Đồng Chí Tô Hiệu - Người Chiến Sĩ Cộng Sản Kiên Trung

Nhà cách mạng Tô Hiệu và cây đào liệt sĩ đã trồng tại Nhà tù Sơn La. Ảnh tư liệu.

Lãnh đạo, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, khôi phục hệ thống tổ chức đảng và phong trào cách mạng

Đồng chí Tô Hiệu (1912-1944) là một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, tích cực hoạt động tuyên truyền, vận động phát triển cơ sở và phong trào cách mạng, đóng góp quan trọng tạo nên những trang vàng lịch sử cách mạng Việt Nam.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, hiếu học ở một vùng quê giàu truyền thống văn hiến, anh hùng, đồng chí Tô Hiệu cùng bạn bè và nhiều người thân tham gia các hoạt động cách mạng rất sớm. Ngay từ năm 1926, khi 14 tuổi, là học sinh trường tỉnh Hải Dương, Tô Hiệu đã hăng hái tham gia các phong trào yêu nước, tham gia bãi khóa, để tang cụ Phan Chu Trinh, đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu đến các phong trào yêu nước của các chí sỹ Hà Nội... Khi được kết nạp vào Học sinh đoàn - một tổ chức của Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng, Tô Hiệu tham gia tuyên truyền, vận động kết nạp người vào các đoàn thể quần chúng, dự mít tinh, biểu tình, tổ chức phát truyền đơn, treo cờ, giăng biểu ngữ, dán áp phích vào những ngày lễ hội hay ngày kỷ niệm. Với sự hoạt động tích cực, Tô Hiệu đã được tổ chức đưa vào tổ thanh niên xích vệ, có nhiệm vụ bảo vệ những cuộc mít tinh, biểu tình, bảo vệ các đồng chí cán bộ diễn thuyết.

Năm 1930, sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng thất bại, thực dân Pháp khủng bố, đàn áp dã man tất cả các phong trào yêu nước. Nhiều đồng chí cán bộ cách mạng bị bắt. Tô Hiệu bị mật thám theo dõi gắt gao, đã theo người anh ruột Tô Chấn, một lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân Đảng lúc ấy, vào Nam hoạt động. Sau kế hoạch ám sát hai viên Toàn quyền Pháp và Toàn quyền Hà Lan không thành, Tô Hiệu, Tô Chấn và một số người khác đã bị thực dân Pháp bắt. Tô Hiệu lúc ấy mới 18 tuổi, đã bị chúng kết án “4 năm tù giam và phạt 50 đồng vì tội gia nhập tổ chức bí mật và có hành vi bạo lực”, đày đi Côn Đảo.

Chính từ đây, Tô Hiệu được sống cùng các người tù cộng sản, được giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin và đi theo ngọn cờ của Đảng. Thông qua hoạt động thực tiễn và sự giúp đỡ của các nhà cách mạng (như Phạm Hùng, Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng…), Tô Hiệu đã chuyển biến nhận thức sâu sắc, từ người đảng viên của Việt Nam quốc dân Đảng trở thành người cộng sản kiên trung, chính thức trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 20 tuổi.

Năm 1934, Tô Hiệu mãn hạn tù trở về, nhưng bị thực dân Pháp quản thúc tại làng quê Xuân Cầu (xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Lao tù và sự quản thúc gắt gao của kẻ địch không thể lay chuyển ý chí người cộng sản, Tô Hiệu tiếp tục gây dựng phong trào cách mạng, không ngừng tổ chức các hoạt động nâng cao dân trí, dân sinh, lập ra “Hội Nông dân tương tế”, vận động thành lập thư viện và bí mật tuyên truyền đọc sách báo của Đảng tại nhà anh Nguyễn Phùng. Nhà thân mẫu đồng chí Tô Hiệu cũng là một cơ sở cách mạng tin cậy của Đảng, đã nuôi giấu nhiều cán bộ trong Xứ ủy Bắc Kỳ như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu... Đặc biệt, đồng chí Tô Hiệu trực tiếp vận động bà con và người làm ăn xa góp công, góp của xây dựng Trường Kiêm Bị Xuân Cầu, một hình thức trường tiểu học chỉ có ở huyện lúc ấy. Sự kiện thành lập Trường Kiêm Bị Xuân Cầu đánh dấu bước phát triển mới của phong trào vận động cách mạng tại địa phương, chắp cánh ước mơ được học hành, nâng cao dân trí. Bọn mật thám thực dân, hào lý trong làng tuy biết Tô Hiệu tổ chức các hình thức hoạt động cho thanh niên là nhằm tuyên truyền giác ngộ cách mạng nhưng không thể làm gì cản trở được…

Cũng trong thời gian này, Tô Hiệu đã bí mật tuyên truyền, vận động quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng và phát triển Đảng. Năm 1936, vượt qua sự bao vây, phong tỏa của địch, Tô Hiệu đã cùng với các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và nhiều đồng chí khác xây dựng lại hệ thống tổ chức đảng và chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng đòi dân sinh, dân chủ ở Hà Nội và vùng phụ cận. Tháng 2/1939, được Trung ương phân công về phụ trách Liên khu B (bao gồm các tỉnh miền duyên hải Bắc Bộ và Hải Dương, Hưng Yên), trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng chí Tô Hiệu đã tích cực chỉ đạo, đưa phong trào cách mạng ở đây lên cao, gây tiếng vang lớn trong nước.

Khi thành lập Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Tô Hiệu được bầu là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, phụ trách các tỉnh miền duyên hải, lấy Hải Phòng làm trung tâm. Trên cương vị mới, đồng chí Tô Hiệu đã tổ chức lại ban chỉ đạo các tỉnh, thành và lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh lớn ở Thành phố Hải Phòng. Trong thời gian là Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng chí vừa chú trọng công tác tuyên truyền theo phương thức rải truyền đơn, dán áp phích, vừa coi trọng tuyên truyền, đấu tranh trên lĩnh vực báo chí, trong đó tờ “Chiến đấu” là cơ quan tuyên truyền của Liên tỉnh B do đồng chí Tô Hiệu sáng lập, vừa là chủ bút, vừa là phóng viên.

Mặc dù từ năm 1938, do hoạt động đấu tranh vất vả và trải qua đòn roi tra tấn dã man của địch trước đây, sức khỏe bị suy yếu, đồng chí Tô Hiệu đã mắc bệnh lao phổi, song vẫn tiếp tục lãnh đạo những cuộc đấu tranh với hàng vạn thợ thuyền nổ ra liên tiếp ở khắp các ngành kỹ nghệ, lan rộng khắp nhà máy và đông đảo quần chúng nhân dân, khiến thực dân Pháp hoang mang, sợ hãi. Vì vậy, địch đã tìm cách khống chế hoạt động của đồng chí Tô Hiệu. Ngày 1/12/1939, tại xóm thợ Thượng Lý (Hải Phòng), đồng chí bị địch bắt khi đang kiểm tra việc in truyền đơn chuẩn bị cho phong trào đấu tranh mới. Chuyển hết đề lao Hải Phòng đến nhà ngục Hỏa Lò (Hà Nội), bằng mọi thủ đoạn, tra tấn dã man, mua chuộc, dụ dỗ, nhưng kẻ thù đã không thể lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của người cộng sản Tô Hiệu. Cuối tháng 12/1939, thực dân Pháp đã kết án 5 năm tù và đày đồng chí đi Nhà tù ở Sơn La. 5 năm tù đày kìm kẹp, bị tra tấn dã man tại nhà tù thực dân địa ngục, nhà cách mạng Tô Hiệu không những không nhụt chí chiến đấu mà còn tích cực vận động phong trào “Lập ra Chi bộ”. Kết quả là Chi bộ nhà tù Sơn La được thành lập, tháng 02/1940, đồng chí Tô Hiệu được cử làm Chi uỷ viên; tháng 5/1940, Đại hội Chi bộ bí mật của nhà tù quyết định các chủ trương công tác mới và bầu đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư chi bộ. Tháng 5/1941, Tô Hiệu và Chi bộ Nhà tù Sơn La đã quyết định cho ra đời báo Suối Reo, cử đồng chí Trần Huy Liệu là chủ bút. Đây là một sự kiện lớn của hoạt động tuyên truyền tạo nên ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần, có tác động cổ vũ, động viên rất lớn đối với anh em tù nhân.

Bằng trí tuệ, sự quả cảm và kiên trì của mình, nhà cách mạng Tô Hiệu đã biến nhà tù địa ngục của thực dân thành trường học cộng sản vĩ đại, đào tạo những chiến sỹ cộng sản kiên cường, cán bộ cốt cán cho Đảng, với tinh thần bất khuất “thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao”; viết bài tuyên truyền giác ngộ lý luận cách mạng, lãnh đạo anh em tù nhân đấu tranh với quân thù, khiến bọn cai ngục và chính tên Công sứ Sơn La Cút-xô khét tiếng gian ác phải nể phục, run sợ. Nhà cách mạng Tô Hiệu trở thành “trụ cột tinh thần” và là “linh hồn” của nhà tù, của chi bộ. Đồng chí đã vượt lên khó khăn, bệnh tật để tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục trong tù, viết nhiều tài liệu quan trọng cho chi bộ, mở các lớp chính trị, quân sự, văn hóa, bồi dưỡng giảng viên, hướng dẫn và tổ chức các cuộc đấu tranh… Đồng chí quan tâm hướng dẫn cho anh em đồng chí cách giữ gìn sức khoẻ tốt và tổ chức nhiều lớp học chính trị, học nghị quyết của Đảng… Sau này, nhiều chiến sỹ cộng sản là đảng viên Chi bộ Nhà tù Sơn La đều trở thành những cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội như các đồng chí: Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Thanh Bình, Mai Chí Thọ… Chi bộ Nhà tù Sơn La đã được Trung ương Đảng công nhận là một Chi bộ đặc biệt, được nhận chỉ thị, nghị quyết; có trách nhiệm lãnh đạo người tù bảo vệ cuộc sống, phát triển ảnh hưởng của cách mạng trong đồng bào địa phương…

Có thể thấy rõ nhất đồng chí Tô Hiệu đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, vận động trong những năm ở nhà tù Sơn La. Mắc bệnh lao phổi từ khi ở Côn Đảo, thân hình nhỏ bé, gầy guộc, nhưng trong ông luôn chứa đựng một nghị lực hiếm có, một kho tri thức phong phú về cách mạng. Dù bị quản thúc rất gắt gao, nhưng trong nhà tù, ông vẫn bí mật tổ chức tuyên truyền cho binh lính và nhân dân địa phương hiểu và yêu quý về người cộng sản, bằng mọi cách để truyền tải chỉ thị, thông tin của Đảng đến các cán bộ cách mạng, chiến sỹ cộng sản. Bằng các phương pháp tuyên truyền bền bỉ, Chi bộ nhà tù đã cảm hoá được nhiều binh lính làm nòng cốt, từ đó tiếp tục tuyên truyền tư tưởng cộng sản đến nhân dân địa phương. Nhiều đồng chí ở trong tù được học các nguyên tắc về vận động quần chúng, được học về mục đích tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội và được bồi dưỡng cho những kinh nghiệm đấu tranh, tức là học cả những phương pháp vận động cách mạng, học lý luận cách mạng, đường lối cách mạng... Nhiều người trong số đó đã nhận làm liên lạc, dũng cảm dẫn đường đưa tù chính trị vượt ngục thành công, như ông Lò Văn Sôn, anh hùng Lò Văn Giá… Đó là những kết quả quan trọng từ hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu trong công tác tuyên truyền, vận động chính trị, giáo dục, nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng, thức tỉnh đông đảo quần chúng tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng, một lòng hướng theo Đảng.

Bản lĩnh chính trị và năng lực truyền bá chính trị của người cộng sản Tô Hiệu thể hiện sâu sắc trong những lúc khó khăn gian nguy nhất. Tại nhà tù Sơn La những năm đó từng có những cuộc vượt ngục không thành công, thậm chí có những cuộc vượt ngục của một số đồng chí đã bị địch bắt trở lại, có đồng chí bị địch bêu đầu ở cửa nhà ngục để khủng bố tinh thần tù nhân. Khi Chi bộ nhà tù thảo luận về tổ chức các cuộc vượt ngục tiếp theo, một số chi uỷ viên không tán thành chủ trương này, nhưng đồng chí Tô Hiệu vẫn cương quyết khẳng định: “Vượt ngục là việc rất cần. Không đưa được ra ít thì nhiều. Bị thất bại thì làm lại, còn hơn là ngồi im. Biến nhà tù thành trường học, nhưng cung cấp cán bộ cho phong trào lúc này là cấp bách”. Từ quyết tâm quả cảm đó mà Chi bộ nhà tù Sơn La lúc bấy giờ đã tổ chức cho nhiều đồng chí vượt ngục thành công, sau đó trở thành những cán bộ cốt cán trong phong trào cách mạng của Đảng ta.

Đồng chí Tô Hiệu, người lãnh đạo quả cảm và tích cực tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục, đã từng bước gieo ươm hạt giống đỏ truyền thống cách mạng từ những phong trào ban đầu và từ trong bóng tối của các nhà tù thực dân, lan toả và phát triển phong trào cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân năm 1945.

Tấm gương người Cộng sản kiên trung, trọn đời vì sự nghiệp cách mạng

Suốt trong những năm tháng tham gia đấu tranh cách mạng, đồng chí Tô Hiệu luôn thể hiện là một người chiến sỹ cộng sản mẫu mực, kiên trung, bất khuất. Nhiều lần bị bắt, bị giam tù, dù bị tra tấn dã man đồng chí vẫn không hề tiết lộ tài liệu, cơ sở cách mạng. Trong phiên tòa xét xử Tô Hiệu và các đồng chí của mình, khi bị luận tội, dù thân thể tàn tạ do bệnh tật và đòn roi quân thù, đồng chí vẫn hiên ngang, dõng dạc tố cáo tội ác của thực dân Pháp và tay sai, khẳng định con đường cách mạng giải phóng dân tộc là con đường đúng đắn. Ý chí kiên cường và tinh thần kiên định của Tô Hiệu đã khiến quân thù phải khiếp sợ.

Đối mặt với lao tù và bệnh tật, nhà cách mạng Tô Hiệu càng thể hiện rõ khí phách, tinh thần, thái độ lạc quan cách mạng, khẳng định tinh thần đấu tranh không nao núng, không mệt mỏi, là người truyền lửa nhiệt huyết và niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng của Đảng cho đồng đội và quần chúng nhân dân. Trong địa ngục trần gian của chốn lao tù đế quốc, biết mình sẽ phải hy sinh, đồng chí càng hăng say viết tài liệu, viết báo, tuyên truyền, vẫn luôn động viên đồng chí, đồng đội của mình tin tưởng vào tương lai của cách mạng, tương lai của đất nước. Tuy bị bệnh nặng, nhưng đồng chí vẫn cần mẫn học hành, trau dồi tri thức và kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Giống như tinh thần của người cộng sản Tô Hiệu, tại Nhà tù Sơn La đến nay vẫn còn lưu giữ một cây đào mọc bên tường xà lim năm xưa, mang tên Tô Hiệu, như có phép màu, trải qua bom đạn tàn phá, cây đào vẫn còn nguyên vẹn và xanh tốt đến nay.

Ngày 07/3/1944, nhà cách mạng Tô Hiệu đã ra đi mãi mãi trong vòng tay thương mến của đồng đội. Với 32 tuổi đời, hơn 18 năm hoạt động, từ một thanh niên yêu nước trở thành một chiến sỹ cộng sản, hoạt động trên nhiều cương vị lãnh đạo; hai lần bị tù đày, tra tấn dã man tại nhà tù thực dân đế quốc, ý chí và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ở đồng chí Tô Hiệu không hề lay chuyển.

Cả cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng về “tinh thần Tô Hiệu” - đó là sự tận tụy, kiên cường, hy sinh chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Để khẳng định vai trò của công tác tuyên huấn, cũng là để tưởng nhớ và biết ơn nhà cách mạng Tô Hiệu, tháng 9/1947, Trung ương Đảng mở lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ trung cao cấp, đặt tên lớp là Lớp huấn luyện chính trị Tô Hiệu, tiền thân của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đánh giá về đồng chí Tô Hiệu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đỗ Mười đã viết: Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc và cho cách mạng thật là to lớn!

Bản lĩnh kiên cường, bất khuất và công lao đóng góp của đồng chí Tô Hiệu đã góp phần xây đắp di sản tinh thần cách mạng quý báu, làm nên những trang vàng chói lọi trong lịch sử đấu tranh vì nền độc lập dân tộc và xã hội xã hội chủ nghĩa./.

Từ khóa » Tiểu Sử Của Tô Hiệu