Thăm Cồn Phú Đa - Xứ Sở ốc Gạo ở Bến Tre - Du Lịch Miền Tây

Thăm Cồn Phú Đa – Xứ sở ốc gạo ở Bến Tre

Bến Tre vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng 4 con sông lớn bao bọc xung quanh (sông Hàm Luông, Cổ Chiên, Ba Lai, Sông Tiền) và hệ thống kênh rạch chằng chịt. Chính những dòng sông lớn hiền hòa ấy đã mang nặng phù sa bồi đắp và hình thành trên xứ sở này nhiều vùng đất cồn. Trong đó không thể không nhắc đến Cồn Phú Đa. 

Là một cồn nhỏ thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cồn Phú Đa có nước ngọt quanh năm, lại có nhiều phù sa bồi đắp, nên vườn cây ăn trái lúc nào cũng tươi tốt, xum xuê trĩu quả. Người dân xứ cồn đa số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, nhờ chăm chỉ canh tác mà xứ này hình thành nhiều vườn chuyên canh cây ăn trái như: Sầu riêng, chôm chôm, nhãn, xoài tứ quý… và nhiều loại cây ăn trái suốt bốn mùa. Ở cồn Phú Đa, điều mà người dân tự hào là ở đây họ vẫn giữ được cảnh quan rất thiên nhiên hữu tình, hầu như chưa có bàn tay con người chạm vào, mọi vẻ đẹp vẫn còn nguyên vẹn đậm chất Miền Tây, khiến khách du lịch Bến Tre đến đây sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời.

Vườn trái cây trĩu quả

Nơi đây không chỉ nổi tiếng bởi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ trong lành mà còn bởi món ốc gạo đặc biệt. Cồn nằm bên dòng sông Cổ Chiên, quanh năm nước ngọt, dòng chảy ổn định, hạt cát mịn màng là điều kiện lý tưởng để con ốc gạo đến cư trú và sinh sản.

Ốc gạo là loài sinh vật sống trong môi trường tự nhiên, sinh trưởng ở một số vùng đồng bằng sông Cửu Long như: Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang…. Cũng là ốc gạo, nhưng mỗi nơi ốc gạo có vị khác nhau. Theo nhận xét của nhiều người thì ngon nhất ngọt, béo, giòn vẫn là con ốc gạo ở cồn Phú Đa thuộc xã Vĩnh Bình, Chợ Lách, Bến Tre. Ai đã một lần đặt chân đến vùng đất này, đều bỏ chút thời gian ghé qua xứ cồn, ngồi nhâm nhi những món ăn làm từ ốc gạo Phú Đa.

Các cụ cao niên nơi đây kể lại, trước đây, người dân vùng cù lao này nghèo lắm, nên người dân mới đặt tên cồn là Phú Đa, với mong muốn đa số người dân sẽ khấm khá lên. Vùng này nhiều ốc vô kể, cho nên người dân nghèo hồi xưa thường cào về ăn thay cơm. Ăn mãi cũng ngán nên đã đem ốc đó đến các gia đình giàu có trong vùng để đổi lấy gạo ăn. Thế là từ xưa đã hình thành “thương hiệu” ốc gạo Phú Đa.

Ốc gạo Phú Đa

Theo lời kể của những người trong nghề thì ốc gạo sống ở đáy sông (ở phần cát sình), cách mặt nước sâu khoảng 06m. Thông thường cứ cách bờ khoảng 20 mét là có ốc gạo, nước chảy xiết thì ốc vùi xuống cát sình, nước lũ lên thì ốc gạo bò lên thậm chí tận cả mé sông. Đặc biệt, mưa nhiều nước đục thì ốc gạo càng mập. Thời gian khai thác ốc gạo ở cồn Phú Đa đông ken nhất là từ tháng 5 – 7 âm lịch.

Ốc gạo xứ này sống ở đáy sông, ăn phù sa nên thơm mùi phù sa và béo ngậy. Vỏ ốc xanh mỏng, bên trong thịt đầy, giòn giòn và trắng thơm. Phần phía dưới hơi đăng đắng, nhưng khi ăn không ai lể bỏ phần này cả, vì chính cái vị đăng đắng ấy là “đặc trưng” làm cho ốc gạo Phú Đa ngon hơn.

Đến mùa bắt ốc gạo, hãy du lịch Bến Tre đến với vùng đất này để tận mắt dõi theo từng công đoạn, từng thao tác, mà đối với nghề này có thể nói như một “kỳ công lặn bắt ốc”. 

Cách bắt ốc gạo dân gian mà từ xưa gọi là “lặn cồng cộc”: Cứ mỗi đôi một xuồng cùng nhau chèo ra sông tìm chỗ giữa hai vồng đất bồi nổi cao, cắm sào neo xuồng lại. Mỗi người hít lấy một hơi dài, lặn sát đáy sông cỡ vài sải sâu, bám lấy vào cây sào đã cắm, một tay dùng “lợi cào” hình cánh cung xốc xuống mặt cát đáy sông. Cứ như vậy, ốc trong cát bị xốc rơi vào lưới phía sau lợi. Lặn chừng mươi hơi, khi đã hết ốc quanh sào, hai người trồi lên, chống xuồng tìm nơi khác để bắt tiếp. Bắt ốc gạo cách này rất cực nhọc, mỗi buổi lặn hàng trăm hơi, da thịt ngấm nước mềm nhão, thỉnh thoảng bị con ốc hở môi trên cắt vào tay ngọt xớt như dao lam cứa phải. Có lẽ do lặn hụp dưới nước hoài như con cồng cộc bắt cá dưới sông, nên người ta ví cách lặn này có cái tên như vậy.

Hay dân gian còn có cách “lặn điên điển”: Thường là những người đàn bà đơn chiếc, không có người lặn đôi. Họ tìm chỗ cắm sào, neo xuồng, rồi buộc dây ngang lưng, đeo vào cổ chiếc giỏ tre, quay mặt về hướng ngược nước, hai tay đập như con điên điển. Sau đó, lấy sức lặn sát đáy sông, tranh thủ dùng hai tay quơ quào hốt ốc bỏ vào giỏ, vừa hết hơi trồi lên mặt nước, trút giỏ ốc vô xuồng rồi lặn tiếp.

Hai cách lặn dân gian trên, là những cách bắt ốc có từ thời xưa. Bây giờ người ta sáng tạo bắt ốc hiện đại hơn, bài bản và với quy mô lớn như: Họ dùng ghe gắn máy mạnh, dùng cào lớn, răng đinh, rọ dài rà sát đáy sông. Sử dụng “tời” kéo cào lên, đổ ốc vào khoang, quay ghe cào luồng khác. Tuy cách đánh bắt này không làm cạn kiệt dần nguồn ốc gạo thiên nhiên, song ít nhiều cũng có ảnh hưởng, tổn thương đến ốc gạo như: Cào răng đinh vét cả ốc nái, đâm nát vỏ ốc non, bất chấp thời kỳ ốc sinh sản…, nên ngày nay vẫn còn  rất nhiều người sử dụng phương pháp đánh bắt dân gian.

Cách chế biến món ăn từ ốc gạo rất đơn giản, tuy nhiên muốn có được ốc gạo ngon, thì cũng phải kỳ công như: Khi mua về phải ngâm rửa ốc gạo cho sạch cát, việc này đòi hỏi phải có thời gian, ngâm lâu thì ốc sẽ càng sạch. Theo cách dân gian thì khi muốn rửa ốc gạo nhanh, sạch nhớt thì bằng cách giã trái ớt cho vào nước ngâm hay dùng nước vo gạo ngâm thì ốc sẽ sạch hơn. Nhưng theo kinh nghiệm của giới chế biến và sành ăn, ngon nhất, sạch nhất, trong ốc không còn cát, thì phải dùng 01 thau nước sạch, 01 cái rổ để ốc vào ngâm vào trong thau nước, đáy rổ không chạm vào đáy thau (cách khoảng 05 cm), để ốc nhả hết cát ra, cát sẽ rớt xuống đáy thau, ốc không ngậm lại được. Thời gian ngâm để ốc nhả cát ra tốt nhất từ 03 giờ đồng hồ đến nửa ngày hay qua đêm càng tốt.

Từ những con ốc gạo được khai thác, qua bàn tay khéo léo của các bà, các chị xứ cồn, đã tạo ra phong phú các món ăn từ ốc gạo, nhưng rất đỗi mộc mạc, vô cùng ngon, hấp dẫn và thú vị.

Ốc gạo có thể chế biền thành nhiều món như ốc gạo xào dừa, ốc gạo xào sả ớt, nấu lẩu mắm, hay thậm chí là đổ bánh xèo, trộn gỏi…nhưng món ăn du khách thích nhất nhất vẫn là ốc luộc bởi vị ngọt thanh của ốc vẫn còn được giữ nguyên.

Còn gì bằng một buổi chiều ngồi nhâm nhi dĩa ốc gạo luộc chấm nước mắm tỏi ớt trên dòng sông Cổ Chiên, nghe đờn ca tài tử…

Nhiều năm nay đoạn sông Cổ Chiên chảy trên địa phận Cồn Phú Đa nơi có loài ốc gạo sống đang được chính quyền địa phương bảo vệ, ngăn không cho thuyền lớn vào, sợ tràn dầu làm ảnh hưởng đến sự phát triển của loài ốc này.

Sau khi thưởng thức ẩm thực no nê, bạn có thể ghé thă đình Thần Phú Đa, nơi đây được xem là không gian văn hóa tâm linh của người dân trên cồn. Ngoài ra, miếu Bà Chúa Xứ hay nhà thờ Phú Đa cũng là điểm hành hương lý tưởng dành cho những ai muốn cầu an cho gia đình và người thân.

Từ khóa » Các Con Sông ở Bến Tre