Doanh Nghiệp Thực Hiện Sản Xuất '3 Tại Chỗ' - Bài Cuối

Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp được cung ứng đầy đủ dịch vụ vật tư để đảm bảo sản xuất ổn định kể cả trong kịch bản phải áp dụng "3 tại chỗ" trong thời gian dài hơn so với áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chú thích ảnh
Khu vực nhà ăn tập thể được sắp xếp theo quy định giãn cách sẽ là nơi phục vụ miễn phí 3 bữa ăn hàng ngày cho người lao động trong thời gian "cắm chốt" tại Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn. Ảnh: TTXVN

Linh động điều kiện “3 tại chỗ”

Các doanh nghiệp cho biết hoàn toàn ủng hộ giải pháp quản lý sản xuất phù hợp với tình hình thực tế của Thành phố. Tuy nhiên, cần có cách hiểu rộng hơn về điều kiện “3 tại chỗ” trong giới hạn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP Hồ Chí Minh cho biết, theo phản ánh từ một số doanh nghiệp hội viên thì việc đánh giá “đạt” hay “không đạt” điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” giữa các đoàn thẩm định (liên ngành) hiện nay không thống nhất. Có đoàn chỉ cần doanh nghiệp bố trí đủ điều kiện sản xuất, ăn, ở tại chỗ theo yêu cầu giãn cách là được cấp phép nhưng cũng có đoàn yêu cầu ở mức cao hơn như: khu vực ở lại phải có phòng riêng, cách xa khu sản xuất; tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cũng mỗi nơi xác nhận một kiểu. Theo ông Đỗ Phước Tống, UBND Thành phố và các đơn vị chức năng cần có hướng dẫn cụ thể cho công tác thẩm định các tiêu chí để việc thực thi không bị vênh nhau. Thêm vào đó, cần xác định mức độ đánh giá phù hợp với phương án dã chiến, linh hoạt hơn so với hoạt động sản xuất trong điều kiện bình thường để những doanh nghiệp có ý thức phòng chống dịch tốt và đang có nhu cầu duy trì sản xuất được hoạt động.

Cũng liên quan đến vấn đề thẩm định việc đáp ứng điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh thông tin, nhiều doanh nghiệp có thể bố trí ở tại chỗ, sản xuất tại chỗ nhưng khó khăn về điều kiện ăn uống tại chỗ, vì sẽ rất khó bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm cho công nhân.

Với những trường hợp như trên, Thành phố nên cho phép doanh nghiệp được hợp tác với các đơn vị nhà hàng, khách sạn ngành du lịch (đang phải ngừng nghỉ làm việc) để thực hiện cung ứng suất ăn thường xuyên cho doanh nghiệp. Cách thức thực hiện giống như trước đây Thành phố đã cho phép các đơn vị cung cấp suất ăn cho các khu cách ly tập trung. Đối với việc tổ chức giao nhận cần đảm bảo tiêu chí an toàn phòng chống dịch như: nhân viên giao nhận đeo khẩu trang, kính chống tia bắn, mặc bảo hộ y tế, xét nghiệm COVID-19 âm tính và không tiếp xúc trực tiếp.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, nếu được tạo điều kiện này sẽ giúp thêm nhiều doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất mà vẫn đáp ứng yếu tố an toàn về phòng cháy chữa cháy; đồng thời, giảm tải trong việc phục vụ công nhân, đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người lao động yên tâm sản xuất.

Riêng với điều kiện thực hiện “1 cung đường - 2 địa điểm”, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh nêu vấn đề, những doanh nghiệp có đông công nhân thì phải thuê nhiều khách sạn, nhà nghỉ độc lập ở các địa chỉ khác nhau để cho công nhân ở và được quản lý tập trung. Việc đưa đón công nhân từ chỗ ở tập trung đến nơi sản xuất có thể nhiều hơn 2 địa điểm. Vì vậy, khái niệm “1 cung đường - 2 địa điểm” nên được hiểu theo nghĩa rộng hơn, tức là đưa đón công nhân giữa nhà máy và các khu ở tập trung không được dừng dọc đường.

“Thành phố có thể hỗ trợ điều phối các đội xe bus đang ngừng hoạt động hoặc tạo điều kiện cho doanh nghiệp ký hợp đồng với các đơn vị vận chuyển hành khách để bố trí xe thực hiện việc đưa đón công nhân. Các xe được dán logo, giấy phép hoạt động chuyên trách đưa đón công nhân cho từng doanh nghiệp, thực hiện vệ sinh khử khuẩn thường xuyên, lái xe đảm bảo tiêu chí phòng chống dịch”, ông Việt nêu đề xuất.

Liên quan đến vấn đề xét nghiệm COVID-19 cho lao động tham gia sản xuất, cách ly tập trung tại chỗ, hầu hết các doanh nghiệp đều kiến nghị chỉ bắt buộc xét nghiệm 1 lần ngay thời điểm doanh nghiệp bước vào sản xuất “3 tại chỗ”. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trong việc quản lý nhân viên của mình tại địa điểm sản xuất hoặc khu nhà ở tập trung. Bên cạnh đó, Thành phố nên xem xét hỗ trợ kinh phí xét nghiệm cho công nhân làm việc tại doanh nghiệp như đang áp dụng xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng thời gian qua để giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Đảm bảo hệ sinh thái phục vụ sản xuất

Các yếu tố “tại chỗ” theo chỉ đạo của Thành phố mới chỉ là điều kiện cần nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh nhưng để doanh nghiệp hoạt động được thì yếu tố đủ chính là việc duy trì đồng bộ hệ sinh thái phục vụ sản xuất kinh doanh.

Từ khóa » Sx 3 Tại Chỗ