Đo Huyết áp đúng Cách, Kiểm Soát Huyết áp, Sống Lâu Hơn - Medinet

Huyết áp là gì?

Huyết áp (HA) là lực tác động của máu lên lên thành các động mạch. Huyết áp được tính bằng đơn vị mmHg mà được xác định bằng cách đo huyết áp.

Khi nào biết bị Tăng huyết áp?

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), chẩn đoán tăng huyết áp khi trị số trung bình qua ít nhất hai lần đo của huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc trị số trung bình của huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg, trong ít nhất hai lần thăm khám liên tiếp.

Quy trình đo huyết áp đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Khi đo huyết áp tại phòng khám hoặc đo huyết áp tại nhà, bệnh nhân đều cần thực hiện đúng theo quy trình sau:

1. Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5 – 10 phút trước khi đo huyết áp.

2. Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia) trước đó 2 giờ.

3. Tư thế đo chuẩn: người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu ngang mức với tim. Ngoài ra, có thể đo ở các tư thế nằm, đứng. Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo thêm huyết áp tư thế đứng nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế hay không.

4. Sử dụng huyết áp kế thủy ngân, huyết áp kế đồng hồ hoặc huyết áp kế điện tử (loại đo ở cánh tay). Các thiết bị đo cần được kiểm chuẩn định kỳ. Bề dài bao đo (nằm trong băng quấn) tối thiểu bằng 80% chu vi cánh tay, bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay. Quấn băng quấn đủ chặt, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2cm. Đặt máy ở vị trí để đảm bảo máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim.

5. Nếu không dùng thiết bị đo tự động, trước khi đo phải xác định vị trí động mạnh cánh tay để đặt ống nghe. Bơm hơi thêm 30mmHg sau khi không còn thấy mạch đập. Xả hơi với tốc độ 2-3mmHg/nhịp đập. Huyết áp tâm thu tương ứng với lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên (pha I của Korotkoff) và huyết áp tâm trương tương ứng với khi mất hẳn tiếng đập (pha V của Korotkoff).

6. Không nói chuyện khi đang đo huyết áp.

7. Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có chỉ số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.

8. Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.

9. Trường hợp nghi ngờ, có thể theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà hoặc bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ (Holter huyết áp).

10. Ghi lại số đo theo đơn vị mmHg dưới dạng HA tâm thu/HA tâm trương (ví dụ 126/82 mmHg) không làm tròn số quá hàng đơn vị và thông báo kết quả cho người được đo.

Đo huyết áp tại nhà

Hiện nay, việc sử dụng máy đo huyết áp tại nhà rất phổ biển và tiện lợi cho người bệnh để theo dõi bệnh tình. Việc đo huyết áp tại nhà để khẳng định chẩn đoán, cần đảm bảo 3 điều sau:

1. Mỗi lần đo huyết áp cần đo hai lần liên tiếp, cách nhau khoảng 1p ở tư thế ngồi.

2. Cần đo huyết áp 2lần/ngày, tốt nhất là một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối.

3. Cần đo huyết áp liên tục ít nhất 4lần/ngày, lý tưởng là 7 ngày. Loại bỏ ngày đầu tiên và sử dụng giá trị trung bình của các lần đo còn lại (≥135/85 mmHg) để khẳng định chẩn đoán.

Kiểm soát huyết áp như thế nào?

Mục tiêu điều trị hạ huyết áp tối ưu ở hầu hết các bệnh nhân không có nguy cơ cao là < 140/90 mmHg. Việc kiểm soát huyết áp tích cực hơn không mang lại lợi ích rõ ràng mà còn làm tăng chi phí và các tác dụng phụ của thuốc. Điều trị tăng huyết áp có thể dùng thuốc hoặc không dùng thuốc. Điều trị tăng huyết áp cần sự tuân thủ lâu dài của người bệnh. Thông qua việc theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà và ở phòng khám, chỉnh liều thuốc hạ áp một cách thích hợp, để đạt mục tiêu huyết áp chấp nhận được. Việc thay đổi lối sống là cực kì quan trọng như những khuyến cáo điều trị tăng huyết áp hiện nay nhấn mạnh lợi ích của nó như vậy. Thay đổi lối sống bao gồm: giảm cân, giảm ăn muối và chất béo bão hòa, giảm lượng calo trong chế độ ăn, tập thể dục đều đặn và uống rượu vừa phải, bổ sung calci, kali,… đều nằm ở phần đầu trong hướng dẫn điều trị. Những thay đổi này đôi lúc tương đương với một thuốc điều trị huyết áp. Với những bệnh nhân tiền tăng huyết áp (nằm giữa 120/80 và 140/90 mmHg) việc thay đổi lối sống đã được khuyến cáo để ngăn ngừa sự tiến triển thành tăng huyết áp thực sự. Thay đổi lối sống như: giảm 4,5kg có thể giúp hạ huyết áp ở một tỷ lệ lớn người béo phì, chế độ ăn nhiều hoa quả ít đạm muối có thể giúp hạ huyết áp, ăn ít hơn 6g muối/ ngày rất tốt cho tim mạch. Bệnh nhân tăng huyết áp nên đi bộ nhanh ít nhất 30 phút mỗi ngày, rèn luyện thể lực thường xuyên. Tư vấn kĩ việc hạn chế hút thuốc lá để bảo vệ tim mạch. Bên cạnh việc thay đổi lối sống lành mạnh, sử dụng thêm thuốc hạ áp đi kèm để đạt huyết áp mục tiêu là rất quan trọng.

Kiểm soát huyết áp đến lúc nào?

Cần nhắc lại rằng khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp tức là phải điều trị liên tục và suốt đời. Trong quá trình điều trị, huyết áp được kiểm soát, nếu ngừng thuốc đột ngột, huyết áp tăng mạnh và nguy cơ xảy ra biến chứng lúc này là cao nhất. Tăng huyết áp là một căn bệnh phổ biến và nguy hiểm. Chính vì vậy, tăng huyết áp cần được chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn ngừa các biến cố nguy hiểm về tim mạch.

Nguồn:

http://benhvien108.vn/mot-so-dieu-can-biet-ve-benh-tang-huyet-ap.htm

https://kcb.vn/wp-content/uploads/2015/07/huong_dan_chan_doan_dieu_tri_tha.pdf

Trung tâm Y tế Quận 4

Từ khóa » điều Trị Huyết áp Tối Thiểu Cao