Diễn Biến Bệnh Viêm Ruột Thừa Và Cách Chăm Sóc Người Bệnh

1. Diễn biến bệnh viêm ruột thừa như thế nào?

Ruột thừa là một phần ruột nhỏ nằm phía dưới bên phía bụng phải, nằm ở đáy manh tràng nơi tiếp nối giữa đại tràng phải và ruột non. Sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa hoặc nhiễm khuẩn là nguyên nhân gây viêm ruột thừa. Đây là bệnh lý cấp tính, diễn biến nhanh nếu không can thiệp sớm có thể dẫn đến vỡ ruột thừa, tràn mủ ổ bụng. Vậy diễn biến bệnh viêm ruột thừa như thế nào?

Diễn biến bệnh viêm ruột thừa

Triệu chứng ban đầu của bệnh viêm ruột thừa là đau bụng phải âm ỉ đến dữ dội

Triệu chứng đầu tiên và điển hình của viêm ruột thừa là đau vùng bụng phải, cơn đau thường dồn dập hoặc âm ỉ kèm theo sốt, buồn nôn, chán ăn,… Thời gian đau tùy theo thể trạng của từng người, sau khi cơn đau đầu tiên xuất hiện khoảng 24 giờ, các triệu chứng viêm ruột thừa khác cũng biểu hiện.

Biến chứng viêm ruột thừa xuất hiện sớm khi bệnh nhân không được can thiệp điều trị bao gồm:

Đám quanh ruột thừa

Đám quanh ruột thừa là tình trạng hình thành các mạc nối lớn và cấu trúc xung quanh bao bọc lấy phần ruột bị viêm. Đây là phản ứng bảo vệ tự nhiên của cơ thể để hạn chế viêm nhiễm ruột thừa tiến triển hoặc lây lan ra các phần khác của ruột. Nếu đám quanh ruột thừa tan dần, bệnh nhân sẽ bớt đau do phản ứng viêm cũng giảm song vẫn cần điều trị bằng thuốc, phẫu thuật loại bỏ ruột thừa trong thời gian thích hợp.

Nếu đám quanh ruột thừa phát triển thành ổ áp xe, tình trạng bệnh sẽ nguy hiểm hơn và cần cấp cứu phẫu thuật sớm.

Áp xe ruột thừa

Áp xe ruột thừa là hiện tượng tích tụ dịch mủ ở ruột thừa và các cơ quan tạng lân cận như ruột non, mạc nối lớn. Khối áp xe cô lập ngày càng lớn dần và có nguy cơ vỡ ra bất cứ lúc nào gây tràn mủ ổ bụng nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

Ổ áp xe ruột thừa thường hình thành từ viêm ruột thừa trong khoảng từ 4 - 5 ngày.

Áp xe ruột thừa có thể vỡ ra gây nguy hiểm

Áp xe ruột thừa có thể vỡ ra gây nguy hiểm

Viêm phúc mạc

Khi ruột thừa bị viêm vỡ mủ không được bao bọc hoặc bao bọc không đủ khiến mủ lan rộng đến toàn bộ ổ bụng gọi là tình trạng viêm phúc mạc. Đây là biến chứng nguy hiểm của bệnh thường xảy ra ở bệnh nhân phát hiện viêm ruột thừa muộn. Triệu chứng bệnh là đau bụng nhiều liên tục, sốt cao đến 39 độ C, bí đại tiện, chướng bụng,…

2. Bệnh nhân có thể làm gì để giảm đau ruột thừa?

Cơn đau ruột thừa nặng và kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh, song các biện pháp giảm đau thông thường như nghỉ ngơi, uống thuốc giảm đau, uống nước ấm,… không có hiệu quả lâu dài. Cách duy nhất để loại bỏ cơn đau là cần phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị sưng viêm tốt nhất khi chưa hình thành ổ áp xe và vỡ ra.

Các phương pháp mổ cắt bỏ ruột thừa hiện nay bao gồm:

2.1. Phương pháp mổ thường

Đây là phương pháp mổ truyền thống, bác sĩ sẽ dùng dao can thiệp sâu vào phần bụng để cắt bỏ phần ruột thừa đang bị viêm. Với phương pháp này, vết mổ dài từ 5 - 7 cm sẽ gây đau đớn kéo dài và để lại sẹo.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cần nhiều ngày để hồi phục sức khỏe cũng như giảm đau do vết mổ.

2.2. Phương pháp mổ nội soi

Phương pháp mổ nội soi là một bước đi mới trong điều trị ngoại khoa thay thế cho phương pháp mổ mở truyền thống trong điều trị nhiều bệnh lý. Với mổ ruột thừa, bác sĩ chỉ cần mổ 3 vết nhỏ (vài mm) trên bụng người bệnh để đưa ống nội soi, dao và dụng cụ phẫu thuật vào cơ thể người bệnh. Qua hình ảnh camera thu về, bác sĩ sẽ điều khiển để dao mổ loại bỏ ruột thừa bị viêm và đưa ra ngoài.

Ưu điểm của kỹ thuật mổ này là vết mổ nhỏ, ít gây đau đớn và chảy máu, vết thương cũng nhanh lành hơn giúp người bệnh sớm xuất viện. Những đối tượng sức khỏe yếu như người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền mạn tính nên lựa chọn mổ nội soi với viêm ruột thừa.

Sau khi mổ loại bỏ phần ruột thừa bị viêm, bệnh nhân sẽ không còn đau và các triệu chứng bệnh khác. Nếu có biến chứng bệnh như ổ áp xe, viêm phúc mạc,… sẽ cần xử lý biến chứng trước khi phẫu thuật.

3. Hướng dẫn chăm sóc cho bệnh nhân sau mổ ruột thừa

Dù mổ ruột thừa theo phương pháp nào, người bệnh cũng cần nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe đúng cách để tăng thời gian phục hồi, tránh biến chứng sau mổ. Đặc biệt về chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi, người bệnh nên lưu ý một số điều sau:

  • Ăn thức ăn chế biến mềm, dễ tiêu hóa như bún, cháo, phở, súp,…

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu beta caroten để vết thương nhanh lành.

  • Ăn nhiều trái cây tươi và thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, táo, cam, xoài, dâu,…

  • Hạn chế các công việc nặng như bê vác, nghỉ ngơi ngủ sớm, giữ tinh thần thoải mái.

Sau mổ mở loại bỏ viêm ruột thừa khoảng 2 - 3 tuần, người bệnh có thể đi dạo và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường. Với mổ nội soi, thời gian phục hồi sẽ ngắn hơn kết hợp với chăm sóc sức khỏe tốt.

Một số điều cần tránh làm khi bị viêm ruột thừa là: vận động quá sức, uống cà phê, rượu bia, thuốc lá và các thực phẩm kích thích, thức khuya, ăn thực phẩm chiên xào khó tiêu hóa,…

Sau mổ ruột thừa, bệnh nhân cần nghỉ ngơi 2 - 3 tuần để phục hồi

Sau mổ ruột thừa, bệnh nhân cần nghỉ ngơi 2 - 3 tuần để phục hồi

Như vậy, diễn biến bệnh viêm ruột thừa rất nhanh, từ khi bắt đầu cơn đau người bệnh nên đến bệnh viện trước 24 giờ để điều trị tránh biến chứng. Nếu can thiệp muộn, từ cơn đau âm ỉ các ổ áp xe hình thành và tràn mủ ra các cơ quan nội tạng ổ bụng thì tình trạng bệnh trở nên rất nguy hiểm. Nếu đang gặp phải triệu chứng viêm ruột thừa, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Từ khóa » Chăm Sóc Người Bệnh Mổ Ruột Thừa