Mặt Trận Dân Chủ Đông Dương | Nhân Vật - Sự Kiện
Có thể bạn quan tâm
Tháng 4/1936, Đảng Cộng sản Đông Dương gửi thư cho Việt Nam Quốc dân Đảng, các nhóm và phe phái cách mạng, các hội phản đế, các tổ chức cải lương và các tổ chức đối lập, các phần tử cách mạng biệt lập ở Đông Dương, kèm theo thư là đề án tổ chức Mặt trận thống nhất chống đế quốc Pháp. Bức thư nêu rõ: Xứ Đông Dương đang đứng trước những điều kiện hết sức thuận lợi cho phong trào cách mạng phát triển nhưng lực lượng cách mạng lại đang phân tán. Xuất phát từ sự đồng nhất về mục đích chung là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp, chúng ta cần liên kết lại để thành lập Mặt trận nhân dân thống nhất đấu tranh cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc Pháp, bỏ qua mọi sự hiểu lầm, tập trung lực lượng vào cùng một phong trào phản đế.
Sau khi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản trở về, đoàn đại biểu Đảng ta đã cùng với Trung ương Đảng kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đưa cách mạng Đông Dương tiến lên theo khẩu hiệu đấu tranh thành lập Mặt trận Dân chủ, chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh.
Để thống nhất quan điểm chỉ đạo cách mạng trong tình hình mới, ngày 26/7/1936, Trung ương họp dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Phong, Trưởng đoàn đại biểu Đảng ta tại Đại hội Quốc tế Cộng sản, Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản phụ trách Đông Dương.
Hội nghị xác định mục tiêu chủ yếu và trước mắt của cách mạng Việt Nam lúc này là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Đảng quyết định tạm thời không nêu khẩu hiệu đánh đổ đế quốc Pháp và giai cấp địa chủ, giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày, đồng thời chủ trương thành lập Đảng lập Mặt trận Nhân dân Phản đế rộng rãi bao gồm các giai cấp, các đảng phái, các đoàn thể chính trị và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, các dân tộc ở xứ Đông Dương để cùng nhau tranh đấu đòi những quyền lợi hàng ngày, chống chế độ thuộc địa vô nhân đạo, và để dự bị điều kiện cho cuộc vận động dân tộc giải phóng được phát triển. Văn kiện của Đảng nhấn mạnh: “Một dân tộc bị áp bức như xứ Đông Dương, vấn đề dân tộc giải phóng là một nhiệm vụ quan trọng của người cộng sản”1 và “Đảng Cộng sản ở đó không những phải thâu phục đa số thợ thuyền mà còn cần phải thâu phục quảng đại quần chúng nông dân và tiểu tư sản ở thành thị. Đồng thời, trong lúc lập Mặt trận rộng rãi chúng ta lại phải thâu phục hết các lớp trong nhân dân”2.
Việc thành lập Mặt trận Nhân dân Phản đế phải xuất phát từ chính sách của Đảng, nhận rõ kẻ địch nguy hiểm nhất để tập trung ngọn lửa đấu tranh vào đó. Xét tình hình quần chúng hiện thời chưa tới “trình độ trực tiếp” đánh đổ đế quốc Pháp, lập chính quyền công nông, giải quyết vấn đề điền địa. Việc lập Mặt trận Nhân dân Phản đế rộng rãi là để cùng nhau tranh đấu đòi những quyền dân chủ đơn sơ. Chính sách lập Mặt trận Nhân dân Phản đế không phải là chống người Pháp, mà chỉ chống đế quốc Pháp, thực hiện dân chủ cho xứ Đông Dương.
Cũng trong tháng 10/1936, Đảng Cộng sản Đông Dương còn gửi một bức thư ngỏ cho “Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp” lên án chính sách thực dân, bày tỏ sự đồng tình với nhân dân Pháp, kêu gọi ban hành một số quyền tự do dân chủ cơ bản cho nhân dân Đông Dương và kêu gọi “tất cả các đảng phái chính trị, tất cả các tổ chức quần chúng và tất cả các tầng lớp nhân dân Đông Dương tham gia Mặt trận Nhân dân Đông Dương”.
Phong trào Đại hội Đông Dương - một hình thức phôi thai của Mặt trận Dân chủ
Mặt trận Nhân dân Pháp lên cầm quyền với một chương trình hành động, trong đó có nêu vấn đề thành lập một ủy ban của Nghị viện để tiến hành điều tra tình hình chính trị và kinh tế ở các nước thuộc địa.
Nhân dịp này, Nguyễn An Ninh - nhà trí thức cách mạng cho đăng bài “Tiến tới một cuộc Đại hội Đông Dương” trên tờ La Lutte (Tranh đấu, số 93 ngày 29/7/1936). Sáng kiến này đã khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trí thức viết “dân nguyện” gửi Chính phủ Pháp đòi cải cách dân sinh, dân chủ.
Sáng kiến trên của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh đã được Đảng Cộng sản Đông Dương hưởng ứng bằng một bức thư ngỏ đề tháng 8/1936, gửi “Việt Nam Quốc dân Đảng, Đảng Lập hiến, các nhóm cải lương dân chủ, các hội ái hữu, các tổ chức công, nông, binh, phụ nữ, sinh viên, người buôn bán, các báo chí, các tổ chức quần chúng và toàn thể nhân dân Đông Dương”, trong đó nêu rõ thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với thời cuộc và mục tiêu đoàn kết mọi lực lượng tiến bộ, có cùng một hành động chung trong việc tổ chức Đông Dương Đại hội. Bức thư nêu lên 12 nguyện vọng cụ thể làm cơ sở cho Đại hội thảo luận để tiến tới xây dựng một bản “dân nguyện” gửi Chính phủ Pháp, đồng thời kêu gọi thành lập ngay những ủy ban hành động để tập hợp lực lượng “đoàn kết tiến tới Đông Dương Đại hội”.
Lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhanh chóng tạo ra một phong trào quần chúng trên phạm vi cả nước.
Ngày 13/8/1936, Hội nghị trù bị của Uỷ ban lâm thời triệu tập Đông Dương Đại hội họp tại tòa soạn báo Việt Nam ở Sài Gòn với sự có mặt của đông đảo đại biểu các tầng lớp nhân dân lao động và một số trí thức yêu nước và tiến bộ. Cuộc họp đã cử ra Ủy ban lâm thời gồm 19 vị, trong đó có 3 đảng viên Cộng sản. Như vậy, một hình thức Mặt trận đã hình thành bằng một phong trào thực sự của quần chúng nhằm những mục tiêu cụ thể, thiết thực là đấu tranh cho dân chủ, dân sinh trong điều kiện lịch sử cụ thể thời đó.
Chỉ không đầy hai tháng sau sự kiện này, riêng ở Nam Bộ đã có trên 600 Ủy ban hành động được thành lập, gần một nửa có trụ sở công khai, phần lớn do những người cộng sản chỉ đạo và hướng dẫn để thảo luận những nguyện vọng dân chủ, chống chính sách của bọn phản động thuộc địa.
Ở Bắc Kỳ, ngày 5/9/1936, áp lực của đông đảo quần chúng do những người cộng sản làm nóng cốt đã đập tan âm mưu của một số phần tử cơ hội trong Viện Dân biểu Bắc Kỳ tổ chức một số “thân hào” ở Hà Nội đứng ra thảo “dân nguyện” theo ý đồ của họ, biến cuộc biểu tình thành cuộc biểu dương lực lượng có ý nguyện của nhân dân. Ủy ban lâm thời chi nhánh Bắc Kỳ của Đông Dương Đại hội được thành lập. Nhiều ủy ban hành động được thành lập ở các địa phương, ở nhiều ngành và trong nhiều giới.
Ở Trung Kỳ, ngày 20/9/1936, được sự đồng tình của các nhà trí thức yêu nước có uy tín, các chiến sĩ cộng sản đã vận động quần chúng biểu tình tuyên bố không tín nhiệm bản dân nguyện do Viện dân biểu Trung Kỳ soạn thảo, yêu cầu triệu tập Đại hội toàn kỳ kiến nghị chính quyền thực dân Nam triều cho phép thành lập các Ủy ban hành động, công khai thu thập dân nguyện và bầu ra một Ủy ban lâm thời để vận động tổ chức một Đại hội Đông Dương toàn Trung Kỳ. Cao trào sôi nổi của quần chúng, sự tập hợp thành tổ chức với những nội dung thỉnh nguyện của các tầng lớp nhân dân khiến bọn thực dân phản động ở thuộc địa cũng như ở cả chính quốc lo ngại, tìm cách ngăn chặn. Chúng sử dụng một số phần tử của Đảng Lập hiến vu khống các đại biểu Cộng sản có hành động nhằm đối lập giữa chủ và thợ.
Ngày 15/9/1936, chính quyền thực dân ra lệnh giải tán các ủy ban hành động, cấm các cuộc tập họp thảo luận dân nguyện.
Ngày 19/9, Bộ Thuộc địa Pháp cho phép nhà cầm quyền Đông Dương dùng mọi biện pháp chấm dứt phong trào, đông thời thông báo sẽ không có Ủy ban của Nghị viện Pháp đến Đông Dương điều tra như đã hứa.
Để xoa dịu dư luận và đối phó với phong trào bãi công ngày càng lan rộng, chính quyền thực dân đã ban hành một số chính sách nới rộng Luật Lao động ở Đông Dương.
Phong trào đấu tranh công khai phát triển mạnh mẽ dẫn tới hình thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương
Kinh nghiệm phong trào đấu tranh công khai của quần chúng nhằm hình thành Mặt trận Nhân dân Phản đế đã khẳng định sự chuyển hướng tạm thời và đúng lúc của Đảng Cộng sản Đông Dương kể từ Hội nghị Trung ương tháng 7/1936. Đồng thời, qua đấu tranh cho ta thấy: Phong trào đấu tranh của quần chúng có thể đạt kết quả lớn hơn nếu đề ra những mục tiêu cụ thể, sát với yêu cầu dân sinh, dân chủ của quần chúng bằng những hình thức phù hợp với tình hình chính trị lúc đó.
Tháng 3/1937, Ban Chấp hành Trung ương họp để kiểm điểm, đánh giá tình hình và đã có những quyết định điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với hoàn cảnh mới và khắc phục những thiếu sót đã mắc phải. Vấn đề tổ chức các lực lượng cách mạng và công tác Mặt trận trở thành tâm điểm thảo luận của Hội nghị.
Tại Hội nghị Trung ương tháng 9/1937, Đảng quyết định thành lập Thanh niên Dân chủ Đông Dương thay Thanh niên Cộng sản Đoàn, lập Hội Cứu tế bình dân, Công hội, Nông hội thay cho Công hội đỏ, Cứu tế đỏ, Nông hội đỏ. Đồng thời, chủ trương đẩy mạnh việc lập các hội quần chúng công khai và nửa công khai như Hội ái hữu, tương tế...
Văn kiện của Hội nghị cũng nêu rõ: Phải tập hợp các đoàn thể đó vào một Mặt trận thống nhất dân chủ. Và Mặt trận phải được thống nhất trong cả nước theo phương hướng thống nhất ngay ở từng địa phương và thống nhất theo ngành dọc.
Đảng chủ trương đưa lực lượng của mình vào hoạt động trong các tổ chức cải lương và các tổ chức có khuynh hướng phản động nhằm tranh thủ quần chúng; phân hóa, cô lập và vạch mặt bọn phản động phá hoại phong trào. Đồng thời, cần sử dụng mọi phương thức hoạt động công khai, tham gia các cuộc bầu cử công khai, tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội. Hoạt động Mặt trận không chỉ bó hẹp trong các đảng viên mà phải phát huy vai trò của mọi người yêu nước, tiến bộ, đặc biệt là những người có cảm tình với Đảng.
Văn kiện của Đảng còn nhấn mạnh đến công tác binh vận, đồng thời phải cảnh giác, đề phòng mọi sự thỏa hiệp làm rạn nứt và suy yếu Mặt trận.
Trong thư gửi Mặt trận nhân dân Pháp, Chính phủ Pháp, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa và Toàn quyền Đông Dương tháng 8/1937, Đảng Cộng sản Đông Dương công khai nói rõ mục đích của mình là: “Trong giai đoạn lịch sử hiện thời ở Đông Dương, chúng tôi lấy việc lập Mặt trận Dân chủ chống thế lực phản động thuộc địa, đòi các quyền tự do, dân chủ đơn sơ cho toàn xứ Đông Dương là nhiệm vụ cao hơn hết”3.
Hội nghị Trung ương tháng 3/1938 khẳng định: Việc thành lập Mặt trận Dân chủ là “một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng” và chủ trương “đưa hết lực lượng dùng hết phương pháp, làm thế nào để thực hiện cho được Mặt trận Dân chủ”.
Tháng 6/1938, Đảng gửi thư công khai cho các đảng phái kêu gọi hãy gác lại những chính kiến bất đồng, cùng đứng ra lập Mặt trận Dân chủ vì: “Đây là quyền lợi sinh tồn chung cho xứ sở. Đây là tiền đồ phát triển của dân tộc. Đây là công cuộc của nền hòa bình nhân loại!... Hỡi quốc dân đồng bào, hãy khăng khít đoàn kết nhau lại… Hãy bước tới thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương”4.
Cũng vào thời điểm này, Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài đã chuyển những ý kiến chỉ đạo về nước. Người nhắc nhở sự cần thiết phải mở rộng Mặt trận Dân chủ Đông Dương và chỉ thị: Không nên chỉ bó hẹp hoạt động của Mặt trận trong quần chúng công nông, mà phải mở rộng đến tất cả tầng lớp khác trong nhân dân, tranh thủ cả những phần tử tiến bộ ở Đông Dương, ở nước ngoài; đối với giai cấp tư sản dân tộc phải bằng mọi cách lôi kéo, giữ họ trong Mặt trận và thúc đẩy họ hành động, khi cần thiết cô lập họ về chính trị nhưng tránh để họ đứng ngoài Mặt trận. Đảng phải tỏ ra là bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Địa vị lãnh đạo của Đảng chỉ giành được bằng chính năng lực của Đảng thể hiện trong thực tế đấu tranh hàng ngày.
Do sự đấu tranh quyết liệt của nhân dân Đông Dương, phối hợp với sự ủng hộ của giới trí thức tiến bộ và nhân dân Pháp, thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho nhiều tù chính trị, trong đó có những Đảng viên trung kiên của Đảng. Đây là một thuận lợi lớn giúp Đảng tăng cường đội ngũ để lãnh đạo phong trào quần chúng hướng tới mục tiêu dân chủ.
Phong trào quần chúng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương phát triển mạnh với nhiều hình thức phong phú, tiêu biểu là:
Báo chí công khai xuất hiện ngày càng nhiều và hoạt động ngày càng sôi nổi
Đây là thời kỳ huy hoàng nhất trong hoạt động báo chí của Đảng trong những năm đấu tranh giành chính quyền. Hàng chục tờ báo của Đảng, của Mặt trận, của các đoàn thể công nhân, thanh niên cũng như những tờ báo có khuynh hướng chính trị tiến bộ của các lực lượng khác lần lượt ra đời. Đặc biệt những tờ báo tiêu biểu của Đảng, của Mặt trận Dân chủ, như: Tin Tức; Đời Nay (ở Hà Nội); Le Peuple, Dân Chúng (ở Sài Gòn), Sông Hương Tục bản, Dân (ở Huế) có tính chiến đấu cao, đã trở thành hạt nhân của dư luận xã hội, ủng hộ các hoạt động của Mặt trận Dân chủ và trực tiếp đấu tranh với bọn thực dân đòi quyền dân sinh, dân chủ. Chính những tờ báo này trực tiếp giới thiệu và cổ động cho những người của Mặt trận ứng cử vào các cơ quan dân biểu. Với việc tờ Dân Chúng ra đời không cần xin phép (ngày 22/7/1938) đã chứng tỏ sức mạnh của báo chí, buộc chính quyền thực dân ở Nam Kỳ ngày 30/8/1938 phải ban hành lệnh tự do báo chí. Đây được coi là sự kiện tiêu biểu của cao trào báo chí ở thời kỳ vận động dân chủ.
Tranh cử và đấu tranh nghị trường
Trong các cuộc tranh cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ (tháng 10/1937) và Viện dân biểu Bắc Kỳ (tháng 7/1938), đại biểu do Mặt trận Dân chủ giới thiệu giành thắng lợi lớn. Điều rất quan trọng là qua cuộc vận động đã thúc đẩy không khí dân chủ trong nhân dân, phát huy ảnh hưởng của Mặt trận, đề cao uy tín của những người thật lòng vì dân, vì nước, tố cáo trực tiếp các chính sách không tôn trọng quyền dân chủ cơ bản, tối thiểu cúa các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động.
Đây là một chủ trương đầy sáng tạo, khẳng định sách lược của Đảng Cộng sản là đúng đắn, không tẩy chay nghị trường của thời kỳ trước đó khi tình hình chính trị đã thay đổi. Sự phối hợp đấu tranh trong các Viện dân biểu với những cuộc đấu tranh của quần chúng ngoài xã hội và đấu tranh trên báo chí là những đòn tấn công từ nhiều phía, nhiều mũi làm suy yếu và phân hóa kẻ thù, nâng cao trình độ giác ngộ của quần chúng.
Là cao trào của các cuộc đấu tranh giành quyền lợi của các tầng lớp nhân dân
Tiêu biểu là phong trào công nhân và lao động ở các đô thị đòi thành lập các hội ái hữu và bãi công diễn ra khắp cả nước. Đó là những cuộc bãi công của công nhân vùng mỏ (ngày 13/11/1936), công nhân vận chuyển và xay xát lúa gạo ở Sài Gòn - Chợ Lớn (ngày 29/2/1938), công nhân toàn tuyến đường sắt Nam Đông Dương (ngày 28/6/1937). Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua Mặt trận Dân chủ đã vận động, tổ chức một cuộc biểu dương lực lượng dân chủ tại Hà Nội mà đỉnh cao là cuộc mít tinh của trên 2 vạn người tại nhà Đấu Xảo (Hà Nội) kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1938. Tính kỷ luật của cuộc mít tinh cũng như những khẩu hiệu tranh đấu của các tầng lớp quần chúng phản ánh đầy đủ tầm vóc phát triển của Mặt trận Dân chủ Đông Dương, đúng như đánh giá của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Ngày đó thực sự là lớn và đối với Đông Dương, có thể nói là vĩ đại”5.
Đối với quốc tế
Nét nổi bật của phòng trào dân chủ là sự tích cực hưởng ứng các cuộc vận động quốc tế như: ủng hộ Mặt trận Nhân dân Pháp, nhân dân Tây Ban Nha, ủng hộ Trung Quốc chống phát xít Nhật, chống nguy cơ chiến tranh và chủ nghĩa phát xít.
Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội
Song song với hoạt động của báo chí, xuất bản là những cuộc vận động cải thiện điều kiện sống cho người nghèo. Đặc biệt và tiêu biểu nhất là phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ, được mở đầu từ năm 1938 và phát triển đến sau Cách mạng Tháng Tám.
Tổng kết công tác Mặt trận trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng, trong tác phẩm “Tự chỉ trích” đã phân tích bài học thất bại của Mặt trận Dân chủ trong cuộc vận động tranh cử vào Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ (tháng 4/1939) và khẳng định đường lối đúng đắn và những kinh nghiệm lớn của Đảng trong công tác Mặt trận ở giai đoạn này là:
1. Đảng chủ trương liên hiệp một cách thật rộng rãi mọi lực lượng, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo, dân tộc nhưng kiên quyết đấu tranh chống lại những lực lượng phản động, tay sai đế quốc, phát xít.
2. Trong khi chủ trương liên minh với các đảng phái thuộc tầng lớp trên, phải luôn coi trọng nền tảng là sự liên minh giữa các lực lượng quần chúng cơ bản, cô lập bọn phản động, tranh thủ mọi lực lượng tiến bộ và các phần tử lưng chừng, vạch mặt bọn phá hoại.
3. Với giai cấp tư sản, lực lượng vốn yếu và ít ảnh hưởng trong quần chúng, Đảng chủ trương liên minh với thái độ đúng mức, vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, luôn giữ vị trí và lập trường độc lập của mình. Liên minh với các tầng lớp trên, tuy có vị trí quan trọng, song điều cốt yếu quyết định thành bại của Mặt trận Dân chủ là đoàn kết được đông đảo các tầng lớp nhân dân, mà nền tảng là công, nông và lao động đông đảo.
Điều quan trọng trong chính sách Mặt trận Dân chủ là phải chỉ ra được kẻ thù chính của cách mạng ở giai đoạn cụ thể để tập trung lực lượng đấu tranh và phân hóa. Và trong khi đấu tranh đòi các quyền dân chủ thông thường không được quên mục tiêu cuối cùng.
Ngày 1/9/1939 Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, phong trào Mặt trận Dân chủ bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp. Do cơ sở còn yếu và không kịp đối phó, phong trào cách mạng tạm lắng và mất phương hướng.
Song, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Phong trào Mặt trận Dân chủ “để lại cho Đảng ta và Mặt trận Dân tộc ngày nay những kinh nghiệm quý báu. Nó dạy cho chúng ta rằng: Việc gì đúng với nguyện vọng nhân dân thì được quần chúng nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh và như vậy mới thật là một phong trào quần chúng. Nó cũng dạy chúng ta rằng: Phải hết sức tránh những bệnh chủ quan, hẹp hòi”6.
Nguyễn Túc
Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam
Chú thích:
1, 2. Văn kiện Đảng (1935-1939), Nxb. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Hà Nội,1977, tr.126, 136.
3, 4. Văn kiện Đảng (1930-1945), Nxb. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Hà Nội,1977, tr.126, 297.
5. Văn kiện Đảng (1930-1945), Nxb. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Hà Nội,1977, tr.335.
6. Văn kiện Đảng về Mặt trận Dân tộc Thống nhất, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 175.
Từ khóa » đảng Chủ Trương Thành Lập Mặt Trận Nhân Dân Phản đế đông Dương để
-
Những Chặng đường Lịch Sử Vẻ Vang Của Mặt Trận Dân Tộc Thống ...
-
LỊCH SỬ MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM
-
Mặt Trận Dân Chủ Đông Dương – Wikipedia Tiếng Việt
-
Sự Ra đời Của Mặt Trận Thống Nhất Dân Tộc Phản đế Đông Dương
-
Thành Lập Mặt Trận Thống Nhất Dân Tộc Phản đế Đông Dương
-
Tài Liệu Tuyên Truyền Kỷ Niệm 90 Năm Ngày Thành Lập Mặt Trận Dân ...
-
Mặt Trận Dân Tộc Thống Nhất Việt Nam Tiêu Biểu Của Khối đại đoàn ...
-
NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VẺ VANG VÀ ĐÓNG GÓP TO ...
-
Độc Lập Dân Tộc – Mục Tiêu Chiến đấu, Ngọn Cờ Tập Hợp Lực Lượng ...
-
[DOC] 18/11/2020) I. MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM RA ĐỜI
-
Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Là Sợi Dây Nối Liền Các Tầng Lớp Xã Hội ...
-
Mặt Trận Dân Tộc Thống Nhất: Biểu Tượng Của Khối đại đoàn Kết Toàn ...
-
Sự Hình Thành Phát Triển, Hoàn Thiện đường Lối Chiến Lược Cách ...
-
DẤU MỐC 90 NĂM THÀNH LẬP MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM