Điều Trị Trẻ F0 Tại Nhà: Cần Có Sự Giám Sát Kỹ Lưỡng Của Người Lớn
Có thể bạn quan tâm
Điều trị trẻ F0 tại nhà: Cần có sự giám sát kỹ lưỡng của người lớn
Những ngày gần đây, số ca dương tính với Covid-19 trên địa bàn tỉnh tăng cao, vì vậy, việc điều trị F0 tại nhà, trong đó có F0 là trẻ em không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ là giải pháp tất yếu để giảm tải cho các cơ sở y tế, cách ly, điều trị tập trung. Tuy nhiên, đối với trẻ em chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19, việc cách ly điều trị tại nhà cần có sự giám sát kỹ lưỡng của người lớn, cán bộ y tế cơ sở.
Cách đây khoảng 1 tuần, con gái 4 tuổi của chị N.T.H ở chung cư Bảo Quân, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên bắt đầu ho và chảy nước mũi. Mặc dù biểu hiện khá giống với bệnh cúm thông thường nhưng trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gia đình chị đã mua bộ xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 để kiểm tra cho con. Kết quả test nhanh cho thấy, con gái chị dương tính với Covid-19; ngay sau đó, chị khai báo với Trạm Y tế phường và thực hiện cách ly theo quy định. Chị H cho biết: “Sau khi xét nghiệm PCR khẳng định, gia đình tôi chỉ có mỗi con gái dương tính với Covid-19. Vì con còn khá nhỏ cần có bố mẹ ở bên cạnh nên chúng tôi quyết định cho con ở nhà điều trị. Con được cách ly ở một phòng riêng, có cửa sổ thông thoáng. Hằng ngày, chúng tôi theo dõi nhiệt độ cơ thể, cho con uống thuốc, hút dịch mũi và bổ sung dinh dưỡng cho con. Mấy ngày đầu, con có biểu hiện ho, sốt, chảy nước mũi và đi ngoài nên chúng tôi rất lo lắng. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn tận tình của nhân viên y tế, gia đình vẫn quyết tâm cho con điều trị tại nhà, hy vọng con sẽ mau khỏi bệnh.”
Cũng có con nhỏ không may mắc Covid-19, gia đình anh N.H.Q, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên quyết định cho con điều trị tại nhà. Để phục vụ tốt việc điều trị, cùng với khai báo y tế để được tư vấn đúng cách, gia đình anh còn chủ động tìm hiểu thông tin trên các phương tiện thông tin chính thống về những thực phẩm bổ sung chất dinh dưỡng, các loại vitamin tăng sức đề kháng và những lưu ý khi điều trị F0 là trẻ nhỏ tại nhà. Gia đình giữ mối liên hệ thường xuyên với Trạm Y tế thị trấn, phòng trường hợp con diễn biến nặng. Anh Q cho biết: “Trong suốt thời gian điều trị, chúng tôi thường xuyên bên cạnh để theo dõi nhiệt độ, nhịp thở, cho con ăn đủ bữa, uống thuốc khi cần thiết và bổ sung Oresol để bù nước. Trong quá trình chăm sóc cho con, vợ chồng tôi luôn chú ý đến công tác phòng dịch cho bản thân để tránh lây nhiễm. Sau 3 – 4 ngày thì con hết đi ngoài, các triệu chứng thuyên giảm. Đến nay, con tôi đã khỏi hẳn, kết quả test nhanh Covid-19 của cả gia đình đều âm tính.”
Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, trong đó, có không ít trường hợp dưới 18 tuổi mắc Covid-19. Qua khảo sát thực tế cho thấy, phần lớn các gia đình có con nhỏ không may mắc Covid-19 đều lựa chọn cách tự điều trị tại nhà. Bởi việc điều trị tại nhà sẽ tốt hơn cho trẻ nhỏ vì có người thân bên cạnh, trẻ không bị thay đổi môi trường sống, ít ảnh hưởng tới tâm lý. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của nhân viên y tế, người dân chỉ nên điều trị cho trẻ F0 ở nhà khi trẻ không triệu trứng hoặc triệu chứng nhẹ và cần thận trọng để trẻ sớm hồi phục sức khỏe.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản – Nhi Vĩnh Phúc cho biết: “Các nghiên cứu thực tế cho thấy, tỷ lệ biến chứng nặng ở trẻ em khi nhiễm Covid-19 thấp hơn so với người lớn. Vì vậy, tùy thuộc vào triệu chứng và điều kiện thực tế mà gia đình quyết định cho trẻ đến cơ sở y tế hoặc điều trị tại nhà. Khi trẻ nhiễm Covid-19 triệu chứng nhẹ thực hiện cách ly, điều trị tại nhà, gia đình cần phân công người chăm sóc phù hợp, có phòng cách ly riêng, nhà vệ sinh riêng; chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, găng tay y tế, nước sát khuẩn, máy đo nhịp thở, kẹp nhiệt độ, nước muối sinh lý, các loại thuốc hạ sốt, thuốc tiêu chảy và các vitamin giúp tăng sức đề kháng cho trẻ như: Vitamin D3, C… Trong quá trình điều trị, phụ huynh cần theo dõi sát sao diễn biến bệnh của con. Khi có các triệu chứng bất thường như sốt trên 38 độ C, đau rát họng, ho, tiêu chảy, mệt mỏi, đau tức ngực cần báo cho nhân viên y tế để được hướng dẫn. Nếu phát hiện có các dấu hiệu chuyển nặng như: Thở nhanh, khó thở, mắt lờ đờ, bỏ bú, tím môi, chân tay lạnh tái, nổi vân tím… cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất. Đặc biệt, phụ huynh cần cho con ăn uống đa dạng để bổ sung chất dinh dưỡng, bù đủ nước cho trẻ, nhất là khi bị sốt. Đồng thời, mở cửa sổ thông thoáng nơi ở, thường xuyên vệ sinh bề mặt, xử lý chất thải của người nhiễm bệnh theo hướng dẫn và thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch cho người chăm sóc trẻ.
Thanh Huyền
Từ khóa » Các Loại Test Covid Cho Trẻ Em
-
Test COVID-19 Cho Trẻ Dưới 3 Tuổi, Có Nên Không? | BS Trương Hữu ...
-
[PDF] Nguồn Thông Tin Về Xét Nghiệm COVID-19 Cho Trẻ Em
-
Kit Test Nước Bọt Giá Bao Nhiêu?Độ Chính Xác Và Cách Sử Dụng
-
Hướng Dẫn Mới Nhất Của Bộ Y Tế Chăm Sóc Trẻ Em Mắc COVID-19 ...
-
Chăm Sóc Trẻ F0 Tại Nhà: Những điều đơn Giản Không Phải Cha Mẹ ...
-
Bác Sĩ Nhi Khoa Lưu ý Khi Chăm Sóc Trẻ Mắc COVID-19 Tại Nhà - Bộ Y Tế
-
Cách Nhận Biết, Theo Dõi Và điều Trị Cho Trẻ Mắc COVID-19
-
Chẩn đoán Và điều Trị COVID-19 ở Trẻ Em
-
Không Nhất Thiết Phải Test COVID-19 Thường Xuyên Cho Mọi Trẻ Sơ Sinh
-
Trẻ Con Bị F0 Cha Mẹ Nên Và Không Nên Làm Gì?
-
Cách Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh, Trẻ Dưới 6 Tuổi Mắc COVID-19 Tại Nhà
-
Hướng Dẫn Chăm Sóc, điều Trị Cho Trẻ Mắc COVID-19 Tại Nhà
-
Chăm Sóc Và điều Trị Cho Trẻ Mắc COVID-19 Thế Nào?