Giải Mã Những Ký Hiệu Viết Tắt Trên Xe ô Tô - Tin Tức

Mỗi hãng mỗi kiểu, đôi lúc các chữ viết tắt gắn trên ôtô như đánh đố người tiêu dùng. Cùng chỉ một công nghệ mà Honda thì có VTEC, Toyota gọi là VVT-i còn BMW khó hiểu hơn với VANOS.

Trong bài trước, chúng ta đã cùng phân biệt các loại xe dựa theo kiểu dáng. Bài viết này sẽ tiếp tục giải mã những ký hiệu viết tắt có phần khó hiểu và lạ kỳ mà các hãng xe áp dụng cho mỗi công nghệ trên xe hơi.

Từ khi khai sinh cách đây 120 năm, xe hơi kéo theo hàng loạt những thuật ngữ, từ viết tắt mà dần dà chúng trở thành ngôn ngữ của riêng sản phẩm này. Trên một mẫu xe hay một công nghệ bao giờ cũng cũng có chữ viết tắt đính kèm. Chẳng hạn, động cơ V8 hay V6, chống bó cứng phanh ABS (Antilock brake system), điều hòa (A/C- Airconditioning), SRS (túi khí) đã trở nên rất quen thuộc.

Tuy nhiên, có những từ viết tắt như thách thức hiểu biết của mọi người và rắc rối ở chỗ chúng vẫn chỉ là một công nghệ, hay một thiết bị nào đó. Dường như, mỗi khi sáng tạo hay cải tiến cái gì mới, các hãng lại cố nghĩ cho nó một cái tên để không bị lẫn với đối thủ khác. Tương tự như vậy, sản phẩm cũng có "đuôi" theo sau khiến nhiều người mua xe hàng chục năm mà không hiểu hết ý nghĩa của những từ viết tắt đó.

Không chỉ "dân thường", những kỹ sư sừng sỏ trong làng công nghệ hay giới am hiểu ôtô đôi lúc cũng phải bó tay trước từ viết tắt. Nhiều lúc, các hãng phát minh ra một từ chẳng liên quan gì đến kỹ thuật mà chỉ chăm chăm vào mục đích marketing. Không những vậy, có những tình huống oái oăm như cụm từ công bố chính thức lại chẳng có trong sổ tay sử dụng. Vì vậy, nếu không hiểu những gì hãng nói, cách tốt nhất là bạn hãy gắn cho chúng một ý nghĩa chung chung.

Dưới đây là những từ trên các mẫu xe phổ biến:

Hệ thống điều chỉnh trục cam: General Motor gọi nó là VVT (variable valve timing - biến thiên thời điểm đóng mở van nạp). Toyota sau khi cải tiến thì gọi thành VVT-i, với chữ "i" lấy từ từ " intelligent - thông minh". Honda gọi nó là VTEC, viết tắt từ cụm từ "Variable Valve-Timing and Lift Electronic Control", tích hợp trên động cơ của Honda Civic. BMW phức tạp hơn khi gọi công nghệ này là VANOS còn Subaru không chịu kém cạnh dưới cái tên dài ngoằng Dual AVCS (active valve control system)

Tất cả chúng đều ám chỉ quá trình tác động vào thời điểm mở và đóng van động cơ, thông qua trục cam. Tuy nhiên, mỗi hãng ứng dụng dưới một hình thức, tác động vào một hay nhiều thông số nên tên gọi cũng vì thế mà khác nhau. Một vài hãng dựa vào áp suất dầu động cơ để thay đổi vị trí trục cam theo trục khuỷu, trong khi có hãng lại dùng các con đội.

Hệ thống cân bằng điện tử: Đây là công nghệ do hãng thiết bị nổi tiếng Bosch phát minh và được Mercedes sử dụng trên các mẫu xe hạng sang cao cấp S-class. Tên gọi đầu tiên của hệ thống này là ESP (Stabilitätsprogramm - chương trình cân bằng điện tử) nhưng sau đó Bosch thương mại hóa dưới cái tên ESC (Electronic Stability Control). ESC hoạt động bằng cách can thiệp vào phanh, giảm công suất động cơ trong trường hợp một trong các bánh mất độ bám đường. ESC chỉ là công cụ để lái xe giữ chắc tay lái và nó không thể thắng được các quy luật vật lý.

Dù Bosch, một hãng thứ ba phát minh ra kỹ thuật này, ESC vẫn bị cách điệu thành những cái tên khác như VSA (Vehicle Stability Assist - hệ thống hỗ trợ cân bằng) của Audi, VDC (Vehicle Dynamic Control - kiểm soát động lực xe), DSC (Dynamic Stability Control - kiểm soát cân bằng động lực). Thậm chí, Maserati, hãng siêu xe của Italy, chuyển nó thành riêng của mình là MSP (Maserati Stability Program). Nếu không chú ý, rất nhiều người lầm tưởng những chữ cái này thể hiện cho các công nghệ hoàn toàn khác nhau.

Động cơ diesel: Do không mấy phổ biến nên nhiều hãng phải đặt thêm hậu tố để chỉ loại động cơ này trên các mẫu xe của mình. BMW nhanh chân chọn một cách đơn giản là dùng chữ "d" phía sau tên như BMW 525d. Mercedes thì dùng cụm từ CDI (Common rail Direct Injection) còn Ford thì dùng thuật ngữ TDCi. Nhà sản xuất Italy Fiat sử dụng cụm từ JTD.

Renault của Pháp có dCi, GM đảo trật tự của Ford thành CDTi (dành cho những chiếc xe của Fiat, hồi hai hãng này vẫn còn liên kết với nhau). Hyundai sở hữu ký hiệu CRDi, Mitsubishi là DI-D còn Peugeot là HDi. Toyota, hãng xe lớn thứ hai thế giới chọn chữ D4-D cho các động cơ diesel của mình.

Đặt tên xe bằng chữ cái: Những chữ viết tắt trên thiên về kỹ thuật còn có thể dịch ra, nhưng với các ký tự dùng cho từng phiên bản xe thì không hãng nào giống hãng nào. Ví như Mercedes quy định các kiểu xe là SLR (Sport Light Race), SLK (Sport Light Compact), CLS (Classic Light Sport), SL (Sport Light).

Những sản phẩm của Lexus thì theo thứ tự trong bảng chữ cái mà cao cấp dần như IS, ES rồi GS, LS (chữ S thể hiện cho loại sedan). Ở dòng thể thao đa dụng thì là có hậu tố là "X" và độ lớn cũng tăng dần theo chữ cái, bắt đầu từ RX rồi đến GX và cỡ lớn nhất là LX.

Trào lưu dùng chữ cái làm tên rở rộ thì cùng là lúc tranh chấp thương mại diễn ra. Cuối tháng trước, Infiniti, hãng xe hạng sang của Nissan đã thua kiện BMW tại Canada do sử dụng tên "M6" để đặt cho gói thiết bị dành cho chiếc sedan G35. Trong khi đó, M6 là dòng xe thể thao cao cấp của BMW và đã được đăng ký bản quyền. Kết cục, Infiniti bị cấm đả động đến ký hiệu "M6" trong bất cứ tình huống nào, trong cả hóa đơn, chữ ký hay quảng cáo.

Những chữ đi sau để chỉ từng phiên bản như DX, XLT, SE, ELX, HLX thì vô số và chỉ nhà sản xuất mới hiểu ý nghĩa và biết chúng viết tắt của chữ gì, bởi không có quy định bắt buộc. Cụm ELX, HLX chỉ dùng trên xe Fiat còn XLT dùng trên xe Ford. Thông thường, GL được mặc định ám chỉ cho từ "Grand Luxe - sang trọng cao cấp" của tiếng Pháp. DX chỉ "Deluxe - sang trọng" còn SE là viết tắt của "Sport Edition - phiên bản thể thao".

4WD, 4x4 (4 wheel drive): Dẫn động 4 bánh (hay xe có 4 bánh chủ động).

ABS (anti-lock brake system): Hệ thống chống bó cứng phanh.

AFL (adaptive forward lighting): Đèn pha mở dải chiếu sáng theo góc lái.

ARTS (adaptive restraint technology system): Hệ thống điện tử kích hoạt gối hơi theo những thông số cần thiết tại thời điểm xảy ra va chạm.

ACT (Air Charge Temperature): Nhiệt độ khí nạp

ANS (Anti-Noise System): Hệ thống chống ồn.

ASR (Anti-Spin Regulation): Sự điều khiển chống trượt.

A-pillar: Trụ đỡ khung cửa phía trước.

ATF (Automatic Transmission Fluid): Dầu hộp số tự động.

BA (brake assist): Hệ thống hỗ trợ phanh gấp.

BDC (Bottom Dead Centre): Điểm chết dưới trong xi-lanh động cơ

B-pillar: Trục ở giữa khung xe.

CATS (computer active technology suspension): Hệ thống treo điện tử tự động điều chỉnh độ cứng theo điều kiện vận hành.

CDI (Capacity Discharge Ignition): Hệ thống đánh lửa điện dung, hay dùng cho động cơ diesel.

CVT (continuously vriable transmission): Cơ cấu truyền động bằng đai thang tự động biến tốc vô cấp.

Dạng động cơ I4, I6: Gồm 4 hoặc 6 xi-lanh xếp thành 1 hàng thẳng.

Dạng động cơ V6, V8: Gồm 6 hoặc 8 xi-lanh, xếp thành 2 hàng nghiêng,mặt cắt cụm máy hình chữ V.

DOHC (double overhead camshafts): 2 trục cam phía trên xi-lanh.

DSG (direct shift gearbox): Hộp điều tốc luân phiên.

EBD (electronic brake-force distribution): Hệ thống phân bổ lực phanh điện tử.

EDC (electronic damper control): Hệ thống giảm xóc điện tử, giúp loại gần như hoàn toàn độ trễ và thay đổi theo điều kiện địa hình và điều kiện lái.

EFI (electronic fuel Injection): Hệ thống phun xăng điện tử.

ESP (electronic stability program): Hệ thống tự động cân bằng điện tử.

iDrive: Hệ thống điều khiển điện tử trung tâm.

IOE (intake over exhaust): Van nạp nằm phía trên van xả.

OHV (overhead valves): Trục cam nằm dưới và tác động vào van qua các tay đòn.

SOHC (single overhead camshafts): Trục cam đơn trên đầu xi-lanh.

SV (side valves): Sơ đồ thiết kế van nghiêng bên sườn.

Turbo: Thiết kế tăng áp của động cơ.

Turbodiesel: Động cơ diesel có thiết kế tăng áp.

VSC (vehicle skid control): Hệ thống kiểm soát tình trạng trượt bánh xe.

VVT-i (variable valve timing with intelligence): Hệ thống điều khiển van nạp nhiên liệu biến thiên thông minh.

TST Corporation (tổng hợp)

Từ khóa » Viết Tắt Của Oto