Doanh Nghiệp Thương Mại Là Gì? - [Vai Trò Và Chức Năng]

Doanh nghiệp thương mại là gì? Càng ngày hoạt động thương mại càng diễn ra sôi nổi, đi kèm với đó là sự xuất hiện của nhiều loại hình trung gian làm cầu nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng, nổi bật là loại hình doanh nghiệp thương mại. Vậy Doanh nghiệp thương mại là gì? Có vai trò như thế nào đối với nền kinh tế đất nước, hãy cùng Luật Hùng Sơn tìm hiểu về loại hình doanh nghiệp này nhé.

  1. Doanh nghiệp thương mại là gì?
  2. Chức năng của doanh nghiệp thương mại
    1. Là đơn vị trung gian giữa doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng
    2. Nâng cao chất lượng sản phẩm
    3. Giải quyết các mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau
  3. Vai trò của doanh nghiệp thương mại
    1. Thúc đẩy nền kinh tế phát triển
    2. Nâng cao đời sống người dân
  4. Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp thương mại
  5. Phân loại doanh nghiệp thương mại
  6. Doanh nghiệp thương mại khác gì doanh nghiệp sản xuất

Doanh nghiệp thương mại là gì?

Doanh nghiệp thương mại là những đơn vị kinh doanh được thành lập với mục đích thực hiện các hoạt động trong kinh doanh thương mại, tổ chức mua bán hàng hóa với mục đích mang lại lợi nhuận.

Doanh nghiệp thương mại là mô hình doanh nghiệp được pháp luật quy định chặt chẽ, có các đặc điểm nhận diện như sau:

  • Nhiệm vụ của doanh nghiệp thương mại là thực hiện việc đưa hàng hóa, sản phẩm sản xuất đến tay người sử dụng, khách hàng.
  • Các sản phẩm của doanh nghiệp thương mại là các hàng hóa, sản phẩm từ những doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp dịch vụ.
  • Mục tiêu chính mà doanh nghiệp thương mại hướng tới là lợi nhuận và mang lại những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Những đặc điểm trên đã tạo nên những nét đặc thù của doanh nghiệp thương mại. Nhưng để mang đến những sản phẩm thỏa mãn được nhu cầu của người sử dụng thì đòi hỏi doanh nghiệp thương mại và doanh nghiệp sản xuất hoặc doanh nghiệp dịch vụ phải có sự liên kết chặt chẽ, cùng hợp tác để tạo ra các giá trị tốt nhất cho xã hội.

Chức năng của doanh nghiệp thương mại

Doanh nghiệp thương mại có những chức năng cơ bản sau đây

Là đơn vị trung gian giữa doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng

Doanh nghiệp thương mại làm nhiệm vụ phát hiện các nhu cầu sử dụng về hàng hóa và dịch vụ trên thị trường dựa vào đó để đưa ra các phương án để đáp ứng yêu cầu đó. Doanh nghiệp thương mại có thể xem là cầu nối trung gian giữa doanh nghiệp sản xuất và khách hàng, thị trường tiêu dùng. Chức năng của kinh doanh thương mại là mua bán hàng hóa để cung ứng đầy đủ và kịp thời những nhu cầu của khách hàng.

Để đáp ứng được nhu cầu và khả năng của khách hàng, doanh nghiệp thương mại phải mua những mặt hàng chất lượng, đúng với yêu cầu của khách hàng, nguồn hàng phong phú, rẻ, sau khi cộng với các chi phí lưu thông đưa đến thị trường bán và khách hàng vẫn có thể chấp nhận được. Từ đó, doanh nghiệp thương mại thực hiện việc điều hòa cung cầu từ nơi có hàng hóa nhiều, phong phú, giá rẻ đến nơi có hàng hóa ít, khan hiếm, giá đắt hoặc mua hàng khi thời vụ và bán hàng quanh năm, cung cầu hàng hóa được điều hòa. Cũng nhờ có đó mà có hàng hóa dự trữ thỏa mãn kịp thời nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó doanh nghiệp thương mại có hệ thống mạng lưới kho, của hàng, đại lý,…  giúp đảm bảo cho việc tiếp cận và mua hàng của người tiêu dùng không phải đi xa vừa thuận tiện vừa tiết kiệm thời gian.

Doanh nghiệp thương mại đóng vai trò lớn trong việc lưu chuyển hàng hóa. Sản xuất hàng hóa là khâu đầu tiên, những sản phẩm hàng hóa này mới chỉ là sản phẩm ở trạng thái khả năng, chỉ khi nào sản phẩm được đưa vào quá trình sử dụng thì mới được coi thực sự là một sản phẩm và quá trình sản xuất mới hoàn thành. Và doanh nghiệp thương mại là phương tiện mang các sản phẩm đưa đến với người tiêu dùng, góp phần hoàn thành quá trình sản xuất. Việc thực hiện chức năng lưu thông hàng hóa một cách chuyên nghiệp giúp cho quá trình lưu thông hàng hóa đến tay khách hàng nhanh chóng, hợp lý, đảm bảo thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Doanh nghiệp thương mại thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng của sản phẩm thông qua việc tiếp thu ý kiến của khách hàng về chất lượng sản phẩm và đưa ra những sự thay đổi phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Doanh nghiệp thương mại có chức năng tham gia nâng cao chất lượng trong quá trình sản xuất trong khâu lưu thông. Quá trình sản xuất gồm bốn khâu: sản xuất, phân phối, lưu thông và tiêu dùng. Các khâu này có quan hệ mật thiết và tác động qua lại lẫn nhau, trong đó mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng là mối quan hệ cơ bản nhất.

Kinh doanh thương mại nằm ở khâu trung gian giữa một bên là sản xuất và phân phối, một bên là tiêu dùng sản phẩm. Trong quá trình trao đổi hàng hóa, lưu thông hàng hóa từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng các doanh nghiệp thương mại tiến hành chọn lọc, phân loại, đóng gói, vận chuyển, dự trữ, bảo quản sản phẩm, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, sửa chữa, lắp ráp, bảo hành,… Đây chính là chức năng tiếp tục quá trình sản xuất trong quá trình lưu thông hàng hóa. Chức năng này nhằm hoàn thiện sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Như vậy, kinh doanh thương mại có chức năng lưu thông hàng hóa, gắn liền chặt chẽ với chức năng hoàn thiện sản phẩm trong khâu lưu thông. Mặt khác, trong quá trình thực hiện lưu thông hàng hóa, các doanh nghiệp thương mại còn phải thực hiện việc tổ chức sản xuất, khai thác tạo nguồn hàng để tạo ra các sản phẩm thay thế hàng ngoại nhập có giá cả phù hợp, ưng ý người tiêu dùng.

Giải quyết các mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau

Doanh nghiệp thương mại còn có nhiệm vụ giải quyết các mối quan hệ giữa các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại với nhau. Bởi chỉ có như vậy thì mới có thể tạo nên một dây chuyền hoạt động sản xuất và kinh doanh “mượt”, đạt được hiệu quả cao trong tất cả các khâu. Từ đó tạo nên một mô hình kinh doanh đem lại hiệu quả cao trong công việc cho tất cả các doanh nghiệp tham gia vào thị trường kinh doanh này.

doanh nghiệp thương mại là gì

Vai trò của doanh nghiệp thương mại

Doanh nghiệp thương mại có vai trò lớn trong việc thúc đẩy nền kinh tế và nâng cao đời sống người dân.

Thúc đẩy nền kinh tế phát triển

Doanh nghiệp thương mại có trách nhiệm rất quan trọng với nền kinh tế quốc dân. Doanh nghiệp liên quan trực tiếp tới các mối quan hệ trong xã hội, giữa quan hệ cung, cầu và các loại chi phí sản xuất khác. Doanh nghiệp là cầu nối giữa người sản xuất và thị trường tiêu thụ, giúp điều chỉnh cân đối trong sự phát triển của các ngành nghề kinh tế, đời sống hàng ngày.

Doanh nghiệp thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, mở rộng kinh doanh, lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện không ngừng nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp, tích cực góp phần tăng tích lũy xã hội. Từ đó thực hiện mục tiêu thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp Việt Nam từng bước hội nhập mau chóng vào nền kinh tế thế giới.

Nâng cao đời sống người dân

Doanh nghiệp thương mại giúp lưu thông hàng hóa đến mọi nơi trong xã hội, hoàn thành tốt việc thông qua hoạt động kinh doanh của mình để phân phối hàng hóa từ nơi thừa đến nơi thiếu từ đó nâng cao mức hưởng thụ của người dân. Vai trò của doanh nghiệp thương mại tỷ lệ thuận với mức sống của người dân, tức là khi mức sống của người dân được tăng lên thì đồng nghĩa vai trò của doanh nghiệp thương mại càng quan trọng.

Doanh nghiệp thương mại có vai trò rất quan trọng trong việc mở rộng thị trường. Thông qua hoạt động xuất nhập khẩu, đưa hàng hóa trong nước ra nước ngoài và nhập hàng hóa, thiết bị kỹ thuật mà thị trường nước ngoài ngày càng được mở rộng.

Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp thương mại

Hiện nay có rất nhiều loại hình doanh nghiệp thương mại có thể lựa chọn thành lập bao gồm: Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty Cổ Phần,… Tùy từng loại hình doanh nghiệp thì cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động sẽ khác nhau:

  • Thứ nhất là doanh nghiệp tư nhân

Đây là loại hình doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhất, có tính chất ít phức tạp nhất. Loại hình do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình (hoặc cử một người khác làm đại diện và thay mặt họ quản lý).

Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với mọi vấn đề của doanh nghiệp và chịu trách nhiệm về nó. Do đó mà chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ không thể là thành viên hợp danh của công ty hợp danh hoặc thành viên góp vốn của công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Vì như thế sẽ tạo ra sự xung đột quyền lợi với bên thứ ba nếu chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn đối với doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh, từ đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ còn lại.

  • Thứ hai là Công ty TNHH, gồm công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Loại hình do có chủ sở hữu là cá nhân hoặc tổ chức. Quy mô công ty TNHH một thành viên sẽ nhỏ hơn và có tính chất ít phức tạp hơn so với mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên. Các vấn đề của công ty sẽ do chủ sở hữu quyết định hoặc đại diện của chủ sở hữu quyết định và tự chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp của mình. Loại hình này mang bản chất là công ty đối vốn.

  • Đối với Công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu thì thường cá nhân cũng chính là người đại diện công ty- chủ tịch (hoặc có thể ủy quyền cho người khác thay mình), bên dưới là giám đốc/tổng giám đốc là bộ phận giúp việc cho chủ tịch trong việc điều hành công ty. Trong mô hình này không cần kiểm sát viên hoặc ban kiểm  sát.
  • Đối với loại hình công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu thì mô hình sẽ gồm hai mô hình đó là: Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm sát viên; hoặc Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm sát viên.
  • Công ty TNHH hai thành viên trở lên có sự hoàn thiện hơn về cơ cấu tổ chức hoạt động của doanh nghiệp và tính chuyên môn hóa. Mô hình công ty gồm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc và Ban kiểm soát. Hội đồng thành viên là một bộ phận bắt buộc phải được thành lập (công ty TNHH một thành viên không bắt buộc), và nếu công ty TNHH hai thành viên trở lên có từ 11 thành viên trở lên thì bắt buộc phải có ban kiểm soát còn nếu dưới thì tùy thuộc vào sự lựa chọn của doanh nghiệp.

Như vậy, tùy vào quy mô và tính chất của từng loại hình công ty sẽ tỉ lệ thuận với tính chặt chẽ, chuyên môn hóa của từng mô hình.

  • Thứ ba là công ty cổ phần

Đây là loại hình công ty hoàn thiện nhất và có quy mô, cơ chế kiểm soát phức tạp hơn so với các loại hình nói trên. Công ty cổ phần thường có hai mô hình như sau:

  • Mô hình một: Đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc hoặc giám đốc. Nếu công ty có số cổ đông dưới 11 hoặc cổ đông là tổ chức dưới 50% thì không nhất thiết phải có ban kiểm soát.
  • Mô hình hai: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc hoặc giám đốc. Đối với mô hình này thì công ty cần ban kiểm soát với điều kiện công ty có ban kiểm soát nội bộ và ít nhất 20% thành viên hội đồng quản trị là thành viên độc lập.

Mô hình công ty cổ phần phức tạp hơn so với mô hình các công ty còn lại, với các điều kiện đặc thù về quy mô được pháp luật thừa nhận,…

Phân loại doanh nghiệp thương mại

Có năm loại hình doanh nghiệp thương mại:

  • Doanh nghiệp kinh doanh chuyên môn hóa

Đây là các doanh nghiệp chuyên kinh doanh một loại hàng hóa hoặc nhóm hàng hóa cụ thể có cùng công dụng, tính chất trong đời sống và sản xuất cụ thể. Ưu điểm của loại hình này là khả năng xâm nhập vào thị trường sâu, tiếp cận và nắm bắt thông tin, nhu cầu của người tiêu dùng, tình hình hàng hóa chính xác, giúp tăng khả năng cạnh tranh; Có lợi thế về chuyên môn (vì kinh doanh một mặt hàng), có đội ngũ nhân viên có chuyên môn. Bên cạnh đó thì loại hình này có nhược điểm chuyển hướng kinh doanh chậm nếu thị trường kinh doanh thanh đổi xu thế.

  • Doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp

Đây là loại hình kinh doanh nhiều loại hàng hóa có đặc điểm, tính chất, công dụng khác nhau. Hoạt động kinh doanh không bị lệ thuộc vào loại hàng hóa hay thị trường. Ưu điểm của loại hình này là dễ chuyển hóa khi xu hướng thị trường thay đổi; khả năng quay vòng nhanh, đảm bảo việc cung ứng đồng bộ hàng hóa cho các nhu cầu của khách hàng; có thị trường rộng, luôn có thị trường mới, điều kiện phát triển dịch vụ bán hàng tốt. Nhược điểm của loại hình này là khó đào tạo được đội ngũ chuyên môn sâu về một mặt hàng hay khó trở thành thương hiệu độc quyền trên thị trường.

  • Doanh nghiệp kinh doanh đa dạng hóa

là các doanh nghiệp kinh doanh cả sản xuất, cả kinh doanh đa dạng hàng hóa và thực hiện các hoạt động thương mại nhưng không có mặt hàng chủ đạo như loại hình doanh nghiệp kinh doanh chuyên môn hóa. Loại hình này phát huy được các ưu điểm của hai loại hình kể trên và đồng thời hạn chế được nhược điểm của hai loại hình kể trên, vì vậy đầy là loại hình thương mại thường được lựa chọn.

  • Các doanh nghiệp thương mại được thành lập và quản lý bởi các cơ quan nhà nước

Đây là loại hình do cơ quan nhà nước thành lập và nắm giữ 100% vốn điều lệ.

  • Các doanh nghiệp thương mại được thành lập bởi các cá nhân, tổ chức thông thường

Đây là loại hình được thành lập bởi các cá nhân, tổ chức tự xây dựng và tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động kinh doanh và tài sản của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thương mại khác gì doanh nghiệp sản xuất

Doanh nghiệp sản xuất là tổ chức kinh tế hợp pháp. Đây là loại hình doanh nghiệp được thành lập với mục đích sử dụng các nguồn nhân lực cần thiết để tạo ra các sản phẩm lưu thông trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của con người.

Doanh nghiệp thương mại và doanh nghiệp sản xuất giống nhau là đều hướng tới mục đích phục vụ và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của con người. Mang lại sự ổn định và phát triển cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thương mại và doanh nghiệp sản xuất khác nhau: (bảng)

STT Tiêu chí Doanh nghiệp thương mại Doanh nghiệp sản xuất
1 Yếu tố đầu vào Vô hình, không dự trữ được Hữu hình, có tính chất dự trữ được như: nguyên liệu, máy móc, công nghệ sản xuất, vật tư,…
2 Yếu tố đầu ra Không đồng đều, không ổn định Ổn định, có thể áp dụng những tiêu chuẩn kiểm duyệt
3 Thời điểm tiêu dùng Thời điểm tiêu dùng đồng thời. Thời điểm tiêu dùng tách biệt hoàn toàn giữa khâu sản xuất và thành phẩm
4 Tiêu chí đánh giá về chất lượng Tiêu chí đánh giá chất lượng doanh nghiệp thương mại rất khó xác định Mọi tiêu chí đánh giá về chất lượng của sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất đều dễ dàng hơn bởi tất cả đều hữu hình, bạn có thể đo lường và kiểm chứng được. Công ty sản xuất hoàn toàn có thể đơn giản đánh giá về giá trị.
5 Đánh giá trả công Trả công gián tiếp qua từng sản phẩm và rất khó để thực hiện Trả công trực tiếp trên đơn vị sản phẩm
6 Đo lượng năng suất, hiệu xuất Khó đo lường Dễ dàng đo lường hiệu suất, năng suất, kết quả làm việc
7 Quan hệ với khách hàng Quan hệ trực tiếp với người tiêu dùng Quan hệ gián tiếp với người tiêu dùng gián tiếp, thông qua các doanh nghiệp thương mại thì sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất mới tiếp cận đến tận tay khách hàng
8 Khả năng cấp bằng sáng chế Không khó Thông thường
9 Chức năng và vai trò Mua bán và kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa Sản xuất và chế biến các loại hàng hóa

Với những thông tin mà Luật Hùng Sơn đã chia sẻ qua bài viết, hy vọng bạn đọc đã có những thông tin hữu ích và trả lời được câu hỏi “doanh nghiệp thương mại là gì?” cũng như hiểu rõ được từng mô hình cụ thể của doanh nghiệp thương mại. Nếu còn thắc mắc và cần được hỗ trợ, vui lòng gọi đến số hotline 19006518 để được tư vấn.

5/5 - (1 bình chọn)

Từ khóa » Khái Niệm Về Doanh Nghiệp Thương Mại