Độc Lập Dân Tộc – Mục Tiêu Chiến đấu, Ngọn Cờ Tập Hợp Lực Lượng ...

Từ cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, nhân dân Việt Nam với truyền thống yêu nước nồng nàn đã liên tiếp đứng lên bất chấp sự yếu hèn của triều đình phong kiến, sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù quyết giành cho được tự do, độc lập.

Toàn cảnh lễ đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập.

Tuy vậy, từ phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết lãnh đạo cho đến các cuộc khởi nghĩa do các quan chức hay nông dân khởi xướng, như Hoàng Hoa Thám, Trương Định, Phan Đình Phùng, v.v. đều bị dìm trong bể máu. Trước tình hình đó, một số sĩ phu yêu nước đã trăn trở, bôn ba tìm mọi con đường để cởi ách nô lệ cho dân tộc. Song các phong trào "Đông Kinh Nghĩa Thục", "Duy Tân"... của Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu cũng lâm vào bế tắc.

Sau nhiều năm bôn ba với cách đi riêng của mình, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc đó là "con đường cách mạng vô sản", con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, của chủ nghĩa cộng sản.

Từ nhận thức đó, Nguyễn Ái Quốc tích cực tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, xúc tiến việc thành lập đảng của giai cấp công nhân. Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập và trong Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng đã khẳng định: Đảng chủ trương tiến hành "tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản" với mục tiêu đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, thành lập chính phủ công nông binh. Để hoàn thành mục tiêu trên, "Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo", đồng thời lại “phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông... để kéo họ về phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới cho họ đứng trung lập".

Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo và thông qua tại Hội nghị đã vạch ra phương hướng phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đường lối đó là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, giữa tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản với thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

Ngọn cờ độc lập dân tộc luôn được Đảng ta nêu cao, và nhất là khi điều kiện để giành độc lập đến gần thì mục tiêu đó trở thành ngọn cờ tập hợp mọi lực lượng nhân dân trong cả nước đứng lên cứu nước, giải phóng dân tộc.

Ngày 1-9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ngày 3-9-1939, nước Pháp tham chiến. Chính phủ phản động Pháp đã tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản và các tổ chức dân chủ, tiến bộ trong nước cũng như ở các nước thuộc địa Pháp. Ở Đông Dương, đế quốc Pháp điên cuồng tấn công vào Đảng Cộng sản và các tổ chức quần chúng cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, tăng cường bóc lột, vơ vét sức người, sức của của nhân dân Đông Dương phục vụ cho cuộc chiến tranh. Khi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, chính quyền Pháp ở đây đã đầu hàng và câu kết với Nhật thống trị, bóc lột nhân dân. Một khi ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc đè nặng lên tất thảy mọi tầng lớp nhân dân thì mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Nhật - Pháp trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, và từ đó mục tiêu bức thiết nhất của nhân dân Việt Nam, của toàn thể dân tộc Việt Nam là đánh đổ ách áp bức Nhật - Pháp, giải phóng dân tộc.

Trước tình hình đó, từ ngày 6 đến ngày 8-11-1939, Đảng Cộng sản Đông Dương đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu để phân tích tình hình quốc tế và Đông Dương, xác định kẻ thù và mục tiêu của cách mạng. Hội nghị xác định rằng tuy nội dung cách mạng của nhân dân Đông Dương là chống đế quốc và phong kiến nhưng nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ chủ yếu nhất. Hội nghị đề ra chủ trương cho cách mạng Đông Dương lúc này là phải "đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết”. Hội nghị quyết định thành lập "Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương" thay cho Mặt trận dân chủ Đông Dương.

Để tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân vào Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế, Hội nghị xác định: "Lực lượng chính của cách mệnh là công nông dựa vào các tầng lớp trung sản thành thị, thôn quê và đồng minh chốc lát hoặc trung lập giai cấp tư sản bổn xứ, trung tiểu địa chủ,… dưới quyền chỉ huy của vô sản giai cấp". Trong lực lượng của Mặt trận, Đảng ta coi công nhân và nông dân là hai lực lượng chính, "sự đồng minh chặt chẽ của công nông là vấn đề sống chết của cách mệnh, không có sự đồng minh ấy thì cách mệnh không thể thắng lợi được".

Nhằm thực hiện mục tiêu đoàn kết toàn dân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, Hội nghị Trung ương lần thứ sáu của Đảng chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản động, chống tô cao, lãi nặng; thay khẩu hiệu lập chính quyền Xôviết công nông bằng khẩu hiệu lập chính quyền dân chủ cộng hoà, "hình thức chung cho tất cả các tầng lớp dân chúng trong xứ và trong phong trào giải phóng dân tộc". Đối với giai cấp công nhân và nông dân - lực lượng chính của cách mạng, Đảng ta đã kêu gọi: "Công nông phải đưa cao cây cờ dân tộc lên, vì quyền lợi sinh tồn của dân tộc mà sẵn sàng bắt tay với tiểu tư sản và những tầng lớp tư sản bổn xứ, trung tiểu địa chủ còn có căm tức đế quốc".

Về vấn đề các dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia, Nghị quyết đã nêu một cách nhìn nhận mới. Sau khi chỉ rõ "không một dân tộc nào có thể giải phóng riêng rẽ vì Đông Dương ở dưới quyền thống trị duy nhất của đế quốc Pháp". Nghị quyết khẳng định: "Sự liên hiệp các dân tộc Đông Dương không nhất thiết bắt buộc các dân tộc phải thành lập một quốc gia duy nhất… Mỗi dân tộc có quyền giải quyết vận mệnh theo ý muốn của mình, song sự tự quyết cũng không nhất định nghĩa là rời hẳn nhau ra".

Như vậy, chủ trương đặt nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc lên hàng đầu và tăng cường đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng nhân dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất đã được Đảng ta đặt ra trong Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (11-1939), và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám (5-1941) dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Tại hội nghị lịch sử này, Đảng ta đã xác định rõ đối tượng và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới. Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: “Các dân tộc Đông Dương hiện nay bị dưới hai tầng áp bức bóc lột của giặc Pháp - Nhật... Đế quốc Pháp - Nhật chẳng những áp bức các giai cấp thợ thuyền, dân cày, mà chúng nó áp bức bóc lột cả các dân tộc không chừa một hạng nào... Pháp - Nhật ngày nay không phải chỉ là kẻ thù của công nông mà là kẻ thù của cả dân tộc Đông Dương. Trong lúc này khẩu hiệu của Đảng ta là trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách của giặc Pháp - Nhật”.

Hội nghị khẳng định và nhấn mạnh nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng nước ta là giải phóng dân tộc, bởi vì "trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được".

Sau khi khẳng định rõ đối tượng và nhiệm vụ của cách mạng, Hội nghị Trung ương lần thứ tám đã xác định, chỉ rõ lực lượng và động lực của cách mạng nước ta đó là: "Lực lượng cách mạng toàn cõi Đông Dương, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ, ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất mặt trận, thu góp toàn lực đem tất cả ra giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc, đánh tan giặc Pháp - Nhật xâm chiếm nước ta".

Để tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân "có lòng yêu nước, thương nòi" đứng lên cùng chống Pháp - Nhật, Hội nghị quyết định thành lập "Việt Nam độc lập đồng minh" gọi tắt là Việt Minh thay cho Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh, mặt trận "có tính dân tộc hơn" đã chính thức được thành lập.

Như vậy, qua nội dung của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám, chúng ta có thể khẳng định rằng những tư tưởng cơ bản về cách mạng Việt Nam được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nêu trong Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt khi thành lập Đảng đã được khẳng định và đi vào cuộc sống cách mạng. Khẩu hiệu "Đánh đuổi Pháp - Nhật, Đông Dương hoàn toàn độc lập" đã được mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam hưởng ứng.

Ngày 25-10-1941, Mặt trận Việt Minh đã công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. Trong bản Tuyên ngôn, Mặt trận Việt Minh khẳng định: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”... “Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng nên một nước Việt Nam tự do và độc lập”.

Chương trình cứu nước của Việt Minh với mục tiêu "làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do" sau được đúc kết thành 10 chính sách lớn được thực hiện ở Khu giải phóng Việt Bắc và đã được Đại hội Quốc dân Tân Trào thông qua tháng 8-1945.

Để mọi người dân yêu nước có thể tham gia vào Mặt trận Việt Minh, Hội nghị Trung ương lần thứ tám đã quyết định "hạ thấp điều lệ xuống cho dễ thu phục hội viên và cho các đoàn thể phát triển hơn". Hội nghị chỉ rõ: "Vì chính sách của Đảng ta hiện tại là chính sách cứu quốc, cho nên mục đích của các hội quần chúng cũng xoay về việc cứu quốc là cốt yếu"… "Trong khi đi tổ chức một đoàn thể cứu quốc điều cốt yếu là không phải những hội viên phải hiểu chủ nghĩa cộng sản, mà điều cốt yếu hơn hết là họ có tinh thần cứu quốc và muốn tranh đấu cứu quốc".

Với chủ trương đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, Mặt trận Việt Minh đã thu hút được sự tham gia của đông đảo nhân dân với các tầng lớp khác nhau. Đến năm 1942, các tổ chức cứu quốc của Việt Minh như Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Tự vệ cứu quốc đã được thành lập ở nhiều tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung. Cao Bằng đã trở thành trung tâm của phong trào cứu quốc cả nước. Từ năm 1942, Cao Bằng đã xuất hiện nhiều xã, tổng hoàn toàn tham gia Việt Minh. Từ "xã hoàn toàn", "tổng hoàn toàn" ở Cao Bằng, Việt Minh đã phát triển khắp các xã, tổng thuộc các tỉnh Việt Bắc.

Chính sách đoàn kết, tập hợp lực lượng toàn dân của Đảng và Mặt trận Việt Minh ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh, trên cơ sở thực tiễn tình hình và yêu cầu của cách mạng. Tháng 2-1943, trước sự chuyển biến của thời cuộc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp bàn việc mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Từ thực tiễn phong trào Việt Minh trong hai năm qua, Đảng ta nhận định: "Ở Đông Dương hiện nay thiếu một phong trào cách mạng quốc gia tư sản và phong trào thanh niên học sinh. Do đó, cuộc vận động cách mạng ở Đông Dương vẫn hẹp hòi, có tính công nông hơn là tính cách toàn dân tộc”. Hội nghị đề ra nhiệm vụ trước mắt “phải luôn luôn củng cố và phát triển những tổ chức của thợ thuyền, dân cày, vì đó là xương sống của Mặt trận dân tộc thống nhất chống Pháp - Nhật. Nhưng đồng thời phải hết sức phát triển các tổ chức cứu quốc của thanh niên, phụ nữ và tư sản, địa chủ, tiểu thương, v.v.. Nếu không, Mặt trận dân tộc không có tính cách toàn dân mà chỉ có tính cách công nông".

Thực hiện chủ trương đó, năm 1943, Hội văn hoá cứu quốc - một thành viên của Mặt trận Việt Minh đã được thành lập. Tháng 6-1944, Đảng ta đã giúp những trí thức tiến bộ, yêu nước thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam, thu hút họ vào Mặt trận Việt Minh.

Trong hai năm 1943-1944, các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh được thành lập và phát triển nhanh chóng ở khắp các tỉnh, thành phố, trong các nhà máy, trường học. Tại Hà Nội, tổ chức Việt Minh đã được phát triển mạnh trong các Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy sửa chữa ôtô AVIA, STAI, ở các Trường trung học Bưởi, Gia Lâm, Trường kỹ nghệ thực hành, v.v.. Tại Sài Gòn, Gia Định và một số thành phố khác ở miền Nam, tổ chức Việt Minh đã được thành lập với nhiều tổ chức thành viên như công hội, thanh niên, phụ nữ, v.v…

Đặc biệt tại Việt Bắc, trên cơ sở các "xã hoàn toàn", "tổng hoàn toàn", các căn cứ địa đã được thành lập ở khắp các tỉnh. Trước sự phát triển của Mặt trận Việt Minh và trước yêu cầu của cách mạng, các đội Cứu quốc quân được thành lập. Các đội Cứu quốc quân đã tích cực vận động quần chúng tham gia các hoạt động của Mặt trận, mở rộng căn cứ cách mạng, phát triển vũ trang tuyên truyền. Để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập và lập được chiến công ngay từ những trận đầu ra quân ở Phai Khắt, Nà Ngần.

Như vậy, Mặt trận Việt Minh - thành quả của sự sáng tạo, nhạy bén của Đảng trên nền tảng tư tưởng “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng" lấy mục tiêu "độc lập dân tộc là trên hết", thực tế đã trở thành điểm tập hợp của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam từ thanh niên, phụ nữ đến phụ lão; từ công nhân, nông dân đến trí thức, tư sản; từ cư dân thành thị đến nông thôn; từ vùng cao đến đồng bằng. Tất cả mọi tầng lớp nhân dân đã đứng trong các tổ chức "cứu quốc" tập hợp xung quanh ngọn cờ cứu nước của Mặt trận Việt Minh, sẵn sàng vùng lên tổng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc khi thời cơ cứu nước đến.

NT (Theo Đảng Cộng sản Việt Nam - 80 năm xây dựng và phát triển)

Từ khóa » đảng Chủ Trương Thành Lập Mặt Trận Nhân Dân Phản đế đông Dương để