Xu Thế Dòng Tiền: Chứng Khoán Việt Có đủ Nội Lực để ... - VnEconomy
Có thể bạn quan tâm
Chuỗi phục hồi khá mạnh 4 phiên cuối tuần qua đang củng cố kỳ vọng thị trường sẽ tiếp đà đi lên sau kỳ nghỉ lễ dài. Tuy nhiên những ngày nghỉ bù, thị trường quốc tế lại xuất hiện những biến động mạnh theo hướng tiêu cực, nhất là đợt tăng lãi suất cận kề của FED có thể gây bất ngờ...
Đánh giá về nhịp phục hồi trước kỳ nghỉ, các chuyên gia đều nhìn nhận tín hiệu tích cực. Điều quan trọng nhất là giá đã tăng, còn thanh khoản thấp có nhiều nguyên nhân và đó không phải là yếu tố chi phối. Qua đợt giải chấp mạnh mẽ nhiều tuần trước, những nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu đã bán, trong khi người giữ tiền chưa thật sự muốn mua vào. Do vậy thanh khoản thấp, và các chuyên gia đánh giá đó là tín hiệu của sự cân bằng cung cầu.
Sự cân bằng cung cầu này là tiền đề cho khả năng phục hồi tốt hơn của thị trường tới đây. Tuy nhiên thị trường quốc tế xuất hiện những biến động lớn cũng khiến các chuyên gia thận trọng. Khả năng tăng lãi suất nhanh hơn của FED ngay đầu tháng 5 có thể khiến các thị trường thận trọng và sẽ có ảnh hưởng nhất định tới thị trường trong nước.
Các quan điểm là trái chiều, khi những lo ngại về biến động mạnh của chứng khoán thế giới có thể tác động mạnh hơn tới thị trường trong nước trong bối cảnh thanh khoản quá thấp. Quan điểm lạc quan thì cho rằng mức chiết khấu mạnh vừa qua cộng với kết quả kinh doanh quý 1 tích cực sẽ củng cố nội lực của thị trường Việt Nam trước những biến động bên ngoài. Điểm chung là các chuyên gia cần trông đợi dòng tiền mạnh lên sau kỳ nghỉ lễ.
Thị trường Việt Nam đã có nhịp điều chỉnh đủ mạnh, nhiều cổ phiếu đã chiết khấu rất mạnh trong khi kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng khá mạnh đó sẽ là động lực giúp thị trường Việt Nam có đường đi riêng.
Ông Nguyễn Việt Quang
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Sự thận trọng của anh chị tuần trước đã đúng khi VN-Index tiếp tục tìm đáy mới trong tuần này. Tuy vậy mức giảm mạnh cũng chỉ xuất hiện trong phiên đầu tuần, sau đó giảm tốc. Đặc biệt thanh khoản đã tụt giảm xuống mức kỷ lục. Đó có phải là tín hiệu thị trường đã “test cung” thành công và đã đạt đến điểm cân bằng cung cầu?
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Việc thanh khoản giảm mạnh ở các phiên hồi phục đầu tiên sau nhịp điều chỉnh sâu là diễn biến thường thấy và hoàn toàn dễ hiểu khi tâm lý nhà đầu tư còn thận trọng, hoài nghi về đà phục hồi của chỉ số. Ở thời điểm hiện tại, mức định giá của thị trường chung và hầu hết các nhóm cổ phiếu đã rơi về vùng rất hấp dẫn sau nhịp điều chỉnh vừa qua, các yếu tố rủi ro cũng đã phản ánh tương đối và nếu không có thông tin gì mới quá tiêu cực, tôi kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục nhịp hồi phục bền vững sau kỳ nghỉ lễ.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Tôi nhận thấy sau phiên “Wash Out” đầu tuần, thị trường đã có sự phục hồi khá tốt và gần như lấy lại phần lớn số điểm đánh mất trong tuần. Thanh khoản thu hẹp trong một tuần biến động mạnh, cho thấy áp lực bán đã giảm bớt, và thị trường có thể đã đạt được trạng thái cân bằng tạm thời.
Tuy nhiên, trạng thái hiện tại liệu có bền vững hay không thì chúng ta cần quan sát thêm tín hiệu từ dòng tiền sau kỳ nghỉ lễ. Nếu dòng tiền tham gia thị trường không có sự cải thiện, kết hợp với chính sách mạnh tay hơn của Fed trong kỳ họp tháng năm, thì theo tôi, trạng thái cân bằng tạm thời của thị trường có thể bị phá vỡ theo hướng tiêu cực.
Xu thế dòng tiền: Chạm đáy, hay chỉ là “bull-trap”?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi thị trường lúc tạo đáy thường thanh khoản khá thấp do lượng cung nhà đầu tư chịu bán giá thấp đã hết rồi, lượng giải chấp hầu như không còn, tâm lý nhà đầu tư chán nản hạn chế giao dịch. Đó là lý do khiến thanh khoản thấp nhưng thị trường tăng vẫn rất tốt. Đây đúng là dấu hiệu của sự “test” cung cầu thị trường, cũng một phần nào đó thị trường đạt trạng thái cân bằng hơn.
Ông Huỳnh Hữu Phước – Trưởng phòng Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt.
Diễn biến thị trường trong hai phiên giao dịch đầu tuần trước là sự hoảng loạn tột độ khi VN-Index có lúc đánh mất đến 118 điểm tương ứng 8,5% (bao gồm mức thấp nhất phiên 26/4) do áp lực giải chấp sau một chuỗi giảm điểm kéo dài. Tuy vậy, chỉ số cũng nhanh chóng hồi phục ở các phiên còn lại trong tuần và vùng hỗ trợ 1.320-1.330 điểm được giữ vững dù áp lực tâm lý từ thị trường thế giới ở các phiên sau đó.
Tôi cho rằng thanh khoản sụt giảm mạnh ở các nhịp điều chỉnh trong phiên 27-28/4 cho thấy tín hiệu “test” cung thành công và lực cầu tham gia mua vào đẩy cả chỉ số và thanh khoản cải thiện ở phiên giao dịch cuối tuần là sự xác nhận cho tín hiệu cân bằng cung cầu.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Theo tôi có lẽ thị trường đã tạo đáy trung hạn tại 1.260 điểm ở thứ 3 tuần trước và dần hồi phục và tích lũy trở lại quanh mốc 1.340 – 1.400 điểm. Thanh khoản suy giảm cũng đã phản ánh phần nào lực bán suy yếu bị hấp thụ cũng như lực mua vào dè đặt hơn. Thị trường đang dần tìm đến điểm cân bằng kèm theo diễn biến phân hóa – lực cầu mua lên khá ở một số cổ phiếu có kết quả kinh doanh vượt trội.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Kết quả kinh doanh quý 1/2022 cùng các chỉ số vĩ mô đã xuất hiện dồn dập. Thị trường điều chỉnh sâu nhất tuần qua cũng rơi xuống mức đáy tháng 7/2021. Tuy nhiên thị trường trong nước lại đang chịu sức ép từ biến động mạnh của chứng khoán thế giới với những phiên giảm ngàn điểm. Theo anh chị nội tại của thị trường lúc này có đủ mạnh để đi đường riêng?
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Theo tôi, khi chúng ta xét tới yếu tố vĩ mô thì có nghĩa chúng ta đang nhìn nhận thị trường trong xu hướng trung và dài hạn. Trong khung thời gian như vậy, thì sức khỏe của nền kinh tế sẽ quyết định hướng đi của thị trường.
Trạng thái hiện tại liệu có bền vững hay không thì chúng ta cần quan sát thêm tín hiệu từ dòng tiền sau kỳ nghỉ lễ. Nếu dòng tiền tham gia thị trường không có sự cải thiện, kết hợp với chính sách mạnh tay hơn của Fed trong kỳ họp tháng năm, thì theo tôi, trạng thái cân bằng tạm thời của thị trường có thể bị phá vỡ theo hướng tiêu cực.
Ông Nguyễn Văn Sơn
Hiện tại, nền kinh tế Mỹ đang có những dấu hiệu kém tích cực, với tăng trưởng GDP quý 1 năm 2022 ở mức âm 1,4%, trong khi lạm phát vẫn neo ở mức cao, đang dấy lên những lo ngại về một đợt suy thoái kèm lạm phát. Bên cạnh Fed vẫn phải giữ chính sách nâng lãi suất sẽ là một áp lực lớn tới thị trường chứng khoán Mỹ cũng như các thị trường chứng khoán khác. Chỉ số Dow Jones (DJ) xuất hiện những phiên giảm ngàn điểm, có thể là tiếng chuông cảnh báo giai đoạn thị trường kém lạc quan đang tới.
Với câu hỏi, thị trường chứng khoán của chúng ta có đi ngược lại được không trong bối cảnh bên ngoài như vậy, thì tôi thấy rằng: Nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định cần thiết, với GDP quý 1 đạt 5.03%, tỷ giá và lạm phát vẫn ở mức mục tiêu, và lãi suất vẫn khá ổn định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có kỳ báo cáo quý khả quan, với phần lớn trong nhóm VN30 giữ được tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhỏ trong quy mô toàn cầu và có độ mở rất cao, nên mỗi thay đổi của kinh tế thế giới đều có tác động tới nền kinh tế của chúng ta. Và thị trường chứng khoán là nơi thể hiện rõ nét nhất điều đó, khi DJ giảm phiên ngàn điểm thì VN-Index cũng có phiên lao dốc gần 80 điểm. Đặc biệt hơn, trong bối cảnh dòng tiền yếu như hiện nay, thì tôi cho rằng, thị trường của chúng ta khó để đi lối riêng.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi thấy chưa có nhiều cơ sở để thị trường có thể hồi phục mạnh bất ngờ tiếp sau các phiên tăng điểm cuối tuần qua. Triển vọng vĩ mô của Việt Nam, khối ngoại mua ròng trở lại, một số doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh khả quan là các điểm sáng, nhưng áp lực điều chỉnh vẫn hiện hữu, tâm lý lo ngại về những sự kiện bất ngờ có thể xảy ra tiếp theo. Thị trường cần thời gian tích lũy thêm trước khi có những tín hiệu khởi sắc kèm theo thanh khoản gia tăng trên các sàn.
Có những cơ hội mà chúng ta có thể mua tích lũy dần, nhất là ở một số cổ phiếu có triển vọng lợi nhuận tiềm năng trong năm 2022, như cổ phiếu cảng biển, bảo hiểm, hóa chất và năng lượng...
Ông Lê Đức Khánh
Ông Huỳnh Hữu Phước – Trưởng phòng Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt.
Kỳ báo cáo lợi nhuận quý 1/2022 với đa phần doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tích cực cùng với tín hiệu cải thiện về mặt vĩ mô trong kỳ báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 4/2022 như CPI tăng nhẹ 0,18% so với tháng trước, số doanh nghiệp thành lập tăng kỷ lục với 15.000 doanh nghiệp... là những tín hiệu hỗ trợ tích cực cho thị trường hiện tại. Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index đã có mức chiết khấu đủ lớn đến 17,6% tính từ đỉnh và sự gia tăng mua ròng từ khối nhà đầu tư nước ngoài là những yếu tố giúp thị trường ổn định trước sức ép biến động mạnh của thị trường thế giới ở các phiên gần đây.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi thị trường Việt Nam đã có nhịp điều chỉnh đủ mạnh, nhiều cổ phiếu đã chiết khấu rất mạnh trong khi kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng khá mạnh đó sẽ là động lực giúp thị trường Việt Nam có đường đi riêng trong thời gian tới.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Dù có nội tại bền vững, thị trường chứng khoán trong nước chắc chắn không thể miễn nhiễm với các tác động từ chứng khoán toàn cầu khi chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thông tin tiêu cực. Dù vậy, rủi ro này hiện tại không được đánh giá cao khi trên thực tế thị trường chứng khoán thế giới đang cho thấy phiên giao dịch cuối tuần tương đối khởi sắc. Thêm vào đó, các thông tin vĩ mô và mùa báo cáo kết quả kinh doanh Q1 cũng sẽ là yếu tố hạn chế các tác động tiêu cực nếu có.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Bắt đầu có kỳ vọng thị trường sẽ tốt lên sau kỳ nghỉ lễ 30/4. Thế nhưng “ám ảnh” của chu kỳ “Sell in May” cũng lại nổi lên. Quan điểm của anh chị thế nào?
Với tín hiệu “test” cung thành công là điểm mua thăm dò đối với các giao dịch ngắn hạn và điểm mua tiếp theo có thể đến nếu VN-Index tiếp tục cải thiện về mặt điểm số lên trên 1.380 điểm cùng với sự gia tăng về về mặt dòng tiền tham gia.
Ông Huỳnh Hữu Phước
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Thị trường đã có nhịp điều chỉnh mạnh, thông thường nếu nhịp điều chỉnh mạnh vào trước tháng 5 thì hiệu ứng “Sell in May” sẽ khó xảy ra và thường thị trường sẽ có nhịp bật tốt. Nhưng nhà đầu tư nên chú ý thường thị trường tạo đáy sẽ tạo 2-3 đáy và rất có thể ra lễ thị trường sẽ có nhịp “test” lại đáy.
Ông Huỳnh Hữu Phước – Trưởng phòng Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt.
“Sell in May” là một câu ngạn ngữ thể hiện quan điểm đầu tư theo chu kỳ trong giai đoạn trống thông tin ở tháng 5. Với thị trường Việt Nam, theo thống kê trong vòng 10 năm trở lại đây sự dao động trong tháng 5 có đến 6 lần tăng giá với mức tăng bình quân 6,04% và 4 lần giảm giá với mức giảm bình quân 5,43%. Như vậy mô hình đầu tư theo mùa này có thể không còn thực tế ở Việt Nam, vì vậy chúng ta không quá lo lắng với ám ảnh “Sell in May”.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Thực tế thì hiệu ứng “Sell in May” không xuất hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam và không phải là yếu tố mà chúng ta cần lưu tâm. Với việc thị trường đang ở vùng giá hấp dẫn trong bối cảnh các yếu tố cơ bản đang vững mạnh, tôi cho rằng giai đoạn đầu tháng 5 là cơ hội tốt để nhà đầu tư tích luỹ cổ phiếu.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Theo tôi, tâm lý lo ngại chu kỳ “Sell in May” ở năm nay có thể còn mạnh hơn. Không chỉ như mọi năm, giai đoạn tháng 5 chỉ thường là thời điểm trống vắng thông tin hỗ trợ mà năm nay thị trường còn chịu thêm thông tin tiêu cực từ dự báo Fed sẽ tăng mạnh lãi suất trong cuộc họp giữa tháng này. Tôi nghĩ kỳ vọng thị trường sẽ tốt lên qua kỳ nghỉ lễ có thể khó kéo dài được lâu.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Hiệu ứng bất thường của “Sell in May” vẫn là một trong những hiện tượng mà rất nhiều nhà đầu tư quan tâm và cũng chỉ mang tính tham khảo. Câu chuyện đầu tư không chỉ mang tính thời điểm mà còn cả bức tranh đầu tư tổng thể của năm và nhất là câu chuyện của từng cơ hội riêng lẻ không cơ hội nào giống cơ hội nào. Tôi cho rằng việc xây dựng một danh mục đầu tư vừa đáp ứng tiêu chí ngắn hạn cũng như trung hạn chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng với các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Tuy vậy vẫn tồn tại nhiều cơ đội đầu tư hấp dẫn và các nhà đầu tư cần đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng để nắm giữ với tỷ trọng phù hợp trong một khoảng thời gian.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Tuần trước anh chị khuyến cáo nhà đầu tư nên đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn và chờ đợi các tín hiệu rõ ràng hơn để giải ngân. Vậy tuần qua có các tín hiệu để mua hay chưa, anh chị có tăng tỷ trọng cổ phiếu lên hay không?
Việc thị trường đang ở vùng giá hấp dẫn trong bối cảnh các yếu tố cơ bản đang vững mạnh, tôi cho rằng giai đoạn đầu tháng 5 là cơ hội tốt để nhà đầu tư tích luỹ cổ phiếu.
Ông Trần Đức Anh
Ông Huỳnh Hữu Phước – Trưởng phòng Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt.
Trong tuần qua, với tín hiệu “test” cung thành công là điểm mua thăm dò đối với các giao dịch ngắn hạn và điểm mua tiếp theo có thể đến nếu VN-Index tiếp tục cải thiện về mặt điểm số lên trên 1.380 điểm cùng với sự gia tăng về về mặt dòng tiền tham gia. Đối với các nhà đầu tư giá trị, việc giá chiết khấu đủ lớn trong khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tích cực là cơ hội để tăng tỷ trọng cổ phiếu với mức giá hấp dẫn.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Tuần qua tôi chỉ chủ yếu mua bán lướt sóng trên trạng thái cổ phiếu sẵn có. Để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nằm giữ dài hơn tôi cần thị trường xác nhận tạo 2-3 đáy và có sự tham gia mạnh mẽ trở lại của dòng tiền. Khi giải ngân tôi sẽ tham gia dần ở các tín hiệu.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Tôi đã đưa tỷ trọng danh mục lên mức cao
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Giữ quan điểm như tuần trước, tôi đánh giá nhịp hồi phục trở lại sau giai đoạn lao dốc có thể chỉ là nhịp “bull-trap”, và đây có thể là cơ hội tốt để nhà đầu tư còn nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể cân nhắc giảm về mức an toàn.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt theo tôi vẫn nên ở vị thế an toàn 50% cổ phiếu/50% tiền mặt để sẵn sàng giải ngân nếu xuất hiện các cơ hội. Có những cơ hội mà chúng ta có thể mua tích lũy dần, nhất là ở một số cổ phiếu có triển vọng lợi nhuận tiềm năng trong năm 2022, như cổ phiếu cảng biển, bảo hiểm, hóa chất và năng lượng...
Từ khóa » Dòng Tiền Vào Thị Trường Chứng Khoán
-
Dòng Tiền đổ Vào Chứng Khoán đến Từ đâu? | MBS
-
Dòng Tiền Trong Lĩnh Vực Chứng Khoán Là Gì? Chỉ Số Dòng Tiền?
-
Dòng Tiền Vào Chứng Khoán: Ngập Ngừng Chờ Tín Hiệu Tiền Tệ
-
Xu Thế Dòng Tiền: Thị Trường Bấp Bênh, Vẫn Nhiều Cơ Hội Hấp Dẫn
-
Định Giá Thị Trường Hấp Dẫn, Dòng Tiền ETF Vào Chứng Khoán Việt ...
-
Dòng Tiền đổ Vào Giao Dịch Chứng Khoán Tăng Dần - Báo Tuổi Trẻ
-
Thị Trường Chứng Khoán: Khơi Lại Dòng Tiền - An Ninh Tiền Tệ
-
Chứng Khoán: Thời Cơ Cho Dòng Tiền đầu Tư Nhưng ít Cơ Hội Cho VN ...
-
Chứng Khoán: Dòng Tiền đồng Loạt Bỏ Chạy, Nhà đầu Tư Ngày Một ...
-
Các Yếu Tố Tác động đến Giá Trị Thị Trường Cổ Phiếu Ngân Hàng ...
-
Thị Trường Chứng Khoán Tháng 4/2017 - Chi Tiết ấn Phẩm
-
Dòng Tiền Trên Trên Thị Trường Chứng Khoán đang Dần 'đắt đỏ'
-
Standard Chartered: Dòng Tiền Trên Thị Trường Chứng Khoán đang ...
-
Dòng Tiền đổ Vào Chứng Khoán đến Từ đâu? - Tiền Phong