"E Hèm..." Không Chỉ Là Ngắc Ngứ - VnExpress

f

E hèm... cũng thường xuất hiện trong các cuộc nói chuyện nghiêm túc.

Trong mỗi ngôn ngữ đều có các kiểu hắng giọng như e hèm (tiếng Việt), uu, er, um... (tiếng Anh), hmm (tiếng Thụy Điển), aeh (tiếng Đức), hoặc anoo (tiếng Nhật). Trong các bài diễn thuyết, hoặc bài giảng, thỉnh thoảng người ta vẫn e hèm, dù không rõ vì lý do gì.

Nay, hai nhà tâm lý học Herbert Clark và Jean Fox Tree đã nghiên cứu hiện tượng "lạ lùng" này bằng cách ghi âm và phân tích nhiều bài diễn thuyết của các nhà chính trị, cũng như lời nhắn trong điện thoại. Họ rút ra kết luận rằng, e hèm cung cấp cho chúng ta một tầng nghĩa thứ hai của nội dung mà người nói muốn truyền tải. E hèm... làm câu bị kéo dài ra, khiến người nghe có thể theo dõi dòng suy nghĩ của người nói. Ngoài ra, cách hắng giọng cao, thấp, dài, ngắn còn truyền tải một hàm ý nào đó, giúp người nghe tập trung vào nội dung quan trọng.

Đặc biệt, e hèm, uu, aeh, hay anoo... luôn có một ý nghĩa trong các cuộc tán gẫu trong Internet. Ở đây, chúng mang tính biểu cảm cao độ, và rất đa nghĩa, như tán dương, biểu lộ sự ngạc nhiên, thất vọng, chán ngán... Điều rất lạ là cả người viết và người đọc đều hiểu nghĩa của chúng rất nhanh. Sau đây là một đoạn trong chatroom:

A - 6 giờ tối nay anh còn ở cơ quan không?B - Uu...A - Sao?B - Không... hmmm, xem thế nào đã.A - Uuh...B - Ờ, hôm nay thứ bảy... có lẽ anh phải về sớm.

Như vậy, uu, e hèm, hmmm... trong các câu trên đều mang một nghĩa biểu cảm nào đó. Sau khi nghe đoạn trên, A có thể hiểu rằng B đang suy nghĩ (và đang cân nhắc) về câu hỏi của mình. B có thể muốn nói cho A biết lý do, nhưng đang ngẫm nghĩ xem nói thế nào để A thông cảm...

Tóm lại, theo hai nhà tâm lý, trong mọi trường hợp, e hèm đều có nghĩa. Trong một số hoàn cảnh, nó còn có thể cho biết tình trạng sức khỏe và tâm lý người nói chuyện.

Minh Hy (theo dpa, Nature)

Từ khóa » E Hèm Có Nghĩa Là