Đột Kích Cơ Sở Chế Biến đường Phèn Bẩn - VnExpress

"Ngày nào đi ngang khu vực này, tôi đều thấy cảnh phơi đường phèn ngoài vỉa hè cạnh nơi xe cộ qua lại thường xuyên mà không che đậy. Chỉ nhìn thế thôi đã không dám ăn", anh Minh và một số người thường xuyên qua lại trên đường Ngô Y Linh nơi có cơ sở sản xuất, cho biết.

sasasa

Một góc khu vực sản xuất đường phèn. Ảnh: Trung Hào.

Theo phản ánh của người dân, sáng 14/1, VnExpress.net đã vào cơ sở này để tìm hiểu. Chỉ vừa rẽ từ đường An Dương Vương vào đoạn đầu đường Ngô Y Linh được 100 mét, ngay trên vỉa hè đã thấy ngổn ngang thau chậu chứa muội than và thùng chứa đường.

Không có bảng hiệu, không thấy tên cơ sở, nơi sản xuất chỉ là một căn nhà dạng nhà kho, được dựng tạm trên một khu đất chừng 100 m2, lợp mái tôn, vách che đậy tạm bợ. Mọi thứ đen quánh, cáu bẩn màu của nhựa đường bám chặt với bụi đất lâu ngày.

Bên trong xưởng, phía dưới nền đất thấp hơn chừng một mét so với mặt phố bên ngoài, là hàng trăm thùng lớn nhỏ chứa đường đang chờ cô lại thành bánh trước khi mang phơi. Bên trong nữa, hai chảo đường sôi sùng sục từng cơn trên hai lò than to tướng. Thỉnh thoảng lại trào thứ nước đường đặc quánh chảy thành dòng xuống tận đất, nơi có một chiếc xô đang chờ hứng.

Cách lò nấu vài bước chân, những khối đường phèn thành phẩm được chất đầy trên các nia (loại dụng cụ dùng để phơi đường được đan bằng tre), không che đậy. Số khác được các công nhân đóng gói. Bao bì của loại đường phèn này là bao giấy, không ghi tên cơ sở cũng như địa chỉ sản xuất.

dsdsd

Khối đường phèn sau khi chế biến. Ảnh: Trung Hào.

Bà chủ cơ sở cho biết, nguyên liệu chế biến là đường cát. Đường được cho vào chảo nung sôi trộn vôi cùng với chất tẩy, sau đó rót ra các chậu rồi luyện tinh lắng mật, cô thành khối trong 5 ngày. Cứ 10 kg đường cát thì cho 6-7 kg đường phèn. Giá mỗi kg đường phèn của cơ sở này là 18.000 đồng.

Cũng theo bà chủ, người mua dùng đường phèn để nấu chè, làm bánh mứt, chế biến nước uống thanh nhiệt... Tuy nhiên, khi được hỏi, đường phèn sản xuất bằng cách nấu chảy đường cát rồi cô lại mà không che đậy thì liệu có tốt hơn đường cát không, thì bà chủ không trả lời được mà chỉ cho biết, đường phèn tốt hơn ở chỗ nó được "tinh luyện" đến 5 ngày.

Ghi nhận thực tế tại xưởng cho thấy, các chậu đường đang được luyện che đậy hững hờ.

Nhận được phản ánh của VnExpress.net, ngay trong trưa 14/1, đoàn kiểm tra liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm quận Bình Tân đã có mặt tại cơ sở. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Tân cho biết, cơ sở này đã hai lần được chính quyền địa phương thẩm định để cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng cả hai lần đều không đạt.

Các nội dung vi phạm gồm khu vực sản xuất chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh, nhân viên chưa có giấy khám sức khỏe... Cơ quan chức năng đã hướng dẫn khắc phục nhưng đến nay tình hình vẫn như cũ.

Trước những sai phạm trên, đoàn quyết định đình chỉ sản xuất của cơ sở, đồng thời niêm phong toàn bộ sản phẩm. Một lọ chất tẩy không nhãn mác, theo chủ cơ sở, dùng để chế biến đường cũng được thu giữ.

Tại Việt Nam, địa phương nổi tiếng chế biến đường phèn là Quảng Ngãi, nguyên liệu từ mía hoặc đường cát trắng. Để đường thực sự hợp vệ sinh, thay vì dùng chất tẩy trắng, đơn vị sản xuất dùng trứng gà đã pha chế để cho vào trong đường, khiến các tạp chất nổi lên trên.

Theo các chuyên gia ẩm thực, đường phèn có vị ngọt thanh không gắt, do đã được lọc tạp chất thật kỹ và lắng bớt chất mật. Tuy nhiên món này chỉ thực sự an toàn, bổ dưỡng khi được chế biến bằng một quy trình hợp vệ sinh và không pha nhiều chất tẩy.

Trung Hào

Từ khóa » Nơi Sản Xuất đường Phèn