ĐÔI NÉT VỀ ĐÀI PHÁT THANH GIẢI PHÓNG MIỀN NAM TRONG ...

ĐÔI NÉT VỀ ĐÀI PHÁT THANH GIẢI PHÓNG MIỀN NAM TRONG NĂM ĐẦU THÀNH LẬP

ThS. Nguyễn Thị Hiền PTP. QLĐT & NCKH

Sau Đồng Khởi năm 1960, tình hình cách mạng ở miền Nam Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới, đó là kiên trì con đường bạo lực cách mạng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Song song với đấu tranh vũ trang là đấu tranh chính trị trên mọi mặt. Đáp ứng yêu cầu cấp thiết của chiến trường miền Nam về vận động tuyên truyền, Đài Phát thanh Giải phóng miền Nam được thành lập (1962 - 1976), nhằm thực hiện vai trò là một trong những vũ khí đấu tranh chính trị trong công cuộc kháng chiến ở miền Nam Việt Nam.

Để cho Đài Phát thanh Giải phóng ra đời, Bộ Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam đã cử những cán bộ giỏi, trung thành, am hiểu địa bàn vào chiến trường miền Nam xây dựng Đài. Những lớp cán bộ đi đầu là các đồng chí Vũ Đường (tức Thanh Nho), Huỳnh Minh Lý (tức Ba Nhi), Hồ Vĩnh Thuận (sau là Phó Giám đốc Đài HTV), Phạm Châu Lập, Nguyễn Khắc Cần… Đồng thời Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã gửi một số đèn công suất, máy phát sóng 01 Kw tháo rời để tiện đi theo con đường mật của Ban Thống nhất Trung ương vào chiến trường những năm 1960 - 1962. Đây là những nhà báo - lớp cán bộ đi B đầu tiên của Đài Đài Tiếng nói Việt Nam, mở đầu cho các nhà báo sau này tiếp tục lên đường vào Nam theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc phục vụ kháng chiến. Ban đầu ta định đặt trụ sở Đài tại vùng Lò Gò - Bến Tà Nốt, đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông (Tây Ninh). Tuy nhiên, do địch sử dụng con đường sát căn cứ với âm mưu chia cắt vùng giải phóng, Mặt trận Trung ương đã quyết định chuyển trụ sở Đài vào vùng Mã Đà, chiến khu Đ (Đồng Nai).

Ngay buổi phát đầu tiên của Đài Phát thanh Giải phóng, Bộ Công dân vụ chính quyền Sài Gòn đã bắt được, và chỉ thị cho Nha Tổng Giám đốc Thông tin tìm cách phá hoại hoạt động của Đài. Chính Quyền Sài Gòn đã nhanh chóng sử dụng kỹ thuật phá âm của Mỹ để phá các lần phát sóng của ta. Chỉ trong vòng 10 ngày sau lần phát sóng đầu tiên, Nha Tổng Giám đốc Thông tin phía địch đã làm nhiễu hoàn toàn làn sóng của Đài Phát thanh Giải phóng phát về phía khu vực Sài Gòn.

Với kỹ thuật ban đầu còn yếu kém, Đài Phát Thanh Giải Phóng gặp rất nhiều khó khăn khi hoạt động, nay lại bị kẻ thù theo dõi sát và tìm mọi cách chặn phá, quấy nhiễu, làm cho các chương trình phát của Đài bị gián đoạn liên tục trong năm đầu phát sóng.

Tuy nhiên, với tinh thần kiên định, Ban Giám Đốc Đài và các biên tập viên vẫn làm việc không ngưng nghỉ. Đài Phát thanh Giải phóng vẫn duy trì hoạt động đều đặn. Và tất nhiên, mỗi làn sóng, mỗi tin tức được phát đi trên Đài Giải phóng đều làm cho Chính quyền Sài Gòn “điên đầu”. Các chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Công Dân vụ Việt Nam Cộng hòa ban hành liên tục yêu cầu Nha Tổng Giám đốc Thông tin và Nha Bưu điện phải liên tục theo dõi và tìm mọi cách chặn phá hoạt động của Đài. Chính vì thế, đến tháng 11/1962, tức là 10 tháng sau ngày phát sóng lần đầu tiên, làn sóng của Đài Phát thanh Giải phóng lại bị gián đoạn. Tờ trình số 2771/VP/MĐ/M, ngày 3/12/1962 của Tòa Đại biểu chánh phủ tại miền Đông Nam phần gửi Tổng tống Việt Nam Cộng hòa cũng có báo cáo: “Bỗng nhiên từ ngày 10/11/1962, Thiểm chức không còn thấy đài này hoạt động nữa. Chính ông Tỉnh trưởng Gia Định cũng có theo dõi các buổi phát thanh trên đây và cũng nhận thấy sự ngưng hoạt động của đài này kể từ 10/11/1962 đến giờ”[1].

Trong cuộc chiến đấu với hoạt động phá hoại của kẻ thù, Đài Phát thanh Giải phóng thường xuyên phải thay đổi tần số phát thanh, thời gian phát thanh. Đến cuối năm 1962, qua báo cáo của Chính quyền Sài Gòn, bên cạnh Đài Phát thanh Giải phóng, còn xuất hiện thêm các nhóm đài khác thuộc hệ thống như nhóm Đài viên chuyên về phát tín hiệu điện tín (graphie), còn Đài Phát thanh Giải phóng thì chuyên về phát thanh (phonie).

Sau một năm đi vào hoạt động, Đài Phát thanh Giải phóng đã có nhiều đóng góp trong công cuộc tuyên truyền vận động tại miền Nam. Chính quyền Sài Gòn đã nhận thấy rằng, Đài Phát thanh Giải phóng cùng với những đài khác của Cộng sản như Đài Bắc Kinh, Đài Mạc Tư Khoa (Liên Xô), Đài Hà Nội đã có nhiều ảnh hưởng sâu rộng đến quần chúng nhân dân. Mặc dù, bị chúng đánh phá bằng mọi cách, từ phá âm đến phá cơ sở, nhưng những con người công tác của Đài vẫn miệt mài làm việc. Chính vì thế, Đài Phát thanh Giải Phóng vẫn không ngừng phát sóng. Tài liệu của Bộ Nội Vụ VNCH ngày 19/4/1963 là minh chứng cho sự sống bền bỉ của nhà Đài, tài liệu này báo cáo về hoạt động của Đài Giải phóng như sau: “Đài Giải phóng (phonie), phát trên làn sóng 30th50 và 40th50; đài Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (LPA), làn sóng 33, 52th; đài Mặt Trận Giải Phóng Miền Đông (KIG), làn sóng 55th; đài Mặt Trận Giải phóng Miền Tây (POR), làn sóng 53th63; Mặt trận Giải phóng Miền Trung (GPR), làn sóng 53th70; đài Mặt Trận Giải Phóng Saigon – Chợ lớn (GFK) 52th70”[2].

Dù kẻ thù cất công tiêu diệt, phá hoại, nhưng chúng vẫn phải công nhận rằng chúng không thể kiểm soát hết được các làn sóng mới, tần số mới, thời gian phát mới và nhất là các đài mới thành lập. Các tài liệu của chính quyền Sài Gòn còn lưu giữ đã cho thấy điều đó. Tài liệu của Bộ Nội vụ chính quyền Việt Nam Cộng hòa ngày 19/4/1963 đã nhận định rằng: “Tổng Nha Cảnh Sát Quốc gia và Nha Vô Tuyến Truyền Thanh hiện nay không có đủ phương tiện về máy móc và chuyên viên cần thiết để có thể theo dõi và khám phá được hết các Đài phát thanh của địch”[3].

Như vậy, một năm đầu sau khi thành lập, Đài Phát thanh Giải phóng đã vượt qua được những khó khăn của buổi đầu để phục vụ cách mạng và nhân dân miền Nam. Trong cuộc chiến đấu với kẻ thù có nhiều thế mạnh về kỹ thuật, Đài vẫn kiên cường bất khuất để không làm gián đoạn quá lâu thời gian phát sóng. Để chống lại mưu mô và hành động phá nhiễu của kẻ thù, sự sáng tạo của Đài luôn luôn được phát huy trong việc thay đổi tần số, thời gian và thời lượng phát sóng. Trong năm đầu thành lập, Đài Phát thanh Giải phóng đã truyền đạt nhanh nhạy nhất các chủ trương, chỉ thị của Trung ương Đảng, Chính phủ đến các cấp, ngành, các chiến trường và nhân dân miền Nam qua làn sóng điện, ít nhiều góp sức vào công việc tuyên tuyền ủng hộ Quân Giải phóng và đã kích chế độ Ngô Đình Diệm độc tài chuyên chế./.

[1] Theo dõi các đài phát thanh của Việt cộng và phản động năm 1962-1963, hồ sơ 8137, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, tờ 19.

[2] Theo dõi các đài phát thanh của Việt cộng và phản động năm 1962-1963, hồ sơ 8137, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, tờ 35.

[3] Theo dõi các đài phát thanh của Việt cộng và phản động năm 1962-1963, hồ sơ 8137, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, tờ 35.

Từ khóa » đây Là đài Phát Thanh Giải Phóng