Lại Chuyện án Oan - Báo Sức Khỏe & Đời Sống

Thực tình, câu chuyện này không còn mới nữa. Đã bao nhiêu người dân lành, vô tội bị án oan. Điều này đã xảy ra từ ngàn xưa rồi. Cụ Nguyễn Du đã từng xót thương những số phận đau xót ấy: “Cũng có kẻ mắc oan tù rạc - Gửi thân vào chiếu nát một manh - Tấm thân vùi rấp góc thành - Biết ai cởi mối oan tình ấy cho...”. Cụ Nguyễn Du sống ở thế kỷ 19, trong một xã hội phong kiến tàn bạo và thối nát. Bây giờ chúng ta đã ở thế kỷ 21, lại ở trong một xã hội tốt đẹp, xã hội “công bằng, dân chủ và văn minh” mà sao những người oan khuất lại đông đến thế. Nhiều kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đã thẳng thắn đưa vấn đề án oan ra để chất vấn các vị Bộ trưởng ngành pháp luật. Chất vấn rất thẳng thắn, nghiêm túc, cởi mở và dân chủ để tránh những án oan, khổ đau cho người dân vô tội. Nhiều đại biểu còn bàn về cách khắc phục, như cho luật sư được chứng kiến những cuộc hỏi cung, hay lắp camera để tránh bạo hành và ép cung. Đấy là những việc làm rất đúng, rất cần được ghi nhận của Quốc hội.

Bản thân tôi cũng đã lên tiếng khá nhiều trong các bài viết về những vấn đề này. Gần đây, ông Tôn Ái Nhân cũng lại lên tiếng về những vụ án oan. Tôi đặc biệt chú ý đến bài viết của ông. Bởi ông là Đại tá công an, nhiều năm làm trong ngành luật pháp. Ông có cái nhìn trung thực, khách quan của người ở trong cuộc. Theo ông Tôn Ái Nhân, từ ngày thành lập nước đến nay, ngành luật pháp đã có rất nhiều cố gắng, nhưng cũng không tránh khỏi oan sai. Bỏ qua các vụ án oan trong thời kỳ diệt tề trừ gian và Cải cách ruộng đất. Thời chống Pháp, nổi lên là vụ địch đã tung đòn phản gián tạo ra vụ H122 làm ta bắt oan hàng trăm người. Sau Bác Hồ chỉ thị đồng chí Trần Đăng Ninh trực tiếp sửa sai. Vụ ông Ngô Cường, Trưởng ty Công an Quảng Yên bị bắt oan khiến ông phải tự minh oan bằng cách mổ bụng tự tử tới hai lần. Đau xót vậy mà mãi sau này ông mới được minh oan! Sau hòa bình, ngành luật pháp đã cải tiến nhiều, nhưng án oan về chính trị và hình sự vẫn tiếp diễn. Vụ Võ An Khang ở Nhà máy gỗ Cầu Đuống nghi mâu thuẫn nội bộ giết nhau bắt oan một cấp phó, nhưng thực ra ông ta tự tử. Vụ giết chị Là ở Đông Triều khiến 3 công dân lương thiện phải tù oan tới 11 năm. Điều đáng nói là 3 công dân này vào tù tháng nào cũng viết 3 đơn kêu oan gửi tới 3 cơ quan Công an, Tòa án và Viện Kiểm sát. Đơn kêu oan suốt 11 năm lên tới hàng vạn, khiến ông Hoàng Quốc Việt lúc đó làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phải thốt lên: “Nếu không bị oan thì liệu họ có kiên trì viết đơn nhiều đến thế”. Và ông đã chỉ thị cho Công an khu Hồng Quảng điều tra lại. Cái đặc biệt của vụ án là đồng chí trực tiếp điều tra sai trước đây lại tình nguyện xin điều tra lại để tìm cái sai của chính mình. Kết quả vụ án là chồng giết vợ đã ra tự thú. Ba công dân bị oan được tha. Vụ này đã đưa vào giáo trình giảng dạy ở trường Công an. Cũng theo ông Tôn Ái Nhân, về án chính trị, có vụ Đinh Kim Chi ở Hà Nội, với tội danh gián điệp vì trên nóc nhà có điện đài, tòa tuyên phạt 8 năm tù. Mãi sau một lãnh đạo mạng tình báo trong Nam ra xác nhận ông là tình báo hoạt động đơn tuyến bí mật cho ta. Nhưng hỡi ôi! Khi ông được tự do thì đã ngồi tù hơn 6 năm. Và điều bất hạnh nữa là ông chỉ hưởng tự do được 2 tháng thì bị tử nạn do giao thông! Đau đớn nhất, theo ông Tôn Ái Nhân, có lẽ là vụ ông Nguyễn Văn Phổ (con trai học giả Nguyễn Văn Vĩnh, anh trai nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp) bị tù oan đến 17 năm (từ 1955 - 1972) vì tội gián điệp, khiến gia đình khổ sở, điêu đứng... Vợ bỏ đi tu, các con học giỏi nhưng không được vào đại học, anh em, họ hàng đều liên đới không được vào cơ quan nhà nước. Tới khi nhà chỉ huy tình báo Mười Hương trong Nam ra mới minh oan công nhận ông Nguyễn Văn Phổ là tình báo quân đội. Năm 1998, ông Phổ được Nhà nước tặng Huân chương Chiến thắng. Song, rất tiếc là ông đã mất trước đó 7 tháng. Chị Nguyễn Phương Mỹ con gái ông đã viết bài: “Phía sau tấm huân chương!” để khóc cha vô cùng xúc động. Dù vậy, đến nay căn nhà xưa ở phố Liên Trì, Hà Nội của gia đình ông vẫn chưa về với chủ cũ.

Lại chuyện án oanCụ ông Trần Văn Thêm - 81 tuổi (thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh) mới được minh oan sau gần nửa thế kỷ mang án giết người.

Thật xót xa!

Cũng theo ông Tôn Ái Nhân, từ khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất đến nay, án oan không giảm mà lại tăng nhiều, chỉ tính những năm gần đây mà báo chí rầm rộ nêu ra đã có tới gần chục vụ mà toàn vụ nghiêm trọng, đều là án tử cả, như vụ Lê Duy Mạnh ở Thanh Hóa bị án tử, bị  tù 11 năm mới được tha, vụ Trần Văn Chiến ở Tiền Giang tù oan hơn 16 năm mới được tự do. Vụ Bùi Minh Hải ở Đồng Nai cũng án tử nhưng chưa thi hành án thì tìm ra thủ phạm chính nên được xóa án. Gần đây, báo chí rộ lên nhiều là vụ án “Vườn điều” của ông Huỳnh Văn Nén ở Ninh Thuận bị tù oan 12 năm tới năm 2015 mới được tha, hay vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang tù oan hơn 17 năm mới được tự do và đền bù 7 tỷ. Có vụ án tử hình lại đầy uẩn khúc, éo le và rắc rối như vụ Hồ Duy Hải ở Long An mà mẹ tử tù là bà Loan suốt 7 năm đội đơn đi kêu oan cho con đã phải thốt lên “Họ cố tình buộc tội chết cho con tôi để thế mạng cho ai đó, chứ thực tình con tôi không có tội”. Cho tới trước lúc chuẩn bị thi hành án thì bà vội bay ra Hà Nội đến Quốc hội kêu oan cho con đề nghị điều tra lại. Cuối cùng Hồ Duy Hải được tha bổng, vì vô tội. Vụ này đã được bà Lê Thị Nga, đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn Chánh án Tối cao tại kỳ họp Quốc hội năm 2015. Lại có vụ xử đi xử lại 2, 3 lần vẫn án tử, nhưng cuối cùng lại được minh oan như vụ án “Vườn mít” của Lê Bá Mai ở Bình Phước, vụ Nguyễn Minh Hùng ở Tân Tiến, Tây Ninh,... Những vụ án oan như thế khó mà kể hết được!...

Đặc biệt, có vụ không phải án tử, nhưng lại là một nỗi đau khủng khiếp đối với bà Đỗ Thị Hằng phường Mỹ Đô - Bắc Giang bị xử 12 năm tù vì tội lừa bán chị Liễu sang Trung Quốc. Sau chị Liễu trốn về thấy bà bị oan, liền vạch mặt thủ phạm chính và rủ bà Hằng đi kiện. Bà được tha sau 5 năm 6 tháng tù oan. Nhưng khi trở về thì hỡi ơi! Người chồng yêu quý đã quá tủi nhục mà quẫn trí tự tử, con bà không ai chăm sóc, dạy dỗ đã hư hỏng đứa vào tù, đứa ung thư không tiền cứu chữa. Án oan đã biến cả gia đình bà Hằng thành bi kịch đầy tang  tóc xót xa!

Để giảm bớt và tiến tới chấm dứt các vụ án oan, theo ông Tôn Ái Nhân, việc đầu tiên Nhà nước phải xây dựng, củng cố và kiện toàn bộ máy quyền lực ở các cơ quan thừa hành luật pháp mà trước hết là yếu tố con người. Cán bộ, nhân viên các cơ quan này phải được tuyển chọn, sàng lọc kỹ, phải có học thức cơ bản, không chỉ giỏi nghiệp vụ có năng khiếu điều tra mà còn luôn được giáo dục tính thượng tôn pháp luật và nhất là phải có lòng nhân ái, luôn thực sự cầu thị, biết yêu thương con người. Tuyệt đối không sử dụng kẻ bất tài, hiếu thắng, học hành không đến nơi, đến chốn, hám danh lợi, mê thành tích làm ăn tắc trách, thì chính họ sẽ là kẻ đi gieo tai họa cho dân lành. Bởi một công nhân tồi quá lắm làm ra cho xã hội những sản phẩm kém chất lượng, nhưng với nhà thi hành luật pháp tồi thì không những làm hỏng cuộc đời người khác mà còn bao người thân trong gia đình họ phải điêu đứng khốn khổ nữa! Do vậy, người điều tra gây ra án oan cũng phải bị trừng phạt thật nghiêm mới răn đe được những kẻ làm ăn tắc trách. Và cách trừng phạt ấy, có lần tôi cũng đã mạo muội đề xuất, là phải yêu cầu họ lấy tiền của nhà mình ra mà đền bù, chứ không thể lấy tiền đóng thuế của dân để đền bù cho cách làm ăn cẩu thả của một người hay một nhóm người. Cùng với việc đền bù bằng tiền bạc ấy, họ còn phải chịu phạt tù giam bằng một nửa số năm tù mà họ đã giáng xuống đầu người dân vô tội. Phải trừng phạt nghiêm khắc như thế mới tránh được nạn làm ăn tắc trách dẫn đến án oan.

Ông Tôn Ái Nhân còn có một đề xuất khá hay là các cơ quan pháp luật nên tổng kết các vụ án oan để hội thảo rút kinh nghiệm, có thể in thành sách lưu hành nội bộ để làm bài học không chỉ cho hôm nay mà cả thế hệ mai sau lấy đó để tránh. Hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật sai lầm để sửa chữa, chứ không chỉ toàn ngợi ca thành tích mà bỏ hết sai lầm, thế là rải thảm đỏ lên hố sâu để người sau lại vấp ngã. Việc công khai hóa các sai lầm tức là thực sự cầu thị để tránh sai lầm. Vì công luận trên truyền thông và báo chí cũng là quyền lực góp phần tìm chân lý vạch ra những oan sai để bênh vực cho công dân vô tội. Một nước thực sự văn minh, dân chủ thì luôn coi trọng vấn đề này. Nhất là những vụ trọng án khi đã đưa vào vòng quay tố tụng không chỉ làm từng bước thận trọng, kỹ càng mà còn nên có nhiều phản biện gay gắt để tìm chân lý, kể cả việc kiểm tra chéo các cơ quan pháp luật với nhau. Nên chăng cho phép các nhà có kinh nghiệm điều tra thành lập các nghiệp đoàn thám tử tư công khai cho các bị can được thuê thám tử tư điều tra tìm chân lý để minh oan cho mình và có thêm tiếng nói khách quan với vụ án.

Tôi nghĩ đó là những gợi ý rất hay mà các cơ quan luật pháp rất nên tham khảo để bớt nỗi oan khiên đối với những người vô tội.

Từ khóa » điệp Viên H122