Giải Mã Một Câu Ca Dao - Báo Người Lao động

Ở Quảng Nam, ai lại không biết đến câu ca dao:

Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng

Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi

Thương cha nhớ mẹ thì về

Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng.

Câu ca dao này, vừa đọc qua đã phát hiện ra sự vô lý. Đành rằng nhớ cha, nhớ mẹ mà về thăm quê là sự lựa chọn của nhiều người. Nếu song thân qua đời, nhớ quê - nơi chôn nhau cắt rốn - người ta về thăm thì cũng “phải đạo”, hợp lý. Vậy cớ sao câu ca dao này lại bảo “đừng”?

Nhớ quê nhà, nỗi nhớ ấy bình dị lắm, nói như Á Nam Trần Tuấn Khải, đôi khi chỉ là: “Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương/Nhớ ai dãi nắng dầm sương/Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”. Nỗi nhớ ấy hiện hữu như một lẽ tất nhiên trong tâm khảm người sống xa quê kia mà? Rõ ràng lời khuyên trong câu ca dao này vô lý quá đi mất.

 Một góc Hòn Kẽm Đá Dừng Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN

Một góc Hòn Kẽm Đá Dừng Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN

Với nhiều tranh luận xưa nay, chẳng hạn, nhà thơ lập luận: “Đó là những mối tình giữa trai và gái diễn ra trong bối cảnh cây đa, bến nước, sân đình của quê kiểng năm xưa ngày cô gái ấy còn son rỗi, còn hẹn hò dấm dúi với tình lang. Bây giờ “em đã có chồng - như chim vào lồng như cá cắn câu” - dù có thương nhớ người xưa bao nhiêu chăng nữa thì cũng đừng về. Đặt bài ca dao trong bối cảnh xã hội phong kiến mới thấy lời nhắn nhủ ấy mang tính nhân văn sâu sắc. Người đàn ông sa chân thì còn gượng dậy được bởi họ có cái trật tự ngàn đời của xã hội phong kiến Nho giáo làm giá đỡ chứ còn đàn bà - nhất là đàn bà đã có chồng (dù là có chồng trong mối hôn nhân ép buộc) - thì cái xã hội ấy sẽ nhân danh tiết hạnh vùi dập một cách không thương tiếc. Nhưng nói trắng ra thế nào được, tác giả bài ca dao đành nói tránh như vậy. Sự tế nhị chính là ở đó. Muốn khám phá chiều sâu ẩn tàng của ngữ nghĩa phải nắm bắt đúng bản chất vấn đề, có thế mới tránh cho con chữ khỏi bị hàm oan”.

Lập luận này có thuyết phục không? Hoàn toàn không. Sở dĩ tôi không phân tích vì thật ra câu ca dao này gắn với một sự kiện lịch sử diễn ra tại Quảng Nam. Xưa nay, ca dao phản ánh lịch sử là chuyện thường tình. Trước kia, năm 1914, ông Nguyễn Văn Mại, Bố chánh Thanh Hóa, có viết quyển sách “Việt Nam phong sử” đã trình bày cả trăm câu ca dao phản ánh lịch sử từ thời Kinh Dương Vương đến thời Chúa Nguyễn.

Thương cha nhớ mẹ thì về

Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng.

Cần phải đặt nó trong hoàn cảnh của ông Nguyễn Duy Hiệu, thủ lĩnh phong trào Nghĩa Hội (Quảng Nam). Tháng 7-1887, lực lượng nghĩa quân bị thực dân Pháp đàn áp dữ dội, Nguyễn Duy Hiệu lại đau đớn khi hay tin mẹ đã mất. Ông dẫn đứa con trai tìm về làng Thanh Hà. Giữa trảng cát nắng chói chang đến nhức mắt, ông quỳ xuống thắp nhang trước mồ mẹ. Gió thổi lồng lộng. Bão cát xoáy lên ngút trên trời... Ông tức tưởi khóc:

- Là bày tôi mà vua nạn không phò, vua chạy không theo, khó đem nổi bất bình mà kêu cùng tạo hóa.

- Là con trai mà mẹ đau không dưỡng, mẹ mất không chôn, chỉ biết lấy trường hận mà khóc sinh thành.

Sau đó, ông ngồi trong miếu Quan Công, ngước mắt nhìn khói nhang tỏa nghi ngút trước mộ mẹ giữa bão cát. Bỗng cả bó nhang ấy phừng phừng lửa đỏ như một bó đuốc. Điềm gì chăng? Nguyễn Duy Hiệu rùng mình, giữa trưa nắng mà toàn thân ông lạnh toát, khi ông vừa định thần lại thì quân giặc đã ùa tới vây bắt. Ngày 1-10-1887, Nguyễn Duy Hiệu bị giặc chém đầu tại pháp trường An Hòa (Huế).

Câu ca dao trên, ý rằng, nếu vì cha vì mẹ (như cụ Hiệu) thì về quê, bằng không thì thôi, đừng về, để bảo toàn tính mạng. Do ra đời trong hoàn cảnh trên nên câu ca dao mới có lời nhắn nhủ đó. Hiểu như thế, chẳng việc gì phải như “lâu nay trong một số bài viết về văn học dân gian đất Quảng khi có dịp nhắc đến bài ca dao này nhiều người lờ đi hai câu cuối vì thấy sự nghịch nghịch trai trái đó” - như nhà thơ Nguyễn Hàn Chung cho biết.

“Theo voi hít bã mía”

Trong bài thơ có tên “Theo voi ăn bã mía” (cũng là dị bản của tục ngữ “Theo voi hít bã mía”), Tản Đà viết:

“Ăn mía theo voi tiếng đến giờ

Vì chi miếng bã để trò dơ

Rón chân những chực khi vòi nhả

Rát lưỡi đành xơi cái ngọt thừa...”

Cứ theo cách chế giễu của Tản Đà, thì khi ăn mía, voi cũng hít lấy nước ngọt rồi nhả bã như người. Thế nên kẻ “Theo voi ăn bã mía” mới chầu chực, đợi cái vòi nhả “miếng bã”, rồi “xơi cái ngọt thừa” đến “rát lưỡi”! Đây không chỉ là ngôn ngữ thơ, hình tượng thơ mà còn là cách giải thích của các nhà biên soạn từ điển:

- “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Theo voi ăn bã mía (Đừng theo) chân giống voi (để chực kiếm chác mà phí công vì sẽ chẳng) nhận được gì ngoài mấy mẩu bã mía”.

- “Thành ngữ tục ngữ lược giải” (Nguyễn Trần Trụ): “Theo voi hít bã mía: Theo voi định để ăn mía nhưng chỉ được voi nhả bã mía ra cho mà hít. Chê người hay xu phụ kẻ thế lực to mà rút cục chẳng được lợi lộc gì cả”.

“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “Theo voi hít bã mía (voi ăn mía nhả bã). Chê kẻ hùa theo người khác để mong được hưởng ơn thừa”.

Như vậy, có sự thống nhất khá cao về cách hiểu, trong đó từ điển của GS Nguyễn Lân chú rõ ràng nhất: “Voi ăn mía nhả bã”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, ở đây có sự nhầm lẫn trong cách hiểu nghĩa đen câu tục ngữ.

Theo “Từ điển Bách khoa Nông nghiệp”, để cung cấp năng lượng cho cơ thể khổng lồ của mình, mỗi ngày một con voi trưởng thành ăn tới 300-350 kg thức ăn. Hàm răng của voi chẳng khác nào hai cái “thớt” của chiếc cối xay nghiền nát tất cả các loại cỏ cây... Bởi vậy, với voi thì bó mía chẳng khác nào bó cỏ non mềm, ngọt ngào. Giống như ăn các loại cây cỏ khác, khi ăn mía, nó không “nhả bã” như người mà dùng vòi cuộn cả cây vào mồm, rồi nhai nuốt cả (chất xơ rất cần thiết cho hệ tiêu hóa của nó). Ngay như trâu bò (và nhiều loại động vật ăn cỏ khác), dù thức ăn dai, cứng đến mấy cũng không bao giờ có chuyện chúng nhai nuốt nước rồi nhả bã.

Vậy, tại sao dân gian lại nói “Theo voi hít bã mía”?

Mía là loại thức ăn ưa thích nhất của voi (quản tượng thường dùng mía để dụ dỗ, thuần dưỡng voi sau những ngày bỏ đói chúng hoặc làm “phần thưởng” cho những con phải làm việc nặng nhọc). Vì vậy, hình ảnh con voi thường gắn với thứ thức ăn ưa thích là mía. Trong câu tục ngữ “Theo voi hít bã mía”, dân gian đã liên tưởng cách ăn mía của người với voi để chế giễu kẻ ngộ nhận, ảo tưởng: Con voi khổng lồ ăn mía dĩ nhiên lượng bã mía thải ra cũng lắm; theo voi không chỉ dựa dẫm vào sức mạnh của voi mà còn nhặt nhạnh được lợi lộc rơi vãi của nó.

Thực ra, thâm ý của dân gian không dừng ở đó. Voi ăn các loại cây cỏ nhưng tiêu hóa không hoàn toàn. Trong phân voi vẫn còn nguyên sợi xơ thô, thân bã thực vật (người Thái Lan có nghề làm giấy thủ công lấy nguyên liệu đã được “sơ chế” từ phân voi). Từ sự quan sát ấy, ý dân gian muốn ám chỉ kẻ “theo voi hít bã mía” nhưng “bã mía” chẳng thấy đâu, có chăng chỉ là “bã mía” ở trong đống phân voi mà thôi! Và “hít” ở đây vừa có nghĩa dùng răng, lưỡi để chắt, ép lấy chút “cái ngọt thừa” của bã mía tươi, vừa ám chỉ “hà hít” đống bã mía đã được “sơ chế” bởi ông voi khổng lồ kia! (Thế nên, dị bản “Theo voi hít bã mía” hay hơn “Theo voi ăn bã mía” nhiều).

Cũng cần nói thêm về nghĩa bóng. Dân gian không nói chuyện “hùa theo, a dua” (cùng một giuộc, cùng phe cánh) như cách hiểu của GS Nguyễn Lân và nhóm Vũ Dung mà là theo đuôi (làm tay sai, cơ hội, nịnh bợ) kẻ có sức mạnh, quyền thế, hòng kiếm chác chút lợi lộc rơi vãi. Tuy nhiên, kẻ tưởng bở, theo đuôi, cơ hội chẳng những không xơ múi được gì mà có khi còn bị đổ thừa, hứng chịu những hệ lụy khôn lường.

Cái thâm thúy của dân gian là vậy.

Hoàng Tuấn Công

Từ khóa » Theo Voi ăn Bã Mía Tiếng Anh Là Gì