Đối đãi Và Rốt Ráo | Đọt Chuối Non
Có thể bạn quan tâm
Chào các bạn,
Rốt cuộc rồi mình cũng có thể nói với các bạn lý do chính của mạt pháp.
“Mạt pháp” là chữ mình nghe từ hồi còn nhỏ, chẳng biết là mấy tuổi, và mình cũng hiểu mang máng đó là nói về đạo đức xuống cấp. Lớn hơn một chút, có lẽ là thời học triết ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, mình hiểu mạt pháp là sự xuống cấp của giáo pháp (the degeneration of Dharma), và đây là từ của Phật triết, và mạt pháp là nói về xuống cấp của Phật pháp.
Tuy nhiên, mình chẳng mất thời gian gì để thấy ngay là mọi tôn giáo đều đang ở thời mạt pháp như nhau, vì mọi tôn giáo – từ hàng tu sĩ đến giáo dân – đều tham sân si như nhau. Duy chỉ có Phật giáo là nghiêm chỉnh và khiêm cung nhất để xác nhận mình đang bị mạt pháp. Chẳng giáo pháp nào khác của thế giới thấy hay chấp nhận là mình đã xuống cấp, dù đã xuống cấp cả hàng nghìn năm, chẳng chỉ mới cách đây một tháng.
Dù mình hiểu mạt pháp là gì, chỉ cần nhìn vào tư duy và tác phong của người các giáo phái là biết ngay, nhưng bí mật vẫn là điều gì tạo ra mạt pháp. Nếu các bạn Google, có lẽ cùng lắm là các bạn tìm được một ít mô tả về mạt pháp là gì, nhưng có lẽ các bạn sẽ chẳng tìm ra lý do của mạt pháp. Một lý do, mà chẳng là lý do, ta có thể nghe nói là “vì thời này đã xa thời Phật đang hành đạo trên cõi ta bà này.” Nhưng đó chẳng là câu trả lời. Kiểu như “Mấy đứa con hư vì không có bố mẹ gần bên.” Yes, nhưng tại sao chúng nó hư? Vì chúng nó không chịu học? Không có tiền đóng tiền học? Chạy chơi theo mấy đứa du côn? What?
Sau nhiều năm, nhờ cố gắng thực hành lời Chúa Giêsu và Phật Thích Ca, mình đã khám phá ra lý do chính của mạt pháp.
Nhưng có một điểm quan trọng mình cần mở ngoặc ở đây để nhắc nhở các bạn. Các bạn, muốn học điều gì đến nơi đến chốn – tức là nắm được tinh yếu của môn học – thì các bạn phải học rất nghiêm chỉnh. “Rất nghiêm chỉnh” nghĩa là “bài học của thầy thế nào thì cứ như vậy mà thực hành cho đến khi thuần thục.” Câu này giản dị vậy, nhưng khi dùng thì hầu như cực kỳ ít người làm được.
Ví dụ: Thầy dạy là yêu mọi người. Đó là bài học: “Yêu mọi người”. Vậy thì ta phải “Yêu mọi người.” Mọi người là mọi người. Nếu không làm được, thì tập làm cho đến khi làm được. Đừng đổi thành “Yêu mọi người… tốt/cùng đạo/không gian tham/không ghét mình…” Đó là học không nghiêm chỉnh, và đó không phải là bài học của thầy, mà là bài học của bạn, cho bạn.
Điều này cực kì quan trọng cho sự học của bạn. Mình rất nhiều năm thắc mắc tại sao mình có nhiều bạn rõ ràng là thông minh hơn mình, hay ít nhất là bằng mình, lại học hành chăm chỉ siêng năng hơn mình, mà mình học thì thường trội hơn chúng hắn, và học càng lâu thì mình càng vượt chúng hắn rất xa. Đây là một bí ẩn làm mình rất áy náy nhiều năm, vì mình cảm thấy có gì đó unfair (thiếu công bình) cho các bạn của mình. Chẳng lẽ ông trời bất công, thiên vị cho mình và đì chúng hắn? Rất nhiều năm sau mình mới khám phá ra là ông trời chẳng thiên vị, mà đó chỉ là vì mình học rất nghiêm chỉnh – bài của thầy thế nào thì cứ thế mà làm, không đổi một ly, làm không được thì làm mãi cho đến khi làm được.
Các môn cực kì chính xác như toán hay vậy lý thì không nhúc nhích gì được, nhưng các môn thiên về nghệ thuật một chút như văn, sử, đến kinh tế, xã hội học, rồi đến triết lý, rồi tâm linh.. độ lỏng lẻo và uyển chuyển càng tăng thì học trò càng có khuynh hướng chỉnh bài học của thầy thành bài học của mình.
Và điều này đưa ta đến nguyên nhân chính của mạt pháp: Mọi tôn giáo đều bỏ lời của Thầy và chỉ học lời của họ cho chính họ.
Điểm gốc trong giáo huấn của Phật và Chúa là: Yêu tất cả mọi người vô điều kiện. Tức là từ tâm vô lượng. Tức là yêu mọi người, không loại trừ một người nào trên thế giới. Vô điều kiện là chẳng đòi hỏi gì ở mỗi người – tốt, đẹp, thánh thiện, tử tế, không ăn cướp, không giết người… Bất kì là ai, họ thế nào, thì cũng yêu họ. Đó là vô điều kiện. (Đôi khi mình thêm “một chiều” cho rõ ràng thêm, nhưng “vô điều kiện” thì đương nhiên là “một chiều” – không đòi chiều ngược lại).
Nhìn cách các tôn giáo tư duy và ứng xử trong thực tế, chẳng ai thực hành điều dạy này. Và họ đổi bài học, từ trong lý thuyết và giáo điều ra đến hành động trong cách sống hằng ngày, thành yêu có điều kiện.
Yêu có điều kiện là yêu tôi thì tôi yêu, ghét tôi thì tôi ghét. Yêu Chúa thì tôi yêu, ghét Chúa thì tôi ghét. Giữ đạo pháp thì tôi yêu, chống đạo pháp thì tôi ghét. Tốt với dân thì tôi yêu, không tốt với dân thì tôi ghét…
Yêu có điều kiện thế này thì sao, các bạn? Không phải yêu có điều kiện thì rất hợp lý sao?
Đương nhiên yêu có điều kiện thì hợp lý với lý lẽ của chúng ta. Nhưng có vài vấn đề ở đây:
1. Đó không phải là điều Thầy dạy. Thầy dạy yêu mọi người của thế giới, không chừa ai, vô điều kiện.
2. Chín tỉ người của thế giới, kể cả trẻ em, người ngu, người tâm thần, kẻ sát nhân, phường trộm cắp, đều yêu có điều kiện. Vậy một tôn giáo mà mọi người đều yêu có điều kiện, thì bạn đã học được gì? Tại sao “luyện tập trái tim” mình bằng chỉ làm điều mình vẫn làm xưa nay, và mọi người kể cả mọi tội phạm của thế giới cũng làm? Sao tốn thời giờ cả đời để luyện tâm kiểu “không luyện tâm chút nào”?
3. Đây là điều chính: Bạn không làm đúng lời Thầy, bạn tuyệt đối chẳng học được gì, cho cá nhân bạn và cho cả giáo phái của bạn.
Đó là lý do chính của mạt pháp. Thiên hạ không học yêu mọi người vô điều kiện, và tất cả, mọi cá nhân và mọi giáo phái, đều học và ứng xử kiểu đối đãi – tức là có qua có lại – yêu có điều kiện, yêu kiểu “hợp lý” của người thế gian.
Nhưng điều các Thầy dạy là trí tuệ từ Trời, từ Phật. Sâu thẳm hơn mọi lý lẽ thế gian.
Dù vậy mọi “đệ tử” vẫn vui vẻ, sung sướng, không ngượng ngùng, hăng hái bỏ lời Thầy, để thoải mái sống với bản tính tham sân si của mình xưa nay. Hơn thế nữa, yêu và ghét kiểu có qua có lại là giáo điều chính thức của hầu hết mọi giáo phái – kiểu phe Chúa chống phe Satan, phe Phật tử chống lại phe phá hoại giáo pháp…
Các bạn, nến bạn muốn sống kiểu phàm phu đối đãi, mình chẳng có gì thấy sai. Bạn hoàn toàn có quyền sống như thế. Nhưng nếu bạn sống như thế, thì please, hãy có một chút công bình cho Chúa/Phật, đừng mang tên Chúa/Phật ra để nói gì, đừng nói “Tôi theo Phật theo Chúa”, đừng nói “Đạo tôi thờ Chúa, thờ Phật” (trừ khi bạn nói chuyện kiểu: “Tôi nói tôi ‘thờ Chúa thờ Phật’ là vái lạy nhang đèn, tôi có nói tôi ‘học Chúa học Phật’ hồi nào đâu.”)
Tội nghiệp cho Chúa Phật quá đỗi. Mình thường rất đau lòng cho Chúa Phật, hầu như mình đau hằng ngày, vì thế nhân ngu dốt lạm dụng (abuse) hai vị kinh khủng quá.
Đây là vấn đề lựa chọn cá nhân. Các bạn chọn sống thế nào cũng được. Nhưng nếu các bạn chọn sống đúng như lời Chúa Phật dạy, thì nhớ là các vị dạy như thế không chỉ để bạn có Thiên đàng/Niết bàn trong lòng bạn, mà còn là để các bạn dạy nhiều người khác sống như thế để họ thoát được khỏi si mê của họ, và để chúng ta thêm một chút Thiên đàng vào thế giới ta bà nhiều đau khổ này.
Làm đẹp thế giới bằng làm đẹp trái tim con người, đó là điều ta làm khi ta làm đúng lời Thầy dạy.
Chúc các bạn luôn học rốt ráo lời Thầy.
Mến,
Hoành
© copyright 2019 Trần Đình Hoành Permitted for non-commercial use www.dotchuoinon.com
Share this:
- More
Related
Từ khóa » Sự đối đãi Là Gì
-
"đối đãi" Là Gì? Nghĩa Của Từ đối đãi Trong Tiếng Việt. Từ điển Việt-Việt
-
Đối đãi
-
Đối đãi Nghĩa Là Gì?
-
Nghĩa Của Từ Đối đãi - Từ điển Việt - Tratu Soha
-
'đối đãi' Là Gì?, Từ điển Tiếng Việt
-
Nghĩa Của Từ đối đãi Bằng Tiếng Anh - Dictionary ()
-
Từ Điển - Từ đối đãi Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
đối đãi - TỪ ĐIỂN HÀN VIỆT
-
ĐỐI ĐÃI - Nghĩa Trong Tiếng Tiếng Anh - Từ điển