“ Đôi điều Về Nghi Thức Bắt Tay”

Người xưa đã có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Thật vậy, lời chào không chỉ mang tính văn hóa, thể hiện phép tắc trong gia đình, xã hội mà còn thể hiện sự thiện chí, quý mến của người chào tới đối phương. Có rất nhiều cách thức để thể hiện lời chào như: Người Thái Lan đặt hai tay chụm vào nhau trước ngực cúi chào, người Trung Quốc hơi cúi đầu nhẹ và không nhìn thẳng vào mắt người đối diện để chào, đàn ông người Nga thường hôn lên tay phụ nữ thay lời chào... Như vậy mới thấy có rất nhiều cách để thể hiện lời chào tới đối phương. Nhưng ở đây, tôi muốn chia sẽ về “nghi thức bắt tay kèm theo lời chào”.

Có một câu nói nổi tiếng của bà Helen Keller - nhà văn người Mỹ. Bà tuy bị khiếm khuyết về thị giác và thính giác nhưng khi nói về cái bắt tay bà có một câu nói rất nổi tiếng: “Có những cái bắt tay khi tiếp xúc, tôi có cảm giác như khoảng cách giữa hai người xa vạn dặm. Nhưng cũng có những cái bắt tay tràn đầy ánh sáng, cái bắt tay của họ lưu lại cho tôi một cảm giác vô cùng ấm áp”. Bắt tay không đơn giản là một kỹ năng giao tiếp, mà nó còn là một cử chỉ văn hoá, một nghệ thuật và là một kỹ năng sống.

Đi kèm với đó là các yêu cầu, cách thức được đặt ra trong việc bắt tay.

Việc bắt tay thường diễn ra sau hoặc cùng với lời chào. Bắt tay bằng tay phải. Người bắt tay phải chủ động, dứt khoát, không nắm quá chặt, không xiết quá mạnh, không lắc quá nhiều, không giữ quá lâu (không được gây ngại cho người bắt tay). Ngược lại không nắm hững hờ, hời hợt. Trong trường hợp bắt tay những người đeo nhẫn, không để họ bị đau bởi cái bắt tay quá nhiệt tình của bạn.

Người được tôn trọng, ưu tiên bao giờ cũng được quyền đưa tay ra bắt tay trước, người ít được tôn trọng ưu tiên mới được đưa tay bắt tay. Người ít được tôn trọng, ưu tiên nên đưa cả hai tay và hơi ngả về phía trước khi bắt tay người khác. Trong trường hợp ngang hàng nhau, khi gặp nhau thường xử sự theo nghi thức sau:

- Nữ giới được chủ động đưa tay bắt tay với nam giới.

- Người được giới thiệu chủ động chào và bắt tay người khác.

- Khi đón khách, hay khi chia tay khách, chủ nhà chủ động đưa tay bắt tay khách để thể hiện sự thịnh tình, mến khách của mình.

Hình ảnh: Bắt tay trong giao tiếp hằng ngày

Đứng lên khi bắt tay. Khi bắt tay phải nhìn thẳng vào mặt người mình bắt tay (không nhìn đi chỗ khác). Cử chỉ, thái độ phải thể hiện phù hợp với mức độ quan hệ.

Bắt tay lần lượt từng người theo thứ tự đến trước, đến sau, người cao tuổi hơn, người có chức vụ cao hơn.

Không đứng trên cao chìa tay bắt tay người đứng dưới, trừ trường hợp cá biệt (người ngồi trên xe tiễn người ở dưới, hoặc trao thưởng cho người đoạt giải đứng trên bục).

Không nên bắt tay chéo nhau, bắt tay qua đầu, qua vai người khác, hoặc dùng cả hai tay bắt với hai người cùng một lúc.

Không cúi lưng hay cầm lấy cả hai tay của người đối diện khi bắt tay, không tỏ thái độ khúm núm.

Khi buông tay, không nên nhìn xuống dưới bởi nó được coi là dấu hiệu của sự phục tùng, hạ thấp bản thân.

Hãy nhớ rằng mục đích của bắt tay trong công việc là chào hỏi, tạm biệt, thể hiện sự chúc mừng hay nhất trí về một vấn đề gì đó. Vì thế, việc bắt tay và chào hỏi nên được thực hiện bằng sự ấm áp, thân thiện và chân thành nhất.

Từ khóa » Cái Bắt Tay Là Gì