Đôi Mắt Tả Phìn - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

  • Long lanh nắng Tả Phìn
  • Người lưu giữ “linh hồn” làng Dao Tả Phìn

Không được xoa đầu trẻ thì khó tránh nhưng cấm giơ ngón tay trỏ trước mặt người cùng uống rượu phải cố nhớ. Hoặc khi vào một nhà nào đó, không được ngồi chiếc ghế ở đầu bàn. Nếu muốn từ chối uống rượu mời thì lựa lời nói chứ không được úp bát xuống... Nghe ù cả tai.

Những cô bé thôn Sé Séng

Vào giữa tháng 10, thôn Sé Séng ở độ cao 1.600m lạnh buốt như kim châm, mặc dù có lúc trời nắng. Đây là trung tâm của khu du lịch Tả Phìn. Sé Séng là một thung lũng rộng nhưng đường đi lối lại chênh vênh với những tảng đá đen rất lạ mắt. Chợt có những áng mây tràn xuống thung lũng làm Tả Phìn mờ mịt trong sương khói. Đôi môi tôi như có những sợi mây đọng lại. Hơi nước lạnh giá run run cánh mũi.

Ấy thế rồi nắng lại bừng lên. Một bình minh dịu dàng khác chiếu rọi thung lũng trong vắt. Đúng lúc đó, từ xa những cô bé người Dao chạy tới chào hỏi ríu rít như tiếng chim hót vậy. Đó chính là những cô bé bán đồ lưu niệm bằng thổ cẩm từ sáng sớm. Chúng hồ hởi mời xem hàng. Một cô bé nói với tôi cứ xem không thích thì trả lại chứ không bắt mua. Tôi hỏi tên thì chúng tranh nhau trả lời.

Mãi tôi mới nhớ được hai tên trong số đó là Lý Mán Mẩy và Chảo Lở Mẩy. Sau đó, một cô bé lũn cũn đến làm quen và xưng tên là Lý Tao Mẩy. Tất cả sàn sàn tuổi 15, vui tươi nhí nhảnh. Thế rồi, chúng quên cả bán hàng, vội dắt chúng tôi đi thăm hang Tả Phìn. Chúng còn dọa vào hang có ma đấy. Sợ lắm!

Các cô gái vùng cao ở Tả Phìn: Chảo Lở Mẩy, Lý Mán Mẩy và Lý Tao Mẩy.

Quả nhiên, đường vào hang Tả Phìn tối om. Cả ba cô bé chỉ đứng ở cửa hang chờ. Dẫn tôi xuống hang là hai cậu bé cầm đèn rọi đường. Lần mò theo ánh đèn nhấp nháy một chặng đường dài, tôi bất ngờ thấy vòm hang lớn thật kỳ lạ. Một thế giới thạch nhũ hiện ra muôn hình vạn trạng. Chùm nhũ đá rủ xuống như suối tóc người con gái. Còn kia là con mắt tròn to đang ngước nhìn lên cửa hang. Xung quanh có những cột đá vôi thẳng tắp như muốn chống vòm hang lên.

Hun hút phía trong là lớp nhũ đá xếp giống hình những cô tiên giáng trần mờ ảo dưới ánh sáng chập chờn chiếu từ trên cao. Những giọt nước tí tách rơi xuống vũng nước nhỏ. Những cậu bé dẫn tôi đi tiếp vào một ngách hang nhỏ. Tất cả lại tối om. Tôi chống tay sang hai bên vách hang đi trong cơn gió hút. Cứ thế tôi đi theo tiếng cười của hai đứa trẻ.

Phải tới mươi phút sau, đường ngách lấp ló có ánh sáng chiếu vào. Bất ngờ, một cửa đá hiện ra. Tôi lách người theo bọn trẻ. Thì ra chúng tôi đã lên tới lưng chừng vách núi. Một cảm giác bừng lên khó tả, tôi vội la lên mấy tiếng mới học được trước khi lên đây:

- Pường tọi...! Pường tọi...! (Xin chào...! Xin chào...!).

Hóa ra như không hẹn mà gặp lại. Ở dưới chân núi, ba cô bé người Dao đã đón chờ tôi. Một tiếng hát từ dưới bản vọng lên ngọt ngào như suối chảy. Khi tôi hỏi cô bé Lý Tả Mẩy về lời bài hát thì được giải nghĩa rằng: “Khi em gặp anh, em nghĩ rằng mình đã có duyên gặp nhau. Điều may mắn nhất của em là được cùng anh hát điệu giao duyên. Và em thấy lòng mình có cánh bay lên...”.

Nói rồi, Lý Tả Mẩy liếc mắt nhìn tôi. Một đôi mắt trong veo. Nắng nghiêng nghiêng long lanh trong đôi mắt tròn to. Tôi chợt nhìn lên cao. Một mái nhà thờ cổ hiện lên từ phía xa. Những cây đào nở sớm hồ hởi một màu tươi hồng thắm như đôi môi cô gái người Dao. Mây tan hẳn nhưng vẫn để lại một tấm voan mỏng tang ôm trùm lấy thiên nhiên ngan ngát hương hoa.

Say bên nhà thờ cổ

Hóa ra Tả Phìn không chỉ có những con đường với ruộng bậc thang vàng ươm dưới những áng mây bay mà còn một nét cổ kính đến mê hoặc lòng người. Một tu viện cổ đã đổ nát với thời gian. Ngôi nhà thờ rêu phong như một dấu ấn Tả Phìn hoang vu môt thuở. Đây là nơi ở ẩn của 12 nữ tu sĩ đạo Ki tô lưu lạc từ nước Nhật trở về năm 1942. Họ là những người theo lối sống khổ hạnh, nguyện một lòng tu thân tích đức.

Những nữ tu sĩ này có nhiệm vụ truyền giáo và cứu rỗi sám hối cho con người. Ban đầu họ đến đây chỉ được ở một ngôi nhà gỗ bên cạnh Trạm nghiên cứu giống cây ăn quả Tả Phìn. Tu viện sau đó được xây dựng và những nữ tu sĩ đã làm thêm công việc nghiên cứu giống quả ở đây. Thật đáng nhớ, họ đã phổ biến kỹ thuật canh tác cho người Dao đỏ về các loại rau và nho.

Tu viện còn sản xuất ra các loại mứt táo, mứt đào và nhiều loại hoa quả tươi trong vùng. Đặc biệt, các nữ tu sĩ đều có trình độ học vấn và nghiên cứu kỹ thuật nông nghiệp. Họ còn nhận những đơn đặt hàng mua hoa quả từ Hà Nội. Tả Phìn trở thành địa chỉ cung cấp các loại hoa quả tươi chính cho thị trấn Sapa trong mấy năm liền.

Một góc nhà thờ cổ.

Nhưng, do chiến tranh loạn lạc từ những năm 1945 đến 1947. Các nữ tu sĩ đã rời tu viện Tả Phìn đi đâu không rõ. Chính vì thế, tu viện cổ giờ trở thành địa chỉ du lịch văn hóa của xã Tả Phìn. Bên cạnh đó, trung tâm cộng đồng rộng hơn 600 mét vuông tại thôn Sé Séng tạo nên nơi hội tụ sầm uất của du khách cùng với người dân quanh vùng đổ về. Những phiên chợ hoạt động hằng ngày.

Người Dao đón khách bằng rượu thóc rất độc đáo mà ít dân tộc khác có được. Một thứ men lá ngọt dịu làm say lòng người. Độ êm như mơ. Mây trời như mộng. Tôi nghe nói, người Dao đỏ ở đây mến khách lắm, luôn luôn mời rượu. Vào đúng ngày lễ hay cưới xin thì thôi rồi. Không uống không được. Uống từ khi gặp mặt cho tới khi ra về. Say gục xuống bàn mới thôi.

Những điệu “Tết nhảy”

Rượu đã giữ chân tôi không thể rời Tả Phìn. Mấy cô ríu rít kéo nhau vào gian vải thổ cẩm. Họ đang chuẩn bị cho cái tết sắp đến. Cô bé Lý Mán Mẩy vồn vã kể chuyện người Dao đỏ có tới 50 điệu nhảy huyền bí. Học nhảy cả một đời mới thành thục.

Hiện, những bạn trẻ chỉ thành thạo 14 điệu nhảy cổ truyền. Riêng điệu “Tết nhảy” bao giờ cũng diễn ra vào một ngày đầu năm. Nhưng phải nói màn nhảy tắm than sau đó mới thật sự hoang dã, sống động trong nhịp điệu rừng núi. Lý Mán Mẩy căng tròn đôi mắt như đang nhập cuộc vào cuộc nhảy.

Cô kể đến phần con cháu nhảy quanh đống lửa, sau đó dùng tay hất tung than hồng lẫn tàn tro lên người. Đó là điệu tắm than. Những hòn than và tro nóng không làm cho các bạn trẻ lo sợ. Họ vui cười bởi đó là sự thể hiện sức mạnh của con người khi được thần linh chở che. Con người sẽ vượt qua chế ngự của thiên nhiên và chiến thắng mọi hiểm nguy.

Vạt nắng cuối cùng nhuộm vàng sườn núi. Đôi mắt cô bé long lanh hay hoàng hôn Tả Phìn mênh mang. Men rượu vẫn lâng lâng trong tâm hồn tôi. Một đám mây sà xuống bãi cỏ. Bước chân tôi bồng bềnh trong đám sương mờ ảo dâng đầy trong thung lũng Tả Phìn.

Từ khóa » Bọ Cánh Cam Tả Phìn Hồ