Đình Ninh Xá - Ha Noi 360°

Sommaire

  • Lược sử
  • Kiến trúc
  • Di sản
  • Di tích lân cận

Đình Ninh Xá có từ trước năm 1642. Tên chữ: Biểu Trung Từ. Thờ thành hoàng làng là ngài Pháp Công đại vương. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: WV5M+FJ, xã Ninh Sở, H. Thường Tín, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 15 km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: Cầu Đông Mỹ - Ngũ Hiệp (xe 08a), Đê Hữu Hồng - điếm canh đê 32 (xe 08b).

Lược sử

Thôn Ninh Xá xưa kia có tên Tạ Xá, tên Nôm là làng Tè, trước năm 1945 thuộc tổng Nam Phù, huyện Thanh Trì, nay thuộc xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Xã này gồm 7 thôn: Ninh Xá, Xâm Dương 1, Xâm Dương 2, Xâm Dương 3, Đại Lộ, Bằng Sở, Sở Hạ.

  • Đình Ninh Xá. Panorama ©NCCong 2019

Dòng sông Hồng làm ranh giới ở phía đông của xã Ninh Sở, đồng thời là con đường thuỷ chủ yếu. Đê Hữu Hồng chạy suốt chiều dài của xã Ninh Sở, nối liền với các xã Vạn Phúc, Đông Mỹ của huyện Thanh Trì và xã Hồng Vân của huyện Thường Tín. Đi dọc con đê này ngắm cảnh từ trên cao thật thú vị và thuận tiện vì ngày nay đã được trải nhựa.

Cổng đình Ninh Xá. Photo ©NCCong 2019

Đình làng Ninh Xá còn gọi Biểu Trung Từ, xây muộn nhất cũng từ trước năm 1642. Bên trong đình thờ Pháp Công đại vương. Cha mẹ Ngài vốn ở Đà Châu khi du ngoạn đất Hải Dương mới sinh con ngày 12 tháng Tám âm lịch năm Kỷ Mùi (1619), đặt tên là Pháp Công, đến 1628 cả gia đình di cư về làng này.

Pháp Công lớn lên trở thành một danh tướng có công dẹp nhà Mạc giúp vua Lê Thần Tông, được phong là Đại vương. Rồi Ngài xin trở về quê chăm sóc cha mẹ, dạy múa gậy đánh võ cho trai tráng và nghề đan lát cho phụ nữ trong làng. Ngày 4 tháng Giêng âm lịch năm Nhâm Ngọ (1642), không bệnh tật gì mà Ngài bỗng nhiên hoá.

Năm 1993 đình, đền Ninh Xá và chùa Phổ Minh đã được nhà nước xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Giếng đình Ninh Xá. Photo ©NCCong 2019

Kiến trúc

Năm Tự Đức thứ ba (1850) đình Ninh Xá được đại trùng tu và định hình với mặt bằng kiểu "chữ Công". Trong đợt tôn tạo năm 1920 bên trong đại đình đã xây các bệ ngồi để phân bổ ngôi thứ cho các chức sắc, quan viên và bô lão tham dự việc làng. Những đợt trùng tu sau đó chỉ là sửa chữa nhỏ, cho nên đến nay ngôi đình vẫn giữ được dáng vẻ gần như cũ.

Tam quan xây kiểu nghi môn với 2 trụ to và 2 trụ nhỏ, hai bên có cổng phụ mở ra sân lớn phía trước, mặt đình hướng về hồ sen ở phía tây nam. Sau cổng chính là con ngõ ngắn đi giữa hai giếng tròn và hai cổ thụ, dẫn khách vào sân trong. Hai bên sân có nhà tả, hữu mạc 3 gian. Đại đình rộng 3 gian 2 dĩ, kết nối với thiêu hương sâu 2 gian và cung cấm gồm 3 gian nhỏ. Đầu đại đình có trụ biểu và bức tường nối đắp hình voi. Tường hồi có phù điêu hai ông hộ pháp đứng nhìn nhau qua hàng hiên.

Phù điêu đình Ninh Xá. Photo NCCong ©2019

Di sản

Sau khi Pháp Công đại vương mất, vua ban một đạo sắc niên hiệu Dương Hoà, phong Ngài làm thành hoàng làng Ninh Xá. Ngày 19 tháng Hai âm lịch năm Nhâm Thìn (1652) niên hiệu Khánh Đức, vua lại ban sắc truy phong "Phó quốc vương". Trong cung cấm của đình hiện vẫn còn giữ được cuốn thần phả và tổng cộng 20 đạo sắc phong của các triều đại.

Từ lâu đời, dân làng Ninh Xá đều đặn hàng năm tổ chức hai đại lễ vào dịp sinh và dịp hoá nhằm tưởng niệm và ghi nhớ công lao của Ngài.

Di tích lân cận

  • Chùa Đông Phù (Hưng Long Tự): thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì.
  • Chùa Ninh Xá (Phổ Minh Tự): thôn Ninh Xá, xã Ninh Sở
  • Chùa Tráng (Tiên Linh Tự): thôn 3, xã Vạn Phúc.
  • Đền Dầm: thôn Xâm Dương, xã Ninh Sở.
  • Đền Đại Lộ: thôn Đại Lộ, xã Ninh Sở.
  • Đình Đông Phù: thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ.

518 Ninh Xa village hall ©NCCông 2015-2019

Từ khóa » đền Ninh Xá