Dịch Giả Đoàn Tử Huyến: Tạm Biệt Một Cuộc đời Không Mờ Nhạt

Năm 2014, tôi về làm biên tập viên tại Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, tức nhà sách Đông Tây bấy giờ, dịch giả Đoàn Tử Huyến là tổng chủ quản nội dung. Vốn nghe tên tuổi của ông từ trước, khi gặp ông lần đầu, tôi có phần… sợ như sợ bất cứ người nổi tiếng nào. Nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn tiếp xúc, tôi nhận ra ở ông có một sự dung dị, dễ gần. Ông ít nói, nhất là với nhân viên, nhưng nói câu nào trúng câu đó. Hiếm khi chúng tôi phản biện lại được.

Hãy làm đến tận cùng, và buông bỏ những thứ không cần thiết. Cái gì chưa chắc chắn thì không nên làm, mà đã làm thì phải hiểu cho thấu đáo, phải theo đuổi đến cùng, đừng dở dang, khổ mình mà mất thời gian của người khác. Làm phải có hệ thống, khoa học và chỉn chu… Đó là những nguyên tắc mà dịch giả Đoàn Tử Huyến đặt ra cho chúng tôi khi bắt đầu biên tập, biên dịch một công trình dù lớn hay nhỏ, dù thời vụ hay dài hơi…

Ảnh: Gia đình cung cấp
Ảnh: Gia đình cung cấp

Ông tỉ mỉ đến từng dấu câu, từng ghi chú nhỏ. Cái nào chưa yên tâm thì dừng lại tra cứu. Vì vậy, có những cuốn sách không xuất bản được ở Đông Tây chỉ vì còn một vài câu, vài từ chưa hiểu thấu đáo, ông cũng cho dừng lại, dù đã mất cả năm thực hiện bản thảo.

Mọi người thấy dịch giả Đoàn Tử Huyến gần như dành phần lớn thời gian ngao du với bạn bè. Có khi cả nửa tháng, chúng tôi không gặp ông ở văn phòng. Nhưng sức làm việc của ông khiến ai cũng phải kính nể. Một lần, gần hai giờ sáng, tôi nhận được email của ông với chi chít những xanh, đỏ, tím, vàng chỉnh sửa trên bản thảo mà hoa cả mắt. Khi ông nhập tâm với công việc thì phải làm bằng xong, làm cho đến cùng mới thôi. Đó là sự nghiêm cẩn của một nhà khoa học mà ít ai có được.

Chúng tôi - những nhân viên đã từng được giúp việc ông - kính trọng ông không chỉ trong công việc mà còn ở tình cảm đời thường. Chưa bao giờ ông nặng lời với ai. Có chăng sự gay gắt chỉ thể hiện trong những tranh luận trên bản thảo, email… Ông luôn dành những lời động viên, khích lệ người khác cả trong đời sống lẫn công việc. Ông rất ghét sự rườm rà, ôm đồm và dông dài không cần thiết.

Đầu năm 2016, ông lâm trọng bệnh phải phẫu thuật não, tưởng khó qua cửa tử. Nhưng điều kỳ diệu đã đến; người thân và bạn bè như vỡ òa. Điều tôi hối hận nhất, có một cuốn sách của bạn bè mà ông rất quý mến - đến giờ vẫn chưa in được - đó là Đường về Gia Hội của tác giả Mai Khắc Ứng, do nhà thơ Ngô Minh viết lời giới thiệu, do có vài trục trặc nhỏ về nội dung mà chỉ có ông mới đủ tầm quyết định in hay không in. Lúc đó, tôi lại không làm kịp bản thảo cho ông duyệt. Rồi ông lâm trọng bệnh, và công trình phải dừng lại. Giờ cả ông và nhà văn Mai Khắc Ứng, nhà thơ Ngô Minh đã về trời, mà cuốn sách vẫn chưa thành hình.

Sau lần tai biến đó, trí nhớ của ông gần như về số 0. Rất may, sức khỏe dần ổn định. Gần đây ông có thể chăm hoa, tưới cây và gặp gỡ bạn bè. Nhưng rồi, sau một giấc ngủ nhẹ trong một sáng đầu đông, ông đã ra đi mãi mãi. 8g30 ngày 21/11, ông đăng hai câu thơ trên trang Facebook cá nhân của mình: Cánh cò bay lả bay la/ Bay từ Trại Trúc bay qua Đồng Đà… 24 giờ sau ông đã thành người thiên cổ. Sự ra đi của dịch giả Đoàn Tử Huyến nhẹ nhàng như cuộc đời ông vậy. Tạm biệt ông, người thầy lớn của chúng tôi, người đã sống một cuộc đời sâu sắc, lặng lẽ mà không hề tẻ nhạt.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến sinh năm 1950 (trên giấy giờ ghi 1952) tại Hà Tĩnh. Ông từng đi học ở Nga (Liên Xô cũ), về nước giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Có thời gian ông làm phó tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài, sau đó ông sáng lập Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây. Ông là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học Nga, nổi tiếng nhất là Nghệ nhân và Margarita (M.Bulgakov), từng được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng hằng năm, hạng mục dịch thuật. Ông qua đời lúc 7g45 ngày 22/11 tại Sơn Tây (Hà Nội) trong một giấc ngủ nhẹ nhàng.

Đặng Thiên Sơn

Từ khóa » đoàn Tử Liễn