Đọc Hồi Ký Huỳnh Công Ánh

Đc Hi Ký Huỳnh Công Ánh

Trn Mng Lâm

Image result for image màu vàng

Nhận được bản thảo Hồi Ký của anh Huỳnh Công Ánh, người đã được biết đến như một nhạc sĩ, một thi sĩ, một người du ca rất nổi tiếng trong cộng đồng những người Việt Nam tỵ nạn chúng ta, tôi vội ngưng hết các công việc khác, chăm chú đọc, dù rằng việc đọc một cuốn sách trên màn ảnh nhỏ không phải là một thích thú đối với tôi, người chỉ vốn quen với những cuốn sách còn thơm mùi giấy mực. Cuốn hồi ký có tên là Vượt Tù, Vượt Biển. Trên 250 trang sách đã được tôi đọc trong vỏn vẹn một buổi chiều, điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn của thiên hồi ký này.

 

Tôi rất thích cuốn sách, hồi ký của một người Miền Nam, trong một giai đoạn đau thương của đất nước, những năm sau 1975, và cuộc xâm lấn Miền Nam của bọn Cộng Sản. Lý do sự yêu thích này, la vì tôi cũng là người đã sống, như tác giả, những nỗi đoạn trường trong giai đọan đó.

Cảm tưởng đầu tiên tôi có được sau khi tắt máy vi tính, là cuốn sách này cũng làm tôi suy nghĩ tương tự như sau khi đọc một tác phẩm khác, khá nổi tiếng sau thời Đức Quốc Xã, mọt giai đọan nhiễu nhương của lịch sử nhân loại. Tôi muốn nói đến tác phẩm La vingt-cinquème heure của nhà văn nổi tiếng C. Virgil Gheorghiu.

Cuốn hồi ký của Huỳnh Công Ánh nói về tác giả, nhưng sao cuộc đời của tác giả cũng không khác cuộc đời của nhân vật chính trong Giờ Thứ Hai Mươi Lăm là Iohann Moritz: cả hai người đều không muốn làm những chuyện phi thường, cả hai đều chỉ ao ước những điều rất tầm thường, nhưng những người khác không cho họ cơ hội đó (De toute ma vie, je n’ai désiré que peu de choses : pouvoir travailler, avoir où m’abriter avec ma femme et mes enfants, et avoir de quoi manger nghĩa là họ chỉ muốn có thể làm việc, có chỗ cho gia đình trú thân, và có đủ thực phẩm để sống).

Không được làm những điều tầm thường, nên Huỳnh Công Ánh phải làm những việc phi thường. Sau khi chiến thắng Miền Nam với sự giúp đỡ của ngoại bang, mà hiện nay họ còn đang phải trả nợ, Cộng Sản Miền Bắc đã biến Miền Nam thân thương của chúng ta thành 2 nhà tù, một nhà tù nhỏ cho những người đã từng ở trong quân đội, nhiều khi cũng chẳng phải do tình nguyện, và một nhà tù lớn cho tất cả người dân Miền Nam. Huỳnh Công Ánh đã thành công trong việc vượt thoát ra khỏi cả hai nhà tù đó, tuy rằng rất khó khăn. Anh đã làm được những kỳ công, nhưng không phải hoàn toàn do công sức của anh, mà với sự giúp sức của rất nhiều người, kể cả những người thuộc phía bên kia, phe gọi là thắng cuộc. Những ai đã từng sống tại Việt Nam sau 1975, nhất là những ai từng ở trong các trại Học Tập Cải Tạo, đều biết rằng việc vượt tù là việc rất nguy hiểm, 9 phần chết mới có một phần sống, và phần sống thường là do ơn trên phù hộ, tuy rằng nói như vậy có người cho rằng dị đoan, nhảm nhí. Tôi nay đã đủ chín chắn để nói một cách quả quyết rằng không có những sự may mắn gần như siêu hình đó, dù tài giỏi đến đâu, vượt tù là tự đem mình vào cõi chết, và như vậy, cần rất nhiều can đảm, hay rất nhiều tuyệt vọng, để đi con đường nhất chín, nhì bù. Tác giả đã làm việc này, không phải chỉ một lần, không phải hai lần, mà là 3 lần liên tiếp. Để ra khỏi các hàng rào tù tội, không bị bắt lại, như vậy là sự may mắn thành công của người tù Huỳnh Công Ánh tính theo xác xuất, phải là 1/10X 1/10X1/10 = 1/1000.

Chỉ có 1 phần ngàn hy vọng thành công mà HCA vẫn làm, thì phải tìm hiểu lý do nào đã khiến ông làm những việc này ?? Ngay sau khi Miền Nam sụp đổ, ông không phải là người tuyệt vọng đến nỗi nghĩ đến sự tự sát như một số người đã làm. Lúc đó, ông ngây thơ đến độ nghĩ rằng rồi đây, cùng lắm là mình trở lại đời sống bình thường, đi buôn nước mắm nuôi gia đình mà thôi. Một người bạn của ông, một ông sư thuộc phe Ấn Quang ngày trước, lại còn ngây thơ đến độ nghĩ là mình có thể trở thành Thủ Tướng Miền Nam, và nếu được như vậy, sẽ cho HCA một chân trong nội các.

Sự đời đâu có dễ dàng như vậy, và ngày nay, sau 40 năm, chắc hẳn những người Miền Nam đã rõ được thế nào là Cộng Sản, dù rằng sự tỉnh ngộ này không xóa được những lỗi lầm đã bao che cho những kẻ sau này đã đầy đọa mình. Nhiều người đã lên tiếng phiền trách các bà mẹ chiến sỹ Miền Nam của CS, đã cõng rắn cắn gà nhà. Tôi không nghĩ như vậy. Tôi chỉ nghĩ là dân tộc Việt Nam vốn hiền hoà, và những đau thương của đất nước chúng ta không do các đồng bào , mà do các tên thủ lãnh CS, mù quáng vì Chủ Nghĩa, mà quên đi dân tộc.

Có lẽ cũng nghĩ như tôi, mà HCA không bao giờ hận thù các người thuộc phe Miền Bắc. Chứng cớ là trong tác phẩm của ông, HCA ca ngợi 2 cá nhân, một người là một cô gái Miền Bắc, người khác là một cự bộ đội CS. Có lẽ còn một người thứ 3 nữa, là một Y Sĩ của đối phương. Có thể HCA không chủ ý, nhưng lối sống của HCA đã phản ảnh sự siêu thoát của Lão Tử, Trang Tử. Khổng Tử thì khác. Đối với Khổng Tử thì bạn phải ra bạn, thù phải ra thù, đen trắng phân minh, lối suy nghĩ nhị nguyên (âm-dương). Đối với Lão Tử, nhất nguyên, các sư phụ Thiền Tông, thì không nhất thiết phải chia ra như vậy, mọi việc phải lấy chữ Từ làm gốc. Hiểu được như vậy, sẽ không chê trách HCA khi thấy sau này ông từ chối không phê phán Phạm Duy.

Tôi không đi vào tác phẩm của HCA tuy cuốn sách rất hấp dẫn và làm độc giả phải đọc một lèo cho đến dòng chữ cuối cùng. Tôi muốn dành những thú vị này cho quý vị. Tôi chỉ xin nhân bài viết này, cảm tạ tác giả. Trong thời điểm này, đúng như tác giả đã viết, là thời đại bát nháo, sư không ra sư, thầy không ra thầy, tổ chức kháng chiến thì không biết ai là thực, ai là ma quái, người này phỉ báng người kia. Thì sự ra đời tác phẩm của ông rất có ý nghĩa, nhất là để con cháu chúng ta, học hỏi và rút kinh nghiệm, hay ít nhất biết là chúng ta đã sống ra sao, đã phản ứng thế nào ở Giờ Thứ Hai Mươi Lăm_La vingcinquèmg-heure- của cuộc chiến vừa qua.

Chúng tôi cũng nhân dịp này nhắc mọi người, chúng ta đang ở giờ thứ 25 của một quốc gia nhỏ bé mang tên Việt Nam.

Trần Mộng Lâm

Từ khóa » Hồi Ký Vượt Tù Vượt Biển Của Huỳnh Công ánh