Tổ Sư Minh Đăng Quang Hiện Thân Của Bồ Tát Quán Thế Âm
Có thể bạn quan tâm
TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG HIỆN THÂN CỦA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
Phật tử Tịnh xá Ngọc Phương
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư Tôn đức, kính thưa Quý liệt vị,
Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ tưởng niệm 60 năm ngày đức Tổ sư Minh Đăng Quang, Tổ khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam vắng bóng, nhìn thấy màu hoàng y rực rỡ của chư tôn đức Tăng Ni đang uy nghi bước lên lễ đài, lòng chúng con không khỏi bùi ngùi xúc động, cảm nghe trong tim một nguồn cảm xúc dâng trào!
Tuy chúng con không đủ phước lành được gặp Tổ sư, không đủ phước duyên trực tiếp nghe những lời dạy của Đức Tổ sư, nhưng với sự truyền thừa của Chư Tôn đức Tăng Ni đệ tử của Ngài và được học hỏi qua bộ Chơn Lý- thật sự đã mang lại cho chúng con một cuộc sống an vui thiết thực! Chúng con không khỏi chạnh lòng khi nhớ tưởng về công hạnh của Ngài và những khó khăn mà Ngài đã trải qua trong suốt 10 năm hành đạo và khai đạo, để rồi đất nước Việt Nam hiện nay đã xuất hiện một Đạo Phật Khất Sĩ, với chí nguyện nối truyền Thích Ca Chánh Pháp, góp phần tạo nên nét đặc thù cho Phật Giáo Việt Nam.
Nhân dịp 60 năm kỷ niệm ngày Đức Tổ Sư vắng bóng, chúng con quỳ trước Tôn tượng, thành kính tưởng niệm Ngài, một vị Bồ tát mà hiện tại chúng con, và thế hệ sau này sẽ khắc ghi trong tâm khảm. Chúng con nguyện hết lòng học hỏi và hành trì theo Chơn lý mà Ngài đã dùng tất cả tâm huyết trong 10 năm học đạo và tu đạo của mình để truyền dạy cho nhân sanh ngõ hầu mang lại lợi ích cho chúng sanh trong cảnh đời dẫy đầy phiền não này.
Hàng Phật Tử chúng con hôm nay ngưỡng vọng về công ơn sâu dày của Đức Tổ sư khả kính. Ngài đã đem lại cho dân tộc Việt Nam một nguồn sáng mới, một “Ánh Đạo Vàng” rực rỡ. Tổ sư Minh Đăng Quang đã đi vào lịch sử Phật giáo Việt Nam với cuộc chấn hưng oanh liệt giữa thế thời lắm cảnh lầm đường mê tín.
Trước bối cảnh phức tạp của xã hội và tín ngưỡng bị tạp pha, Đức Tổ sư đã dùng cái tâm quán chiếu của một bậc Bồ tát để “Quán xét sự thế, thấy tiếng khổ tối tăm, với tấm lòng từ bi trí tuệ của chư Bồ tát giáo hoá([1]). Ngài đã không quản gian khổ, nhọc nhằn tham cầu học vấn ở xứ người xa lạ và thực hiện nguyện ước tự độ, độ tha của bậc Bồ tát, như trong Chơn Lý 47, tập “Quan Thế Âm”, Ngài có dạy rằng: “Quan Thế Âm, nghĩa là quán xét sự thế, tiếng khổ tối tăm, tức là tấm lòng từ bi trí huệ của chư Bồ tát giáo hoá. Vậy nên gọi từ bi trí huệ đó là Quan Thế Âm. Quan Thế Âm là Bồ tát, Bồ tát là từ bi trí huệ”.
Lộ trình tuyên dương chánh pháp của Đức Tổ Sư chỉ có 10 năm, trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, thật sự rất khó khăn để Ngài thực hiện chí nguyện độ tha, nhưng trong khoảng 10 năm phù du ấy, Ngài đã dốc hết lòng giáo hoá nhân sanh. Với tấm lòng từ bi, không ngại gian khó, Ngài hành đạo đến các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ, hướng dẫn con người gieo tạo phước lành ngõ hầu làm tư lương cho hiện tại và vị lai. Tấm lòng bình đẳng độ tha của Tổ sư thật đúng như những gì Ngài dạy: “Người ta nói Quan Thế Âm đây, là ông Quan Thế Âm, đệ tử Đức A Di Đà, là chỉ rõ rằng: A Di Đà là tánh bình đẳng, còn Quan Thế Âm là tâm từ bi, lòng từ bi có ra do bình đẳng, lòng từ bi để đến với bình đẳng, lòng từ bi là cánh tay mặt hầu hạ kế bên đức tánh bình đẳng, cũng là việc làm của bậc chánh đẳng chánh giác chư Phật”.
Đức Tổ Sư đã giúp con người hoá giải được khổ đau muộn phiền trong cuộc sống, bởi xã hội thời bấy giờ quá đa đoan, binh đao loạn lạc, nhân sanh chìm trong muôn vàn khổ nạn, mê lầm vào những đường dị đoan, luôn sống trong lo sợ, bất an. Trước thế sự ấy, như một sự an bài, bậc Tôn sư khả kính, vị Bồ tát của chúng con đã xuất hiện. Tình hình thời cuộc đã thúc giục tâm trí của Ngài, khiến tâm từ bi, trí tuệ sáng suốt của bậc Bồ tát được khai mở. Nhờ vậy, chỉ trong 10 năm ngắn ngủi, Ngài đã hoá độ cho tất cả nhân sanh, hướng dẫn nhân sanh ra khỏi ngục tù, khổ nạn của chính mình, dẫn dắt con người tìm đến bến bờ của an vui hạnh phúc. Tâm nguyện từ bi bình đẳng không phân biệt của bậc Bồ tát đã thể hiện một cách rõ ràng trong tập Chơn Lý: “Bồ tát là tay trái cầm tịnh bình chứa nước cam lồ, là các bậc Đức Tổ sư ấy, bên trái thì giữ gìn tâm thanh tịnh chơn như đạo đức. Trong tâm đạo ấy có chứa đủ sẵn pháp lý cam lồ, ngon ngọt thơm tho mát sạch, tịnh là tâm thanh tịnh, bình là bầu đạo đức bình đẳng, bát chánh đạo như cái bình, nước cam lồ là pháp bảo. Tay mặt cầm nhành dương nhúng nước rưới khắp nơi, là việc bề mặt, thì dùng phương tiện giáo lý hoằng dương, đem pháp bảo nói rải khắp nơi cho mọi người, giác ngộ thức tỉnh, nhờ thấy rõ mục đích, nên họ quay về đường sống chung tu học, không còn tham sân si giết hại nhau nữa, cũng không còn hơn thua danh lợi thế quyền. Họ dốc chí lo tu, nên được giải thoát khổ nạn, bằng sự xuất gia nhập đạo theo Phật”.
Thật đúng như thế, Đức Tổ sư của chúng ta đã dạy cho hậu thế như vậy. Đơn giản vì Tổ sư đã trải nghiệm bản thân, dùng những gì mình tỏ ngộ được, truyền lại cho thế hệ sau để được học tập và giải thoát như Ngài. Đó chính là con đường tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn mà Đức Thế Tôn đã ngộ và truyền dạy từ đời quá khứ. Và hiện tại Đức Tổ sư đã nối tiếp gót Như Lai phất lên ngọn cờ chánh pháp, làm cho chánh pháp của Đức Như Lai đươc hưng thạnh và trường cửu trên thế gian này. Chân lý của Như Lai đã dạy trong quá khứ, hiện tại Đức Tổ sư đã làm sống dậy, đó là Ngài đã sáng lập đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, với tông chỉ nối truyền Thích Ca Chánh Pháp mà Chư đệ tử của Ngài đã và đang kế thừa. Trong tập Chơn Lý, Đức Tổ sư dạy: “Như thế thì danh từ pháp lý, Quan Thế Âm, giải thoát Khất sĩ xuất gia, giáo hoá Bồ tát, trí huệ từ bi, để đến thần thông phương tiện và nguyện lực, là mục đích để đưa rước chúng sanh, bước qua bờ giác, giải thoát Khất sĩ xuất gia, ai ai kẻ đã xuất gia, thảy đều có phận sự y như vậy, đó là lời Đức Phật dạy”.
Tư tưởng Phật Giáo không hề phân biệt nam, nữ hay bất kỳ giai cấp nào, ai ai cũng có thể tu học theo con đường Chánh Pháp, mà trong quá khứ Thế Tôn đã tuyên bố “chúng sanh đều có Phật tánh”, “chúng sanh đều có thể thành Phật”. Đức Tổ sư cũng đã dạy chúng ta trong bộ Chơn Lý rằng: “Chơn lý, triết lý, pháp lý của Phật, Ngài dạy lý Pháp Hoa cho bậc Bồ tát Đại thừa là như thế. Quan Thế Âm là giáo lý Pháp bảo, chớ không phải chỉ riêng một người, hoặc nam hay nữ”.
Hàng tứ chúng đã và đang học theo gương hạnh của Đức Tổ sư, sau này còn biết bao nhiêu người đang tích cực và sẽ mãi mãi tiếp nối con đường của Đức Tổ sư, hết lòng phụng sự chúng sanh, phụng sự Phật pháp. Và theo như tất cả những gì mà Đức Tổ sư đã dạy trong tập “Quan Thế Âm”, chúng ta có thể hiểu rằng: “Như thế thì danh từ Quan Thế Âm tức là pháp cứu khổ cứu nạn rồi, ai niệm tưởng quán xét trì giữ thật hành, thì ắt sẽ đặng giải thoát cứu khổ nạn ngay, y theo đó thì sẽ cứu độ được mình và người. Chư Phật khi xưa thảy đều dạy y như vậy. Và trong kinh Đại Bi dạy người phát tâm đại bi Quan Thế Âm là chỉ bảo như thế. Mỗi ai cũng có thể là Quan Thế Âm là phải quán xét sự thế, tiếng khổ tối tăm; vì Quan Thế Âm là pháp thí Bồ tát, mà chắc là ai cũng muốn làm Bồ tát giải thoát xuất gia, để đặng thành Phật. Vậy ai ai cũng sẵn có Quan Thế Âm là tâm đại bi, tâm đại bi là Quan Thế Âm hết”.
Những gì Đức Tổ sư đã dạy, cho chúng ta và thế hệ sau này, nếu hiểu và thực hành theo thì ai ai cũng có thể thành Phật, thành Bồ tát, ai ai cũng là Quan Thế Âm. Và trong tâm khảm của Phật Tử chúng con, Đức Tổ sư cũng là hiện thân của Bồ tát Quan Thế Âm, và Ngài chính là ngọn đuốc soi sáng cho thế gian:
Chơn lý soi đường tỏ thế gian,
Minh đăng rạng rỡ ánh huy hoàng.
Quang chiếu từ bi cùng pháp giới,
Cho người tỏ ngộ lý thiên nhơn.
Công hạnh và đạo nghiệp của Đức Tổ Sư sẽ mãi mãi khắc ghi trong sách sử Phật giáo Việt Nam, và trong tâm khảm của thế hệ hiện tại và hậu thế sau này.
Trong giờ khắc thiêng liêng này, chúng con không biết làm gì hơn, bởi vốn văn thơ ít ỏi, xin mượn một đoạn thơ của Cố Ni trưởng Huỳnh Liên để thành tâm dâng lên tưởng nhớ Ngài:
Vun trồng một cội Bồ Đề,
Để cho trăm họ trở về nương thân.
Mà người hoá kiếp cố nhân,
Tìm đâu cho thấy vết chân phi phàm.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
[1]. Tất cả chữ in nghiêng trong bài là lấy từ Bộ Chơn Lý, tập 47 Quan Thế Âm của Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang.
Từ khóa » Tiểu Sử Tổ Sư Minh đăng Quang
-
Minh Đăng Quang – Wikipedia Tiếng Việt
-
Sơ Lược Tiểu Sử Tổ Sư Minh Đăng Quang - Thư Viện Hoa Sen
-
Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang Và Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam (Vĩnh ...
-
Sơ Lược Tiểu Sử Tổ Minh Đăng Quang - Lịch Sử - Phật Pháp Ứng Dụng
-
Sơ Lược Cuộc đời & đạo Nghiệp Tổ Sư Minh Đăng Quang - YouTube
-
Cần Có Một Tiểu Sử Hoàn Chỉnh Về đức Tổ Sư Minh Đăng Quang
-
Góc Tìm Hiểu: Toàn Bộ Thông Tin Về Tổ Sư Minh đăng Quang
-
Sơ Lược Tiểu Sử Tổ Sư Minh Đăng Quang - Nhịp Cầu Tâm Giao
-
Cuộc đời Và đạo Nghiệp Của Tổ Sư Minh Đăng Quang
-
Pháp Viện Minh Đăng Quang: Chùa Thiêng Giữ 4 Kỷ Lục Việt Nam
-
Tổ Sư Minh Đăng Quang - Chiếc Bong Bên Trời Trăng Khuyết
-
Đôi Nét Về Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang - Media - Phật Giáo Khất Sĩ
-
Đắk Lắk: Lễ Tưởng Niệm 67 Năm Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang ...