DỐT ĐẶC CÁN MAI - Tuấn Công Thư Phòng

  • Home
  • Giới thiệu
  • Phê bình
  • Nghiên cứu
  • Tạp văn
  • Hỏi đáp
  • Đánh bắt Ẩm thực
  • Ngôn ngữ
  • Thường thức

6 thg 10, 2018

DỐT ĐẶC CÁN MAI

"Dốt đặc cán mai". Tranh: ST
HOÀNG TUẤN CÔNG Một số nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển (Vũ Dung, GS. Nguyễn Lân, Văn Tân…) lại thu thập và giải thích thêm các dị bản “Dốt đặc cán thuổng”, hay “Đặc cán thuổng”. Theo đây, “Dốt đặc cán mai” có vẻ như là cách nói tuỳ tiện của dân gian. Nghĩa là “đặc cán mai”, cũng giống như “đặc cán thuổng”, hay thậm chí là “đặc cán cuốc” mà thôi[1]. Vậy, “cán mai” có thể giống với “cán thuổng”, “cán cuốc” được không? -“Từ điển thành ngữ tục ngữ-ca dao Việt Nam” (Việt Chương) cho rằng, “cán mai”, hay “cán cuốc” đều giống nhau, bởi chúng có thể được làm bằng “gỗ”, hoặc “loại tre đặc ruột”. Ông phân tích: “Dốt đặc cán mai. (Thành ngữ) Mai: Dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng to và phẳng, tra vào cán dài, dùng để đào, xắn đất. Cũng như cán cuốc, cán mai xúc đất cũng phải dùng loại gỗ thật chắc, hoặc loại tre đặc ruột, như vậy mới đủ sức chịu đựng được vật nặng, và tránh được tai nạn cho người sử dụng vì cán gãy bất ngờ. Người dốt đặc cán mai là người hoàn toàn ngu dốt. Có thể nói là đần độn, ngu si”. Tuy nhiên, sách “1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia) lại cho rằng, cán mai không làm bằng gỗ, mà chỉ có thể làm bằng “tre đực, đặc ruột”. Ông giải thích: “Cái cán của cái mai, một dụng cụ để đào đất (Do chữ “mai” là đào lỗ dưới đất; mai táng) nên cần phải cứng chắc. Do vậy mà người ta phải làm bằng một cây tre đực, đặc ruột (cây tre cái thì rỗng ruột nên dễ gẫy). Từ “đực” cũng chỉ người đàn ông, cây tre tượng trưng cho người quân tử, người đàn ông có học, có tài, có đức độ…Ý nói: dốt quá, trong bụng đặc cứng rồi, không còn chỗ nào để có thể nhét chữ nghĩa vào được nữa, không có chỗ chứa đựng kiến thức được, chỉ bảo dậy dỗ gì thì cũng không vô được nữa, dốt không còn cách nào dạy được nữa”. Vậy, sự thực thế nào? Theo chúng tôi, các nhà nghiên cứu, biên soạn từ điển hãy còn thiếu hiểu biết thực tế về dụng cụ lao động của nhà nông, nên giải thích theo kiểu võ đoán, suy diễn thiếu căn cứ. Sự thực, mai là dụng cụ mà cái cán của nó dứt khoát phải làm bằng gỗ. Lưỡi mai khác với lưỡi thuổng, lưỡi xẻng, lưỡi cuốc.., ở chỗ nó liền với cán và hai bên má đều phẳng như nhau (để dễ dàng xắn xuống tầng đất sâu). Cụ thể, phần giữa, phía trên của lưỡi mai là khoảng hở rộng hình chữ U, hoặc chữ V (đáy tròn), có ngàm xung quanh để ngậm lấy phần gỗ gắn liền với cán. Người ta dùng một đoạn gỗ, thường là cứng chắc, không cong vênh để làm cán mai (nên có dị bản “Dốt đặc cán táu/mai táu”, là vậy). Đầu dưới cán mai bẹt, to bản, được đẽo hình lưỡi bò, có vai liền với cán tròn, dài, vừa tay cầm. Phần bẹt hình lưỡi bò ấy (phần dương), được lắp khít vào khoảng hở có ngàm hình chữ V (phần âm) của lưỡi mai. Nói cách khác, khoảng hở ở lưỡi mai hình chữ V, được khớp và ngậm chặt lấy phần hình lưỡi bò của cán mai.
Cán gỗ, lưỡi gỗ của cái mai và phần lưỡi sắt khi tháo rời (Sưu tầm tại xã Thiệu Thành-Thiệu Hoá, Thanh Hoá). Ảnh: HTC
Như vậy, xét cho cùng, cái mai chẳng qua là một dụng cụ xắn đất, có lưỡi bằng gỗ bọc sắt (lưỡi liền với cán) mà thôi. Trong khi đó, tre thân tròn, không thể đủ to bản để đẽo thành hình lưỡi bò lắp vào phần ngàm dẹt hình chữ V của lưỡi mai. Bởi vậy, dù tre đực có đặc ruột, hoặc to bằng mấy, cũng không thể dùng làm cán mai được. Theo đó, cán mai phải làm bằng gỗ, và chỉ có thể làm bằng gỗ mà thôi. Vì buộc phải làm bằng gỗ, nên chỉ có “cán mai” mới “đặc”, đã là cán mai là phải “đặc”. Còn “cán thuổng”, “cán cuốc”, “cán xẻng”…được làm bằng tre, ít hay nhiều đều rỗng ruột, không thể đặc hoàn toàn như gỗ[2].
Cái mai này thực chất là bằng gỗ bọc sắt ở phần đầu lưỡi Với cấu tạo này, người ta không thể làm cán mai bằng tre. (HTC sưu tầm tại xã Hoàng Giang - Nông Cống -TH) Ảnh: HTC
Cán mai dễ gãy ở phần khớp giữa lưỡi mai và cán mai (hay phần lưỡi gỗ bọc sắt). Theo đó, mai chỉ là dụng cụ để xắn đất mềm, lực tác động nhẹ nhàng (chân đạp lên phần vai của lưỡi mai) để xắn đất ao, làm thuỷ lợi, hoặc vạt đất ở các thành hố, làm phẳng, tạo hình vuông vắn cho cái hố, cái huyệt, mà trước đó đã được đào sâu bằng thuổng, chứ không đào được đất cứng như thuổng. Thế nên tục ngữ Mường có câu "Tiệc lài vai tột đáo khú eẻ oong" (Tiếc lưỡi mai tốt lại đào xắn đất đá ong).
Lưỡi sắt khi lắp vào phần lưỡi gỗ liền cán Không có loại tre đực nào đặc ruột tới mức có thể làm được cán mai Ảnh: HTC
Một cái mai cải tiến, lưỡi sắt hàn liền với cán sắt có chức năng vừa làm mai, vừa làm thuổng. Ảnh: HTC
Vì mai không đào được đất cứng, nên có thành ngữ “Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”. “Khoai” ở đây không phải “khoai lang”, “khoai sọ”, “khoai mì”…, mà là khoai mài (tức củ mài), chữ gọi “hoài sơn” 懷山. Khoai mài thân leo, mọc ở trong rừng, củ ăn sâu hàng mét dưới lòng đất chằng chịt các loại rễ cây và đá sỏi. Muốn đào được khoai mài, phải dùng thuổng, chứ không ai dùng mai (dễ gẫy). Theo đó, “Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”, hàm ý chế giễu kẻ thấy người ta làm cũng đua đòi, bắt chước làm theo, nhưng không biết cách làm, không phải lối.
Một người nông dân thời Pháp thuộc đang vác cái cuốc ta, có lưỡi bọc sắt, cán gỗ. Loại cuốc này chỉ dùng để xáo xới nhẹ, vun luống, hoặc cuốc đất ruộng, chứ không cuốc được đất cứng như cuốc tây. Ảnh: ST
Dân gian thường dựa trên sự quan sát các sự vật, hiện tượng xung quanh để đặt nên thành ngữ, tục ngữ. Lựa chọn sự vật, hiện tượng nào để so sánh, nhân cách hoá, đều có lý do của nó. “Dốt đặc cán mai” là cách nói hình tượng, nhấn mạnh thêm của “dốt đặc”. “Đặc” chẳng khác nào cái cán mai làm bằng gỗ, tức hoàn toàn không biết một tí gì, chỉ có dốt và dốt; ngoài dốt ra không có gì khác. Bởi "đặc" có nghĩa là hoàn toàn, nên còn có "điếc đặc" (điếc hoàn toàn, phân biệt với nghễnh ngãng), "quê đặc" (quê hoàn toàn); và có câu “Dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng”, ý nói thà “dốt đặc”, dốt hoàn toàn còn hơn biết một tí, biết không đến nơi đến chốn.
Cuốc ta, lưỡi gỗ bọc sắt, cán bằng gỗ. Với lỗ tra cán nhỏ thế này nếu cần, người ta có thể tra bằng tre đực. Bên cạnh là chiếc cày chìa vôi. (HTC sưu tầm tại xã Thiệu Thành-Thiệu Hoá, Thanh Hoá)
Cuốc tây, lưỡi sắt, có vòng tra cán rèn đúc liền với lưỡi, cán thường làm bằng tre đực. Ảnh: ST
Như vậy, các dị bản “Dốt đặc cán thuổng”, hay “Đặc cán thuổng”, là cách nói thiếu chính xác, được sáng tác thêm sau này. Nghĩa đen của nó không đắt, thậm chí ngược lại với chủ ý của dân gian khi lựa chọn cái cán mai làm vật so sánh[3].
Cán thuổng có thể làm bằng tre, vì phần tra cán hình tròn được rèn đúc liền với phần lưỡi sắt. Ảnh: HTC
Theo đó, cách giải thích cán mai có thể làm bằng “gỗ”, hoặc bằng “tre đặc ruột”, để tránh “cán gãy bất ngờ”, gây “tai nạn”, của Việt Chương; hay cán mai chỉ làm bằng “tre đực”,“tượng trưng cho người quân tử, người đàn ông có học, có tài, có đức độ”, của Lê Gia đều là võ đoán. Riêng Lê Gia, không hiểu sao cây “tre đực” của ông vốn có nhiều đức tính tốt đẹp như vậy, mà khi đem ra làm cán mai, nó bỗng trở thành biểu tượng của sự dốt nát, “không còn cách nào dạy dỗ được nữa”![3] HTC/10/2018 Chú thích: [1] Cụ thể: -“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung) giải thích: “dốt đặc cán mai [Dốt đặc cán táu; Dốt đặc cán thuổng] (táu: gỗ táu, thuộc loại gỗ quý, hay dùng làm cán mai, cán thuổng). Quá ngu dốt, đầu óc đặc như gỗ hoàn toàn không biết một tí gì”. -“Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS. Nguyễn Lân): “đặc cán thuổng • trgt. Như Đặc cán mai (thtục) <> Kể gì đến anh chàng dốt đặc cán thuổng ấy”. -“Từ điển tiến Việt” (Văn Tân chủ biên): “đặc cán mai • ph. Cg. Đặc cán thuổng. Nói dốt đến mức không biết gì: <> Dốt đặc cán mai”. [2] Bài “Truy” nguồn gốc điển tích độc lạ: Dốt đặc cán mai” (Kienthuc.net.vn-7/8/2015), PGS.TS Phạm Văn Tình tuy không phản biện dị bản “Dốt đặc cán thuổng”, và không cho biết tại sao cán mai lại phải làm bằng gỗ, nhưng ông đã đúng, khi giải thích: “Cán mai là cái cán cuốc dùng để đào đất. Cán mai thường làm bằng gỗ táu là thứ gỗ rất đanh (cứng), đúc đông đặc. Nên chê người ngu dốt quá, người ta nói là dốt đặc cán mai là không có chỗ nào mà nhét chữ vào được. Cũng có khi người ta nói: “dốt đặc cán mai táu”. Táu tức là gỗ táu. Mai là một dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, tra vào một cái cán dài. Cán mai khác với cán xẻng, cán cuốc... Trong khi cán xẻng, cán cuốc làm bằng tre, rỗng ruột thì cán mai làm bằng một loại gỗ đặc ruột”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, “đặc” ở đây không có nghĩa là “không có chỗ nào mà nhét chữ vào được” như PGS.TS Phạm Văn Tình giải thích, mà “đặc” có nghĩa là “thuần dốt”, “dốt hoàn toàn”. Cũng giống như “điếc đặc”, có nghĩa là điếc hoàn toàn, không nghe được một tí gì, phân biệt với mức độ điếc nhưng vẫn nghe được một chút là “nghễnh ngãng”, “lảng tai” hoặc “nặng tai”... [3] Cấu tạo của lưỡi mai gần giống như lưỡi của cái cuốc ta (còn gọi cuốc bàn, cuốc thủ…). Theo đó, cuốc ta cũng có lưỡi gỗ bọc sắt, nhưng cán tra ngang, và không liền với với lưỡi gỗ. Cán của cuốc ta có thể làm bằng gỗ, hoặc tre đực. Có thể thành ngữ "Dốt đặc cán mai ra đời khi cái cuốc tây cán tre, đã thay thế cho cái cuốc ta cán gỗ hoặc cán tre. Hoặc, thành ngữ này có thể ra đời sớm hơn, nhưng do cái cuốc ta có thể tra bằng hai loại cán gỗ, hoặc tre, nên không được dân gian lựa chọn làm vật điển hình để so sánh với "dốt đặc". Ngày nay, cả mai và cuốc ta đều gần như không còn được nông dân sử dụng nữa. Bởi vậy, chúng tôi đã phải mất nhiều tháng trời mới sưu tầm được hai loại dụng cụ này.

BÌNH LUẬN

3 nhận xét:

  1. Unknownlúc 19:22 19 tháng 5, 2020

    Bạn đã mô tả rất chính xác về cái mai, một công cụ rất quan trọng của nhà nông, phù hợp với kỹ thuật canh tác ở những vùng đất sét. Cái mai được sử dụng rất phổ biến ở Thanh hóa. Tuy nhiên nó có một số nhược điểm sau:1) Tốn nguyên liệu gỗ để làm cán mai vì cán mai dài, khó chọn gỗ, giá thành cao, đễ khắc phục 02 nhược điểm này, từ khu 3 gãy.2) Vì cán mai và lưỡi mai thẳng hàng, khó bẩy đất (khó nâng đất lên khi lộn đất).Có 1 dụng cụ khác khắc phục được 02 nhược điểm trên là cái Móng. Về cơ bản cái móng giống cái mai, khác ở phần Cán. Cán móng chia làm 2 phần: phần thân móng (bằng gỗ) và phần tay cầm (bằng tre). Tay cầm được gắn vào thân móng bằng 3 khong sắt và lệch tâm về phía trước so với thân móng rất dễ bẩy đất. Cái móng được sử dụng rất phổ biến ở các tỉnh Ninh bình, Nam định, Thái bình.

    Trả lờiXóaTrả lời
    1. Thanh Phạmlúc 12:31 29 tháng 7, 2021

      Quê tôi Nam Định, lại gọi cái như hình, lưỡi thép đúc với cán gõi khoẻ, chắc là móng. Móng dùng đào đất cứng, xới vườn đất thịt thành lớp. Mai lưỡi mỏng và nhẹ hơn.

      XóaTrả lời
        Trả lời
    2. Trả lời
  2. Chu linh ngoạilúc 20:32 23 tháng 7, 2021

    Phải sờ tận tay cái mai thì giải nghĩa mới đúng. Trân trọng cách làm khoa học của anh Công. Tôi cũng nhận thấy mai là một trong số ít loại nông cụ bị biến mất quá nhanh, nhiều bạn trẻ k0 biết đến cái mai.

    Trả lờiXóaTrả lời
      Trả lời
Thêm nhận xétTải thêm... Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ Đăng ký: Đăng Nhận xét (Atom)

Người theo dõi Blog

Hoàng Tuấn CôngEmail: tuancongthuphong@gmail.com

SỐ LƯỢT XEM TỪ 9/2013

Tìm kiếm Blog này

ĐỌC NHIỀU TRONG TUẦN

  • TRAO ĐỔI VỚI TÁC GIẢ BÀI “LIỆU CƠM GẮP MẮM”
  • NGHĨA CỦA “KHOẢ” TRONG TỪ “KHUÂY KHOẢ”
  • “VIỄN VÔNG” hay “VIỂN VÔNG” ?
  • “SÁP NHẬP” HAY “SÁT NHẬP”?
  • “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ! (kỳ 1)
  • THỔ ÂM THỔ NGỮ THANH HÓA
  • “CÀN” TRONG “ĂN BẬY NÓI CÀN” NGHĨA LÀ GÌ?
  • "ĐẦU" TRONG "TÂM ĐẦU Ý HỢP" NGHĨA LÀ GÌ?
  • MỌC ĐUÔI TÔM hay VỌC NIÊU TÔM ?
  • TỪ NGUYÊN CỦA “KHĂM” TRONG “CHƠI KHĂM”

TÌM BÀI THEO MỤC

  • Cà kê chuyện chữ nghĩa (28)
  • Cao Bồi Già (6)
  • Đánh bắt Ẩm thực (11)
  • Địa danh làng biển Thanh Hoá (1)
  • GS Trần Ngọc Thêm (3)
  • GS Vũ Khiêu (7)
  • GS. Nguyễn Văn Khang (8)
  • Hà Quang Năng (5)
  • Hoàng Tuấn Công (255)
  • Hoàng Tuấn Phổ (61)
  • Hỏi đáp (19)
  • Hồi ký Hoàng Tuấn Phổ (45)
  • LÀNG CỔ XỨ THANH (7)
  • Lê Xuân Đức (11)
  • Nghiên cứu (24)
  • Ngôn ngữ (7)
  • Nguyễn Công Lý (3)
  • Nguyễn Cừ (4)
  • Nguyễn Đức Dương (5)
  • Nguyễn Lân (27)
  • Nguyễn Quang Lập (2)
  • NXB Đồng Nai (6)
  • NXB Thanh Niên (4)
  • Phê bình (37)
  • Phê bình từ điển (6)
  • PV Thanh Hà (2)
  • SẦM SƠN (3)
  • Tác phẩm & Dư luận (7)
  • Tái bản sách Phê bình khảo cứu (7)
  • Tản văn (5)
  • Tang lễ (3)
  • Tạp văn (22)
  • THÁI HẠO (2)
  • Thanh Hằng (2)
  • Thành ngữ bằng tranh (5)
  • Tin nhạn (11)
  • TỪ ĐIỂN ĐẠO VĂN (2)
  • Từ láy (30)
  • Văn mẫu (2)
  • VTV (3)
  • Vua tiếng Việt (3)

TÌM BÀI THEO THÁNG

  • tháng 7 2024 (1)
  • tháng 6 2024 (2)
  • tháng 5 2024 (1)
  • tháng 3 2024 (2)
  • tháng 2 2024 (2)
  • tháng 1 2024 (2)
  • tháng 12 2023 (1)
  • tháng 11 2023 (3)
  • tháng 10 2023 (6)
  • tháng 9 2023 (5)
  • tháng 8 2023 (4)
  • tháng 6 2023 (5)
  • tháng 5 2023 (2)
  • tháng 4 2023 (4)
  • tháng 3 2023 (4)
  • tháng 2 2023 (1)
  • tháng 1 2023 (7)
  • tháng 12 2022 (1)
  • tháng 11 2022 (3)
  • tháng 10 2022 (1)
  • tháng 9 2022 (6)
  • tháng 8 2022 (8)
  • tháng 7 2022 (3)
  • tháng 6 2022 (1)
  • tháng 5 2022 (3)
  • tháng 4 2022 (3)
  • tháng 2 2022 (4)
  • tháng 1 2022 (3)
  • tháng 12 2021 (6)
  • tháng 11 2021 (2)
  • tháng 10 2021 (1)
  • tháng 9 2021 (5)
  • tháng 7 2021 (2)
  • tháng 6 2021 (2)
  • tháng 5 2021 (5)
  • tháng 4 2021 (1)
  • tháng 3 2021 (14)
  • tháng 2 2021 (1)
  • tháng 1 2021 (1)
  • tháng 12 2020 (21)
  • tháng 11 2020 (4)
  • tháng 10 2020 (6)
  • tháng 9 2020 (3)
  • tháng 8 2020 (5)
  • tháng 7 2020 (4)
  • tháng 6 2020 (4)
  • tháng 5 2020 (2)
  • tháng 4 2020 (2)
  • tháng 2 2020 (3)
  • tháng 1 2020 (4)
  • tháng 12 2019 (1)
  • tháng 11 2019 (1)
  • tháng 10 2019 (4)
  • tháng 9 2019 (2)
  • tháng 8 2019 (2)
  • tháng 7 2019 (4)
  • tháng 6 2019 (2)
  • tháng 5 2019 (3)
  • tháng 4 2019 (2)
  • tháng 3 2019 (3)
  • tháng 2 2019 (1)
  • tháng 1 2019 (3)
  • tháng 12 2018 (1)
  • tháng 11 2018 (1)
  • tháng 10 2018 (2)
  • tháng 9 2018 (7)
  • tháng 8 2018 (1)
  • tháng 7 2018 (2)
  • tháng 6 2018 (3)
  • tháng 5 2018 (2)
  • tháng 4 2018 (1)
  • tháng 3 2018 (3)
  • tháng 2 2018 (3)
  • tháng 12 2017 (2)
  • tháng 11 2017 (5)
  • tháng 10 2017 (1)
  • tháng 9 2017 (4)
  • tháng 8 2017 (1)
  • tháng 7 2017 (4)
  • tháng 6 2017 (2)
  • tháng 5 2017 (6)
  • tháng 4 2017 (9)
  • tháng 3 2017 (9)
  • tháng 2 2017 (5)
  • tháng 1 2017 (4)
  • tháng 12 2016 (2)
  • tháng 11 2016 (6)
  • tháng 10 2016 (8)
  • tháng 9 2016 (7)
  • tháng 8 2016 (8)
  • tháng 7 2016 (4)
  • tháng 6 2016 (4)
  • tháng 5 2016 (2)
  • tháng 4 2016 (7)
  • tháng 3 2016 (3)
  • tháng 2 2016 (4)
  • tháng 1 2016 (7)
  • tháng 12 2015 (2)
  • tháng 11 2015 (7)
  • tháng 10 2015 (7)
  • tháng 9 2015 (9)
  • tháng 8 2015 (7)
  • tháng 7 2015 (3)
  • tháng 6 2015 (5)
  • tháng 5 2015 (2)
  • tháng 4 2015 (5)
  • tháng 3 2015 (3)
  • tháng 2 2015 (3)
  • tháng 1 2015 (1)
  • tháng 12 2014 (1)
  • tháng 11 2014 (6)
  • tháng 10 2014 (4)
  • tháng 9 2014 (6)
  • tháng 8 2014 (7)
  • tháng 7 2014 (17)
  • tháng 6 2014 (12)
  • tháng 5 2014 (14)
  • tháng 4 2014 (21)
  • tháng 3 2014 (8)
  • tháng 2 2014 (4)
  • tháng 1 2014 (8)
  • tháng 12 2013 (4)
  • tháng 11 2013 (2)
  • tháng 10 2013 (8)
  • tháng 9 2013 (12)

Từ khóa » Giải Nghĩa Câu Dốt đặc Cán Mai