Khu Lưu Niệm Tô Hiệu - Cục Di Sản Văn Hóa
Có thể bạn quan tâm
Tô Hiệu sinh năm 1912, là con út trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, yêu nước. Cụ nội của Ông là Đốc Nam Tô Ngọc Nữu, được ca tụng là một trong ba người thầy mẫu mực của Bắc Kỳ đương thời. Thân phụ là ông Tô Y, thân mẫu là bà Ngô Thị Lý - con gái của Cụ Ngô Quang Huy, nguyên Đốc học Bắc Ninh, một trong những lãnh tụ chủ chốt của phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy cuối thế kỷ XIX.
Ngay thừ nhỏ, Tô Hiệu đã tỏ ra là người thông minh và có chí lớn. Cha mất sớm, thân mẫu của Ông cùng với người con cả là Tô Tu phải vất vả nuôi 5 anh em ăn học. Tô Hiệu được cho đi học tại trường tiểu học nam Hải Dương. Năm 1926 khi mới 14 tuổi, Tô Hiệu tham gia phong trào để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh nên bị đuổi học, Ông được anh cả tiếp tục cho lên Hà Nội ăn học.
Thời kỳ 1927 - 1929, Tô Hiệu cùng với em họ là Tô Gĩ được kết nạp vào tổ chức Xích Vệ đoàn - một tổ chức thanh niên học sinh do Hội thanh niên Việt Nam cách mạng - tổ chức tiền thân của Đảng lãnh đạo. Thời gian này, Tô Hiệu tham gia rất tích cực vào các hoạt động của hội như mít tinh, biểu tình giăng biểu ngữ trong những ngày kỉ niệm lớn của Quốc tế, đồng thời còn có nhiệm vụ bảo vệ cho đoàn biểu tình và các đồng chí lãnh đạo.
Năm 1930, trong một lần đi vận động quyên góp, Tô Hiệu bị mật thám theo dõi, bắt giam và bị kết án 4 năm tù và đày ra Côn Đảo. Chính tại đây, Ông cùng với anh trai Tô Chấn được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, khi mới 18 tuổi. Tô Hiệu đã được những người cộng sản đàn anh như Tôn Đức Thắng, Ngô Gia Tự tin tưởng, quan tâm dìu dắt và rèn giũa bản lĩnh người Đảng viên trẻ. Năm 1934, mãn hạn tù, Tô Hiệu được thả và bị quản thúc tại quê nhà làng Xuân Cầu. Vượt lên sự bao vây theo dõi của mật thám Pháp, Tô Hiệu vừa tham gia lãnh đạo phong trào yêu nước, nâng cao dân trí, tập hợp quần chúng ở quê nhà, vừa tìm cách phối hợp với các đồng chí trung kiên để khôi phục lại Xứ ủy Bắc Kỳ.
Cuối năm 1936, tại một cuộc họp ở nhà đồng chí Tô Hiệu thuê tại phố Hàng Bột (Hà Nội), gồm các đồng chí Hoàng Văn Nọn, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, Tô Hiệu, Nguyễn Văn Minh, Lương Khánh Thiện, Trần Quý Kiên chính thức khôi phục lại Xứ ủy Bắc Kỳ sau những năm phong trào cách mạng thoái trào, các tổ chức Đảng bị tan vỡ. Tại cuộc họp, Tô Hiệu được bầu là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, phụ trách tuyên truyền, huấn luyện công nhân và trực tiếp tham gia lãnh đạo công tác, hoạt động công khai tại Hà Nội (lúc này Hà Nội chưa có Thành ủy).
Cuối năm 1938, Tô Hiệu được Trung ương cử làm Bí thư Liên khu B, bao gồm các tỉnh duyên hải Bắc Bộ và Hải Dương, Hưng Yên; đặc trách Bí thư Hải Phòng. Tại đây, đồng chí đã cùng Thành ủy lãnh đạo phong trào cách mạng lên rất cao. Làn sóng bãi công của công nhân đòi tăng lương giảm giờ làm ở các nhà máy, xí nghiệp thành phố Hải Phòng bừng lên một sinh khí mới, tiêu biểu có cuộc bãi công của công nhân nhà máy tơ Thắng Lợi, nhà máy Ta-Pi, Máy Chai, Máy Chỉ, xưởng Chè Buyn-le, Cô-tơ-sích… Các cuộc mít tinh biểu tình lớn chống thuế đã thu hút hàng nghìn người thuộc các giai tầng nhân dân trong thành phố tham gia, đặc biệt là cuộc đấu tranh của công nhân Nhà Máy Tơ Hải Phòng năm 1939, gây tiếng vang lớn, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lúc đó đang hoạt động ở nước ngoài rất quan tâm chú ý và ca ngợi. Tại Hải Phòng, đồng chí đã có công lao to lớn phát hiện, đào tạo và kết nạp Đảng nhiều đồng chí sau này trở thành cán bộ lãnh đạo cốt cán của Đảng như: Thường trực Ban Bí thư Nguyễn Thanh Bình, Bí thư đầu tiên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch Tổng Công đoàn Trương Thị Mỹ, Bộ trưởng Bộ Lương thực Thực phẩm Ngô Minh Loan, Trung tướng Phó tổng Tham mưu trưởng Đặng Kinh, Anh hùng lực lượng vũ trang, Trưởng phòng Tình báo đầu tiên của Bộ Tổng tham mưu Hoàng Minh Đạo,…
Tháng 12/1939, Tô Hiệu bị mật thám Pháp bắt giữ tại cơ sở ấn loát của Thành ủy. Mặc dù thân thể gầy gò bị căn bệnh lao phổi khi bị đày ở nhà tù Côn Đảo hành hạ, lại bị tra tấn, mua chuộc, nhưng với khí tiết kiên trung và nghị lực của người cộng sản, Ông đã vượt qua mọi thử thách ác liệt. Đồng chí bị kết án tù 5 năm, đày đi nhà ngục Sơn La đầu năm 1940.
Tại nhà ngục Sơn La, Tô Hiệu được bầu là Bí Thư chi bộ. Cùng với Chi ủy nhà tù, Ông chủ trương đấu tranh cải thiện chế độ nhà tù biến nhà tù thành trường học. Những người tù cách mạng được tham gia học các lớp về chính trị, văn hóa, ngoại ngữ, quân sự, tổ chức nhà nước. Nhờ các lớp đào tạo và đấu tranh này mà khi Cách mạng tháng 8 /1945 nổ ra, hàng trăm cán bộ vốn bị giam giữ tại nhà tù Sơn La đã nhanh chóng làm quen ngay với các vị trí lãnh đạo chủ chốt của cách mạng ở các ngành Trung ương cũng như ở các tỉnh, thành và các địa phương như các đồng chí: Văn Tiến Dũng, Nguyễn Thanh Bình, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân, Hoàng Tùng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Cơ Thạch, Mai Chí Thọ…
Đầu năm 1944, lúc này sức khỏe Tô Hiệu gần như suy kiệt, nhưng với tinh thần lạc quan, Tô Hiệu nói với anh em trong Chi bộ: “mình biết chắc chắn mình sẽ chết sớm hơn người khác vì vậy phải tranh thủ thời gian chiến đấu phục vụ cho Đảng”. Trước mấy ngày trút hơi thở cuối cùng, Tô Hiệu đã nhờ đồng chí Hoàng Tùng ghi lại bức di chúc cho Chi bộ nhà tù Sơn La, khuyên anh em ở lại giữ vững tinh thần chiến đấu, phân tích rõ tình hình thế giới và trong nước, sự tất thắng của Cách mạng. Đồng chí trút hơi thở cuối cùng vào ngày 7/3/1944 trong sự thương tiếc của tất cả đồng chí và đồng bào.
Nhà cách mạng Tô Hiệu đã hy sinh nhưng Tinh thần Tô Hiệu mãi bất diệt và trở thành một di sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc, niềm tự hào của các thế hệ con cháu, cũng như người dân trong cả nước. Sự tích Cây đào Tô Hiệu tại nhà ngục Sơn La đã đi vào các trang sách và được coi là biểu tượng của tinh thần lạc quan cách mạng. Tên của anh hùng liệt sỹ Tô Hiệu đã được đặt cho nhiều con đường, trường học, nông trường, địa danh trên cả nước.
Nhà Tưởng niệm Liệt sỹ Tô Hiệu được hưng công xây dựng năm 2000, cùng thời gian với việc xây dựng, tôn tạo Đốc Nam Tô Thị Từ Đường (nhà thờ họ Tô chi cụ Đốc Nam Tô Ngọc Nữu).
Nhà tưởng niệm đồng chí Tô Hiệu
Nhà tưởng niệm gồm 3 gian tiền bái và 1 gian hậu cung, được làm bằng gỗ tứ thiết; các bộ vì được làm kiểu con chồng đấu sen kết hợp với kiểu kèo giá chiêng trụ chốn, tạo cho không gian nội thất được thoáng rộng. Các đề tài trang trí chủ yếu là hoa văn lá lật truyền thống, chủ yếu ở hai bộ vì hồi và trên các đấu sen kê trên các trụ cột. Gian Hậu cung bài trí ban thờ với ảnh và tượng đồng chí Tô Hiệu.
Toàn bộ khu nội tự của ba gian nhà thờ dùng để trưng bày những hiện vật và hình ảnh quý về thân thế sự nghiệp và cuộc đời hoạt động của đồng chí Tô Hiệu được sắp xếp từ trái qua phải theo 3 chủ đề: Quê hương Xuân Cầu và gia đình, dòng họ Tô làng Xuân Cầu; Tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu; Những tình cảm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với đồng chí Tô Hiệu.
Nhà thờ Họ Tô chi cụ Đốc Nam - Tô Ngọc Nữu
Cùng nằm trong khuôn viên di tích Nhà tưởng niệm đồng chí Tô Hiệu, cổng vào xây gạch chỉ, theo kiểu truyền thống, hai bên trụ cổng đắp nổi đôi câu đối chữ Hán. Công trình nhà thờ họ được thiết kế xây dựng bằng gỗ theo kiến trúc truyền thống; hướng Đông Bắc nhìn ra sông Nghĩa Trụ - một nhánh sông cổ của sông Hồng.
Mặt bằng Từ đường có kiến trúc kiểu chữ nhất, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói âm dương. Lòng nhà chia làm 5 gian, hệ cửa làm kiểu bức bàn theo kiểu thượng song hạ bản; kết cấu các bộ vì kèo làm bằng gỗ tứ thiết theo kiểu con chồng đấu sen; đề tài trang trí chủ yếu tập trung ở bộ vì hồi và các bức cốn trên vì nách tại hai gian hồi với các đề tài trúc/mai hóa long, các đấu kê và trên các con chồng, đầu các xà nách chạm cánh sen, hoa văn lá lật mềm mại.
Gian giữa nhà thờ là nơi đặt khám thờ, bên trong đặt 4 bài vị của các vị liệt tổ họ Tô. Gian hồi Phải trên treo bức đại tự 壽春 (Xuân Thọ) do các học trò của cụ Đốc Nam bái tặng mừng thọ cụ được làm năm Tân Mùi (1871). Giữa sân là cây đào được chiết từ cây đào Tô Hiệu ở nhà tù Sơn La do Tỉnh ủy Sơn La tặng năm 1998.
Với những giá trị trên, Khu lưu niệm Tô Hiệu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 3080/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2020./.
Khánh Chi
(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)
Từ khóa » Tiểu Sử Của Tô Hiệu
-
Tô Hiệu (1912 - 1944) - Cổng Thông Tin điện Tử Thành Phố Hải Phòng
-
Tô Hiệu – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nhà Cách Mạng, Liệt Sỹ Tô Hiệu
-
Tô Hiệu(1912 - 1944) - Nhân Vật Lịch Sử.
-
Đồng Chí Tô Hiệu - Người Chiến Sĩ Cộng Sản Kiên Trung, Nhà Lãnh đạo ...
-
Tô Hiệu (1912-1944 - Báo Hưng Yên điện Tử
-
Kỷ Niệm 110 Năm Ngày Sinh đồng Chí Tô Hiệu Khái Lược Tiểu Sử Và ...
-
Danh Nhân Lịch Sử Việt Nam Tô Hiệu
-
Kỷ Niệm 110 Năm Ngày Sinh đồng Chí Tô Hiệu (1912 - 2022)
-
Tô Hiệu - Tiểu Sử
-
Đồng Chí Tô Hiệu - Người Chiến Sĩ Cộng Sản Kiên Trung
-
Tô Hiệu: Người Chiến Sỹ Cộng Sản Kiên Trung - UBND Tỉnh Nghệ An
-
Cuộc đời, Sự Nghiệp Nhà Cách Mạng, Liệt Sỹ Tô Hiệu
-
Tô Hiệu - Người Cộng Sản Kiên Trung - Báo Sơn La