục, nền nếp, chất lượng dạy học, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, làm tốt chủ trương xã hội hoá giáo dục. Thành quả của giáo dục là tạo ra một thế hệ người lao động mới có trình độ văn hoá, có đầy đủ tri thức về khoa học - kĩ thuật góp phần đắc lực cho công cuộc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN.
3. Về Y tế:
Mạng lưới y tế phát triển rộng khắp từ tuyến cơ sở (xã, phường, cơ quan, xí nghiệp) đến các tuyến huyện, tỉnh. Ngoài hệ thống y tế công lập, các phòng khám tư, bệnh viện tư nhân ngày càng tăng góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Cơ cở vật chất, trang thiết bị của ngành y tế được nâng cấp và đầu tư mới. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng dần. Các loại dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia triển khai khá tốt, hiệu quả. Hiện nay có 60% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ; trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 22% năm 2005 xuống còn 14% vào năm 2010.
III. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ:
- 1. Đặc điểm chung:
Từ năm 1992 (năm tái lập tỉnh Bình Thuận), kinh tế của tỉnh luôn có sự phát triển khá nhanh, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 11,6 % (nhóm nông, lâm, thủy sản tăng 7%; nhóm công nghiệp, xây dựng tăng 17,7 %; nhóm dịch vụ tăng 13,7 %.
- 2. Các ngành kinh tế:
- a. Nông, lâm, ngư nghiệp:
* Nông nghiệp:
- Trồng trọt:
+ Tổng diện tích gieo trồng của Bình Thuận tăng từ 141,3 nghìn ha năm 1995 lên 282,8 nghìn ha năm 2010. Trong đó lúa chiếm diện tích cao nhất. Những cây trồng chủ yếu là cây lương thực (lúa, hoa màu), lạc, vừng, thuốc lá, bông vải, mía, cao su, điều, hồ tiêu,…Đặc biệt, cây thanh long là cây trồng đặc thù trên đất Bình Thuận có giá trị kinh tế lớn được trồng nhiều ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình.
+ Sản lượng cây lương thực năm 2010 đạt 645.025 tấn, trong đó lúa đạt 535.411 tấn (chiếm 83,0% cơ cấu cây lương thực), bình quân đầu người là 552,7 kg/người.
+ Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp về cây ăn quả và cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao.
- Chăn nuôi: Ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển khá toàn diện. Các vật nuôi chủ yếu: bò, lợn, gia cầm, ngoài ra còn nuôi trâu, dê, cừu. Đặc biệt, qui mô đàn bò có xu hướng ngày càng tăng. Vùng nuôi nhiều bò: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân. Công tác tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm được chú trọng.
* Lâm nghiệp:
- Hoạt động lâm nghiệp được tỉnh điều chỉnh theo hướng đầu tư phát triển trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng đầu nguồn. Qui hoạch lại các loại rừng trên cơ sở tính bền vững.
- Mô hình trồng rừng trên cát trắng tại Tuy Phong và Mũi Né (Phan Thiết) đã góp phần cải tạo môi trường sinh thái của vùng.
- Tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2014 đạt 149.025 triệu đồng; trong đó, trồng và nuôi rừng chiếm 138,4%; khai thác gỗ và lâm sản chiếm 103,3%; các hoạt động lâm nghiệp khác chiếm 72,9% tổng giá trị sản xuất toàn ngành.
* Ngư nghiệp:
Bình Thuận có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để khai thác và nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, là một trong bốn ngư trường đánh bắt hải sản lớn nhất của Việt Nam. Để phát huy hiệu quả nguồn lực, tỉnh chỉ đạo chú trọng đầu tư hiện đại cả 3 khâu: thăm dò, đánh bắt và chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; ổn định thị trường xuất khẩu.
- Về khai thác, đánh bắt:
+ Hiện nay, sản lượng đánh bắt và khai thác nuôi trồng tăng khá nhanh. So với năm 2005, sản lượng tăng 1,2 lần;
+ Trong nội bộ ngành có xu hướng chuyển dịch: Giảm tỉ trọng ngành đánh bắt, tăng tỉ trọng ngành nuôi trồng. Tuy nhiên ngành đánh bắt vẫn chiếm tỉ trọng lớn. Tỉnh khuyến khích ngư dân đóng mới tàu đánh bắt có công suất lớn và trang bị hiện đại để khai thác xa bờ, đồng thời tỉnh cũng đặc biệt quan tâm bảo vệ ngư trường.
- Về nuôi trồng:
+ Con tôm: Tuy Phong, Phan Thiết là địa bàn có nhiều trại sản xuất post giống phân phối cho các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận ở miền Trung. Các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, La Gi nuôi được tôm sú và tôm thẻ chân trắng.
+ Nuôi cá nước ngọt: Hồ Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) lai tạo, nhân giống và nuôi thành công loại cá hồi miền ôn đới có giá trị kinh tế cao. Cá bống tượng được nuôi nhiều ở huyện Tánh Linh,…
+ Nuôi cá nước mặn: Huyện đảo Phú Quý có hàng trăm lồng, bè (khu vực xã Long Hải) nuôi cá mú xuất khẩu; Tuy Phong, Phan Thiết (nuôi cua huỳnh đế và cá hồng).
- Về chế biến:
+ Ở địa bàn thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện đảo Phú Quý,… có nhiều công ty chế biến hải sản để xuất khẩu.
+ Nước mắm: Thương hiệu nước mắm Phan Thiết nổi tiếng khắp cả nước, sản phẩm còn được đưa ra thị trường quốc tế. Những vùng sản xuất nước nắm ngon có ở Phan Thiết, Tuy Phong, La Gi,…
b. Công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch:
* Công nghiệp:
- Sự phát triển công nghiệp trong những năm gần đây có bước chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng ngày càng tăng. Trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp thì công nghiệp chế biến chiếm tỉ trọng lớn. Đến năm 2010, tỉ trọng công nghiệp chế biến chiếm trên 90% giá trị sản xuất các ngành công nghiệp.
- Các ngành công nghiệp chủ yếu ở Bình Thuận:
+ Công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng (khai thác đá xây dựng, đất sét làm gạch ngói, khai thác cát,…).
+ Công nghiệp chế biến là hạt nhân thúc đẩy sản xuất công nghiệp và phát triển kinh tế của tỉnh với các ngành chế biến hải sản, nông - lâm sản, may mặc, khai thác chế biến muối, chế biến thuỷ tinh,… Đặc biệt nổi tiếng là ngành sản xuất nước mắm Phan Thiết và sản xuất nước khoáng Vĩnh Hảo (Tuy Phong).
+ Ngành công nghiệp đang bắt đầu phát triển và trở thành thế mạnh của tỉnh là khai thác dầu khí với các mỏ dầu có trữ lượng lớn ở thềm lục địa thuộc địa phận Bình Thuận.
- Hiện nay đã hình thành và đưa vào hoạt động các khu công nghiệp Phan Thiết, Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam); đang xây dựng các khu công nghiệp ở Tuy Phong, Hàm Tân.
* Dịch vụ:
Các ngành dịch vụ của Bình Thuận đang có sự chuyển biến rất tích cực và từng bước chiếm vai trò quan trọng trong cơ cấu GDP của tỉnh.
* Thương mại:
- Với thị trường có hơn 1,1 triệu dân, nội thương phát triển khá mạnh trong những năm gần đây. Đặc biệt, thương mại miền núi có bước phát triển mới. Các thành phần tham gia hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh ngày càng phong phú, đa dạng: ngoài các doanh nghiệp nhà nước còn có các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty liên doanh,…
- Ngoại thương: Thị trường chính của tỉnh là các nước thuộc khối ASEAN, Nhật Bản, Mĩ, Canada, EU, Trung Quốc, Đài Loan. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực: thuỷ sản, nông sản và các sản phẩm may mặc. Năm 2010, tổng giá trị xuất khẩu đạt 223,4 triệu USD.
* Du lịch:
Du lịch là hoạt động có lợi thế nhất trong lĩnh vực dịch vụ ở Bình Thuận. Trong những năm qua, hoạt động du lịch luôn tăng trưởng mạnh cả về số lượng khách và doanh thu, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đang từng bước trở thành một ngành kinh tế chủ lực, tạo điều kiện phát triển các ngành kinh tế khác. Bình Thuận có rất nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như: Hòn Rơm-Mũi Né, khu resort Hàm Tiến, khu di tích Dục Thanh (Phan Thiết), chùa núi Tà Cú, hải đăng Khe Gà (Hàm Thuận Nam), chùa Hang (Tuy Phong), dinh Thầy Thím (La Gi),…Tổng số lượt khách du lịch đến Bình Thuận trong năm 2010 là 2.502.000 người (gấp 2 lần năm 2005), trong đó khách nước ngoài hơn 250.000 người.
Bình Thuận có dân số chiếm tỉ lệ 1.34 % dân số cả nước, mật độ dân số phân bố không đồng đều. Văn hóa, giáo dục, y tế được củng cố và phát triển. Các ngành kinh tế có sự tăng trưởng và phát triển khá toàn diện, đặc biệt là thủy sản.
* Câu hỏi:
1. Dân số và mật độ dân số tỉnh ta như thế nào?
2. Em có nhận xét gì về sự phát triển văn hóa, giáo dục, y tế ở tỉnh ta? Địa phương em có những hoạt động lễ hội nào diễn ra hàng năm?
3. Trình bày những nét chính các ngành kinh tế ở tỉnh ta. Nêu một số ngành kinh tế ở địa phương em.
GỢI Ý TIẾT DẠY
BÀI 1: TỰ NHIÊN VÀ HÀNH CHÍNH TỈNH BÌNH THUẬN ( Tiết 1)
I/ Mục tiêu:
- Chỉ được vị trí địa lí và giới hạn của tỉnh Bình Thuận trên bản đồ (lược đồ).
- Nêu được một số đặc điểm về vị trí địa lí, đặc điểm tự nhiên về địa hình, khí hậu và sông ngòi của tỉnh Bình Thuận.
- Nhận biết được ảnh hưởng của khí hậu đến đời sống của người dân Bình Thuận.
II/ Đồ dùng dạy học:
- Lược đồ tự nhiên của tỉnh Bình Thuận (có thể sử dụng lược đồ ở phần lịch sử).
- Tài liệu giảng dạy địa lí địa phương lớp 5 (Sở GD&ĐT Bình Thuận – 2014).
III/ Các hoạt động dạy học chủ yếu:
1. Vị trí địa lí và giới hạn:
* Hoạt động 1: (Làm việc cá nhân hoặc theo cặp)
Bước 1: Yêu cầu HS đọc mục 1 của tài liệu và quan sát lược đồ, rồi thực hiện các yêu cầu sau:
- Chỉ vị trí, giới hạn phần đất liền của tỉnh Bình Thuận trên lược đồ.
- Nêu tên những tỉnh giáp phần đất liền của tỉnh Bình Thuận.
- Biển bao bọc phía nào phần đất liền của tỉnh Bình Thuận. Tên biển là gì?
- Kể tên hòn đảo lớn nhất của tỉnh Bình Thuận.
(Về phía Bắc và Tây Bắc Bình Thuận giáp tỉnh Lâm Đồng; Đông Bắc giáp tỉnh Ninh Thuận; phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai; Tây Nam giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông. Đảo Phú Quý cách bờ biển 120km – Tên cũ là Cù Lao Thu)
Bước 2:
- HS lên chỉ vị trí của tỉnh Bình Thuận trên lược đồ và trình bày kết quả.
- GV sửa chữa và giúp HS hoàn thiện câu trả lời.
- Kết luận: Bình Thuận là tỉnh ven biển cực Nam Trung Bộ, có quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam chạy qua nên rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế với các tỉnh trong vùng.
2. Địa hình
* Hoạt động 2: (Làm việc cá nhân)
Bước 1: Yêu cầu HS đọc mục 1, 7 của tài liệu và quan sát biểu đồ về địa hình rồi trả lời các nội dung sau:
- Nêu những dạng địa hình có ở tỉnh và diện tích tự nhiên của từng dạng địa hình.
- Nêu sự ảnh hưởng của địa hình đến sự phân bố dân cư và phát triển kinh tế của tỉnh.
Bước 2:
- Một số HS nêu các dạng địa hình và diện tích từng dạng.
- Một số HS trình bày sự ảnh hưởng của địa hình đến sự phát triển kinh tế.
(Dân cư tập trung đông ở thành phố Phan Thiết và huyện đảo Phú Quý, thưa thớt ở các vùng núi. Địa hình ven biển thuận lợi cho phát triển ngành du lịch và đánh bắt thuỷ hải sản)
- GV sửa chữa và giúp HS hoàn thiện câu trả lời.
- Kết luận: Đại bộ phận lãnh thổ là vùng núi thấp, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, lãnh thổ hẹp ngang kéo dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam.
3. Khí hậu:
* Hoạt động 3: (Làm việc theo nhóm)
Bước 1: Dựa vào mục 2 của tài liệu và vốn hiểu biết, HS trả lời các câu hỏi sau:
- Nêu đặc điểm của khí hậu ở tỉnh Bình Thuận.
- Đặc điểm khí hậu trên đã ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân Bình Thuận như thế nào?
Bước 2:
- Đại diện các nhóm trả lời câu hỏi.
- Các nhóm khác bổ sung.
- GV sửa chữa và giúp HS hoàn thiện câu trả lời.
- Kết luận: Bình Thuận nằm trong vùng khô hạn nhất so với cả nước, với khí hậu nhiệt đới điển hình nhiều nắng, gió và không có mùa đông lạnh. Đặc điểm khí hậu trên là điều kiện thuận lợi cho phơi sấy sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp nhưng do lượng mưa nhỏ, địa hình dốc đã gây thiếu nước cho sản xuất và đời sống của người dân vào mùa khô.
4. Sông ngòi:
* Hoạt động 4: (Làm việc cá nhân)
Bước 1: Yêu cầu HS quan sát lược đồ và đọc mục 3 của tài liệu, trả lời các câu hỏi sau:
- Kể tên các sông chính ở tỉnh.
- Nêu đặc điểm sông ngòi ở tỉnh.
Bước 2: HS lần lượt trả lời các câu hỏi. Cả lớp nhận xét, bổ sung.
Kết luận: Mật độ sông suối của tỉnh Bình Thuận khá thưa thớt, các sông đều ngắn và dốc, thường bị cạn nước vào mùa khô.
BÀI 2: KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BÌNH THUẬN ( Tiết 1)
I/ Mục tiêu:
- Nắm được dân số và mật độ dân của tỉnh Bình Thuận.
- Nêu được sự phát triển về văn hóa, giáo dục, y tế của tỉnh và kể tên một số hoạt động lễ hội của địa phương.
II/ Đồ dùng dạy học:
- Tài liệu văn hóa địa phương tỉnh Bình Thuận.
- Tài liệu giảng dạy địa lí địa phương lớp 5 (Sở GD&ĐT Bình Thuận – 2014).
III/ Các hoạt động dạy học chủ yếu:
1. Dân số và sự phân bố dân cư:
* Hoạt động 1: (Làm việc cá nhân hoặc theo cặp)
Bước 1: Yêu cầu HS đọc mục I của tài liệu, rồi thực hiện các yêu cầu sau:
- Nêu dân số của tỉnh Bình Thuận năm 2014, tỉ lệ dân số so với cả nước.
- Tỉnh ta có bao nhiêu dân tộc, tỉ lệ % dân số của từng dân tộc đang sinh sống?
- Nêu được mật độ dân số của tỉnh/ km2 ; Dân cư tập trung đông nhất, thưa thớt ở đâu?
Bước 2:
- HS lên trình bày kết quả.
- GV sửa chữa và giúp HS hoàn thiện các câu trả lời.
- Kết luận: Dân số của Bình Thuận năm 2014 có 1.207.398 người, chiếm 1,34% dân số cả nước. Toàn tỉnh có 34 dân tộc. Trong đó dân tộc Kinh chiếm nhiều nhất: 93,0%, kế tiếp là dân tộc Chăm: 2,9%, dân tộc Hoa: 1,1%, dân tộc Cơ Ho: 0,9%, còn lại các dân tộc khác. Mật độ dân số tỉnh Bình Thuận là 155 người/km2, dân cư tập trung đông nhất ở Phan Thiết, các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh dân cư thưa thớt, mật độ dân số khoảng 81,0 người/km2.
2. Phát triển văn hóa – giáo dục – y tế
* Hoạt động 2: (Làm việc nhóm)
Bước 1: Yêu cầu HS đọc mục II của tài liệu rồi trả lời các nội dung sau:
- Nêu những công trình kiến trúc của tỉnh.
- Nêu sự phát triển về quy mô các cấp học, công tác phổ cập giáo dục và mạng lưới y tế của tỉnh phát triển như thế nào?
- Kể tên một số hoạt động lễ hội của địa phương.
Bước 2:
- HS lên trình bày kết quả
- GV sửa chữa và giúp HS hoàn thiện các câu trả lời.
- Kết luận: GV tóm lại nội dung trọng tâm.
Nhắn tin cho tác giả Nguyễn Thành Nhân @ 22:34 28/09/2016 Số lượt xem: 13461 Số lượt thích: 0 ngườiTừ khóa » Tỉnh Bình Thuận Có Mấy Loại đất Chính
-
Tỉnh Bình Thuận - Cổng Thông Tin điện Tử Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư
-
Điều Kiện Tự Nhiên - UBND Tỉnh Bình Thuận
-
Bình Thuận – Wikipedia Tiếng Việt
-
Giới Thiệu Khái Quát Tỉnh Bình Thuận - Địa Lý Việt Nam
-
Bình Thuận Vài Nét Tổng Quan | Xã Hội
-
Bảng Giá đất đối Với Từng Loại đất Tại địa Bàn Tỉnh Bình Thuận Giai ...
-
TỈNH BÌNH THUẦN - Trang Tin điện Tử Của Ủy Ban Dân Tộc
-
Một Số đặc điểm Của đất Vùng Khô Nóng Bình Thuận – Ninh Thuận
-
Bảng Giá đất Nhà Nước Tỉnh Bình Thuận Giai đoạn 2020 đến 2024
-
[PDF] Bảng Giá đất Bình Thuận Năm 2020 - 2024 (Quyết định 37/2019/QĐ ...
-
ĐỨC LINH XƯA VÀ NAY
-
PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI Ở BÌNH THUẬN
-
TỔNG QUAN VỀ QUẢNG BÌNH