Độc Quyền Nghệ Sỹ: Nên Hay Không? - Công An Nhân Dân

Không tự nhiên mà lại trở thành ca sĩ độc quyền của công ty X, diễn viên độc quyền của hãng phim Y, phải có một yếu tố nào đó chứ, xinh chẳng hạn, hát hay chẳng hạn. Còn không xinh, diễn chỉ tàm tạm thì đương nhiên là phải nhờ đến "công nghệ lăng xê" rồi.

Chỉ mới tham gia một vài phim, chưa để lại ấn tượng gì nếu không nói là mờ nhạt, nhót một cái bỗng thành diễn viên độc quyền. Tại công nghệ lăng xê, tại các tay bút "khen dễ hơn chê" nữa chứ, những người có công rất lớn trong việc quyết định nghệ sĩ nọ có đến được với công chúng hay không. Có nghệ sĩ thành công hơn khi có công ty mẹ đỡ đầu, nhưng cũng có nghệ sĩ chìm nghỉm sau khi ký hợp đồng độc quyền của một công ty nào đó. Tài năng, nếu không biết khai thác và chăm sóc đúng cách, rất dễ gây hiệu ứng ngược.

Thực ra, ở các nước phát triển, công nghệ độc quyền nghệ sĩ chính là hình thức để "nặn sao", nhằm cạnh tranh với các hãng khác. Một nam ca sĩ đang lọt vào "tầm ngắm" độc quyền của hãng H mới chỉ đóng 1 phim, đang được đánh giá là triển vọng, có thể trở thành "cần câu cơm" của hãng trong nay mai.

Còn 5 gương mặt đã được hãng này ký hợp đồng độc quyền đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam thì chỉ có hai người tham gia đóng 1 phim, hai người chưa đóng phim nào, còn một người mới tham gia đóng 1 vai phụ. Trong vòng 3 năm, hãng này có nghĩa vụ phải "biến" 5 diễn viên này thành "sao", còn nếu không thành sao được thì hợp đồng có thể bị hủy bỏ đơn phương. Nghĩa là, tài năng của người nghệ sĩ không phụ thuộc vào bản thân người ấy (nghĩa là không biết đóng phim cũng không sao, hát chỉ tàm tạm cũng không sao) mà chủ yếu phụ thuộc vào cách thức lăng xê, công nghệ đào tạo của công ty độc quyền. Điều đó cũng có nghĩa là, nếu (nói dại), công ty mẹ sập tiệm, đồng nghĩa với việc nghệ sĩ độc quyền cũng biến thành "sao xẹt".

Công nghệ này có nhiều vấn đề đáng nói nếu một khi công ty độc quyền chỉ chăm chú đào tạo nghệ sĩ theo đường hướng vạch sẵn, để phục vụ thị hiếu của một bộ phận công chúng, mà không cho phép người nghệ sĩ được sáng tạo nghệ thuật thì nghệ sĩ khi ấy sẽ chỉ có thể trở thành những rôbốt kiếm tiền. Và nếu thành sao thật, còn nhiều điều đáng ngại hơn. Catse bỗng hét giá trên trời, coi đồng nghiệp như cỏ rác và không công ty nào độc quyền nổi.

Oai lắm! Này nhé, một "ông kễnh" đi đâu cũng có 4 vệ sĩ "xốc nách", được công ty mẹ cưng như trứng mỏng. Tuy "Nam tiến" chẳng nhiều bằng "Tây tiến", nhưng được cái có nhiều fan vì cao ráo, đẹp trai lại đánh trúng tâm lý các cô cậu bé mới lớn, tâm hồn mong manh dễ vỡ bằng các ca khúc chia ly, đau khổ.

Có hai cách để "hạ" những người nổi tiếng: Một là chụp mũ họ đến mức không thể ngóc đầu dậy bằng những bài viết thiếu tính xây dựng, hai là khen hết lời, khen đến nỗi người được khen tưởng mình đã là "số zach". Phần nhiều người cầm bút bây giờ chọn cách thứ hai.

Anh chàng ca sĩ độc quyền của công ty M này cũng thành công (ở một vài khía cạnh nhất định) nhờ công nghệ lăng xê, nhưng giá như anh không là ca sĩ độc quyền, có lẽ anh cũng sẽ không “chảnh” đến thế và cũng không bị bắt hát những bài gào thét, rên rỉ (mà chắc gì anh đã thích), trong khi trời phú cho anh một giọng hát khỏe mạnh. Công ty quản lý ca sĩ này hình như chỉ chú ý khai thác đến mảng "ăn khách, đắt sô" chứ chẳng hề quan tâm đến nghệ thuật hay những điều tương tự như thế. Bằng chứng là những ca khúc người ta "bắt" ca sĩ này hát chỉ rặt một thể loại chia ly, đau khổ mà những ca từ trần trụi đó rất được "sính" trong lưu bút của một số học trò, đôi khi trở thành câu cửa miệng hoặc châm ngôn sống của chúng: "Thà như thế, thà rằng như thế", "Đừng trách tôi tại sao tôi lại trở nên như thế, tôi không thật lòng nhưng cũng không dối lừa ai…". Thế mà cũng được một số cây bút đánh giá là "lời lẽ cá tính", "bộc lộ quan điểm rõ ràng"…

Còn nhớ, giải chung kết "Sao Mai điểm hẹn" diễn ra cách đây hơn 1 năm nhằm tìm kiếm những tài năng âm nhạc đích thực đã gây ấn tượng tốt với khán giả bởi chất lượng giải. 7 thí sinh lọt vào vòng chung kết có một gương mặt nam được đánh giá là rất triển vọng, hát hay và đẹp trai. Thế nhưng, bỗng nhiên anh chàng này "nhường chỗ" cho người khác và rút lui không kèn không trống. Sau này, giới "chuyên môn" mới giải thích rằng, anh vốn là ca sĩ độc quyền của bầu T, đã trót được bầu T lăng xê từ khi "áo vải chân đất" rồi, khi thấy anh sắp trở thành ca sĩ độc quyền trong 2 năm của Đài Truyền hình thì bầu T mới hoảng lên, o ép anh phải bỏ cuộc. Dưới sự độc quyền của bầu T một thời gian, chẳng ai còn biết đến anh, tên tuổi cũng mờ nhạt, thỉnh thoảng thấy hát lại nhạc của Duy Mạnh, trong khi bạn bè cùng thi "Sao Mai điểm hẹn" cứ phơi phới ra, xuất hiện đều đặn trên truyền hình trong các chương trình lớn.

Cũng là độc quyền, nhưng những ca sĩ như Mỹ Dung, Phương Anh, Tùng Dương, Kasim Hoàng Vũ đang phát huy tài năng của mình cũng bởi tài năng ấy được khai thác đúng hướng, phù hợp với chất giọng và phong cách từng người. Và, trở thành diễn viên độc quyền, sẽ hết cảnh chạy sô, chụp giựt, được dành thời gian nhiều hơn nghiên cứu nhân vật. Nhưng nếu các công ty mẹ đem nghệ sĩ độc quyền của mình ra với tư cách như một con mồi để câu nhử, đánh vào thị hiếu một bộ phận khán giả thì nghệ sĩ ấy mãi mãi sẽ chỉ như một công cụ kiếm tiền mà thôi. Ở khía cạnh thương mại thì thành công. Nhưng nếu làm nghệ thuật mà chỉ đếm tiền thôi thì hỏng!

Từ khóa » Thế Nào Là Ca Sĩ độc Quyền