Dry Cleaning: Tất Cả Những Gì Bạn Cần Biết Về Giặt Hấp/Giặt Khô

Dry Cleaning: Tất cả những gì bạn cần biết về Giặt hấp và Giặt khô

Harper’s Bazaar từng viết khá kỹ về các nguyên tắc giặt giũ theo nhãn mác. Vì chỉ khi bạn theo sát chỉ thị của nhà sản xuất, bạn mới có thể giữ cho món đồ lâu hư hỏng, khó xuống màu. Hôm nay, chúng tôi sẽ viết kỹ hơn về một phần của nhãn giặt này: Dry Cleaning.

Dry Cleaning là gì?

Khi bạn giặt đồ tại nhà, đây là kiểu giặt ướt. Vì dung dịch chính dùng để gột tẩy quần áo là nước.

Tuy nhiên, có nhiều chất liệu vải không phù hợp để giặt ướt. Trên nhãn giặt, nhà sản xuất sẽ ghi chú rằng chúng cần được dry clean. Thực chất, không phải là chúng được tẩy sạch một cách thần kỳ với không khí! Mà chúng được ngâm trong một dung dịch hóa học không sử dụng nước. Vì không tiếp xúc với nước, cách giặt này được gọi nôm na là giặt hấp hoặc giặt khô.

Trang phục sẽ được ngâm trong dung dịch tẩy rửa chuyên dụng. Sau đó, dung dịch sẽ được hút sạch và tái sử dụng. Lý do vì dung dịch này có thể gây ô nhiễm môi trường nếu tiếp xúc với không khí. Sau khi trang phục đã được tẩy sạch, nó sẽ được ủi phẳng phiu và trả về cho chủ nhân.

Tôi có nhất thiết phải giặt hấp/giặt khô?

Có vô vàn lý do vì sao chất liệu vải cần được dry clean. Một vài chất liệu có thể co lại, nhăn nhúm và mất đi phom dáng khi tiếp xúc với nước. Chất liệu khác lại có thể phai màu hay bị loang màu. Hoặc, trang phục của bạn bị dính một loại vết dơ không thể tẩy sạch bằng nước.

Ví dụ, trong trường hợp của lụa tơ tằm. Loại lụa được dệt kiểu satin bóng có thể dễ trầy xước khi giặt thông thường. Đồng thời, lụa phải được nhuộm bằng màu nhuộm rất mạnh để có thể ăn màu. Và khi giặt với nước, màu nhuộm có thể phai.

Hoặc, trong trường hợp của các loại len. Khi bạn giặt máy, sợi len bị vò vào với nhau, tạo nên một chất liệu khác – nỉ. Vì vậy, cách an toàn nhất để giặt len là giặt tay (vỗ nhẹ trong nước, không vò, không vắt mạnh tay) hoặc giặt khô. Cũng vì lý do này, đôi khi bạn sẽ thấy ký hiệu đề nghị cả giặt máy lẫn giặt hấp trên nhãn mác trang phục (ví dụ hình trên).

Các phương thức Dry Cleaning khác nhau

Bạn có biết: Giặt hấp/giặt khô cũng có nhiều loại? Sự khác biệt này đến từ dung dịch được sử dụng.

Thuở sơ khai, dung dịch thường được sử dụng nhất chính là xăng dầu (kerosene hoặc gasoline). Ngày nay, dù được cải tiến ít nhiều để giảm tính năng bắt hỏa, hóa chất dry clean chủ đạo vẫn là dung dịch gốc dầu perchloroethylene.

Để hiểu sản phẩm của mình nên được giặt bằng phương thức nào, bạn có thể nhìn nhãn giặt.

Ký hiệu giặt hấp/giặt khô (dry cleaning) trên nhãn mác quần áo

Ký hiệu vòng tròn: Sản phẩm này có thể được giặt hấp.

Trên nhãn giặt, ký hiệu vòng tròn đi đôi với ý nghĩa rằng sản phẩm này có thể được giặt hấp. Ví dụ, nếu một trang phục có thể hoặc giặt tay, hoặc giặt hấp, bạn sẽ thấy cả ký hiệu giặt tay và ký hiệu vòng tròn.

Còn nếu ký hiệu giặt tay hoặc giặt máy bị gạch bỏ, thì có nghĩa rằng trang phục ấy chỉ có thể được giặt hấp/giặt khô.

Ký hiệu vòng tròn bị gạch chéo: Sản phẩm này không thể được giặt hấp.

Hãy nhớ rằng, vì dung dịch giặt hấp không phải nước, nó thực chất có thể bào mòn những chất liệu không phù hợp. Các loại áo có nút gỗ hay nút xà cừ, chẳng hạn.

Ký hiệu vòng tròn đi kèm chữ A: Có thể dùng bất kỳ dung dịch nào.

Nếu ký hiệu vòng tròn trống không, hoặc đi kèm với chữ A, thì bạn có thể đưa đi giặt hấp thoải mái. Trang phục này không đòi hỏi phải dùng dung dịch đặc biệt. Đây là lúc bạn có thể tìm đến các đơn vị có giặt hấp xanh với dung dịch từ CO2.

Ký hiệu vòng tròn đi kèm chữ F: Chỉ được phép dùng dung dịch gốc dầu mỏ.

Một số dung dịch gốc dầu mỏ chính là perchloroethylene hoặc trichloroethylene. Chúng có tác dụng gột bỏ dầu mỡ, sáp hay chất bẩn khó đánh bật.

Ký hiệu vòng tròn đi kèm chữ P: Sản phẩm không chịu dung dịch trichloroethylene.

Trichloroethylene được dùng trong ngành công nghiệp giặt khô/giặt hấp như dung dịch tẩy điểm (spot clean), dùng để loại trừ chất dơ ở từng khu vực nhỏ. Dung dịch này có khả năng tẩy rửa rất mạnh. Vì vậy, nó không phù hợp với các chất liệu mỏng manh.

Các trang phục thường được đề nghị giặt hấp là len, lụa tơ tằm, hay trang phục đính kết lông vũ…

Những tác hại cho sức khỏe và môi trường của dung dịch dry clean

Như bạn thấy, dung dịch gốc dầu mỏ rất độc hại cho sức khỏe. Khí hơi thoát ra từ dung dịch này có khả năng gây ung thư. Tại các quốc gia phát triển, có nhiều điều luật được đề ra nhằm bảo vệ sức khỏe của thợ làm việc tại công ty chuyên giặt hấp, giặt khô, giới hạn thời gian họ phải tiếp xúc với perchloroethylene.

Trichloroethylene còn độc hại hơn cả perchloroethylene. Hít thở hàm lượng trichloroethylene cao có thể gây ung thư, bệnh về thần kinh và gan. Tại Mỹ, trichloroethylene đã bị cấm sử dụng từ năm 1977. Thay thế là một vài chất khác như bromopropane hay hydrochlorofluorocarbon.

Đối với khách hàng mặt trang phục phải giặt khô/giặt hấp, lượng khí bám trên bề mặt vải không đáng kể để có thể gây hại về mặt sức khỏe. Tuy vậy, ngành công nghiệp dry clean vẫn đang đi tìm những biện pháp khác để thay thế dung dịch gốc dầu mỏ.

Nếu lo sợ về hóa chất giặt hấp, bạn có thể…

1. Tìm đến phương thức Green Dry Cleaning. Kiểu giặt hấp, giặt khô này sử dụng CO2 dạng lỏng. Đây cũng là phương thức thân thiện nhất với môi trường.

2. Hạn chế không giặt hấp liên tục. Các sợi lụa tơ tằm và len, thực chất, có tính chất kháng khuẩn thiên nhiên. Bạn có thể áp dụng các biện pháp tẩy mùi (như phơi nắng, xịt dung dịch pha giấm v.v.). Chỉ khi nào trang phục dính vết dơ thì bạn mới cần phải mang nó đi giặt hấp.

>>> Xem thêm: 4 CÁCH KHỬ MÙI ÁO LEN, ÁO CASHMERE MÀ KHÔNG CẦN GIẶT HẤP

Harper’s Bazaar Việt Nam

Từ khóa » Hang Dry Nghĩa Là Gì