Thành Viên:LuanNguyen (MA)/Đài Phát Thanh Giải Phóng - Wikipedia

"Đây là Đài Phát thanh Giải phóng, tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam"[1]

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong cuộc Kháng chiến trường kỳ, ác liệt chống Mỹ cứu nước cách nay vừa tròn 50 năm có sự góp công to lớn, trong đó có hi sinh máu xương của những người lính "chiến đấu” qua làn sóng phát thanh cho khát vọng "giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.

"Sức mạnh” đặc biệt giữa lòng cuộc chiến

Cho đến tận hôm nay, khi cuộc chiến đã lùi xa gần 37 năm nhưng nhiều người Mỹ vẫn không thể lý giải được nguyên do vì sao họ phải chịu thất bại thảm hại tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Đã có nhiều cuốn nhật ký của cựu quân nhân Mỹ xuất bản sau năm 1975 được công bố, trong đó phân tích các lý do được cho là nguyên nhân đưa đến thất bại của Mỹ, tuy nhiên số ít nhận ra một sức mạnh đặc biệt hơn cả – Đó là truyền thông và báo chí cách mạng Việt Nam. Nhờ sự đùm bọc của cuộc "chiến tranh nhân dân”, những "vũ khí bí mật” của người Việt suốt một thời gian dài được che chở và phát triển ngay cả khi cuộc chiến bước vào những thời điểm ác liệt nhất. Cho đến sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nhiều tài liệu liên quan đến mạng lưới báo chí, phát thanh cách mạng hoạt động bí mật tại Sài Gòn – Gia Định bấy giờ mới dần hé lộ.

Theo những tài liệu mà Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh còn lưu giữ, ngày 1-2-1962 là mốc thời gian đánh dấu sự kiện buổi phát thanh đầu tiên của Đài Phát thanh Giải phóng - tiếng nói chính nghĩa của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) và sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chính thức được phát sóng tại một địa điểm bí mật thuộc căn cứ Mã Đà - chiến khu Đ. Nhiều chiến sĩ – Nhà báo Đài Phát thanh Giải phóng sau này đã kể lại cảm xúc dạt dào khi lắng nghe nhạc hiệu bài "Giải phóng Miền Nam” (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước) ngân lên, sau đó là giọng truyền cảm của hai Xướng ngôn viên Xuân Việt và Thành Kỉnh: "Đây là Đài phát thanh Giải phóng – Tiếng nói của MTDTGPMNVN”. Trải qua 14 năm 7 tháng tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh, Đài vẫn duy trì phát 10 tiếng mỗi ngày bằng 5 thứ tiếng: Việt, Pháp, Anh, Hoa và Khmer nhằm phục vụ đồng bào, chiến sĩ, phát qua phía đối phương và truyền đi nhiều nơi trên thế giới. Trong giai đoạn từ 1962 - 1975, để sóng phát thanh không bị gián đoạn trong điều kiện chiến tranh ác liệt, lực lượng kỹ thuật viên, nhân viên, bộ đội đã hoạt động tích cực để bảo vệ trang thiết bị phát thanh, phát sóng, đầu thu, máy ghi âm,... Một số giai đoạn, toàn bộ cơ sở Đài buộc phải dời về căn cứ tại đầu nguồn sông Vàm cỏ Đông thuộc tỉnh Tây Ninh để hoạt động. Có đợt, chỉ một tuần lễ, hơn 100 tấn thiết bị vượt 200km qua các quốc lộ 13, 14 và đường sông Sài Gòn (tất cả đều tuyệt đối bí mật) để đến điểm lắp đặt mới. Trong điều kiện khó khăn như vậy nhưng các "chiến sĩ” Đài phát thanh Giải phóng luôn cố gắng, các tin tức nóng hổi từ các chiến trường luôn được hoàn thành và tổng hợp vào 21 giờ hàng ngày để thu, phát trên đài.

Đánh giá về vị trí, vai trò của Đài Phát thanh Giải phóng trong giai đoạn này, cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (lúc đó là Bí thư Trung ương Cục) đã nhận định: "Trong điều kiện khó khăn của kháng chiến, báo chí bị hạn chế, Đài có tác dụng rất lớn: một mặt nâng cao giác ngộ cách mạng, phát huy lòng yêu nước, truyền thống anh hùng, bất khuất nhân nghĩa của tổ tiên ta, một mặt vạch trần các âm mưu gian xảo, tố cáo các hành động dã man của quân xâm lược, trò hề mỵ dân của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, động viên toàn dân chung sức chung lòng, đóng góp mọi khả năng để cứu nước, cứu nhà và cứu mình”. Ngày nay, khi nhắc tới những người lính thầm lặng qua làn sóng phát thanh, nhiều thế hệ cán bộ, phóng viên, phát thanh viên của Đài Phát thanh Giải phóng còn nhắc tới đóng góp của những cây bút sắc sảo đã gây tiếng vang lớn như Nguyễn Chí Thanh (bút danh Trường Sơn); Hoàng Văn Thái (bút danh Nam Hải); Trần Bạch Đằng (bút danh Đại Nghĩa); Nhà báo Đinh Phong,...

Cùng với việc thành lập Đài Phát thanh Giải phóng tại miền Nam (gọi tắt là Đài B), tới tháng 4-1962, Đài Phát thanh Giải Phóng tại Hà Nội cũng chính thức được phát sóng (Đài A), đã hỗ trợ hiệu quả cho Đài B trong điều kiện miền Nam bị đánh phá ác liệt cả về nội dung và trang thiết bị kỹ thuật. Nhờ vậy mà làn sóng của Đài Phát thanh Giải phóng đã lan rộng khắp nơi, tới tận nước Mỹ - nơi phong trào phản chiến dâng cao và đến cả Paris - nơi diễn ra hội nghị 4 bên về vấn đề Việt Nam. Sự phối hợp nhịp nhàng của 2 Đài trong giai đoạn này đã tạo ra mũi tiến công sắc bén, hết sức quan trọng cho thắng lợi cuối cùng của quân và dân ta trên các chiến trường. Điều đặc biệt là trong số hơn 400 người công tác tại Đài A từ 1962 chủ yếu là người miền Nam tập kết – Họ ngày đêm làm việc không ngơi nghỉ theo tiếng gọi thiêng liêng "Vì miền Nam ruột thịt thân yêu, mỗi người làm việc bằng hai” và "Tiền tuyến lớn kêu gọi hậu phương lớn sẵn sàng”.

"Tiếng nói của nhân dân Sài Gòn – Gia Định”

Ngày 30-4-1975, vào lúc 11 giờ 30 phút trưa đã đánh dấu một sự kiện trọng đại: Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện qua làn sóng Đài Phát thanh Sài Gòn. Ngay sau đó, ông Thanh Nho (nguyên Giám đốc Đài sau này), cùng đoàn cán bộ, phóng viên, biên tập viên và công nhân kỹ thuật tiền phương của Đài Phát thanh Giải phóng từ Chiến khu Lò Gò (Tây Ninh) đã nhanh chóng tiến về Sài Gòn và tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn, đổi tên thành Đài Phát thanh Sài Gòn Giải phóng. Tiếp đó, buổi phát sóng đầu tiên tại Sài Gòn đã được thực hiện vào đúng 6g sáng ngày 1-5-1975, với những thanh âm dõng dạc, hòa vào niềm vui toàn thắng của nhân dân các tỉnh Nam Bộ và cả nước: "Đây là Đài Phát thanh Sài Gòn Giải phóng - Tiếng nói của nhân dân Sài Gòn - Gia Định”. Trong chương trình phát thanh lịch sử ấy, các phóng viên Hồng Thắng, Lê Long, Huỳnh Sơn Phước; các phát thanh viên Hữu Phước, Thanh Liêm của Đài Phát thanh Giải phóng là những người trực tiếp tham gia, đồng thời là nhân chứng lịch sử nay đã nghỉ hưu. Sau đó, tháng 7-1976, Đài được đổi tên thành Đài Tiếng nói Nhân dân TP.Hồ Chí Minh (VOH).

Ông Ngô Hoài Nam – Trưởng Ban Khoa giáo Đài VOH chia sẻ, tiếp nối truyền thống cách mạng của các thế hệ nhà báo lão thành, thời gian qua VOH đã liên tục đổi mới chương trình, tăng cường tính giao lưu, tương tác với thính giả, nội dung ngày càng bám sát đời sống xã hội và nhu cầu bức thiết của nhân dân; tạo "cầu nối” quan trọng giữa Đảng, chính quyền với đồng bào thành phố Hồ Chí Minh.

Nhìn lại chặng đường 50 năm hình thành và phát triển, với hơn 14 năm hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt nhất của cuộc chiến giải phóng dân tộc và gần 37 năm khôi phục đất nước sau chiến tranh, Đài Phát thanh Giải phóng – Đài Tiếng nói Nhân dân TP.Hồ Chí Minh luôn đi đầu trên trận tuyến văn hóa tư tưởng, góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như những thành tựu đổi mới của thành phố và đất nước.

(Bài gốc của báo Đại Đoàn Kết hiện được lưu trữ tại Nxb Hà Nội, của tác giả - Thạc sĩ văn hóa, Nhà báo Nguyễn Thành Luân, hiện công tác tại báo Đại Đoàn Kết. Links xem thêm: http://nxbhanoi.com.vn/chi_tiet_tin/tabid/204/cateID/22/artilceID/6783/language/vi-VN/Default.aspx)

  1. ^ Nguyễn, Thành Luân (báo Đại Đoàn Kết). “Kỷ niệm 50 năm thành lập Đài Phát thanh Giải phóng (1962 – 2012): 50 năm khát vọng non sông”. Chú thích có tham số trống không rõ: |dead-url= (trợ giúp)

Từ khóa » đây Là đài Phát Thanh Giải Phóng