Dòng Tiền đổ Vào Chứng Khoán đến Từ đâu? - Tiền Phong

Giá cổ phiếu đã tăng từ 30-100% thời gian qua, VN- Index vọt lên ngưỡng trên 1.200 điểm mức cao nhất trong lịch sử 10 năm trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không nhiều tin quá tốt, dịch bệnh COVID -19 vẫn còn rình rập. Lạ là suốt 4 tháng qua, tiền vào thị trường vẫn nhiều kỷ lục khiến người ta không thể tự hỏi, dòng tiền đến từ đâu?

Tiền tươi thóc thật từ quỹ, từ nhà đầu tư F0

Trong quý I/2021, chỉ số VN-Index đã vượt đỉnh 1.200 điểm, thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao nhất từ khi thành lập thị trường đến nay. Đặc biệt, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có những phiên giao dịch “tỷ đô”. Dòng tiền tỏ ra phân hóa và chỉ tập trung ở một số mã cổ phiếu có câu chuyện riêng. Theo các chuyên gia, đóng góp vào thanh khoản thị trường, theo phân tích cơ bản có 3 loại dòng tiền.

Dòng tiền đổ vào chứng khoán đến từ đâu? ảnh 1

Hiện có nhiều cách để dòng tiền. đi vào thị trường chứng khoán ; Ảnh: Như Ý

Thứ nhất, tiền đến từ tài khoản của nhà đầu tư cá nhân đặc biệt lược lượng nhà đầu tư F0 hùng hậu mới gia nhập thị trường. Số liệu công bố từ Trung tâm Lưu ký chứng khoáncho thấy, số lượng tài khoản mở mới trong tháng 4 là 110.655 tài khoản. Số lượng tài khoản do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 3/2021 tăng vọt lên mức 113.191 tài khoản, cao nhất trong lịch sử thị trường. Trước đó, kỷ lục lịch sử được ghi nhận là tháng 1/2021 với 86.107 tài khoản cá nhân trong nước.

Thứ hai, tiền của khối ngoại đặc biệt từ các quỹ đầu tư mới đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, các quỹ đầu tư khác trên thế giới; cũng thống kê của trung tâm lưu ký. Tiền của các tổ chức quỹ đóng- mở uỷ thác trong nước gom vào qua kênh các nhà đầu tư cá nhân .

Cũng theo trung tâm lưu ký, Số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài cũng tiếp tục tăng mạnh, mở mới trong tháng 4 là 512 tài khoản, cao hơn mức 502 của tháng 3 và là tháng thứ 2 duy trì mức đột biến trên 500 tài khoản. Hiện tổng số tài khoản do nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở tại thị trường chứng khoán Việt Nam đạt hơn 38 ngàn tài khoản.

Số lượng tài khoản mở mới trong tháng 4 tiếp tục duy trì ở mức cao cho thấy sự sôi động của thị trường chứng khoán trong nước. Thanh khoản trung bình phiên trên sàn HSX trong tháng 4 đạt 18.472 tỷ đồng, tăng 18,6% so với tháng trước. Thứ ba, như nhóm phân tích SSI thông tin: dòng vốn ETF đón nhận giá trị kỷ lục trong tháng 4 với lượng vốn vào ròng lên tới 370 triệu USD, tương đương khoảng 8.700 tỷ đồng ghi nhận trên 10 quỹ ETF chính đầu tư vào thị trường Việt Nam. Trong đó, chủ yếu là nhờ quỹ Fubon FTSE Vietnam mới được thành lập trong tháng, đóng góp 7.800 tỷ đồng, bên cạnh nhiều quỹ ETF khác duy trì dòng tiền tích cực…

Tuy nhiên, nhân tố tác động đặc biệt nhất để thanh khoản thị trường lên đến cả tỷ đô mỗi phiên, và khiến dòng tiền vào ra sôi động chính xác đến từ việc các công ty chứng khoán kinh doanh tự doanh kèm tiền từ cho vay ký quỹ (margin) tại nhiều công ty chứng khoán (CTCK) tăng kỷ lục..

Sự thật về dòng tiền vay mượn

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến hết quý 1/2021, dư nợ lĩnh vực chứng khoán 45.326 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ chứng khoán ngắn hạn chiếm tỷ trọng chủ yếu 96,21%. Các dư nợ tập trung chủ yếu ở một số tổ chức tín dụng như: Ngân hàng Vietcombank chiếm 25,75% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống; Ngân hàng BIDV chiếm 13,47% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống, Techcombank chiếm 12,46%; TPBank chiếm 8,91%; VIB chiếm 5,25%; Vietinbank chiếm 4,25%, MSB chiếm 4,16%...

Tuy nhiên, nếu so sánh con số NHNN công bố với con số margin UBCK Nhà nước thống kê lên mức 101,4 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 1/2021, tăng 53,6 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ năm 2020, tương đương 53%. Cụ thể, số liệu chính thức từ Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho thấy: Con số margin đã lên mức 101,4 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 1/2021, tăng 53,6 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ năm 2020, tương đương 53%. Trước đó, thời điểm cuối năm 2020, tổng dư nợ ký quỹ tại các công ty chứng khoán được xác nhận là 80,9 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 48% so cuối năm 2019.

Bên cạnh vay nợ ngân hàng, trong kỳ, một số công ty chứng khoán đã phát hành trái phiếu lượng lớn như VDSC với khoản phát hành 1.427 tỷ đồng; SHS phát hành 1.100 tỷ đồng; TVSI phát hành 680 tỷ đồng; VCSC phát hành 622 tỷ đồng; Mirae Asset 625 tỷ đồng.

Thống kê của một tạp chí kinh tế uy tín cũng chỉ ra, hơn 30 công ty chứng khoán trên thị trường tính đến 31/3/2021 đã cho nhà đầu tư vay hơn 110.000 tỷ đồng, đây được xem là mức kỷ lục cho vay margin của chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh thanh khoản mỗi phiên được tính theo giá trị tỷ đô. Trong đó, 20 công ty chứng khoán lớn nhất đã cho vay 98.397 tỷ đồng; tăng 21% so với quý 1/2020. Nguồn tài trợ cho vay của các công ty chứng khoán ngoài vốn chủ sở hữu phần còn lại đến chủ yếu từ nguồn vốn vay bao gồm vay các ngân hàng, phát hành trái phiếu ngắn và dài hạn.

Theo quy định hiện nay, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ không được vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán. Do đó, với số liệu về margin hiện nay, đại diện lãnh đạo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho biết, một số công ty chứng khoán đã chạm mức trần đối với cho vay ký quỹ.Cho vay margin có thể hái ra tiền cho khối doanh nghiệp chứng khoán, bằng chứng là nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận lãi từ mục này tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, trong quá khứ, nhiều công ty chứng khoán sốc vì khoản nợ xấu margin.

Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, mặc dù nắm đằng chuôi nhưng thực tế việc xử lý margin không phải chuyện đơn giản, bởi một khi chứng khoán thông báo call margin, xả hàng khiến các công ty chứng khoán khác cũng phải bán theo. Lệnh bán phải có lệnh mua nhưng khi tất cả đều bán giá trị cổ phiếu sẽ lao dốc, thanh khoản “tê liệt”, khi đó cả nhà đầu tư và CTCK đều rủ nhau ...cùng chết.

Tháng 4, tiền vào chứng khoán tăng nhờ vốn ETF

Việt Nam là điểm sáng hút vốn tháng 4 của khu vực Châu Á nhờ dòng vốn ETF. Dòng vốn ETF ghi nhận giá trị kỷ lục trong tháng 4 với lượng vốn vào ròng lên tới 370 triệu USD, tương đương khoảng 8.700 tỷ đồng ghi nhận trên 10 quỹ ETF chính đầu tư vào thị trường Việt Nam. Với tổng tài sản 8.200 tỷ đồng và trở thành quỹ ETF lớn thứ 5 tại Việt Nam, quỹ Fubon đã đạt giá trị tài sản mục tiêu trước khi IPO.

Dòng tiền vào quỹ có thể chậm lại sau giai đoạn IPO, tuy nhiên vẫn kỳ vọng xu hướng dòng tiền tốt sẽ được duy trì. Do đó, dòng vốn nước ngoài vào cổ phiếu Việt Nam trong tháng 5 có thể không mạnh như tháng 4 nhưng sẽ vẫn duy trì tích cực.

(Còn nữa)

Khánh Huyền

Từ khóa » Dòng Tiền Vào Thị Trường Chứng Khoán