Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang Và Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam (Vĩnh ...

1. DẪN NHẬP

Phật giáo có mặt ở đất nước Việt Nam trên 2.000 năm với dòng chảy chủ đạo là Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna). Đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh Đông Dương là thuộc địa của Pháp, quá trình tiếp xúc văn hóa giữa các quốc gia diễn ra mạnh mẽ, Phật giáo Thượng tọa bộ (Theravāda) được truyền bá vào cộng đồng người Việt. Bên cạnh đó, Nam Kỳ là vùng đất xuất hiện nhiều tôn giáo bản địa, đa phần chịu ảnh hưởng từ Phật giáo như: Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo,… Do đó, nơi đây hội tụ các truyền thống tôn giáo rất đa dạng và phong phú.

Thập niên 1940, một tông phái Phật giáo mới ra đời, có tên là Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam. Phật giáo Khất sĩ chủ trương tích hợp có chọn lọc những giá trị trong tư tưởng của hai truyền thống Phật học Thượng tọa bộ và Đại thừa, đồng thời dung hòa những yếu tố phù hợp với văn hóa truyền thống của Việt Nam, từ đó hình thành nền Phật giáo dân tộc và hiện đại. Sau gần 80 năm tồn tại và phát triển, Phật giáo Khất sĩ trở thành hệ phái tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam. Thành quả đó bắt nguồn từ những bước chân đầu tiên của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang.

2. KHÁI QUÁT VỀ ĐỨC TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG 

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang thế danh Nguyễn Thành Đạt, sanh ngày 26/9 năm Quý Hợi 1923, quê quán tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Ngài là con của ông Nguyễn Tồn Hiếu và bà Phạm Thị Tỵ (tự Nhàn), nhưng thân mẫu chẳng may mất sớm, Ngài được nuôi dưỡng bởi kế mẫu là bà Hà Thị Song. Khi đi học, Ngài sử dụng họ tên khác là Lý Huờn [1].

Xuất thân trong gia đình có truyền thống Phật giáo, bản thân lại quan tâm tìm hiểu tư tưởng nhà Phật, do đó Ngài có chí hướng xuất gia từ rất sớm. Năm 1937, Ngài từ giã gia đình, sang Cambodia tầm Sư học đạo. Bấy giờ, Ngài tìm đến ông Lục Tà Keo – một người có quen biết với gia đình từ trước, khi đó ở làng Tuk Meas, người Việt quen gọi là Sóc Mẹt (nay là xã Tuk Meas Khang Lech, huyện Banteay Meas, tỉnh Kampot). Ngài vừa làm việc phụ giúp ông Lục Tà Keo, vừa dành thời gian vào các chùa Khmer tìm hiểu Kinh điển Pāli.

Năm 1941, Ngài trở về Việt Nam, làm việc ở Sài Gòn. Năm 1942, Ngài lập gia đình với cô Kim Huê, con gái nuôi của ông Hội đồng Võ Văn Nhiều ở chợ Lớn. Năm 1943, hai người có con gái đầu lòng là bé Kim Liên, nhưng trong năm đó, cô Kim Huê qua đời. Sang năm sau, bé Kim Liên cũng qua đời. Sự mất mát to lớn xảy ra trong khoảng thời gian ngắn khiến Ngài càng thấm thía hơn về kiếp nhân sinh.

Năm 1944, Ngài xuống tóc tu hành tại thị xã Vĩnh Long. Không được bao lâu, nơi đây xảy ra biến loạn do sự bắt bớ của quân Pháp đối với những người kháng chiến, khiến người tu hành khó có thể yên ổn [Hoa Ngọc 2013]. Ngài quyết định ra đảo Phú Quốc tu hành, nhưng khi đến Hà Tiên lại trễ chuyến tàu, bèn ở tạm tại mũi Nai để chờ ngày có chuyến tàu khác. Trên sườn núi Đèn nằm ở ven biển, Ngài thiền định trong bảy ngày rồi chứng ngộ. Sau đó, Ngài trở về báo tin cho gia đình, rồi ẩn tu ở vùng Thất Sơn (tỉnh An Giang ngày nay) và Cambodia trong hai năm.

Phật giáo Khất Sĩ chủ trương tích hợp có chọn lọc những giá trị trong tư tưởng của hai truyền thống Phật học Thượng tọa bộ và Đại thừa, đồng thời dung hòa những yếu tố phù hợp với văn hóa truyền thống của Việt Nam, từ đó hình thành nền Phật giáo dân tộc và hiện đại.(Ảnh: sưu tầm)

Ngài tự thuật: “Minh Đăng Quang Khất sĩ xuất gia 1944 tại Vĩnh Long, đi tu tìm học nơi hai giáo lý Đại thừa, Tiểu thừa của Cao Miên và Việt Nam. Năm 1946, nạn khói lửa chiến tranh danh lợi, đốt phá núi rừng, làm cho người tu không chỗ ở, lại thêm nạn cướp bóc, không cho kẻ sĩ hiền làm việc nuôi thân sống tạm. Minh Đăng Quang rời khỏi xứ Cao Miên trở về Nam Việt thực hành giới luật Tăng đồ tại tỉnh Mỹ Tho cho đến năm 1948” [Tổ sư Minh Đăng Quang 2016: 732].

Năm 1946, Ngài gặp một vị hiền sĩ thỉnh Ngài về làng Phú Mỹ, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho để tu tập và truyền bá chánh pháp tại Linh Bửu Tự, làng Phú Mỹ.

Năm 1947, Ngài chính thức sử dụng pháp hiệu Minh Đăng Quang và bắt đầu công cuộc hành đạo, thâu nhận đệ tử, xây dựng tịnh xá, thuyết pháp… Ngài và chúng đệ tử cất bước theo lời Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người” [Kinh Tương Ưng Bộ 2013: 78].

Từ đó đến năm 1954, đoàn Du Tăng Khất sĩ do Ngài lãnh đạo đã hoằng pháp không ngừng nghỉ khắp các tỉnh thành ở Nam kỳ. Song song trong thời gian đó, Ngài biên soạn tác phẩm Chơn lý, gồm 69 bài pháp, viết bằng chữ Quốc ngữ. Bộ sách là sự tóm tắt tinh hoa tư tưởng từ hai truyền thống Phật học Nam tông và Bắc tông, mà thời điểm ấy Kinh điển đang nằm sâu trong Hán tạng và Pāli tạng.

Đầu năm 1954, Đức Tổ sư thông báo Ngài chuẩn bị đi tu tịnh ở “núi lửa”. Ngày 01/2 năm Giáp Ngọ 1954, khi Ngài đang trên đường từ Sa Đéc đi Cần Thơ thì mất tích. Từ đó, Đức Tổ sư vắng bóng đến nay.

Đức Tổ sư nêu cao đường lối tu tập bám sát theo đường lối tu tập do Đức Phật đề ra, với ba trụ cột chính là Giới – Định – Huệ. Ngài khẳng định: “Người Khất Sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là:Giới, Định, Huệ”(Ảnh: vuonhoaphatgiao.com)

3. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM 

Năm 1947, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang thâu nhận các đệ tử xuất gia đầu tiên gồm: Bốn đệ tử nam, sáu đệ tử nữ, một chú tiểu khoảng 10 tuổi [Thích Giác Toàn 2015: 88]. Hội chúng An cư kiết hạ năm đầu tiên tại làng Phú Mỹ [Hành Vân 2016: 97]. Khi đó, các vị Khất sĩ gọi Tổ sư là Sư trưởng. Năm 1948, Sư trưởng Minh Đăng Quang và các đệ tử bắt đầu hành đạo đến Sài Gòn và các tỉnh miền Đông. Tại Sài Gòn, do dân chúng cảm mến gương hạnh của các vị Khất sĩ, nên Tăng đoàn được mời An cư kiết hạ năm thứ hai tại chùa Kỳ Viên.

Năm 1948, Sư trưởng kiến tạo ngôi đạo tràng đầu tiên là tịnh xá Pháp Vân, kế là tịnh xá Trúc Viên (về sau đổi tên là Ngọc Thuận), rồi đến tịnh xá Ngọc Viên, cả ba đều tọa lạc tại Vĩnh Long. Từ đó, tịnh xá Ngọc Viên trở thành trung tâm hoằng pháp của Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam. Năm 1949, Đại lễ Tự tứ và Vu-lan-bồn lần đầu tiên được tổ chức trọng thể tại đây.

Từ những định hình cơ bản về vật chất và con người, đoàn Du Tăng Khất sĩ đẩy mạnh công cuộc hoằng pháp ở nhiều địa phương. Tính đến năm 1954, Sư trưởng đã thu nhận hơn 100 Tăng Ni, cảm hóa hàng vạn cư sĩ, xây dựng trên 20 ngôi tịnh xá. Cần lưu ý, dù Sư trưởng không chính thức công bố thành lập Giáo hội Tăng-già Khất sĩ về mặt hành chánh, nhưng danh xưng này xuất hiện nhiều lần trong Chơn lý và trong các giấy tờ của Tăng, Ni.

Trong dịp lễ Tự tứ năm 1953, Sư trưởng giao phó trách nhiệm quản lý Giáo hội cho Trưởng lão Giác Chánh. Cuối năm đó, Ngài bổ sung thêm hai vị Trưởng lão Giác Tánh và Giác Như. Sau khi Ngài vắng bóng vào năm 1954, hội chúng tiếp tục hành đạo theo đường lối đã ấn định. Trong các năm tiếp theo, đoàn Du Tăng Khất sĩ do Trưởng lão Giác Chánh dẫn đầu đã tổ chức nhiều chuyến hoằng pháp ra miền Trung, giáo pháp Khất sĩ bắt đầu bén rễ trên vùng đất này.

Từ đó, các Giáo đoàn hình thành. Tuy nhiên, thời bấy giờ các đơn vị này gọi là “đoàn” và gắn liền với pháp hiệu Trưởng đoàn, chưa gọi là “Giáo đoàn” và đánh số như ngày nay. Năm 1957, đoàn Trưởng lão Giác Tánh, đoàn Trưởng lão Giác An lần lượt ra đời. Năm 1959, đoàn Trưởng lão Giác Nhiên hình thành. Năm 1960, đoàn Trưởng lão Giác Lý được thành lập.

Danh xưng Giáo hội Tăng-già Khất sĩ có từ thời Sư trưởng Minh Đăng Quang, nhưng không phải tổ chức có tư cách pháp nhân. Năm 1964, Pháp sư Giác Nhiên và hai vị Trưởng lão Giác Nhu, Giác Tường vận động thành lập Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, tổ chức này chính thức ra đời vào năm 1966. Bên cạnh đó, Trưởng lão Giác Huệ thành lập Giáo hội Khất sĩ Việt Nam vào năm 1962. Ni sư Huỳnh Liên dẫn dắt hội chúng Tỳ-kheo-ni từ năm 1947, đến năm 1958 thành lập Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam. Hai tổ chức này hoạt động độc lập.

Như vậy, cho đến trước năm 1975, Phật giáo Khất sĩ tồn tại ba tổ chức giáo hội gồm: Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam, Giáo hội Khất sĩ Việt Nam và nòng cốt là Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam (với năm Giáo đoàn). Ngoài ra, một số vị xuất gia theo giáo pháp Khất sĩ rồi xin đi tu tịnh, sau đó thâu nhận đệ tử và hình thành những nhóm Khất sĩ riêng lẻ.

Năm 1981, các đoàn thể Phật giáo Khất sĩ tham gia thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trở thành hệ phái Khất sĩ bên cạnh hai hệ phái Bắc tông và Nam tông. Lúc này, các Giáo đoàn có danh xưng theo số thứ tự, từ Giáo đoàn I đến Giáo đoàn VI. Từ đó đến nay, Phật giáo Khất sĩ ổn định và phát triển trên tinh thần hòa hợp như Đức Phật từng dạy: “Này các Tỳ-kheo, khi nào chúng Tỳ-kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết, thời này các Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm” [Kinh Trường Bộ 2013: 281].

Từ khi các Giáo đoàn ra đời, rồi đến các Giáo hội hình thành, cuối cùng là sự hiệp nhất hệ phái, dù mỗi đoàn thể Khất sĩ có những vị lãnh đạo khác nhau, nhưng tất cả đều mặc nhiên xem Trưởng lão Giác Chánh (1912-2004) là lãnh đạo tinh thần tối cao của Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam. Do đó, Ngài được tôn là Đệ nhị Tổ sư.

4. NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA PHẬT GIÁO KHẤT SĨ

Với tôn chỉ “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp”, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang có nguyện vọng xây dựng Tăng đoàn theo mô hình thời Đức Phật. Trọng tâm của chí nguyện này là quan điểm về “Khất sĩ”. Khất sĩ là người xuất gia có đời sống giản dị, ba y một bát, không tài sản, ngày khất thực độ đời. Có thể nói, chính phương pháp khất thực giúp Phật giáo Khất sĩ đến với quần chúng một cách rộng rãi, đó là một trong những nguyên nhân chủ đạo khiến hệ phái phát triển nhanh chóng.

Nói đến Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định hệ phái này dung hợp truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông, nhưng lại không có nhiều người phân tích rõ nhận định này. Trong Kinh điển Pāli, Đức Phật tạm phân chia những lời dạy của Ngài thành hai phần là Pháp và Luật.

Về giáo pháp, Đức Tổ sư đã tiếp nhận có chọn lọc tư tưởng Phật giáo Bắc truyền và Phật giáo Nam truyền. Những tư tưởng Đại thừa được tiếp nhận, Ngài đều giải thích qua lăng kính mới và rất gần gũi với tư tưởng Nguyên thủy, điều đó mang đến sự độc đáo cho tư tưởng của Phật giáo Khất sĩ. Đức Tổ sư nêu cao đường lối tu tập bám sát theo đường lối tu tập do Đức Phật đề ra, với ba trụ cột chính là Giới – Định – Huệ. Ngài khẳng định: “Người Khất sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là: Giới – Định – Huệ” [Tổ sư Minh Đăng Quang 2016: 166]. Trong Phật giáo, ba yếu tố này chính là sự rút gọn của Bát chánh đạo. Đức Phật dạy: “Chính là Thánh đạo Tám ngành này, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Này Ānanda, đây là truyền thống tốt đẹp được Ta thiết lập và truyền thống ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn” [Kinh Trung Bộ 2012: 109].

Về giới luật, Đức Tổ sư rất đề cao giới luật, quan điểm ấy được thể hiện rất nhiều lần trong Chơn lý. Do đó, một trong những công việc quan trọng của Ngài trong gần mười năm hoằng pháp là hoàn thiện hệ thống giới luật cho các hàng đệ tử gồm: Cư sĩ, Sa-di và Sa-di-ni, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Phật giáo Khất sĩ sử dụng Giới bổn của bộ phái Dharmaguptaka mà Phật giáo Đại thừa Việt Nam hành trì. Ngoài ra, Phật giáo Khất sĩ có thêm những quy định biệt truyền.

“Phật là giác chơn, là cái biết thật tự nhiên, là nghĩa lý của tiếng Phật, mục đích của cái biết nơi mình, chớ không phải mê tín mờ quáng, mà tự trói mình trong chữ Phật, tiếng đạo, hay tông giáo riêng biệt!”

Đặc biệt, Đức Tổ sư đề cao Tứ y pháp: (1) Người tu xuất gia chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày Hội thuyết pháp được ăn tại chùa. (2) Người tu xuất gia phải lượm những vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận. (3) Người tu xuất gia phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều, am nhỏ bằng lá, một cửa thì được ở. (4) Người tu xuất gia chỉ dùng phân uế của bò mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc, dầu, đường thì được dùng [Tổ sư Minh Đăng Quang 2016: 272].

Sau cùng, bên cạnh giáo pháp và giới luật, văn hóa là một bình diện thể hiện rõ nét đặc trưng của Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam. Đức Tổ sư chú ý xây dựng một nền Phật giáo phù hợp với văn hóa Việt Nam, giảm bớt sự ảnh hưởng từ văn hóa các quốc gia lân cận. Để làm được điều đó, Ngài kiến tạo một hệ thống văn hóa đặc thù cho Phật giáo Khất sĩ. Chẳng hạn: Kiến trúc tịnh xá bát giác, đơn giản hóa nghi lễ, đọc tụng kinh kệ bằng tiếng Việt, bài trừ mê tín dị đoan…

Ngài nhận thức rất chính xác rằng “đạo giáo là do trình độ của chúng sanh dân tộc”, từ đó dẫn đến sự khác biệt. Để rời chúng trở thành rào cản cho con người, mà thực chất con đường đi đến giác ngộ không có sự phân chia. Ngài cho rằng: “Phật là giác chơn, là cái biết thật tự nhiên, là nghĩa lý của tiếng Phật, mục đích của cái biết nơi mình, chớ không phải mê tín mờ quáng, mà tự trói mình trong chữ Phật, tiếng đạo, hay tông giáo riêng biệt!” [Tổ sư Minh Đăng Quang 2016: 733]. Do đó, nếu ai cũng đều thực hành đúng Chánh pháp, Đạo Phật ắt sẽ hiệp hòa. Ngài tuyên bố: “Việt Nam Đạo Phật không có phân thừa”.

5. KẾT LUẬN

Trong bối cảnh đen tối của đất nước Việt Nam thời thuộc địa, vùng đất Nam kỳ đã nở rộ các phong trào tôn giáo hết sức đa dạng và phức tạp. Phật giáo thời kỳ này rơi vào khủng hoảng, nhiều cá nhân và tập thể đã thực hiện những biện pháp nhằm cải cách Đạo Phật. Trong đó, nổi bật là phong trào Chấn hưng Phật giáo của Phật giáo Bắc tông, sự truyền bá Phật giáo Nam tông vào Việt Nam, khuynh hướng tích hợp Phật giáo vào các tôn giáo mới… Đức Tổ sư Minh Đăng Quang xuất hiện và lựa chọn một con đường khác.

Ngài nhận thấy, hai truyền thống Thượng tọa bộ và Đại thừa đều có những mặt tích cực và hạn chế, nhưng tựu trung con đường của Phật giáo đưa con người đến giác ngộ. Do đó, Ngài một mặt tiếp nhận và biến đổi các giá trị từ hai nền tư tưởng Phật học một cách có chọn lọc, một mặt sáng tạo những giá trị mới để phù hợp với dân tộc và thời đại. Phật giáo Khất sĩ đơn giản hóa về hình thức, nhưng lại rất chặt chẽ về nội dung. Điều đó giải thích vì sao hệ phái không ngừng phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay.

Chú thích:

[1] Chữ “huờn” có vần “uơn” chứ không phải vần “ươn” như nhiều tài liệu viết sai. Đây là biến âm của chữ “hoàn” mà người Việt ở Tây Nam Bộ chịu ảnh hưởng từ cách phát âm của người Hoa nhóm phương ngữ Triều Châu.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hành Vân (2016), “Cần có một tiểu sử hoàn chỉnh về Đức Tổ sư Minh Đăng Quang”, trong Nhiều tác giả, Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, Nxb. Hồng Đức.
  2. Hoa Ngọc (2013), “Những lời kể về Tổ sư Minh Đăng Quang”, Website Đạo Phật Khất sĩ (www.daophatkhatsi.vn), 10/3/2013.
  3. Kinh Trung Bộ (2012) tập II, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo.
  4. Kinh Trường Bộ (2013), Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo.
  5. Kinh Tương ưng Bộ (2013), Tập I, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo.
  6. Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn lý, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
  7. Thích Giác Toàn (2015), “Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam: Ánh đạo vàng lan tỏa”, trong Nhiều tác giả, Phật giáo vùng Mê-kông: Ý thức môi trường và toàn cầu hóa, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Download QR 🡻

Từ khóa » Tiểu Sử Tổ Sư Minh đăng Quang