Đột Quỵ (Stroke) - Family Caregiver Alliance

Định nghĩa

Đột quỵ là một tổn thương đến não xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể. Não bị thiếu ô-xy và dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Vì lý do đó, đột quỵ được coi là một tình huống cấp cứu y tế và cần có chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thực tế

Đột quỵ, thường gọi là “tai biến mạch máu não”, là nguyên nhân hàng đầu của tàn tật và tử vong trên toàn thế giới. Gần 800.000 người Mỹ bị đột quỵ hàng năm—xấp xỉ 137.000 người trong số đó tử vong và cuộc sống của những người sống sót thay đổi mãi mãi. Ngày nay có khoảng 6,5 triệu người sống sót qua đột quy đang sống ở Mỹ. Nhiều năm trước, đột quỵ được coi là không thể chữa trị, nhưng điều này không còn đúng nữa, đặc biệt là với các kỹ thuật mới hiện nay.

Các loại đột quỵ chính

  • Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Gây ra bởi tắc nghẽn trong động mạch, chiếm khoảng 85% số ca đột quỵ. Mặc dù có những đánh giá trên diện rộng, nhiều cơn đột quỵ thuộc dạng này vẫn còn chưa rõ nguyên nhân. May mắn thay, các liệu pháp dự phòng có hiệu quả cho tất cả các loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Các loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ phổ biến là:
    • Đột quỵ do huyết khối: Một cục máu đông (huyết khối) hình thành trong một động mạch ở cổ hoặc não. Những động mạch này có thể có tích tụ chất béo, gọi là các mảng bám.
    • Đột quỵ do tắc mạch: Tắc nghẽn bởi các cục máu đông hình thành ở đâu đó trong cơ thể (thường là tim) và di chuyển đến não. Nguồn phổ biến thường là nhịp bất thường ở hai buồng phía trên của tim (rung tâm nhĩ), có thể làm hình thành cục máu đông.
  • Đột quỵ do xuất huyết: Xuất huyết có nghĩa là chảy máu. Loại đột quỵ này được gây ra bởi sự rò rỉ hoặc vết nứt trên một động mạch não hoặc trên bề mặt não. Những vết nứt này có thể là do phình mạch (một khu vực mỏng, yếu trên thành động mạch) hoặc bởi sự dị dạng của hệ thống mạch máu não. Xuất huyết có thể xuất hiện ở trong não, hoặc trong khoảng không giữa não và lớp bảo vệ bên ngoài của nó. Khoảng 15% trường hợp đột quỵ là do xuất huyết.
  • Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA): Thường gọi là đột quỵ nhỏ, TIA thực chất là những giai đoạn ngắn có triệu chứng của đột quỵ, thường chỉ kéo dài vài phút. TIA được gây ra bởi sự giảm tạm thời dòng máu cung cấp cho một phần của não, và không gây ra tác dụng rõ rệt lâu dài. Nhưng TIA được coi là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ cao hơn, và cần được đánh giá bởi một bác sỹ ngay.

Triệu chứng

Các dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ và TIA giống nhau, và bao gồm sự xuất hiện đột ngột và ngắt quãng của:

  • Tê liệt cấp tính, ốm yếu hoặc tê cứng mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt là một bên của cơ thể. Nếu bạn không thể nâng hai tay qua đầu cùng một lúc, hoặc nếu bạn không thể cười một cách bình thường, bạn có thể đang bị đột quỵ.
  • Mất thăng bằng đột ngột, chóng mặt, mất phối hợp.
  • Mờ mắt hoặc giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt đột ngột, hoặc nhìn đôi.
  • Lú lẫn đột ngột, khó nói hoặc không hiểu các câu đơn giản. Nếu bạn không thể nhắc lại một câu đơn giản, bạn có thể đang bị đột quỵ.
  • Đau đầu khu trú nghiêm trọng, không giải thích được và xuất hiện nhanh; có thể kèm theo nôn mửa.

Có nguy cơ đột quỵ cao hơn nếu thấy xuất hiệu nhiều hơn một trong các dấu hiệu này. Tuy nhiên, có nhiều tình trạng khác có thể giống đột quỵ, và cần phải có một chuyên gia y tế xác định nguyên nhân của các triệu chứng này. Việc học cách nhận biết các dấu hiệu này là quan trọng, và nếu có thể, chú ý ngay khi chúng bắt đầu. Mặc dù chúng có thể không gây đau và thậm chí qua đi nhanh chóng, chúng là những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng rằng một cơn đột quỵ đã xảy ra hoặc có thể sắp xuất hiện. Mỗi phút đều có ý nghĩa: bạn được điều trị càng sớm (lý tưởng là trong vòng 60 phút), nguy cơ xuất hiện tổn thương vinh viễn càng giảm. Nếu bạn thấy có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo đột quỵ nào, liên hệ với bác sỹ hoặc người chăm sóc sức khỏe của bạn, đi đến phòng cấp cứu hoặc gọi cho 911 ngay!

Chẩn đoán

Việc xác định đúng nguyên nhân căn bản và vị trí của đột quỵ sẽ quyết định việc điều trị. Công nghệ y tế tiên tiến đã làm tăng rõ rệt khả năng chẩn đoán chính xác đột quỵ và đánh giá tổn thương đến não bộ. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ nhận biết các cơn đột quỵ nhỏ vì triệu chứng có thể bị bỏ qua bởi bệnh nhân và gia đình do hiểu nhầm đó là do lão hóa, hoặc có thể bị nhầm lẫn với các triệu chứng của các bệnh thần kinh khác. Như đã lưu ý ở trên, bất kỳ dấu hiệu cảnh báo đột quỵ nào cần cũng cần phải đánh giá y tế ngay lập tức. Như là các chuyên gia y tế sẽ nói với bạn, “càng mất nhiều thời gian, tổn thương não càng nghiêm trọng hơn”.

Các yếu tố nguy cơ

Nhiều yếu tố nguy cơ khiến một người dễ bị đột quỵ hơn. Các nguy cơ này bao gồm các yếu tố có thể kiểm soát được (những điều bạn có thể thay đổi) và không thể kiểm soát được (những điều bạn không thể thay đổi). Tin tốt là có thể phòng tránh được hơn một nửa số loại đột quỵ bằng chăm sóc y tế và thay đổi lối sống.

  • Chứng tăng huyết áp (cao huyết áp): Nguy cơ đột quỵ bắt đầu tăng khi huyết áp duy trì ở trên mức 115/75. Cao huyết áp, nguyên nhân hàng đầu của đột quỵ, làm tổn thương thành động mạch và có thể làm tăng hoạt động đông máu, dẫn đến sự hình thành các cục máu đông gây đột quỵ. Do cao huyết áp có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ hai đến sáu lần, kiểm soát huyết áp giúp giảm nguy cơ đáng kể. Có sẵn một số thuốc giúp kiểm soát cao huyết áp.
  • Hút thuốc: Hút thuốc làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh việc gây hại cho phổi, hút thuốc cũng làm tổn thương thành mạch máu, làm tăng quá trình xơ cứng động mạch, khiến tim làm việc nhiều hơn và làm tăng huyết áp. Phơi nhiễm với hút thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Tin tốt là, nếu bạn dừng hút thuốc hôm nay, trong vòng hai đến năm năm, nguy cơ đột quỵ của bạn sẽ ngang với người chưa bao giờ hút thuốc.
  • Cholesterol cao và thừa cân: Mức cholesterol từ 200 trở xuống là tốt nhất cho người trưởng thành. Cholesterol thừa có thể tích tụ trên thành động mạch và dẫn đến tắc những mạch này. Thừa cân làm quá tải toàn bộ hệ tuần hoàn và mở đường cho các yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ, như là cao huyết áp. Lối sống ngồi yên ít vận động làm gia tăng nguy cơ. Uống các thuốc statin làm giảm cholesterol có thể giảm nguy cơ đột quỵ.

Bạn có thể không thể thay đổi các yếu tố sau, nhưng bạn có thể giảm thiểu ảnh hưởng của chúng lên nguy cơ đột quỵ chung bằng cách tập trung vào các yếu tố có thể kiểm soát được ở trên.

  • Tuổi tác: Mặc dù người trẻ tuổi có thể bị đột quỵ, nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi mỗi 10 năm kể từ tuổi 55.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn một chút so với nữ giới.
  • Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ đột quỵ cao hơn gần gấp đôi so với người da trắng.
  • Tiền sử gia đình: Bạn có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nếu gia đình có người từng bị đột quỵ.
  • Đái tháo đường: Các vấn đề về tuần hoàn liên quan đến đái tháo đường có thể tăng nguy cơ đột quỵ thậm chí là khi mức đường huyết và insulin được kiểm soát chặt chẽ.
  • Bệnh tim mạch: Bị đau tim có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ của bạn. Một yếu tố nguy cơ bổ sung là một bất thường ở tim được gọi là rung tâm nhĩ (AF), một loại bất thường nhịp tim đặc biệt ảnh hưởng đến trên một triệu người Mỹ. Thông thường, cả bốn buồng tim của trái tim đập theo cùng một nhịp, khoảng 60 đến 100 lần một phút. Ở người bị AF, tâm nhĩ trái có thể đập nhanh và không kiểm soát được lên đến 400 lần một phút. Nếu không được điều trị, AF có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ của bạn từ 4 đến 6 lần. Thuốc có thể giúp điều trị tình trạng này.
  • Đột quỵ tái phát: Một người có tiền sử đột quỵ có nguy cơ cao bị một lần đột quỵ khác. Nguy cơ cao này kéo dài xấp xỉ năm năm và giảm dần theo thời gian; nguy cơ cao nhất là trong vòng vài tháng đầu tiên. Bên cạnh chú ý tới những yếu tố nguy cơ đột quỵ có thể kiểm soát được, những người trải qua đột quỵ có thể hưởng lợi từ thuốc kê đơn để giảm nguy cơ đột quỵ của mình.
  • Cơn thiếu máu não thoáng qua: Bị một cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) làm tăng nguy cơ bị đột quỵ lớn trong tháng, thường là trong hai ngày. Các thuốc, bao gồm aspirin có thể được kê để giúp ngăn ngừa cơn đột quỵ trong tương lai.

Bên cạnh các yếu tố nguy cơ trên, đột quỵ cũng có liên quan đến việc sử dụng rượu nhiều (đặc biệt là uống quá độ); sử dụng các thuốc trái luật như cocain và methamphetamin; tăng lượng hồng cầu; đau nửa đầu kèm hoa mắt (rối loạn thị giác); thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormon với estrogen. Chưa có chứng minh nào chỉ ra có mối quan hệ trực tiếp giữa căng thẳng và nguy cơ đột quỵ. Cũng như với nhiều tình trạng, tập luyện tối thiểu 30 phút mỗi ngày trong tuần làm giảm nguy cơ đột quỵ.

Điều trị

Một trong những nguyên nhân cho sự khẩn cấp của việc đánh giá các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ là các nhà nghiên cứu đã phát hiên ra rằng tổn thương não do đột quỵ có thể lan ra ngoài khu vực bị ảnh hưởng bởi đột quỵ và có thể trở nên nặng hơn trong vòng 24 giờ đầu tiên. Nhân viên y tế tìm cách hạn chế hoặc phòng ngừa tổn thương thứ phát này bằng các loại thuốc riêng trong vòng một vài giờ đầu tiên sau đột quỵ nếu phù hợp.

Khi đột quỵ xảy ra, nhập viện là cần thiết để xác định nguyên nhân và loại đột quỵ và để điều trị hoặc ngăn ngừa các biến chứng tiếp theo. Có thể cần điều trị bằng phẫu thuật cũng như bằng thuốc.

Một khi tình trạng của người sống sót sau đột quỵ đã ổn định và sự thiếu hụt thần kinh có vẻ không còn tiếp diễn, giai đoạn phục hồi chức năng bắt đầu. Phục hồi chức năng không chữa được đột quỵ. Thay vào đó, nó tập trung vào việc giảm thiểu tổn thương vĩnh viễn và tăng cường thích nghi. Phục hồi chức năng có thể bao gồm việc tập luyện tích cực các lĩnh vực khác nhau bao gồm chuyển động, thăng bằng, nhận thức về không gian và cơ thể, kiểm soát ruột/bàng quang, ngôn ngữ và các phương pháp mới về thích nghi tâm lý và cảm xúc. Chương trình phục hồi chức năng sau đột quỵ bao gồm các nỗ lực phối hợp của nhiều chuyên gia y tế.

Xấp xỉ 80% số người sống sót sau đột quỵ bị thâm hụt về thể chất, nhận thức và ngôn ngữ mà có thể được giúp đỡ thông qua phục hồi chức năng. Đôi khi có người không nhận được các dịch vụ họ cần vì các dịch vụ này không được giới thiệu tới họ hoặc vì bên bảo hiểm thông báo rằng họ không bao trả chi phí đó. Bạn có thể cần hỏi nhiều và kiên quyết để có được sự trợ giúp mình cần. Một người lên kế hoạch xuất viện có thể giúp đỡ bằng cách cấp giấy giới thiệu đến các trung tâm phục hồi chức năng. Một nhân viên xã hội có thể có ích khi cần thực hiện các thu xếp đặc biệt cho việc chăm sóc dài hạn và giới thiệu tới các nguồn lực cộng đồng.

Hậu quả sau đột quỵ

Phục hồi sau đột quỵ khác nhau: một số người có thể phục hồi hoàn toàn trong khi những người khác sẽ bị khuyết tật nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng. Phục hồi nhanh nhất xảy ra trong vòng 30 ngày đầu tiên sau đột quỵ. Hậu quả cụ thể trên một người sống sót sau đột quỵ sẽ phụ thuộc vào vị trí và phạm vi của đột quỵ và việc người đó đã được điều trị nhanh như thế nào. Đột quỵ xảy ra ở bán cầu não trái có thể ảnh hưởng đến giao tiếp và trí nhớ, cũng như vận động ở phần cơ thể bên phải. Đột quỵ xảy ra ở bán cầu não phải có thể ảnh hưởng đến các khả năng không gian và nhận thức, cũng như vận động ở phần cơ thể bên trái.

Mặc dù không có hai người sống sót sau đột quỵ nào có tổn thương hoặc khuyết tật giống hệt nhau, những triệu chứng thể chất, nhận thức và cảm xúc chung của những người này thường là:

  • Tê liệt hoặc yếu: Thường là ở một bên cơ thể, bao gồm cả mặt và miệng. Bệnh nhân có thể bị khó nuốt hoặc bị bỏ mặc một bên (lờ hoặc quên mất phần cơ thể bị ảnh hưởng).
  • Vấn đề thị giác: Bệnh nhân có thể không tập trung nhìn được, có thể có điểm mù hoặc có vấn đề với tầm nhìn ngoại vi.
  • Khó khăn trong giao tiếp: Mất ngôn ngữ là khái niệm được dùng để mô tả tập hợp sự thiếu hụt về giao tiếp, bao gồm gặp vấn đề khi nói, hiểu, đọc và viết.
  • Rối loạn cảm xúc: Biểu hiện không kiểm soát, không lý giải được của hành động khóc, tức giận hoặc cười mà có thể ít có liên hệ đến trạng thái cảm xúc hiện tại của bệnh nhân. Những biểu hiện này thường đến và đi nhanh chóng và có thể giảm dần theo thời gian.
  • Trầm cảm: Lo âu (đặc biệt là về khả năng gặp một cơn đột quỵ khác) và trầm cảm không phải là hiếm gặp sau đột quỵ, và có thể có nguyên nhân sinh lý và tâm lý. Có thể dùng thuốc để giảm nhẹ những triệu chứng này.

Chăm sóc

Việc chăm sóc một người bị đột quỵ là thử thách. Các khả năng hành vi, ghi nhớ, giao tiếp và thể chất đều có thể bị ảnh hưởng bởi đột quỵ. Khi một người yêu quý phải nhập viện lần đầu tiên ngay sau khi bị đột quỵ, các gia đình thường tham gia giúp cung cấp thông tin về tiền sử và triệu chứng của bệnh nhân, kiểm tra việc điều trị, trao đổi về các lựa chọn chăm sóc bệnh nhân và nhìn chung đóng vai trò kết nối giữa nhân viên bệnh viện và bệnh nhân. Bạn đột nhiên trở thành người phát ngôn và ủng hộ chính của bệnh nhân.

Khi quá trình điều trị tiến triển, bạn, với vai trò là người chăm sóc chính, cũng có thể tham gia vào việc lựa chọn cơ sở phục hồi chức năng, phối hợp các dịch vụ chăm sóc tại nhà, cung cấp vận chuyển, giữ nhà và nấu ăn và giao tiếp với các bác sỹ và nhân viên phục hồi chức năng. Khi thời gian trôi qua và những thiếu hụt vẫn còn tồn tại, bạn cũng có thể phải đối phó với sự trầm cảm của bệnh nhân, nhu cầu chăm sóc thể chất, phối hợp chăm sóc tại nhà với các liệu pháp nghề nghiệp, lời nói hoặc thể chất, hỗ trợ giao tiếp nếu bệnh nhân bị suy giảm khả năng giao tiếp và cung cấp sự khuyến khích về tâm lý và xã hội.

Sẽ có ích khi nhớ rằng bạn không thực hiện công việc này một mình—có sẵn trợ giúp trong cộng đồng và điều quan trọng là phải tìm kiếm. Phục hồi chức năng có thể là một quá trình lâu dài với tiến triển chậm chạp và đôi khi thất thường—quá trình phục hồi của mỗi người đều khác nhau. Vai trò ủng hộ của bạn vẫn sẽ tiếp tục. Trong khi hồi phục, hãy cố găng tập trung vào khả năng của bệnh nhân hơn là hạn chế của họ, và khuyến khích họ mỗi khi có tiến bộ, dù lớn hay nhỏ.

Mặc dù chăm sóc cho người mình yêu quý có thể tốn nhiều thời gian, hãy cố gắng chú ý tới sức khỏe của chính bạn và cách mà bất kỳ căng thẳng nào có thể ảnh hưởng đến bạn. Để tránh kiệt sức về việc chăm sóc, hãy cố gắng ngủ đủ, ăn uống lành mạnh, chú ý đến nhu cầu y tế của bản thân và tập luyện khi có thể.

Trợ giúp về tư vấn và nghỉ ngơi (tức là tạm giao việc chăm sóc cho một thành viên trong gia đình, bạn bè hoặc người chăm sóc được thuê) có thể cho phép bạn có một khoảng thời gian một mình để tập hợp và làm mới năng lượng cho những công việc phía trước. Hãy nhớ yêu cầu trợ giúp khi bạn thấy cần. Tìm trợ giúp cho chính bạn, cũng như cho người bạn yêu thương, là cần thiết và có lợi cho cả người mà bạn chăm sóc và bạn.

Nguồn lực

Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình Trung Tâm Quốc Gia về Chăm Sóc (415) 434-3388 | (800) 445-8106 Trang web: www.caregiver.org E-mail: info@caregiver.org (liên kết gửi e-mail)FCA CareNav: https://fca.cacrc.org/loginServices by State: https://www.caregiver.org/connecting-caregivers/services-by-state/

Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình (FCA) tìm cách cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người chăm sóc thông qua đào tạo, các dịch vụ, nghiên cứu và vận động. Thông qua Trung Tâm Quốc Gia về Chăm Sóc, FCA cung cấp thông tin về xã hội, chính sách công cộng, và các vấn đề chăm sóc và cung cấp hỗ trợ trong việc phát triển các chương trình công cộng và cá nhân dành cho những người chăm sóc. Cho cư dân của Vùng Vịnh San FranCisco, FCA cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho người chăm sóc cho những người mắc bệnh Alzheimer, đột quỵ, chấn thương sọ não, bệnh Parkinson và các tình trạng sức khỏe suy nhược khác mà người trưởng thành gặp phải.

Tài liệu thông tin và lời khuyên của FCA

Danh sách thông tin và lời khuyên có sẵn trực tuyến tại www.caregiver.org/fact-sheets.

  • Thuê giúp việc tại nhà
  • Lên kế hoạch xuất viện: Hướng dẫn cho các gia đình và người chăm sóc

Những tổ chức và đường dẫn khác

Bước Tiếp Theo Khi Chăm Sóc www.nextstepincare.org (đường dẫn ở bên ngoài) Quỹ Liên Hiệp Bệnh Viện có các thông tin và lời khuyên toàn diện để giúp những người chăm sóc trong gia đình và nhân viên y tế lên kế hoạch di chuyển bệnh nhân. Có sẵn bản dịch tiếng Tây Ban Nha.

Hiệp Hội Đột Quỵ Quốc Gia www.stroke.org (đường dẫn ở bên ngoài) Hiệp Hội Đột Quỵ Quốc Gia cung cấp đào tạo, thông tin và giới thiệu và nghiên cứu về đột quỵ cho các gia đình, nhân viên y tế và những người khác quan tâm đến hoặc bị ảnh hưởng bởi đột quỵ.

Hiệp Hội Đột Quỵ Hoa Kỳ www.strokeassociation.org (đường dẫn ở bên ngoài) Hiệp Hội Đột Quỵ Hoa Kỳ cung cấp thông tin và tài trợ cho các chương trình và nhóm hỗ trợ trong cả nước cho những người sống sót sau đột quỵ và thành viên gia đình.

AbleData www.abledata.com (đường dẫn ở bên ngoài) AbleData cung cấp thông tin khách quan về những sản phẩm công nghệ hỗ trợ và thiết bị phục hồi chức năng.

Tờ thông tin này được chuẩn bị bởi Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình và được đánh giá bởi Điều dưỡng đã đăng ký Thelma Edwards, Hiệp Hội Đột Quỵ Quốc Gia và Tiến sỹ, Trợ lý bác sỹ Freddi Segal-Gidan, Trường Đại Học Y Keck, Đại Học Nam California, Trung Tâm Phục Hồi Chức Năng Quốc Gia Rancho Los Amigos và bởi Hiệp Hội Đột Quỵ Peninsula. © 2016-2020 Family Caregiver Alliance. Tất cả các quyền được bảo hộ. Đánh giá và cập nhật năm 2010.

Từ khóa » Mô Tả đột Quỵ