Điểm Danh Các Loại Thuốc điều Trị Tim Mạch Thường Dùng - Hello Bacsi

Nếu bạn bị đau tim, mắc bệnh động mạch vành hoặc được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch nói chung, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị và bạn có thể phải dùng thuốc tim mạch trong suốt phần đời còn lại của mình. Có nhiều nhóm thuốc điều trị tim mạch, bác sĩ có thể kết hợp nhiều loại với nhau để mang đến hiệu quả điều trị tốt nhất. 

Hiện nay, trên thị trường, nhóm thuốc điều trị bệnh tim mạch cũng vô cùng đa dạng. Việc hiểu biết về các loại thuốc tim mạch, cách dùng thuốc an toàn và tác dụng phụ có thể xảy ra sẽ giúp bạn tuân trị, nâng cao chất lượng cuộc sống, ngăn ngừa đau tim và đột quỵ trong tương lai. 

Thuốc tim mạch giúp kiểm soát các triệu chứng và giảm nguy cơ mắc các biến cố về tim và mạch máu trong tương lai, chẳng hạn như đau tim, suy tim và đột quỵ. Nếu bạn là một bệnh nhân tim mạch, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phụ thuộc vào chẩn đoán bệnh, tình trạng sức khỏe, cũng như tuổi tác và lối sống. Sau đây là các nhóm thuốc tim mạch hay thuốc trợ tim thường dùng:

thuốc điều trị tim mạch và những lưu ý

Các nhóm thuốc điều trị tim mạch thường

1. Thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu)

Nhóm thuốc chống đông máu bao gồm:

  • Warfarin
  • Apixaban
  • Dabigatran
  • Edoxaban
  • Heparin
  • Rivaroxaban.

Tác dụng của nhóm thuốc chống đông máu trong bệnh tim mạch này là làm giảm khả năng đông máu, tức làm máu loãng hơn, ngăn ngừa hình thành cục máu đông trong tương lai và giảm nguy cơ bị đột quỵ lần đầu hoặc tái phát. Nhóm thuốc tim mạch này cũng được sử dụng để điều trị một số bệnh về mạch máu, tim và phổi.

2. Thuốc điều trị tim mạch chống kết tập tiểu cầu

Thuốc chống kết tập tiểu cầu bao gồm:

  • Aspirin
  • Clopidogrel
  • Dipyridamole
  • Prasugrel
  • Ticagrelor.

Thuốc điều trị tim mạch này có tác dụng ngăn ngừa hình thành cục máu đông bằng cách không cho các tiểu cầu trong máu dính vào nhau. Thuốc được dùng để ức chế giai đoạn đông máu tiểu cầu ở những bệnh nhân đã từng bị đau tim, đau thắt ngực không ổn định, đột quỵ do thiếu máu cục bộ, TIA (cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua) và các dạng bệnh tim mạch khác. Thuốc cũng có thể được kê đơn để phòng ngừa tích tụ mảng bám nhưng chưa có tắc nghẽn lớn trong động mạch.

Một số bệnh nhân mới bị đau tim, được đặt stent trong động mạch vành, hoặc trải qua phẫu thuật bắc cầu động mạch vành sẽ được kê đơn aspirin kết hợp với một loại thuốc chống kết tập tiểu cầu khác (còn được gọi là liệu pháp kháng tiểu cầu kép) để ngăn ngừa hình thành huyết khối tiếp diễn.

3. Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)

Nhóm thuốc tim mạch huyết áp này bao gồm:

  • Benazepril
  • Captopril
  • Enalapril
  • Fosinopril
  • Lisinopril
  • Moexipril
  • Perindopril
  • Quinapril
  • Ramipril
  • Trandolapril.

Thuốc ức chế ACE ngăn cơ thể sản xuất hormone angiotensin làm co thắt động mạch, giúp làm thư giãn mạch máu, làm giảm huyết áp và cho phép máu lưu thông dễ dàng hơn, góp phần thúc đẩy hoạt động của tim. Chúng thường được kê đơn cho những bệnh nhân bị suy tim sung huyết, đau tim hoặc tăng huyết áp để ngăn ngừa tổn thương thêm ở tim.

cách dùng thuốc điều trị tim mạch

4. Thuốc điều trị tim mạch: Thuốc chẹn thụ thể angiotensin-II (ARB)

Nhóm thuốc này bao gồm:

  • Azilsartan
  • Candesartan
  • Eprosartan
  • Irbesartan
  • Losartan
  • Olmesartan
  • Telmisartan
  • Valsartan.

Thay vì ngăn sản xuất hormone angiotensin (như các chất ức chế ACE), thuốc chẹn thụ thể angiotensin II ngăn chặn hormone này có bất kỳ ảnh hưởng nào đến tim và mạch máu. Điều này giúp giữ cho huyết áp không tăng. Chúng được kê đơn để điều trị huyết áp cao và suy tim.

5. Thuốc tim mạch nhóm ức chế thụ thể angiotensin-II-neprilysin (ARNI)

Thuốc ARNI là sự kết hợp thuốc giữa chất ức chế neprilysin và ARB. Thuốc điều trị tim mạch này bao gồm: Sacubitril/valsartan (Entresto).

Neprilysin là một loại enzym phá vỡ các chất tự nhiên trong cơ thể, mở các động mạch bị thu hẹp. Bằng cách hạn chế tác dụng của neprilysin, thuốc làm mở động mạch và cải thiện lưu lượng máu đến tim, giảm giữ muối và giảm căng thẳng cho tim. Thuốc thường được dùng để điều trị suy tim.

6. Thuốc điều trị tim mạch nhóm chẹn beta

Nhóm thuốc chẹn beta bao gồm:

  • Acebutolol
  • Atenolol
  • Betaxolol
  • Bisoprolol / hydrochlorothiazide
  • Bisoprolol
  • Metoprolol
  • Nadolol
  • Propranolol
  • Carvedilol
  • Nebivolol 
  • Sotalol.

Thuốc chẹn beta ngăn chặn tác động của adrenaline, giúp làm giảm nhịp tim và giảm sức mạnh của các cơn co thắt cơ tim. Thuốc được sử dụng để điều trị cao huyết áp, loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường), đau thắt ngực, suy tim sung huyết và ngăn ngừa đau tim ở những người đã từng bị đau tim. Các loại thuốc trợ tim này thường được kê đơn sau cơn đau tim để giúp tim hồi phục. 

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng loại thuốc này là các vấn đề về thận và gan, chóng mặt, tụt huyết áp khi đứng lên do nhịp tim chậm.

7. Thuốc chặn canxi

Nhóm thuốc điều trị tim mạch này bao gồm:

  • Amlodipine
  • Diltiazem
  • Felodipine
  • Nifedipine
  • Nimodipine
  • Nisoldipine
  • Verapamil.

Các loại thuốc tim mạch nhóm chặn canxi có tác dụng làm giảm khối lượng công việc của tim và tăng cường cung cấp máu giàu oxy. Chúng ngăn canxi xâm nhập vào các tế bào của tim và động mạch. Qua đó, thuốc có thể làm giảm sức mạnh bơm máu của tim và làm thư giãn mạch máu. Thuốc được dùng trong điều trị huyết áp cao, loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường) và đau thắt ngực do giảm cung cấp máu cho cơ tim.

thuốc điều trị tim mạch ngăn loại nhịp tim

8. Thuốc giảm cholesterol

Nhóm thuốc này bao gồm:

  • Statin: Atorvastatin, Fluvastatin, Lovastatin, Pitavastatin, Pravastatin, Rosuvastatin, Simvastatin.
  • Axit nicotinic: Niacin
  • Thuốc ức chế hấp thu cholesterol: Ezetimibe
  • Kết hợp statin và chất ức chế hấp thu cholesterol: Ezetimibe/Simvastatin.

Thuốc có tác dụng làm giảm mức cholesterol xấu trong máu. Hầu hết những người từng bị đau tim hoặc đột quỵ, đã từng phẫu thuật bắc cầu, đặt stent hoặc mắc bệnh tiểu đường đều có chỉ định dùng statin. Một số bệnh nhân có mức LDL cholesterol cao nhưng không mắc bệnh tim cũng nên dùng statin để dự phòng nguy cơ tim mạch về lâu dài.

Các loại thuốc hạ lipid máu khác ngoài statin thường chỉ được sử dụng cho những bệnh nhân không có hiệu quả khi dùng statin hoặc mắc phải tác dụng phụ nghiêm trọng từ liệu pháp statin.

9. Thuốc điều trị tim mạch: Thuốc lợi tiểu

Nhóm thuốc lợi tiểu bao gồm:

  • Acetazolamide
  • Amiloride
  • Bumetanide
  • Chlorothiazide
  • Chlorthalidone
  • Furosemide
  • Hydro-chlorothiazide
  • Indapamide
  • Metalozone
  • Spironolactone
  • Torsemide.

Thuốc có tác dụng khiến cơ thể tự đào thải chất lỏng và natri dư thừa qua nước tiểu. Điều này giúp giảm khối lượng công việc của tim. Đồng thời, làm giảm sự tích tụ chất lỏng trong phổi và các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như tình trạng sưng phù ở mắt cá chân và chân. Các loại thuốc lợi tiểu được sử dụng như một thuốc tim mạch huyết áp để giúp giảm huyết áp, giảm sưng (phù nề) do tích tụ dư thừa chất lỏng trong cơ thể.

10. Thuốc trợ tim Digoxin

Thuốc điều trị tim mạch Digoxin có tác dụng làm tăng lực co bóp của tim. Thuốc được sử dụng để làm giảm các triệu chứng suy tim, đặc biệt khi bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn khác bao gồm thuốc ức chế ACE, ARB và thuốc lợi tiểu. Thuốc cũng được sử dụng để điều trị một số chứng nhịp tim không đều (loạn nhịp tim), đặc biệt là rung tâm nhĩ.

11. Thuốc giãn mạch

Thuốc giãn mạch hay còn được gọi là nitrat bao gồm:

  • Isosorbide dinitrate
  • Isosorbide mononitrate
  • Hydralazine
  • Nitroglycerin
  • Minoxidil.

Thuốc có tác dụng làm giãn mạch và gián tiếp làm giảm huyết áp. Các loại thuốc này giúp làm giãn mạch, tăng cung cấp máu giàu oxy cho tim, đồng thời giảm khối lượng công việc của tim, làm dịu cơn đau ngực (đau thắt ngực).

Hi vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tác dụng của các loại thuốc điều trị tim mạch. Tất cả các loại thuốc đều có thể gây ra tác dụng phụ, nhưng chúng thường chỉ là tạm thời và có thể biến mất sau một thời gian ngắn. Nếu gặp bất kỳ tác dụng khó dung nạp, hãy đến thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ. Bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng hoặc kê một đơn thuốc khác phù hợp hơn. Đối với các phản ứng phụ nghiêm trọng hoặc phản ứng dị ứng, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

[embed-health-tool-heart-rate]

Từ khóa » Nhóm Huyết áp Tim Mạch