Điều Trị Gãy Xương Bàn Tay - Bác Sĩ Luân

Có 27 xương ở bàn tay và gãy xương bàn tay là một chấn thương khá phổ biến. Vậy việc điều trị gãy xương bàn tay được thực hiện như thế nào?

1. ĐẠI CƯƠNG

Bàn tay có vai trò quan trọng đối với con người. Mục đích điều trị là phục hồi chức năng tối đa cho bàn tay.

Thứ tự ưu tiên trong điều trị bàn ngón tay

Ngón cái (đảm nhiệm 50% chức năng bàn tay) → ngón 2 (đảm nhiệm 20% chức năng bàn tay) → ngón út (nhờ ngón út mà cầm được các vật lớn) → ngón giữa (nhờ ngón giữa mà cầm được các vật nhỏ trong lòng bàn tay) → ngón 4.

Chức năng của bàn tay

Cầm, nắm, cầm tinh vi, phức tạp, xúc giác, nhận biết đồ vật bằng sờ mó tinh tế. 4 động tác chính của bàn tay là:

– Cầm tinh vi (còn gọi là động tác nhón nhặt): Được thực hiện qua các đầu mút ngón tay: ví dụ như cầm kim.

– Cầm và kẹp: Ví dụ như cầm chĩa khoá.

– Cầm và bóp: Ví dụ như cầm cốc, cầm quả bóng.

– Cầm và xách: Ví dụ như xách nước.

Dịch tễ

Gãy xương vùng bàn ngón tay chiếm 17,5% của tất cả gãy xương.

Trong đó:

– Gãy xương đốt ngón tay chiếm 46% ( Trong gãy xương đốt ngón (GXĐN) thì gãy đốt gần (đốt I) chiếm 57,4% GXĐN, gãy đốt giữa (đốt II) chiếm 30,4% GXĐN)

– Gãy xương bàn chiếm 36%.

Thường gãy một xương 98,6%, gãy nhiều xương chiếm 1,4%.

Vị trí của các xương trên bàn tay

2. Gãy xương đốt bàn

2.1. Chẩn đoán

Triệu chứng cơ năng

Đau, sưng nề bàn tay, sờ thấy đầu xương bàn gồ ra ngoài, lạo xạo xương, ấn có điểm đau chói cố định tại ổ gãy, dồn dọc trục ngón tay đau tăng, hạn chế vận động ngón tay, có thể có cử động bất thường…

X quang

Chụp X- quang theo mặt thẳng và nghiêng giúp xác định chẩn đoán

Do sự chồng hình trên X-quang, khó phát hiện ổ gãy nên trong chụp X- quang có thể sử dụng chụp tư thế Brewerton để phát hiện tổn thương

Tư thế Brewerton

2.2. Điều trị

Điều trị gãy xương đốt bàn ngón cái

Ngón cái là ngón linh hoạt nhất, đảm nhiệm 50% chức năng bàn tay, vì vậy gãy xương đốt bàn ngón cái cần được xử lý tốt và có nhiều điểm khác so với những ngón còn lại

Gãy nền xương đốt bàn ngón cái

– Gãy ngoài khớp: gãy ngang, gãy chéo vát.

– Gãy bán phần khớp (Bennett)

– Gãy toàn phần khớp (Rolando)

Điều trị bảo tồn:

Nắn bó bột cẳng-bàn tay qua khớp bàn đốt, ngón I tư thế dạng và đối chiếu, giữ 6 tuần.

Điều trị phẫu thuật:

Sau khi nắn xương để ngón cái dạng tối đa, xuyên 2 kim Kirschner vào nền xương bàn và xương thang.

Có thể găm kim Kirschner từ xương bàn I qua xương bàn II để giữ khoảng cách cho ngón cái dang và đối chiếu. Kim Kirschner giữ 6 tuần.

Gãy thân và chỏm xương đốt bàn ngón cái

Điều trị bảo tồn:

Nắn bó bột cẳng-bàn tay qua khớp bàn ngón.

Điều trị phẫu thuật:

Có thể dùng đinh Kirschner hoặc nẹp vít để cố định xương

Điều trị gãy xương đốt bàn những ngón còn lại

Điều trị bảo tồn

Tất cả gãy vững nên nắn chỉnh kín và bó bột

Tư thế cố định bàn tay là gấp khớp bàn ngón tay 70°, khớp liên đốt gần 15° đến 20°, khớp liên đốt xa 5° đến 10°. Tư thế này được gọi là tư thế James

Tư thế James

Cần tránh di lệch xoay của ổ gãy xương bàn- ngón tay bằng cách hướng ngón tay theo trục của chính nó khi gấp khớp bàn ngón và khớp liên đốt ngón tay hướng về xương thuyền.

Di lệch xoay

Các phương pháp:

– Bó bột cẳng bàn tay qua khớp bàn ngón

– Bó bột cẳng bàn tay qua khớp bàn ngón + nẹp Iselin trong bột

– Làm nẹp bột Bulkhalter

Thời gian để bột 4 tuần

Các bước thực hiện để tạo nẹp cố định ở gãy xương bàn ngón tay (nẹp Bulkhalter)

+ Nắn chỉnh ổ gãy xương bàn- ngón tay, kiểm tra lại độ vững của ổ gãy.

+ Độn bông từ cẳng tay đến bàn tay.

+ Tấm nẹp đầu tiên đặt mặt lòng bàn tay lên qua nếp gấp cổ tay trong tư thế cổ tay duỗi.

+ Tấm nẹp thứ hai đặt mặt lưng qua khớp liên đốt gần với khớp bàn ngón ở tư thế gấp tối đa.

Phẫu thuật

Chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp:

– Gãy phạm khớp với mảnh gãy nhỏ.

– Gãy xương di lệch nhiều.

– Gãy mất vững.

– Gãy nhiều xương.

– Phần mềm (gân) chèn vào ổ gãy.

– Bệnh nhân có nhu cầu

Phương pháp phẫu thuật: Có thể dùng đinh Kirschners hoặc nẹp vít

3. Gãy xương đốt 1 (đốt gần)

Do tác động của gân gấp nông, ổ gãy của xương đốt gần ngón tay nhìn chung theo xu hướng gập góc về phía đằng lưng. Gãy ngang hoặc chéo ngắn, ổ gãy xương gập góc nhiều. Gãy xoắn và chéo dài thường gây di lệch chồng ngắn và xoay hơn là gập góc.

3.1. Chẩn đoán

Đau, sưng nề, biến dạng và mất chức năng ngón tay, cử động bất thường, lạo xạo xương,…

X- quang bàn tay thẳng và nghiêng giúp xác định chẩn đoán.

Hình ảnh X quang gãy xương đốt 1 (đốt gần)

3.2. Điều trị

Điều trị gãy xương đốt 1 ngón cái

Điều trị bảo tồn

Chỉ định cho gãy ngoại khớp không di lệch, có thể nắn chỉnh được và vững

Bó bột cẳng bàn tay qua khớp liên đốt.

Phẫu thuật

Thường dùng đinh Kirschners, hoặc vít, nẹp vít nhỏ…

Điều trị gãy xương đốt 1 những ngón còn lại

Điều trị bảo tồn

Chỉ định cho gãy ngoại khớp không di lệch, có thể nắn chỉnh được và vững

Các phương pháp cố đinh:

– Bó bột cẳng bàn tay + Nẹp Iselin

– Nẹp Burkhalter + Cố định bằng băng keo Buddy

– Bó bột cẳng bàn tay + Cố định bằng băng keo Buddy

– Nẹp Burkhalter + Nẹp Iselin

Băng keo Buddy
Nẹp Iselin

Phẫu thuật

Chỉ định mổ rộng rãi hơn gãy xương bàn vì có nhiều ưu điểm hơn bó bột do dễ di lệch thứ phát, làm hẹp bao gân gấp, làm gấp các ngón khó khăn

Dùng đinh Kirschners, hoặc vít, nẹp vít nhỏ…

4. Gãy xương đốt 2 (đốt giữa)

4.1 Chẩn đoán

Tương tự gãy xương đốt 1

4.2 Điều trị

Điều trị gãy xương đốt 2 ngón cái

Điều trị bảo tồn: bó bột cẳng-bàn tay qua khớp liên đốt, giữ 4 tuần.

Phẫu thuật: chỉ mổ khi đứt chổ bám của gân

Điều trị gãy xương đốt 2 những ngón còn lại

Điều trị bảo tồn

Bó bột cẳng-bàn tay + Nẹp Iselin

Bó bột một ngón tay kiểu đuôi đạn từ đốt I đến đốt III, gập khớp liên đốt gần 15° đến 20°, khớp liên đốt xa 5° đến 10 độ

Phẫu thuật

Thường dùng đinh Kirschners

5. Gãy xương đốt 3 (đốt xa)

5.1 Chẩn đoán

Tương tự gãy xương đốt 1

5.2 Điều trị

Khi không đứt chỗ bám gân duỗi

Điều trị bảo tồn

Chỉ định cho các ổ gãy không di lệch, gãy dọc, và gãy chỏm xương.

Nẹp ngón trong 3 đến 4 tuần tư thế duỗi khớp liên đốt xa

Nắn chỉnh kín và kết hợp xương qua da

Chỉ định cho

– Gãy ngang thân xương, đây là nơi nẹp bên ngoài khó có thể giữ được ổ gãy vững.

– Gãy mặt lưng nền xương với tổn thương diện khớp >25%.

Nắn chỉnh
Kim Kirschners phải được xuyên qua khớp liên đốt xa

Mổ, nắn chỉnh và kết hợp xương bên trong

Chỉ định cho các trường hợp

– Gãy mặt lòng của nền xương với đứt điểm bám tận gân gấp sâu ngón tay.

– Gãy mặt lưng của nền xương với tổn thương 30% đến 40% diện khớp.

Gãy đứt chổ bám của gân duỗi
Dấu hiệu ngón tay vồ do đứt chỗ bám của gân duỗi
Mảnh vỡ điểm bám tận gân duỗi ngón tay trên X- quang

Nẹp trong tư thế duỗi tối đa khớp liên đốt xa (nẹp Mallet)

Dùng kim Kirschner cố định duỗi đốt xa tối đa.

Có thể dùng chỉ thép nhỏ khâu vào gân và đưa ra ngoài búp ngón theo kiểu khâu gân Sterling-Bunnell.

Nẹp giữ khớp liên đốt xa tư thế duỗi tối đa (nẹp Mallet)

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

Bài viết liên quan:

  1. Gãy xương cẳng chân: Chẩn đoán và hướng điều trị
  2. Gãy thân hai xương cẳng tay
  3. Cách chăm sóc bệnh nhân sau bó bột
  4. Chẩn đoán và điều trị gãy xương đòn
  5. Gãy mấu chuyển xương đùi
  6. Thời gian rút đinh/tháo nẹp xương sau bao lâu là tốt nhất?
  7. Tìm hiểu chung về gãy xương và các phương pháp điều trị gãy xương
  8. Gãy xương sườn thương tật bao nhiêu phần trăm?
  9. Gãy tay tỷ lệ thương tật bao nhiêu phần trăm?
  10. Gãy chân tỷ lệ thương tật bao nhiêu phần trăm?

Từ khóa » Bó Bột Xương Bàn Tay