Đừng Cứ Sụt Sịt Là đến Bác Sĩ

Hầu như bậc cha mẹ có con nhỏ nào cũng thường gặp hiện tượng trẻ liên tục chảy mũi, ho vặt trong những năm đầu đời. Có cơn vài ngày, có cơn kéo dài cả tháng. “Để ở nhà chăm thì lo vì mấy nhóc chưa đến 3 tuổi. Đưa đi viện hoài thì cũng không ổn vì còn phải đi làm, các bệnh viện (BV) nhi thì đông đúc, có khi bác sĩ (BS) cũng chỉ khám vài phút, cho vài viên thuốc thông dụng rồi dặn về theo dõi…” - một phụ huynh than thở.

Bệnh phổ biến nhất ở trẻ nhỏ

Tham dự một buổi sinh hoạt chuyên đề về bệnh hô hấp ở trẻ em, chị Trần Thị Phương T. (29 tuổi), có con gái 2 tuổi, cho hay việc xử lý những cơn sổ mũi, cảm ho liên miên của cháu bé khiến vợ chồng chị nhiều phen mệt mỏi vì phải nghỉ làm đưa con đi viện. “Có lẽ vì tôi sinh mổ nên hệ hô hấp của cháu không tốt, từ nhỏ đến giờ chắc cũng gần hai chục đợt cảm ho lặt vặt” - chị cho biết.

Cũng tại buổi sinh hoạt này, TS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp, BV Nhi Đồng 1, cho biết những đợt cảm ho hay tấn công trẻ em là một hình thức nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (NKHHCT). Loại nhiễm khuẩn này bao gồm nhóm nhiễm khuẩn hô hấp trên như viêm vùng tai - mũi - họng, thường do siêu vi trùng và tự khỏi nếu được chăm sóc tốt; nhóm nặng hơn là viêm hô hấp dưới (thanh quản, khí quản, phế quản, phổi).

 Trẻ cần được đưa đi khám nếu nghi ngờ các biến chứng như viêm phổi, suyễn, viêm tai giữa, viêm loét hầu họng…. Trong ảnh: Khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trẻ cần được đưa đi khám nếu nghi ngờ các biến chứng như viêm phổi, suyễn, viêm tai giữa, viêm loét hầu họng…. Trong ảnh: Khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo BS Tuấn, nhóm trẻ hay mắc NKHHCT nhất là nhóm dưới 5 tuổi, mỗi năm có thể mắc từ 5-8 lần. Hô hấp là hoạt động thiết yếu cho sự sống nhưng cũng từ đó, mọi người có thể hít phải mầm bệnh. Nhưng trẻ em dễ phát bệnh hơn người lớn khi tiếp xúc mầm bệnh vì chúng có khả năng miễn dịch hạn chế, đường thở ngắn và hẹp. Khi thời tiết chuyển mùa, lạnh, mưa…, thuận lợi cho nhiều loại mầm bệnh phát triển, sức đề kháng của trẻ càng kém hơn.

Suyễn - phần lớn chăm sóc tại nhà

Biểu hiện của trẻ bị suyễn là những cơn ho dưới 30 ngày, thường tự khỏi trong 10-14 ngày và đa phần các trường hợp có thể được chăm sóc tại nhà, không nhất thiết phải “cầu cứu” BS. Tuy nhiên, điều quan trọng là phụ huynh phải nhận biết được các tình huống trở nặng. NKHHCT có thể tạo điều kiện cho các cơn suyễn, có thể có biến chứng viêm tai giữa hoặc viêm phổi. Khi đó, trẻ cần được đưa đi khám hoặc nhập viện nếu xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm.

Theo BS Lê Thị Ngọc Bích, Khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1, suyễn có thể được nhận biết bởi các cơn ho, khò khè, thở nhanh hay thở nông, tức ngực. Trẻ bị suyễn cần được thăm khám và điều trị, bao gồm điều trị cắt cơn và phòng ngừa. Nếu vào cơn kịch phát, trẻ có các biểu hiện khó thở nghiêm trọng thì cần được cấp cứu.

Trong khi đó, BS Tuấn cảnh báo rằng giữa suyễn và NKHHCT có mối quan hệ mật thiết. NKHHCT có thể là tiền đề khởi phát bệnh suyễn. Trong NKHHCT còn có một bệnh đáng lưu ý là viêm tiểu phế quản (sưng cuống phổi) ở trẻ em dưới 2 tuổi, đây là căn bệnh mà mỗi em bé thường bị ít nhất một lần trong đời. Một số trẻ viêm tiểu phế quản sẽ hồi phục nhưng một số không nhỏ sẽ khởi phát bệnh suyễn. Ngược lại, trẻ đã có bệnh suyễn nếu bị NKHHCT sẽ dễ lên cơn kịch phát. Theo các nghiên cứu, 80%-85% các cơn suyễn ở trẻ em có liên quan đến NKHHCT, trong khi ở người lớn tỉ lệ này chỉ là 60%.

Nhiều quan niệm sai

Theo BS Tuấn, khi chăm sóc trẻ bị NKHHCT tại nhà, cha mẹ nên tiếp tục cho trẻ ăn hoặc bú đầy đủ, nếu không càng làm sức đề kháng của trẻ giảm sút. Những quan niệm như kiêng tôm cua, kiêng sữa… là không đúng. Nếu trẻ dễ bị nôn ói khi bệnh nên chia nhỏ các cữ bú, bữa ăn thành nhiều lần trong ngày, có thể cho ăn thức ăn mềm hơn. Chú ý làm thông thoáng mũi cho trẻ, cho trẻ uống nhiều nước vì nước là một loại thuốc lỏng đàm tự nhiên và rất hiệu quả. Không lạm dụng kháng sinh và các thuốc ho. Nếu đến mức phải dùng thuốc thì nên cho trẻ đi khám và dùng thuốc theo sự hướng dẫn của BS. Không nên quá lo về các cơn ho, vì đó còn là phản xạ có lợi để tống đàm nhớt. Nhưng nếu trẻ ho quá nhiều dẫn đến nôn ói, mất ngủ, đau rát họng, đau tức ngực… thì có thể cho trẻ dùng tắc chưng đường, mật ong, trà loãng ấm, một số dạng thuốc ho thảo dược tự nhiên hoặc thuốc ho dành riêng cho trẻ em được BS chỉ định.

NKHHCT có thể phòng ngừa bằng chế độ dinh dưỡng tốt, bú sữa mẹ, chủng ngừa đầy đủ, uống vitamin A theo hướng dẫn, giữ cho trẻ thoáng mát khi trời nóng, giữ ấm khi trời lạnh, tránh ô nhiễm (khói, bụi, thuốc lá) và tránh tiếp xúc với người đang cảm ho.

Chăm sóc trẻ tại nhà: Lợi nhiều mặt

Các chuyên gia cho rằng không cần đưa trẻ đến viện khi chỉ là cảm ho thông thường, vì chỉ cần chăm sóc đúng cách, nghỉ ngơi hợp lý, trẻ có thể tự khỏi. Đôi khi việc lo xa quá chỉ làm khổ thêm phụ huynh, mệt mỏi cho bé vì phải di chuyển tới lui, đường sá xa xôi càng thêm nguy cơ. Mặt khác, BV thời điểm này cũng có nhiều bệnh nhi hô hấp, việc khám chữa bệnh có thể mất nhiều thời gian hơn; trẻ đang bệnh, sức đề kháng kém nên cũng dễ nhiễm thêm mầm bệnh từ những trẻ bệnh khác. Thời gian vừa qua, BV Nhi Đồng 1 đã triển khai tăng cường lọc bệnh, tăng cường điều trị ngoại trú… Nỗ lực này giúp bệnh nhi chỉ nhập viện khi cần thiết, từ đó mà giảm tải BV, giảm thiểu chi phí điều trị, đỡ vất vả cho phụ huynh và điều ý nghĩa hơn là phát huy vai trò của gia đình trong việc nâng cao kiến thức để chăm sóc trẻ tại nhà.

Tuy nhiên, nếu bé cảm ho trên 1 tuần, sốt cao khó hạ trên 2 ngày… thì nên đi khám. Nếu bé khó thở hơn, thở nhanh hơn, mệt hơn, không uống được thì nên được đưa vào viện. Nguy hiểm hơn, các dấu hiệu cần cấp cứu là bỏ bú, bú kém, nôn ra hết mọi thứ, co giật, li bì - khó đánh thức hay thở có tiếng rít.

Từ khóa » Sụt Sịt Hay