Gãy Xương: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách điều Trị
Có thể bạn quan tâm
Gãy xương là tình trạng có thể gặp ở mọi người, mọi lứa tuổi. Mặc dù sẽ khôi phục tốt sau điều trị nhưng nếu không được chú ý, tình trạng này sẽ làm phát sinh các biến chứng khác.
Gãy xương là gì?
Gãy xương là tình trạng xương bị biến dạng, gãy đôi theo chiều dọc hoặc chiều ngang hoặc gãy thành nhiều phần. Một người có thể gặp chấn thương này ở bất kỳ khu vực nào trên cơ thể nếu chịu tác động lực quá mức. Ngoài ra, để thúc đẩy quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng, người bệnh nên được thăm khám bác sĩ ngay khi bị chấn thương hoặc phát hiện các dấu hiệu xương bị gãy. (1)
Phân loại
Theo bác sĩ ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình BVĐK Tâm Anh, gãy xương có thể phân thành các dạng sau:
Gãy kín
Gãy xương kín còn gọi là gãy xương đơn giản. Đây là tình trạng xương gãy nhưng không tạo ra vết thương hở trên da. (2)
Gãy hở
Gãy xương hở hay xương gãy hỗn hợp xảy ra khi xương bị gãy xuyên qua da, tạo thành vết thương hở. Lúc này, các mô và xương ở khu vực bị tổn thương lộ ra ngoài qua vết thương hở trên da.
Gãy hoàn toàn
Gãy xương hoàn toàn là tình trạng xương bị gãy/nghiền thành hai hoặc nhiều mảnh. Một số loại gãy xương hoàn toàn bao gồm:
- Gãy xương đơn: Xương bị gãy thành hai mảnh
- Gãy xương mảnh vụn: Xương bị gãy, nghiền thành nhiều mảnh
- Gãy lún: Xảy ra ở các vùng xương xốp, dưới tác động của áp lực, xương bị đè ép, lún xuống
- Gãy xương di lệch: Khi xương bị gãy thành nhiều mảnh và các đầu xương gãy lệch nhau
- Gãy xương không di lệch: Xương gãy thành các đoạn riêng biệt nhưng các đầu xương gãy không lệch nhau.
Gãy xương không hoàn toàn
Lúc này, xương chỉ bị tổn thương một phần mà không mất hoàn toàn tính liên tục. Các loại gãy không hoàn toàn, bao gồm:
- Nứt xương: Xuất hiện một vết nứt mỏng trên xương, phải dùng tia X mới nhìn thấy được
- Gãy xương cành xanh: Trong đó, một bên xương bị gãy, bên còn lại bị cong vào, gây ra di lệch gập góc
- Gãy torus (gãy bánh bơ hoặc xô lệch vỏ xương): Một bên xương bị uốn cong, sưng và nhô lên cao hơn so với bên còn lại.
Rạn xương
Đây là tình trạng xương rạn cho do chịu tác động lực quá mức hoặc chịu tác động lực lặp đi lặp lại. Thông thường, xương bị tổn thương do lực vừa phải có khả năng tự phục hồi nếu được nghỉ ngơi đầy đủ nhưng tác dụng lực lặp đi lặp lại vào cùng một vị trí có thể dẫn đến rạn xương ngày càng nghiêm trọng.
Các nguyên nhân có thể gây ra rạn xương bao gồm chạy bộ đường dài, nhảy lên nhảy xuống nhiều lần, mang vác vật nặng trong thời gian dài, loãng xương…
Các vị trí dễ bị gãy xương
- Gãy xương sườn: thường xảy ra do chấn thương ở ngực khi bị ngã, tai nạn xe cộ hoặc lúc chơi thể thao
- Gãy xương đòn: nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này là ngã chống tay. Lúc này, vai va chạm mạnh trực tiếp gây gãy hoặc gián tiếp gãy trong tư thế duỗi khuỷu, dạng vai
- Gãy xương cẳng tay: xuất hiện khi chịu lực trực tiếp như bị đánh, tai nạn giao thông (nguyên nhân trực tiếp), duỗi thẳng tay ra để chống khi (nguyên nhân gián tiếp)…
- Gãy xương cẳng chân: xảy ra do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, chấn thương thể thao, các bệnh lý về xương…
Vì sao xương bị gãy?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến gãy xương, thường được chia thành hai nhóm sau: (3)
Nguyên nhân chấn thương
Xương khỏe mạnh có khả năng phục hồi và chịu lực tác động cực kỳ tốt. Tuy nhiên, dưới một lực đủ lớn (té ngã, tai nạn, chấn thương thể thao…), chúng có thể bị nứt hoặc gãy. Lực này thường xuất hiện một cách rất mạnh hoặc đột ngột. Ngoài ra, khi thực hiện các hành động chịu lực lặp đi lặp lại như chạy nhảy cũng làm gãy xương.
Nguyên nhân bệnh lý
Một trong những bệnh lý hàng đầu gây gãy xương là loãng xương. Theo thời gian, dưới tác động của quá trình lão hóa, xương trở nên xốp, thưa và giảm khối lượng xương, dẫn đến dễ gãy hơn.
Ngoài ra, xương có thể bị gãy do các bệnh lý khác như: Ung thư xương, viêm xương tủy…
Dấu hiệu gãy xương
Tình trạng xương bị gãy sẽ có các biểu hiện khác nhau, tùy thuộc vào vị trí gãy, mức độ nghiêm trọng của chấn thương, tuổi tác và sức khỏe chung của người bệnh.
Khu vực gãy xương thường có một số triệu chứng đặc trưng như:
- Đau, đặc biệt là khi di chuyển hoặc chạm vào vùng bị thương
- Sưng tấy, đỏ, bầm tím ở vùng xương bị tổn thương
- Tay chân cong, xoắn, biến dạng bất thường ở vị trí gãy
- Cảm giác nóng ran ở xương hoặc khớp bị ảnh hưởng
- Chảy máu, xương nhô ra nếu đó là một vết gãy hở
- Có thể nghe thấy tiếng răng rắc khi chấn thương xảy ra
- Mất chức năng vùng bị chấn thương
- Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu…
Nếu có những dấu hiệu trên, bạn cần thực hiện các bước sơ cứu gãy xương đúng trình tự ngay để tránh tổn thương nặng cho nạn nhân.
Phương pháp chẩn đoán
Chẩn đoán hình ảnh là phương pháp thường được dùng để xác định mức độ tổn thương gãy xương và tình trạng tổn thương ở các khớp, mô, gân, cơ, dây chằng… lân cận.
Chụp X quang
Sau khi tiến hành thăm khám lâm sàng, nếu nghi ngờ người bệnh bị gãy xương, các bác sĩ sẽ tiến hành chụp X – quang. Phương pháp này sẽ tạo ra những hình ảnh hai chiều về xương, làm lộ các vết gãy hoặc các dấu hiệu tổn thương khác; đồng thời giúp xác định loại và vị trí gãy.
Một số phương pháp chụp hệ xương khớp khác
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện thêm các chẩn đoán hình ảnh khác để kiểm tra xương hoặc các mô xung quanh: (4)
- Cộng hưởng từ (MRI): Sử dụng từ trường mạnh để tạo ra những hình ảnh rất chi tiết của xương. MRI thường được sử dụng để chẩn đoán rạn xương
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Để tạo ra các lát cắt chi tiết của xương
- Máy quét xương: Phương pháp này được sử dụng để tìm những chỗ gãy xương không hiển thị trên phim chụp X-quang.
Xét nghiệm
- Xét nghiệm huyết học giúp xác định nguy cơ mất máu khi bị gãy xương
- Xét nghiệm sinh hóa giúp đánh giá mức độ tổn thương, tình trạng nhiễm trùng.
Đối tượng dễ bị gãy xương
Bác sĩ Lê Đình Khoa cho biết, gãy xương là một tình trạng có thể gặp ở bất kỳ ai, ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, những người xương giòn hoặc có mật độ xương thấp có nguy cơ gặp phải chấn thương cao hơn. Những đối tượng này có thể là:
- Người cao tuổi: quá trình lão hóa tự nhiên làm xương bị xốp, thưa và giảm khối lượng xương
- Người bị loãng xương: bị suy giảm cấu trúc xương, giảm mật độ xương
- Người mắc các bệnh rối loạn nội tiết hoặc đường ruột: hormone đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển của bộ xương.
- Khi các hormone này thay đổi làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương
- Người đang dùng corticosteroid: corticosteroid tích tụ quá nhiều trong cơ thể gây ức chế hình thành protein collagen, ảnh hưởng đến sự lắng đọng xương, giảm lượng canxi hấp thu, giảm mật độ xương và tăng hủy xương
- Người ít tập thể dục, ít hoạt động thể chất: ảnh hưởng đến sự co kéo cơ học – sinh học của cơ bắp trên xương, xương không được kích thích và hấp thu đủ khoáng chất để phát triển, trở nên yếu hơn
- Người uống rượu bia, hút thuốc lá: làm xương mỏng và dễ gãy hơn
Các biến chứng
Mặc dù gãy xương thường khôi phục tốt nếu được điều trị thích hợp, nhưng nó vẫn có thể phát sinh các biến chứng nặng nề như tàn phế hoặc thậm chí là tử vong. Các biến chứng thường gặp bao gồm:
Cục máu đông
Các mạch máu bị tắc nghẽn có thể vỡ ra và di chuyển khắp nơi trong cơ thể. ….
Biến chứng do bó bột
Bó bột có thể làm phát sinh các biến chứng như loét tì đè và cứng khớp (do cơ bắp không hoạt động trong một thời gian dài)…
Hội chứng chèn ép khoang
Hội chứng này hình thành khi bị gãy xương gây chảy máu, phù nề. Lúc này, áp suất mô trong các khoang tăng lên, dẫn đến thiếu máu mô, gây đau dữ dội. Tình trạng này nếu không được điều trị sẽ dẫn tới tiêu cơ vân, tăng kali máu và nhiễm trùng. Về lâu dài, sẽ gây ra co cứng cơ, tê bì, liệt và thậm chí là đe dọa mạng sống.
Tụ máu khớp
Là tình trạng máu chảy vào khớp, gây sưng và đau.
Nhiễm trùng xương
Trong trường hợp gãy xương phức tạp, vi khuẩn có thể xâm nhập qua vết rách trên da và lây nhiễm vào xương hoặc tủy xương. Tình trạng này sẽ trở thành một bệnh nhiễm trùng dai dẳng, rất khó chữa khỏi.
Các biến chứng khác
- Xương bị di lệch sau khi lành: Đây là tình trạng vết gãy được chữa ở sai vị trí hoặc xương bị xê dịch trong quá trình hồi phục Gián đoạn phát triển xương: Khi quá trình chữa lành ở trẻ em bị gián đoạn, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương đó, làm tăng nguy cơ biến dạng xương trong tương lai
- Cứng khớp: Nếu vết gãy xảy ra gần hoặc xuyên qua khớp, sẽ phá hủy sụn khớp và gây thoái hóa sụn khớp. Lúc này, người bệnh có nguy cơ bị cứng khớp hoặc viêm khớp, khớp sẽ không thể uốn cong tốt như trước khi gãy xương
- Chậm liền xương: Xương mất nhiều thời gian hơn để chữa lành
- Xương gãy không thể chữa lành: Đây là một biến chứng nghiêm trọng và chỉ có thể điều trị bằng phẫu thuật. Tình trạng này xảy ra khi khu vực gãy xương di chuyển quá nhiều, cung cấp máu kém hoặc bị nhiễm trùng
- Hoại tử vô mạch: Khi không được cung cấp đủ nguồn máu cần thiết, một phần mảnh vỡ của xương gãy có thể bị hoại tử
- Thuyên tắc phổi: Đây là biến chứng phổ biến và có nguy cơ gây tử vong cao nhất ở những người có xương hông hoặc xương chậu bị gãy.
- Chấn thương dây thần kinh: Tình trạng xương bị gãy sẽ gây tổn thương cho các dây thần kinh, làm mất cảm giác hoặc/và giảm khả năng vận động. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương mà dây thần kinh có thể mất nhiều tuần đến nhiều năm để phục hồi. Nếu dây thần kinh bị rách và không thể tự phục hồi thì cần phẫu thuật điều trị.
Điều trị gãy xương
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ và vị trí của vết gãy. Bên cạnh đó, tuổi tác và tiền sử bệnh tật cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình hồi phục. Trong quá trình chữa lành, xương mới sẽ hình thành xung quanh các mảnh xương vỡ, nếu được canh chỉnh và cố định đúng cách, xương mới sẽ hình thành và kết nối với xương gãy. Do đó, nguyên tắc cơ bản trong điều trị gãy xương là sắp xếp xương gãy về đúng vị trí và cố định lại cho đến khi khỏi hẳn.
Các phương pháp điều trị gãy xương phổ biến: (5)
- Bó bột: Bột được làm từ thạch cao hoặc sợi thủy tinh đúc, sẽ tạo thành một lớp bảo vệ cứng, bao bọc toàn bộ khu vực gãy xương. Bó bột thường được sử dụng cho những trường hợp cần bất động trong nhiều tuần
- Nẹp cố định: Thanh nẹp sẽ cố định một bên của phần xương gãy. Phương pháp này thường được dùng để điều trị gãy xương kín
- Cố định ngoài: Trong thủ thuật này, bác sĩ thường đặt đinh kim loại hoặc ốc vít vào phía trên và dưới xương bị gãy. Các đinh ốc này kết nối với một thanh kim loại bên ngoài da để giữ xương không bị xê dịch trong quá trình tự lành
- Kéo liên tục: Các cơ và gân xung quanh xương được tác động một lực kéo nhẹ nhàng, liên tục giúp ổn định các xương bị gãy
- Phẫu thuật mổ hở và cố định trong: Thường được dùng trong trường hợp gãy xương phức tạp. Lúc này, thông qua vết mổ, các bác sĩ sẽ trực tiếp sắp xếp, nắn lại phần xương bị gãy từ bên trong; sau đó cố định chúng lại bằng ốc vít hoặc các mảnh kim loại ngay trên bề mặt xương
- Thay khớp: Được chỉ định trong trường hợp xương bị gãy làm tổn thương nghiêm trọng phần trên của xương đùi, gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi
- Ghép xương hay kết hợp xương: Cần được thực hiện ngay lập tức khoảng cách giữa các mảnh xương gãy quá lớn. Ngoài ra, phương pháp này có thể được chỉ định trong trường hợp chậm lành xương hoặc xương gãy không thể chữa lành
- Đối với những trường hợp gãy xương nhỏ như ngón tay hoặc ngón chân… thì nắn bóp từ bên ngoài mà không cần bó bột có thể là đủ để điều trị gãy xương.
Trong đa số các trường hợp, cơn đau sẽ giảm bớt trước khi xương lành hoàn toàn. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau, thuốc chống nhiễm trùng hoặc thuốc quản lý các biến chứng khác nếu cần thiết.
Ngoài ra, để thúc đẩy quá trình điều trị, người bệnh có thể cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt, nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế chuyển động của vùng bị thương… cho đến khi gãy xương lành lại. Bất động một phần cơ thể trong thời gian dài có thể làm mất sức mạnh cơ bắp và phạm vi chuyển động.
Do đó, sau giai đoạn điều trị ban đầu, người bệnh có thể được đề nghị thực hiện vật lý trị liệu để khôi phục chức năng vùng gãy xương.
Bác sĩ Lê Đình Khoa nhấn mạnh, để đẩy nhanh quá trình phục hồi, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của bác sĩ.
Cách phòng tránh gãy xương
Thay đổi lối sống, thực hiện một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và vận động hợp lý có thể giúp phòng ngừa gãy xương hiệu quả. Cụ thể:
Chế độ dinh dưỡng
Để tăng cường sức mạnh của xương, cần đảm bảo cung cấp cho cơ thể từ 1200 – 1500 miligam (mg) canxi và 800 -1000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày. Canxi và vitamin D có thể được bổ sung bằng cách:
- Tăng cường thực phẩm giàu canxi trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày để xương khỏe mạnh, đặc biệt là phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh. Canxi có trong các loại thực phẩm như: Sữa, sữa chua và các chế phẩm từ sữa, các loại rau lá xanh đậm…
- Tăng cường vitamin D để hỗ trợ hấp thu canxi. Vitamin D có thể được tìm thấy trong ánh nắng mặt trời, các loại cá dầu và trứng…
Sinh hoạt hàng ngày
Thói quen sống và vận động cũng góp phần phòng ngừa tình trạng gãy xương:
- Thực hiện các bài tập thể dục có tác dụng cải thiện khả năng chịu lực để tăng khối lượng cơ và mật độ xương như đi bộ, chạy bộ, tập tạ, bơi lội…
- Thực hiện các bài tập thể dục, vật lý trị liệu để tăng cường khả năng giữ thăng bằng
- Giảm nguy cơ té ngã: dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sử dụng thảm chống trượt, chú ý khi đi đường, dùng dụng cụ hỗ trợ đi lại (nếu cần thiết)…
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; ThS.BS Trần Anh Vũ; BS.CKI Trần Xuân Anh, ThS.BS Lê Đình Khoa, TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.
Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…
BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
- 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
- Website: https://tamanhhospital.vn
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng mà gãy xương có thể mất từ vài tuần đến vài tháng để chữa lành. Trong khoảng thời gian này, người bệnh nên hạn chế va chạm, di chuyển khu vực bị gãy xương và liên hệ với bác sĩ nếu có bất thường phát sinh.
Từ khóa » Di Lệch Gãy Xương
-
ĐẠI CƯƠNG GÃY XƯƠNG - Bệnh Viện Quân Y 7A
-
Tổng Quan Về Gãy Xương - Chấn Thương; Ngộ độc - MSD Manuals
-
Đại Cương Gãy Xương - Bệnh Viện Quân Y 103
-
Xương Bị Di Lệch Sau Khi Lành, Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục?
-
Xương Bị Lệch Sau Gãy Phải Làm Sao? - Vinmec
-
Gãy Xương đòn Di Lệch Nhiều, Phải Làm Sao? - Vinmec
-
Xương Gãy đã Lành Nhưng Bị Di Lệch, Làm Sao Khắc Phục? - YouTube
-
️ Dấu Hiệu Gãy Xương Và Phương Pháp điều Trị Phù Hợp
-
Triệu Chứng Gãy Xương - Dieutri.Vn
-
Tài Liệu Hướng Dẫn Bệnh Nhân Về Gãy Thân Xương Đùi
-
Đại Cương Về Gãy Xương – Bài Giảng ĐHYD TPHCM
-
Các Nguyên Tắc Chung Trong điều Trị Gãy Xương
-
Các Di Chứng Sau Gãy Xương