Giải Mã Vụ án Mang Bí Số H122 - Sự Kiện Nhân Chứng

Trong hơn một tháng, việc bắt bớ người diễn ra tràn lan. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã bị bắt và thẩm vấn. Diện nghi vấn đã lan đến một số cán bộ chỉ huy trung đoàn và cán bộ tham mưu liên khu. Trước tình hình ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao trọng trách cho đồng chí Trần Đăng Ninh trực tiếp chỉ đạo Nha Công an Trung ương điều tra, làm rõ sự việc...

Sau 3 tháng, vụ việc được làm sáng tỏ đã chứng minh đây là một chiêu bài ly gián của thực dân Pháp. H122 trở thành vụ án oan lớn nhất trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, là bài học kinh điển cho cả ngành công an và tình báo quân đội.

H122 VÀ NGƯỜI GIÁM MÃ

Đoàn công tác gồm cán bộ của Ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân khu Việt Bắc, Nha Công an Trung ương, Sở Công an Liên khu Việt Bắc, Liên khu ủy Việt Bắc và các tỉnh ủy nơi có vụ án ngay khi nhận nhiệm vụ đã gấp rút tìm hiểu, thu thập tài liệu về vụ án cũng như những người có liên quan. Trước đó, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Trần Đăng Ninh đã ra lệnh tạm ngừng các vụ bắt bớ. Ông yêu cầu các thành viên đoàn công tác không kể ngày đêm, không có ngày nghỉ, cố gắng giải quyết xong vụ án trước khi giặc Pháp có thể mở trận tấn công Thu Đông.

Ông Hà Minh Quốc, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhớ lại: Những tuần đầu, chúng tôi không phát hiện ra điều gì mới, vì những người bị bắt vẫn khai với chúng tôi đúng như họ đã thú nhận trước đây với cán bộ điều tra của quân khu. Khi kiên trì nghiên cứu các hồ sơ khai báo và trực tiếp nghe lại cặn kẽ lời cung khai của từng người bị bắt, chúng tôi thấy lời cung của nhiều người gần giống nhau. Ai cũng nhận mình là gián điệp Pháp và là đảng viên Quốc dân Đảng. Về tổ chức Quốc dân Đảng, họ đều khai giống nhau: Hệ thống phản động đó có từ chi bộ ở đại đội lên Tiểu đoàn ủy, Trung đoàn ủy...

Giám đốc Nha Công an Trung ương Lê Giản đã cử cán bộ gặp người tự nhận là H122 và đến xem xét nơi tên “gián điệp” nhận đã làm hiệu cho máy bay bắn phá, rồi trực tiếp dự thẩm vấn, thì thấy “tên gián điệp H122” không có vẻ gì là ghê gớm, mà giống một anh nông dân, nom vẻ khù khờ. Anh này vốn là giám mã của bộ tư lệnh quân khu. Nơi anh ta nhận “vẫy khăn trắng” làm hiệu cho máy bay là một cái sân nhỏ rộng bằng bốn cái chiếu, xung quanh cây cối um tùm, đứng trên cao cũng khó có thể nhìn thấy được. Một hôm, khi thấy máy bay địch bay qua khu vực đóng quân của cơ quan, anh vội chạy ra cất chiếc khăn mặt trắng phơi ở dây ngoài sân và kêu lên “máy bay, máy bay”. Có người trông thấy cho rằng người giám mã vẫy khăn làm hiệu cho máy bay địch, báo cho cán bộ điều tra. Thế là anh bị bắt.

Ngoài ra, bị bắt và đang bị tra hỏi còn có một cô gái tên là H., với biệt hiệu là cô “cây đa áo tím”. Cô cùng mẹ tản cư từ miền xuôi lên, mở một cửa hàng giải khát bên cạnh cây đa cổ thụ ở Cao Vân trên đường Đại Từ đi đèo Khế. Hàng cô rất đông khách: Cán bộ, bộ đội qua lại, ra vào nhộn nhịp. Cô bị nghi ngờ là một cơ sở của địch, tổ chức để dò la tin tức và làm trạm liên lạc. Một tổ điều tra của công an được phái tới quán hàng khám xét, tìm thấy khá nhiều thư của một số cán bộ quân đội, đoàn thể, chính quyền gửi cho cô, trong đó có nhiều điểm điều tra viên nghi vấn là những điều bí mật. Ông Hà Minh Quốc kể lại: “Chúng tôi đã mở rộng điều tra ra các hướng để xem xét có mối quan hệ nào giữa tổ chức của địch trong và ngoài quân đội, nhất là tìm hiểu mối quan hệ của cô H. và một số quân nhân bị bắt. Sau khi nghiên cứu kỹ thì thấy cô H. là một cô gái trẻ, đẹp, hay mặc áo tím duyên dáng nên hàng cô thu hút được nhiều khách. Không ít cán bộ, bộ đội thường xuyên ra vào vừa để ăn uống, vừa để có dịp đùa cợt, tán tỉnh. Đọc nội dung các thư gửi đến cho cô, phần lớn không ngoài mục đích tán tỉnh, tỏ tình. Một số người xưng danh, khoe khoang chức vụ, đơn vị công tác, làm lộ địa điểm cơ quan, đơn vị v.v.. cũng chỉ là mong người đẹp để ý đến mình! Nếu là cơ sở của địch thì cô H. chắc không khi nào lại lưu giữ các bức thư như vậy”.

Theo lời kể của ông Quốc và những ghi chép của đồng chí Lê Giản, nhiều nghi vấn được đặt ra: Hàng trăm người bị bắt, gián điệp ở đâu mà nhiều vậy? Bọn gián điệp của đế quốc có hoạt động xô bồ như thế này không? Đâu là gián điệp? Đâu là đảng phái phản động? Đã có nơi nào bọn tình báo đế quốc phối hợp hành động với các đảng phái phản động? Quân đội ta, một quân đội cách mạng được xây dựng gồm những quần chúng cơ bản trong công nhân, nông dân, thanh niên, học sinh được Đảng và Bác Hồ chăm lo giáo dục, rèn luyện, đã được thử thách qua chiến đấu, có thể nào lại có nhiều người dễ bị lung lạc đến thế? Làm thế nào bọn đảng phái phản động có thể dễ dàng chui được vào Quân đội ta, lôi kéo được nhiều người theo chúng để tổ chức ra một hệ thống tổ chức từ đại đội đến trung đoàn? Vậy thì lời khai của những người bị bắt đúng hay sai? Tại sao họ lại dám nhận lấy những tội ác đó?...

GIẢI MÃ BÍ MẬT H122

Với kinh nghiệm thực tế bị tù đày nhiều lần, chỉ trong một thời gian ngắn phụ trách Nha Công an, đồng chí Trần Đăng Ninh đã chỉ đạo bộ phận điều tra, rà soát kỹ, thẩm tra lại vụ án. “Đoàn công tác dần dần phát hiện ra sở dĩ vụ án lan rộng, bắt bớ tràn lan vì cán bộ điều tra thiếu kinh nghiệm, áp dụng những biện pháp thô bạo như dùng nhục hình, mớm cung, ép cung, nên người này khai ra người khác, đơn vị này lan sang đơn vị khác. Ông cũng yêu cầu đồng chí Lê Giản chọn những cán bộ công an có trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm vững vàng tham gia đoàn kiểm tra. Ông yêu cầu các cán bộ tham gia công tác kiểm tra phải thật cụ thể, khách quan, thận trọng, tôn trọng chứng cứ, tránh suy diễn tùy tiện, phải thực sự mạnh dạn nêu ý kiến nếu phát hiện nghi vấn khác”-ông Quốc kể.

Thật vậy, anh giám mã của cơ quan quân khu đã trở thành “gián điệp H122” vì khi thấy máy bay địch bay qua khu vực đóng quân của cơ quan, anh vội chạy ra cất chiếc khăn mặt trắng phơi ở dây ngoài sân và kêu lên “máy bay”. Bị bắt, bị tra tấn đau quá, theo lời mớm cung và truy ép, anh phải nhận làm nội gián cho Pháp, làm ám hiệu cho máy bay, rồi nhận là H122. Hỏi đến tổ chức, lại bị tra tấn, anh ta khai liều ra một số cán bộ, chiến sĩ đến công tác ở quân khu mà anh ta đã quen biết. Những người này bị bắt, bị truy ép và tra tấn lại khai ra những người mới.

Anh V., trưởng ban tình báo một trung đoàn cũng ở trong số những người bị bắt. Anh vốn là một thanh niên có tính ba hoa, thích ăn chơi. Bị tra khảo nhiều, anh dựa vào tổ chức của Đảng ta trong quân đội, khai ra hệ thống tổ chức Quốc dân Đảng từ đại đội đến trung đoàn cũng giống như của Đảng ta. Vốn là trưởng ban tình báo trung đoàn, bị tra tấn và ép cung, anh nhận mình là trưởng ban ám sát của Trung đoàn ủy Quốc dân Đảng, đang âm mưu ám sát “ông nhất”, “ông nhì” của quân khu. V. khai ra một số đông bạn bè bị bắt, qua đặc tính từng người, đặt cho họ một bí danh, ví dụ anh A hay uống rượu, cao 1,7m thì gọi là R170, anh B nghiện thuốc lào cao 1,65m, V. cho bí danh là TL165, rồi tìm cách thông tin cho người mình khai. V. thuộc lòng bí danh từng người để mỗi lần bị tra hỏi lại, đều khai đúng như trước, nên cán bộ điều tra tin là thật. V. khai ra nhiều bạn bè, kể cả cấp trên, hy vọng rằng những người này bị bắt sẽ được tha, thì mình cũng được tha...

Sau gần ba tháng làm việc căng thẳng, đoàn kiểm tra từng bước tiếp cận được sự thật và cuối cùng đi đến kết luận: Không có gián điệp H122 và cũng không có tổ chức Quốc dân Đảng chui vào Quân đội ta, vì Quân đội ta gồm những thanh niên yêu nước hầu hết thuộc thành phần cơ bản, tình nguyện tham gia lực lượng vũ trang kháng chiến chống Pháp, được Đảng và Bác Hồ giáo dục, rèn luyện tốt và tổ chức chặt chẽ, không có tổ chức phản động nào có thể chui vào để thành lập một hệ thống từ dưới lên trên được. Do sơ hở của ta, ở một vài nơi nào đó không loại trừ khả năng có những tên phản động lọt được vào hàng ngũ ta để dò la tin tức hoặc phá hoại, điều này cần được theo dõi và thẩm tra thêm. Nhưng việc địch tổ chức được một hệ thống gián điệp tràn lan trong các đơn vị bộ đội ta thì không thể có được.

Vì vậy, đa số những quân nhân bị bắt là vô tội, không có vấn đề chính trị phản động hoặc hoạt động cho địch, được trở lại công tác. Nhiều đồng chí trong số này sau đã trở thành cán bộ trung cấp và cao cấp của quân đội. Còn những cán bộ có trách nhiệm điều tra vụ án phạm sai lầm đã bị xử lý kỷ luật thích đáng.

TUẤN TÚ

Từ khóa » điệp Viên H122