Dòng Sông In Bóng Lịch Sử Xứ Dừa - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
Có thể bạn quan tâm
Bến Tre có nhiều… Bến Tre
Bến Tre chỉ là một sông con của sông mẹ Cửu Long. Nhưng chẳng hiểu sao mỗi lần đứng trước dòng sông nhỏ này, tôi như nghe lịch sử cả miền Tây sóng nước vọng về. Có thể do vị thế đặc biệt của nó. Cũng có thể do Bến Tre gắn liền với nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử tiêu biểu cho cả vùng đất mới phương Nam xưa nay như Nguyễn Đình Chiểu, Trương Vĩnh Ký, Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Phan Văn Trị, Sương Nguyệt Ánh, Huỳnh Tấn Phát, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Trần Văn Ơn, Lê Anh Xuân, Trang Thế Hy,…
"Sông thiêng toả rợp bóng dừa Mỹ nhân danh tướng ngỡ vừa nghiêng soi"
Có lẽ hiếm có cái tên nào như Bến Tre cùng lúc được đặt cho nhiều địa danh ở những cấp độ khác nhau. Đầu tiên là tỉnh Bến Tre. Địa danh Bến Tre vốn xuất hiện từ thời nhà Nguyễn. Vào ngày 1-1-1900, chính quyền thuộc địa Pháp thành lập tỉnh Bến Tre. Năm 1946, tỉnh Bến Tre được chính quyền cách mạng đổi thành tỉnh Đồ Chiểu, đến năm 1948 thì lấy lại tên cũ. Ngày 22-10-1956, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đổi tên tỉnh Bến Tre thành tỉnh Kiến Hòa.
Cầu mới Bến Tre bắc qua sông Bến Tre. |
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, tỉnh Bến Tre được tái lập. Dù sau đó không phải tách nhập tỉnh như ở nhiều địa phương khác nhưng Bến Tre cũng có nhiều thay đổi trong nội tỉnh, như chia nhỏ các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tỉnh Bến Tre có địa giới hành chính nằm chủ yếu trên ba dãy cù lao lớn: cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hoá, được thiên nhiên hào phóng ưu đãi một vùng phù sa màu mỡ cho nhiều cây lành quả ngọt, đặc biệt là dừa. Như câu ca dao:
"Bến Tre ba đảo dừa xanh Mỏ Cày bát ngát ngọt lành phù sa Ai về Tân Phú quê ta Hương dừa dịu ngọt đậm đà dễ thương"
Ngoài trái dừa chủ lực thì Bến Tre còn giàu muối Ba Tri, xoài Cái Mơn, mía Mỏ Cày, lúa Giồng Trôm và các loại cá tôm nghêu sò sông biển:
"Bến Tre nước ngọt lắm dừa, Ruộng vườn màu mỡ biển thừa cá tôm Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày Xoài chua, cam ngọt Ba Lai Bắp thì chợ Giữa, giồng khoai Mỹ Hòa Mắm, bần ven đất phù sa Bà Hiền, Tân Thủy hằng hà cá tôm Quýt đường, vú sữa ngổn ngang, Dừa xanh Sóc Sãi, tơ vàng Ba Tri Xẻo Sâu cau tốt ai bì Lúa vàng Thạnh Phú, khoai mì Thạnh Phong Muối khô ở Gánh mặn nồng Giồng Trôm, Phong Nẫm dưa đồng giăng giăng Bến Tre trai lịch, gái thanh Nói năng duyên dáng, ai nhìn cũng ưa"
Bến Tre chẳng những là tên của một tỉnh mà còn là tên của một thành phố nằm trên phần đất cù lao Bảo, cách Thành phố Hồ Chí Minh gần 90km về phía Tây. Thành phố Bến Tre thuộc tỉnh Bến Tre vốn được nâng cấp từ thị xã, trước năm 1975 là quận Trúc Giang của tỉnh Kiến Hoà. Cái tên Trúc Giang hiện chỉ còn được đặt cho một cái hồ lớn nằm ở trung tâm thành phố Bến Tre.
Tất nhiên như chúng ta biết, Bến Tre còn là tên của một dòng sông chảy ngang thành phố Bến Tre, đồng thời cũng là tên của một cây cầu mới bắc ngang sông này nằm trên đường Hùng Vương, cùng một ngôi chợ trung tâm thành phố. Tất nhiên không kể đến các loại thực phẩm bánh kẹo dừa mang thương hiệu Bến Tre. Nghĩa là đến Bến Tre du khách sẽ thấy có nhiều… Bến Tre!.
Sông Bến Tre in bóng lịch sử
Sông Bến Tre có chiều dài khoảng 30km, bắt nguồn từ một nhánh sông Tiền ở xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm. Sau khi chảy quanh co theo hướng Tây Bắc đến thành phố Bến Tre thì dòng sông lại chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy theo hướng Bắc đổ ra sông Ba Lai. Còn một nhánh chảy theo hướng Tây Nam đổ ra sông Hàm Luông.
Sông Bến Tre là tuyến đường thuỷ nội tỉnh quan trọng, hợp cùng với các dòng sông Hàm Luông, Ba Lai, Cổ Chiên thành hệ thống đường thuỷ nối liền Bến Tre với các tỉnh thành khác ở Nam Bộ, đặc biệt là nối với trung tâm kinh tế lớn thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài phù sa tưới tiêu, sông Bến Tre mang lại nguồn thuỷ sản phong phú, đặc biệt là cá ngát thuộc loại cá da trơn, đầu to hơn thân, có râu, ngạnh bén và giống cá trê trắng nước ngọt, sống trong các hang đất sét chìm dưới nước ven bờ sông; bắt cá ngát nấu chua với bần dốt là món ẩm thực đặc sản nơi đây.
"Sông Bến Tre nhiều hang cá ngát Đường lên Ba Vát gió mát tận xương Anh có thương em thì nối sợi chỉ hường Chớ bán rao cho lắm, hãy chừa đường… em đi".
Bảo tàng Bến Tre - một công trình kiến trúc cổ tiêu biểu miền Tây Nam Bộ. |
Ba Vát còn gọi Ba Việt là một địa danh gốc Khmer (Pears Watt có nghĩa chùa phật), nằm trên đường Mỏ Cày đi Chợ Lách. Ba Vát vốn là một thị tứ phát triển từ thế kỷ XVIII, đồng thời là một di chỉ khảo cổ học, từng diễn ra trận đánh ác liệt giữa quân Tây Sơn và quân chúa Nguyễn vào năm 1777. Trong những câu ca dao trên, người con gái Bến Tre mượn cá mượn sông mượn đường lên Ba Vát để kín đáo thổ lộ tâm sự của mình. Không chỉ dịu dàng thuỳ mị, mà con gái quê hương Đồng Khởi có lúc cũng hóm hỉnh, nghịch ngợm trước những đối tượng "ba bứa" trêu chọc lỗ mãng.
"Mặt trời vừa lặn, mặt trăng vừa lú Em ơi đưa cặp vú cho anh sờ Đôi trâu anh cũng bán, giường thờ anh cũng đội theo"
Và người đẹp xứ dừa trả lời thẳng thừng:
"Con gái chơi với con trai Về sau hai vú như hai trái dừa" Dân gian quá đỗi tài tình!
Trở lại với sông Bến Tre, mọi nét cổ kính và hiện đại của thành phố Bến Tre ngày nay đều gắn liền và in bóng xuống dòng nước này. Con đường Hùng Vương chạy dọc phía Nam bờ sông thơ mộng, là nơi toạ lạc của những công trình kiến trúc cổ, mà tiêu biểu nhất là toà nhà Bảo tàng tỉnh Bến Tre được xây dựng theo kiểu Pháp gồm một tầng trệt và một tầng lầu, diện tích 474m2, nằm trong khuôn viên rộng hơn 13.000m2. Đây là di tích lịch sử văn hoá đặc biệt gắn liền với mọi thăng trầm của tỉnh Bến Tre cũng như miền Tây Nam Bộ hơn một thế kỷ qua.
Cùng nằm trên đường Hùng Vương hoặc những con đường lân cận, soi bóng xuống dòng sông Bến Tre, còn có nhiều toà cao ốc mới xây dựng phản ánh sự phát triển không ngừng của thành phố Bến Tre. Ngoài ra, ở đây còn có ngôi chợ Bến Tre, trung tâm thương mại lớn và lâu đời, đầu mối của nhiều loại hàng hoá nông sản, thuỷ sản toả đi khắp tỉnh và các tỉnh, thành lân cận.
Ngoài vị thế xung yếu về giao thông và thương mại, sông Bến Tre còn là nơi giàu tiềm năng phát triển du lịch. Lòng sông sâu và rộng, hai bên bờ có phong cảnh tuyệt đẹp tiêu biểu của xứ dừa, với nhiều bến bãi và phương tiện phục vụ du khách. Ven sông có nhiều làng mạc gắn với những nghề truyền thống, ẩn dưới bóng dừa và những vườn cây trĩu quả còn có nhiều di tích, đền chùa, nhà thờ…
Đặc biệt, ngay tại trung tâm thành phố, bên đường Hùng Vương, có Nhà hàng nổi Bến Tre luôn thu hút đông đảo du khách bằng những món đặc sản ngon, rẻ với không gian mát mẻ lộng gió sông Bến Tre. Về đêm, ngồi trên nhà hàng nổi này, bên cạnh việc thưởng thức ẩm thực xứ dừa, du khách thả hồn trong tiếng gió trở về với âm vang hào khí lịch sử văn hoá Bến Tre một thời chưa xa gắn liền với bước chân khẩn hoang, giữ nước của tổ tiên, đặc biệt là tinh thần nghĩa khí Lục Vân Tiên của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, bộ đội của ông Cống - tướng Đồng Văn Cống, đoàn quân tóc dài của nữ tướng Nguyễn Thị Định,…
Bến Tre và sông Bến Tre giản dị mà kỳ lạ, quyến rũ, chứa đựng nhiều bí ẩn cần khám phá. Bí ẩn như câu ca dao mà mỗi lần nhớ tới tôi cứ ngơ ngác:
"Can ngăn má cũng không nghe Một hai má xuống Bến Tre lấy chồng".
Từ khóa » Các Con Sông ở Bến Tre
-
Tỉnh Bến Tre - Cổng Thông Tin điện Tử Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư
-
Sông Bến Tre – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tìm Hiểu Tên Gọi 4 Con Sông Chính Chảy Qua Tỉnh
-
Bến Tre: Có Một Dòng Sông Thom Rất Hiền Hòa - Tổng Cục Du Lịch
-
Kể Tên Các Con Sông Lớn ở Bến Tre, Nguyên Nhân Gây ô Nhiễm ...
-
Tỉnh Bến Tre: Sông Rạch, Thủy Văn, địa Danh - Trần Thục Hiền
-
Bến Tre: Có Một Dòng Sông Quyến Rũ - Tin Miền Tây
-
Tỉnh Bến Tre - Vụ Kế Hoạch
-
BẾN TRE - VĂN HÓA SÔNG NƯỚC MIỆT VƯỜN
-
Thăm Cồn Phú Đa - Xứ Sở ốc Gạo ở Bến Tre - Du Lịch Miền Tây
-
Khu Du Lịch Cồn Phụng, Bến Tre