Điều Gì Sẽ Xảy Ra Khi Bạn Không ăn đường & đồ Ngọt - ELLE Man

Mỗi phương pháp ăn kiêng sẽ có những quan điểm khác nhau về các yếu tố hình thành nên chế độ ăn uống lành mạnh; đơn cử như người ăn chay kiêng các sản phẩm từ động vật, tín đồ keto chỉ ăn các thực phẩm giàu chất béo… Tuy nhiên, hầu hết những người ăn kiêng đều thống nhất cắt giảm một loại dưỡng chất ra khỏi bữa ăn hằng ngày: đường. Liệu đây có phải phương pháp đúng đắn giúp chúng ta duy trì thói quen ăn uống khỏe mạnh hơn? Cơ sở khoa học nào đứng sau phương pháp này?

Cắt giảm hoặc không ăn đường và đồ ngọt là điều vô cùng khó khăn. Trên thực tế, đường hiện hữu trong hầu hết các loại thực phẩm tự nhiên xung quanh ta; đơn cử như bánh mỳ, sốt, trái cây… Đường đồng thời cũng đem lại một số lợi ích nhất định đến cơ thể. Theo Tiến sĩ Eric Phạm – bác sỹ y tế tại St. Joseph’s Hospital, California – đường giúp làm giảm huyết áp, ổn định chất béo và insulin trong mạch máu. Đường còn là nguồn năng lượng cần thiết giúp chúng ta hoạt động hằng ngày. Nếu bạn ngừng ăn đường và đồ ngọt, cơ thể sẽ bắt đầu phân giải các chất carbohydrates từ các loại thực phẩm như yến mạch và trái cây để chuyển hóa thành năng lượng.

Vậy, điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta ngừng ăn đường và các chất tạo ngọt thay thế?

không ăn đường-đường flatlay
Ảnh: Men’s Health

Mặc dù không có những ảnh hưởng quá “kinh khủng” đến với cơ thể, việc cắt giảm đường có thể mang lại những khó khăn nhất định về mặt tinh thần. “Ba ngày đầu sẽ là khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Tương tự như tình trạng thiếu các chất kích thích, việc không ăn đường sẽ khiến não bộ bắt đầu ‘tơ tưởng’ về các loại đồ ăn ngọt nhiều hơn. Bù lại, cơ thể của bạn sẽ được cải thiện đáng kể” Brian Quebbemann – tiến sỹ, bác sỹ phẫu thuật tại bang California – cho biết.

“Sau một khoảng thời gian nhất định, Insulin – một loại hormone điều chỉnh glucose – sẽ dần ổn định hơn; giúp bạn sẽ không còn cảm thấy cồn cào vì những ‘cơn’ thiếu ngọt,” tiến sỹ chia sẻ. “Giai đoạn này thường kéo dài 24 giờ và sau đó, hoạt chất adrenaline sẽ dần được tăng lên, giúp hấp thụ các chất glycogen và đường còn tồn động trong cơ thể bạn”. Trong vòng từ 3 đến 5 ngày tiếp theo, gan sẽ bắt đầu hấp thụ ketones từ các chất béo – nguồn năng lượng dùng để thay thế đường. Khi đó, cơ thể bạn sẽ bước vào chế độ Ketosis – giai đoạn đốt mỡ.

không ăn đường-doughnut flatlay
Ảnh: MarketWatch

Đây cũng chính là giai đoạn cơ thể bạn bị mất nước nhiều hơn; dẫn đến một vài triệu chứng khó chịu như đau đầu, mệt mỏi và bị chuột rút. “Tuy nhiên, sau khi đã vượt qua được khoảng thời gian một tuần này, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy khỏe hơn, tập trung và bình tình hơn,” tiến sỹ cho biết.

Việc cắt giảm đường và các loại thực phẩm giàu glycogen là điều khá phổ biến đối với những người muốn giảm cân nhanh trong khoảng thời gian ngắn. Song, tiến sỹ cũng nhấn mạnh rằng hiện nay, vẫn chưa có những nghiên cứu cụ thể nào chứng minh được đây là phương pháp đúng đắn và khoa học về mặt lâu dài. Thay vào đó, tiến sỹ khuyên chúng ta nên sử dụng các loại thực phẩm sạch giàu chất carbohydrates hữu cơ. “Dù vẫn được cơ thể chuyển hóa thành đường để hấp thụ, đây lại là quá trình hoàn toàn bình thường và có lợi cho sức khỏe.” Trên thực tế, việc thay thế đường nhân tạo bằng các loại carb “phức” (complex carbohydrates) này còn góp phần ổn định mức insulin trong cơ thể. “Không còn những cơn đầu đầu hay ‘vã’ đường; thay vào đó bạn sẽ cảm thấy hoàn toàn cân bằng và khỏe mạnh,” tiến sỹ nói.

Xem thêm:

Chăm sóc sức khỏe: 9 thực phẩm “vàng” bạn nên biết

7 loại thực phẩm dinh dưỡng tốt nhất sau khi tập thể hình

Dịch: Dean. (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man. Hình ảnh và nguồn tham khảo: Men’s Health)

Từ khóa » Có Nên Loại Bỏ Hoàn Toàn đường